EU đạt đồng thuận về các chi tiết kỹ thuật của Đạo luật AI
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 05:19, 04/02/2024
EU đạt đồng thuận về các chi tiết kỹ thuật của Đạo luật AI
Các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) ngày 2/2 đã thống nhất về các chi tiết kỹ thuật của Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Act) của khối, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc chính thức điều tiết không gian AI đang phát triển nhanh chóng.
Các quốc gia đã đạt được thỏa thuận vượt qua sự dè dặt từ một số quốc gia, đặc biệt là từ Pháp, Đức, Áo và Ý. Sự chấp thuận được đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Hội đồng, các thành viên của Nghị viện Châu Âu và các quan chức của Ủy ban Châu Âu (EC).
Đạo luật AI của EU là gì?
Đạo luật này xoay quanh việc điều chỉnh không gian tiên tiến, phát triển nhanh chóng của AI. Đạo luật tạo áp lực cho các công ty AI với các nghĩa vụ liên quan đến quyền riêng tư, tính minh bạch và kiểm thử xác định sự ổn định và tính mạnh mẽ của hệ thống (stress testing). Đạo luật cũng nhằm mục đích cấm sử dụng AI trong một số lĩnh vực nhất định, chủ yếu là trong các trường hợp sử dụng được coi là có rủi ro cao.
Tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt cũng làm dấy lên lo ngại trong giới quan sát về việc tốc độ đổi mới AI ở các quốc gia EU đang chậm lại, điều này có thể mang lại lợi thế cho các công ty đối thủ ở Mỹ và Trung Quốc.
Với Đạo luật AI, EU là một trong những khối đầu tiên đưa ra các quy định về AI, ngay cả khi G7 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) không đạt được sự đồng thuận, với việc các tổ chức này khối phải tuân theo các hướng dẫn và quy tắc thực hành tự nguyện.
Những lo ngại của Đức, Pháp và các nước khác
Cách tiếp cận dựa trên rủi ro của Ủy ban Châu Âu đối với AI nhìn chung đã được đón nhận tích cực vào năm 2021, khi bộ quy tắc lần đầu tiên được trình bày, nhưng đã chịu áp lực vào cuối năm 2022, khi OpenAI ra mắt ChatGPT và gây ra một cuộc tranh luận toàn cầu về chatbot.
Nghị viện Châu Âu đã bổ sung một điều khoản mới với danh sách đầy đủ các nghĩa vụ nhằm đảm bảo các hệ thống này tôn trọng các quyền cơ bản vì kế hoạch của cơ quan điều hành EU không bao gồm các điều khoản đối với các mô hình nền tảng.
Đáp lại, Đức, Pháp và Ý đã đưa ra một đề nghị lại ủng hộ "sự tự điều chỉnh bắt buộc thông qua các quy tắc ứng xử" đối với các mô hình nền tảng.
Đức và Pháp đã ám chỉ rằng họ có thể cản trở việc thực thi Đạo luật AI. Áo tỏ ra dè dặt về các điều khoản bảo vệ dữ liệu trong khi Đức và Pháp lo ngại gánh nặng quy định có thể đè nặng lên các công ty tiên phong về AI của khối, như Mistral của Pháp và Aleph Alpha của Đức.
Ngay cả quốc hội EU cũng đang tranh luận về các điều khoản liên quan đến các quy tắc nhận dạng khuôn mặt trong Đạo luật AI.
Những e ngại được giải quyết như thế nào?
Nhờ các nỗ lực của EU, những lo ngại đã được giải quyết bằng cách tuyên bố thành lập Văn phòng AI của EU - một cơ quan có nhiệm vụ thực thi Đạo luật AI.
Ủy ban EU được cho là đã hứa với Đức, Pháp và Áo sẽ giải quyết mọi lo ngại của họ trước khi đưa ra tuyên bố chính thức.
Tiếp theo là gì?
Sau sự chấp thuận ngày 2/2, Nghị viện Châu Âu rất có thể sẽ bỏ phiếu trong các ủy ban Thị trường nội bộ và Tự do dân sự vào giữa tháng 2 và họp phiên toàn thể vào tháng 3 hoặc tháng 4. Sau đó, đạo luật dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay và bao gồm khoảng thời gian triển khai thực hiện lên tới 36 tháng. Các yêu cầu đối với mô hình AI sẽ bắt đầu được áp dụng sau 1 năm.
Luật chia hệ thống AI thành 4 loại chính tùy theo rủi ro tiềm ẩn mà các hệ thống gây ra cho xã hội.
Các hệ thống được coi là có rủi ro cao sẽ phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt sẽ được áp dụng trước khi các hệ thống vào thị trường EU. Sau khi sẵn sàng, chúng sẽ chịu sự giám sát của chính quyền quốc gia, được hỗ trợ bởi văn phòng AI bên trong Ủy ban Châu Âu.
Những khoản thuộc danh mục rủi ro tối thiểu sẽ không phải tuân theo các quy tắc bổ sung, trong khi những khoản được coi là rủi ro hạn chế sẽ phải tuân theo các nghĩa vụ minh bạch cơ bản./.