Xây dựng tòa soạn số để thực hiện CĐS toàn diện các hoạt động của cơ quan báo chí
Truyền thông - Ngày đăng : 08:58, 10/02/2024
Xây dựng tòa soạn số để thực hiện CĐS toàn diện các hoạt động của cơ quan báo chí
Chuyển đổi số (CĐS) báo chí, truyền thông là hoạt động phát triển các cơ quan báo chí, truyền thông theo hướng đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện hướng tới tòa soạn số, đóng vai trò trung tâm trong định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội trong tình hình mới.
Xây dựng tòa soạn số, ứng dụng công nghệ số là yêu cầu cấp thiết
Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ truyền thông số trong báo chí, truyền thông đã ngày một phổ biến. Công nghệ truyền thông số đang làm cho các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi theo hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng.
Báo chí, truyền thông Việt Nam đang dần chuyển dịch để bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên báo chí 4.0, do đó cần một mô hình tòa soạn mới để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển, phù hợp với dòng chảy chung của báo chí thế giới. Tòa soạn số trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện đại.
PGS. TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Việc xây dựng tòa soạn số, ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay đang trở nên cấp thiết. Xây dựng tòa soạn số, bản chất là thực hiện CĐS toàn diện các hoạt động của một cơ quan báo chí truyền thông.
PGS. TS. Trần Quang Diệu lưu ý đến các yếu tố cơ bản để cơ quan báo chí truyền thông thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, đó là: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; Gắn kết độc giả; Chuyển đổi, thay đổi và cải tiến quy trình; Công nghệ và phân tích; Quản lý dữ liệu.
Đặc biệt, yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tòa soạn số. Theo đó, cần đưa ứng dụng của công nghệ theo hướng thông minh, hiện đại và áp dụng các kỹ thuật mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)… trong việc vừa trợ giúp quản lý, vận hành, sản xuất, vừa hỗ trợ các hoạt động của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí.
“CĐS trong báo chí, truyền thông là hoạt động phát triển các cơ quan báo chí, truyền thông theo hướng đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện hướng tới tòa soạn số, đóng vai trò trung tâm trong định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội trong tình hình mới”, PGS. TS. Trần Quang Diệu nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nêu rõ: Xây dựng tòa soạn hội tụ, tòa soạn số để hướng tới CĐS báo chí một cách toàn diện là một trong những vấn đề cấp thiết của các cơ quan báo chí hiện nay. Đây là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí, truyền thông.
Việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình từ quản lý đến tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh..., tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới, đó là mục tiêu mà các cơ quan báo chí luôn phải hướng tới.
Báo chí làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức chuyển tải để mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc
Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, hiện nay, trong quá trình phát triển các cơ quan báo chí Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với các vấn đề, như: Nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn, có thể gây ra những tổn hại lớn; Ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội (MXH), thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.
Hơn nữa, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao. Sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm báo chí, truyền thông, nhưng đồng thời cũng là người tham gia vào quá trình truyền tải thông tin.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, MXH (Facebook, Zalo, Twitter, Youtube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí.
Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự CĐS tại các cơ quan báo chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang tập trung cho báo điện tử. Đặc biệt, yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc.
“Chính vì vậy, đòi hỏi báo chí truyền thông phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
PGS. TS. Trần Quang Diệu cũng cho biết, công nghệ truyền thông số tạo ra cơ hội cho các cơ quan báo chí, truyền thông ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức, sản xuất, phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông tới công chúng. Thông qua báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện, công chúng có thể tiếp cận tới thông tin qua nhiều nền tảng kỹ thuật số khác nhau như: truyền thông đại chúng, truyền thông Internet, MXH và truyền thông xã hội...
“Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi cách viết, cách trình bày, hình thức thể hiện… để đáp ứng và phù hợp với công chúng”.
Một vấn đề nữa, thời gian qua, việc đưa ứng dụng AI và big data vào hoạt động trong báo chí truyền thông đã và đang mang lại các ích lợi cho các cơ quan báo chí truyền thông. Nhưng cũng còn đó, các hệ lụy và tác động không tốt cho các cơ quan, báo chí truyền thông cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và sự tiếp nhận của công chúng. Bởi khác với con người, nếu sử dụng không phù hợp, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.
Do đó, mỗi cơ quan báo chí, truyền thông cần làm chủ công nghệ, chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Với mô hình truyền thống, công chúng phải tìm đến cơ quan báo chí truyền thông để tiếp cận thông tin thì hiện nay, thông tin được tìm đến công chúng thông qua kỹ thuật, công nghệ và từ thói quen của công chúng.
“Khi báo chí truyền thông dựa trên Internet và công nghệ số, công chúng có khả năng tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn đến các dòng thông tin, xóa nhòa “biên giới” trong môi trường truyền thông… Nhu cầu của công chúng đối với sản phẩm báo chí truyền thông theo yêu cầu, cá nhân hóa giao diện, cá nhân hóa cách tiếp cận thông tin đã tạo ra sân chơi mới cho các phương tiện báo chí truyền thông.”, PGS. TS. Trần Quang Diệu nhấn mạnh./.