Hiện thực hoá giấc mơ chip bán dẫn "Make in Viet Nam"

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 21:20, 11/02/2024

Một người Việt Nam sẽ cần ít nhất là 20 chiếc chip cho điện thoại, tivi, tủ lạnh… Với quy mô dân số 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung ứng chip cả trong và ngoài nước.
Make in Vietnam

Hiện thực hoá giấc mơ chip bán dẫn "Make in Viet Nam"

. 11/02/2024 21:20

Một người Việt Nam sẽ cần ít nhất là 20 chiếc chip cho điện thoại, tivi, tủ lạnh… Với quy mô dân số 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung ứng chip cả trong và ngoài nước.

chip-viet-nam.png
title-1-2568x522.jpeg

Ngày 28/09/2022, FPT Semiconductor - công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) chính thức công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam cung cấp chip thương mại.

Ngày 28/10/2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công chip 5G - một trong những công nghệ phức tạp nhất trong lĩnh vực làm chip.

Những thay đổi về địa chính trị trong năm 2023, vị trí trung tâm của Đông Nam Á và thiên hướng nghiên cứu, phát triển khoa học đã giúp ngành chip Việt Nam bước vào vị thế “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.

Mặc dù chip Việt có không ít ưu điểm vượt trội, tới thời điểm hiện tại, 100% thiết bị điện tử tại Việt Nam đều đang dùng chip nước ngoài. Điều này cho thấy con đường phía trước của ngành chip Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Tuy nhiên, để tận dụng được dư địa đó và hiện thực hóa giấc mơ chip bán dẫn “Make in Vietnam” đòi hỏi phải có những hướng đi phù hợp, trước mắt cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, và ban hành các chính sách ưu đãi cho hoạt động vi mạch bán dẫn.

chip-ban-dan-100-7392-1365x929.jpeg
(Đồ họa: NDO)
title-1-900x87.jpeg

PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, thực chất, ngành bán dẫn của Việt Nam đã manh nha từ năm 1979 khi nhà máy Z181 (Công ty TNHH một thành viên Điện tử Sao Mai) được thành lập. Tuy nhiên, khi đất nước rơi vào vòng xoáy chiến tranh-cấm vận, ngành bán dẫn đã không thể phát triển. Trong khi đó, với sự trợ giúp về vốn và công nghệ của Hoa Kỳ, ngành bán dẫn Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu phát triển nhanh chóng.

“Chúng ta đã bỏ lỡ một thời gian vàng khi Mỹ cần tối ưu chi phí sản xuất, phát triển đối tác chiến lược kinh tế công nghệ trong giai đoạn 1960-2000” - PGS, TS Nguyễn Đức Minh nhận định.

Ngày 16/1/2008, Việt Nam công bố con chip “make in” đầu tiên. Đây là sản phẩm của một nhóm giảng viên cùng các kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tuy mang theo nhiều kỳ vọng nhưng dấu ấn này đã không thành công về mặt thương mại.

Năm 2023, Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, hai nước ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với sự biến động đến từ dịch bệnh và địa chính trị, ngành bán dẫn của Việt Nam có cơ hội chuyển mình sau 45 năm chờ đợi.

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Minh, chuỗi công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu hóa rất cao với các trung tâm nghiên cứu phát triển, thiết kế vi mạch và các nhà máy sản xuất đóng gói trải rộng trên toàn thế giới dẫn đầu là Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

a-minh1-1080x720.jpeg
PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong đó, các khâu thiết kế tập trung ở Mỹ, sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc trong khi Nhật Bản và châu Âu cung cấp các công cụ, máy móc, nguyên vật liệu quan trọng. Tuy nhiên, sau các căng thẳng về chuỗi cung ứng bán dẫn liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và xung đột địa chính trị gần đây, các nước và các công ty hàng đầu đang có xu hướng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thiết kế mới ở các nước bản địa hoặc các nước khác ngoài Đài Loan (Trung Quốc).

“Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn này sẽ là cơ hội để Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn. Từ đó, làm tiền đề tăng năng suất, chất lượng, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong sản phẩm cũng như trong thu nhập”, PGS, TS Nguyễn Đức Minh đánh giá.

bo-tt-tt.png
cau-tao-chip-ban-dan.png
gach-ngang.png
title-2-900x87.jpeg

FPT là công ty đầu tiên tại Việt Nam sản xuất chip với mục đích thương mại. Trong 10 năm nghiên cứu, tập đoàn FPT đã phát triển khoảng 25 loại chip. Đa phần các dòng chip này đều thuộc công nghệ tầm trung với kích cỡ từ 28nm-130nm. “Chúng tôi lựa chọn công nghệ tầm trung bởi chi phí đầu tư rẻ, chi phí sản xuất rẻ, giá thành bán rẻ” - ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT giải thích ngắn gọn.

Ông cũng cho biết, lợi thế cạnh tranh đặc biệt của FPT với chip cùng phân khúc của các nước khác nằm ở công nghệ “may đo” chip độc quyền.

Cụ thể, nếu Đài Loan (Trung Quốc) chỉ có một mẫu chip bán để bán cho mọi khách hàng, mọi thiết bị thì FPT có khả năng cá nhân hóa thiết kế của chip theo mục đích sử dụng của khách hàng, chẳng hạn như chip nguồn riêng cho camera, chip nguồn riêng cho điện thoại, chip nguồn riêng cho máy in…

fpt2-3500x2334.jpeg
FPT có khả năng cá nhân hóa thiết kế của chip theo mục đích sử dụng của khách hàng.

Tuy nhiên, đây là một thị trường không quá lớn nhưng lại mất rất nhiều công. Do đó, các nước có ngành chip đã phát triển thường chỉ tập trung vào dòng chip công nghệ cao, ít ưu tiên lĩnh vực “may đo”. Những điều kiện này đã tạo ra một thị trường ngách cho Việt Nam, nhất là khi đất nước có lợi thế lớn về nhân lực.

Đi ngược lại xu thế bắt đầu từ khâu kiểm thử và đóng gói chip giống như nhiều nước trong khu vực, FPT lựa chọn thiết kế chip làm bước tiến đầu tiên. Cụ thể, trong 25 loại chip đã phát triển, các kỹ sư tại Việt Nam chỉ đảm nhận khâu thiết kế. Toàn bộ khâu sản xuất, đóng gói, thử nghiệm đều được thực hiện ở nước ngoài.

“Sản xuất chip là một bài toán quy có mô lớn, số tiền đầu tư có thể lên tới hàng tỷ đô la. Đây là cuộc đua tiêu tốn nhiều rất nguồn lực mà chúng ta khó có đủ khả năng để đầu tư” - ông Trần Đăng Hòa phân tích.

a-hoa-3-3500x2500.jpeg
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT.

Ngược lại, thiết kế chíp chủ yếu chỉ phụ thuộc vào con người. Việt Nam có 100 triệu dân với rất nhiều người giỏi toán, lập trình là điều kiện quan trọng để thành lập đội ngũ thiết kế chip.

Có chung quan điểm, PGS, TS Nguyễn Đức Minh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, trong các bước cơ bản của quy trình sản xuất chip bán dẫn là thiết kế, chế tạo, kiểm thử và đóng gói, Việt Nam nên tạm thời bỏ qua khâu chế tạo phiến bán dẫn trong giai đoạn 10 năm tới và tập trung vào khâu thiết kế, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển, thiết kế vi mạch với vốn đầu tư trong và ngoài nước.

“Khâu thiết kế tạo ra 50% giá trị gia tăng, sản xuất bao gồm sản xuất phiến bán dẫn tạo ra 24% giá trị gia tăng, còn đóng gói và kiểm thử tạo ra 6% giá trị gia tăng. Trong đó, sản xuất phiến bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư cực lớn, trình độ khoa học công nghệ và quản trị phát triển cao. Khâu thiết kế đòi hỏi khả năng đổi mới sáng tạo lớn tạo ra giá trị gia tăng lớn vì sở hữu các sản phẩm cuối cùng tạo ra doanh thu” - PGS, TS Nguyễn Đức Minh lý giải.

trong-nganh-ban-dan.png

Ngoài ra, theo chuyên gia của Đại học Bách khoa, đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng việc hình thành các nhà máy đóng gói, kiểm thử với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một bước đi phù hợp với Việt Nam.

Hiện nay động lực thị trường lớn nhất cho ngành công nghiệp chip bán dẫn là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chip AI cho máy chủ và chip AI cho các thiết bị Internet vạn vật), các ứng dụng cho xe. Đây là các hướng nghiên cứu phát triển Việt Nam có thể tập trung đầu tư phát triển.

bk4-2560x1709.jpeg
Vi mạch thu phát không dây được thiết kế bởi Phòng thí nghiệm BKIC, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bên cạnh đó, các loại chip sử dụng công nghệ cũ hơn như cảm biến, điều khiển đèn LED với nhu cầu thị trường lớn, hoặc các chip về bảo mật, mã hóa bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng có thể cần được quan tâm đầu tư. “Cho dù lựa chọn tập trung vào loại chip bán dẫn nào thì nhu cầu thị trường cũng phải là yếu tố cần được quan tâm cẩn trọng” - PGS, TS Nguyễn Đức Minh lưu ý.

Để nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đồ chip thế giới, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT Trần Đăng Hò nhấn mạnh khối tư nhân cần dũng cảm tham gia vào lĩnh vực này: “Thứ chúng ta cần không phải là 1-2 công ty, 1-2 người mà là cả một ngành công nghiệp với hàng trăm công ty. Phải biến Việt Nam thành một “cái chợ” với rất nhiều sự lựa chọn. Nếu nhà đầu tư không thích công ty này họ có thể tìm ngay tới một công ty khác” - ông Hòa nói và cho rằng cần tận dụng chính tính cạnh tranh nội tại để tăng sức hút cho Việt Nam trên bản đồ chip thế giới.

quy-trinh-san-xuat.png
gach-ngang.png
title-3-900x160.jpeg

Liên quan nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ông Trần Đăng Hòa đánh giá, Việt Nam có lợi thế rất lớn về mặt con người bởi người Việt Nam rất giỏi toán và các môn khoa học tự nhiên. Chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm với 1 triệu lập trình viên. Nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam không hề thua kém mặt bằng chung của thế giới.

Theo đại diện của FPT, việc chuyển từ phần mềm sang phần cứng không có quá nhiều trở ngại ở một số khâu nhất định. Trung bình, FPT mất 6 tháng tới 1 năm để đào tạo, chuyển đổi một kỹ sư phần mềm sang phần cứng, sang làm chip. Tất nhiên, quy trình thiết kế chip sẽ có rất nhiều công đoạn, có những công đoạn vẫn phải cần 5, 10 đến 20 năm để đào tạo nhân lực. Nhưng cũng có những công đoạn đặc biệt đơn giản, chỉ cần đào tạo 6 tháng đến 1 năm là kỹ sư có thể làm được.

a-hoa-1-3500x2333.jpeg
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT.

“Nhân lực cho ngành này không kén nhưng cần tỉ mỉ, chi tiết. Rất nhiều kỹ sư người Hàn Quốc, Nhật Bản không thích thiết kế chip vì ngành này không bay bổng. Trên thực tế, không ít người Việt Nam đã thành danh ở lĩnh vực thiết kế chip trên toàn thế giới”, ông Hòa cho hay. Ngoài ra, chi phí nhân công giá rẻ cũng là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Ưu thế nhân lực Việt Nam trong ngành bán dẫn cũng từng được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khi cho rằng niềm đam mê với các môn học STEM giống như một phần trong ADN của người Việt Nam. Tố chất của người Việt rất phù hợp cho việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Minh (Đại học Bách khoa Hà Nội), nguồn nhân lực Việt Nam còn tương đối trẻ, với số lượng sinh viên theo học các ngành STEM đạt khoảng 30% (nguồn World Economic Forum) trong tổng số khoảng 600 nghìn sinh viên gia nhập các trường đại học trên cả nước mỗi năm.

bk3-2560x1707.jpeg

Nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá khá tốt với khả năng toán học, vật lý, và hoá học là nền tảng để tham gia vào lĩnh vực Điện tử-Bán dẫn, tuy nhiên còn yếu về kỹ năng ngoại ngữ, thái độ làm việc chuyên nghiệp vốn là yếu tố tối quan trọng trong ngành công nghiệp đòi hỏi độ chính xác cao.

Thông tin thêm, PGS, TS Nguyễn Đức Minh cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội có truyền thống nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, thiết kế, chế tạo vi mạch và thiết bị điện tử. Từ những năm 1970, Bộ môn Vật lý chất rắn thuộc Khoa Toán Lý của trường đã bắt đầu đào tạo sinh viên ngành Vật lý chất rắn, trong đó có định hướng chuyên sâu lĩnh vực bán dẫn. Năm 1977, với sự giúp đỡ của Hà Lan, Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng được Phòng thí nghiệm Vi điện tử với phòng sạch đầu tiên ở Việt Nam do Bộ môn Vật lý chất rắn quản lý và vận hành. Tại Phòng thí nghiệm Vi điện tử này, năm 1977, nhóm chuyên môn do Giáo sư Vũ Đình Cự dẫn đầu đã lần đầu tiên chế tạo thành công transistor hiệu ứng trường dựa trên cấu trúc MOS (Metal - Oxide – Semiconductor – Kim loại - Oxit - Bán dẫn) sử dụng silic đa tinh thể làm cực cửa (công nghệ mới nhất tại thời điểm đó) tại Việt Nam.

Từ năm 2010, ngành Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch với nền tảng là kiến thức về điện tử và kỹ thuật máy tính. Từ 2023, Thiết kế vi mạch được đưa thành một chuyên ngành định hướng của ngành Điện tử - Viễn thông.

Cũng trong năm ngoái, Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức mở Chương trình kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano thuộc Trường Vật Liệu để đào tạo kỹ sư chế tạo vi mạch. Tổng chi tiêu tuyển sinh của các chương trình có đào tạo trong lĩnh vực vi mạch của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ vào khoảng 700 sinh viên mỗi năm.

muc-tieu-viet-nam.png

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, Việt Nam hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Sinh viên học những ngành gần có thể bổ túc, chuyển đổi để có ngay nhân lực đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng cho biết, dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trong lĩnh vực trực tiếp thiết kế vi mạch bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan thì sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20 đến 30% hằng năm.

kich-co-bong-ban-dan.png
gach-ngang.png
title-4-900x160.jpeg

Theo các chuyên gia, Việt nam đang đứng trước cơ hội to lớn và cuối cùng để đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và tham gia chuỗi công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để nắm bắt và tận dụng thành công cơ hội này, Việt Nam cần hành động ngay từ bây giờ và phải có một chiến lược dài hơi cho tầm 20 năm tới.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong chuỗi cung cứng sản xuất bán dẫn, Việt Nam hiện mới chỉ tham gia được vào ba khâu, một phần ở thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Song trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ nâng cấp lên, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đầy đủ gồm: thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, chế tạo thiết bị cùng các doanh nghiệp đa dạng nhiều thành phần, có khả năng làm chủ một số công nghệ lõi.

ts-vo-tri-thanh-1200x759.jpeg
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông Thành đánh giá Việt Nam đang vào giai đoạn mang tính bước ngoặt đòi hỏi sự phát triển, đây là giai đoạn chúng ta cần bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng mới, xanh, số, dịch chuyển chuỗi cung ứng... Bởi nếu không tận dụng được bước nhảy vọt này, Việt Nam rất khó để phát triển.

Theo ông để làm được điều này, Việt Nam cần hình thành mạng lưới “ươm tạo” doanh nghiệp bán dẫn tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), các khu công nghệ công nghệ cao ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, kỹ sư thực chiến. Đặc biệt, cần gắn kết ngành bán dẫn với công nghệ điện tử, một trong những thế mạnh của Việt Nam.

Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT Trần Đăng Hòa cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn đầy đủ các thành phần, bao gồm: Nhà máy sản xuất, công ty thiết kế, trường học, viện nghiên cứu… Dẫn thực tế Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất nội địa, ông Hòa kiến nghị cần nhanh chóng kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài vào mở nhà máy tại Việt Nam.

Ở một góc độ tiếp cận khác, PGS, TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn là một ngành nghề vô cùng khắt khe về các yêu cầu điện và nước, và hiện tại, Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu này.

Chuyên gia của Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, một nhà máy sản xuất phiến bán dẫn tiêu thụ khoảng 40 triệu lít nước mỗi ngày (40.000m3) - tương đương với lượng nước tiêu thụ của 120 nghìn người. Trong số đó, có tới 76% là nước đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn siêu sạch. Để có nước siêu sạch cho công nghệ bán dẫn, nước sạch cần qua nhiều bước xử lý như cất lọc, tách ion, loại bỏ các chất hoà tan có trong nước... nên lượng nước tiêu thụ thực tế sẽ gấp nhiều lần con số 40.000m3.

Bên cạnh đó, năm 2021, toàn ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn tiêu thụ tới 149 tỷ kWh điện - tương đương với lượng điện tiêu thụ của 25 triệu người 1 năm. Một nhà máy sẽ cần tiêu thụ khoảng 4 tỷ kWh điện và 30 triệu m3 nước siêu sạch mỗi năm, trong khi sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình là 9-10 tỷ kWh mỗi năm.

tac-dong-01-8315-2084x2574.jpeg

Cùng với nước siêu sạch, công nghiệp bán dẫn đòi hỏi môi trường siêu sạch để sản xuất - phòng sạch. Độ sạch trong phòng sạch được xác định thông qua số lượng hạt bụt có kích thước nhỏ hơn kích thước đặc trưng trong một đơn vị thể tích. Phần lớn các công đoạn chế tạo mạch tích hợp trong công nghiệp bán dẫn là được thực hiện trong phòng sạch cấp độ 100 - tức là có chứa tối đa 100 hạt bụi có đường kính lớn hơn hoặc bằng 0,5µm (1µm = 0,0000001m) trong một foot khối (1 ft3 = 28,3 lít) không khí. Công nghệ càng cao thì đòi hỏi kích thước tới hạn của hạt bụi càng nhỏ. Để vận hành hay chỉ duy trì các phòng sạch này cũng đã tiêu thụ một lượng điện rất lớn.

bk6-1707x2560.jpeg
Phòng sạch chế tạo thử nghiệm bán dẫn của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Có thể thấy, việc ngay lập tức xây dựng 1 nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ làm gia tăng áp lực lên nguồn cung nước sạch và điện của Việt Nam. Theo PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Việt Nam cần có một chiến lược dài hơi với quy hoạch tổng thể để tăng nguồn cung nước sạch và năng lượng điện nếu muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.

Ngoài ra, ngành công nghiệp bán dẫn nổi tiếng là ngành có mức phát thải cao lên 1 triệu tấn CO2 mỗi năm cho mỗi nhà máy. Trong khi đó, Việt Nam đang dự đoán sẽ phát thải khoảng 65 triệu tấn CO2 vào năm 2025. Như vậy 1 nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ đóng góp khoảng 1,6% lượng phát thải của Việt Nam. Đặc biệt việc nhập khẩu các công nghệ cũ sẽ còn làm tăng hơn nữa lượng phát thải của nhà máy. “Chính vì vậy việc đẩy mạnh các nguồn cung năng lượng xanh, sạch, chỉ cho phép các công nghệ xanh sạch là biện pháp Việt Nam cần theo đuổi”, PGS, TS Nguyễn Đức Minh nêu rõ.

Về mặt con người, các chuyên gia có chung nhận định về sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trên phạm vi toàn cầu, và cho rằng Việt Nam phải bắt đầu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao này ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp bán dẫn quốc tế khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới đây.

Vừa qua, một loạt các trường đại học, cơ sở đào tạo trong nước đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu vào các ngành điện tử, vi mạch, bán dẫn, hướng tới mục tiêu đầy thách thức là đào tạo, phát triển khoảng 50 nghìn nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam vào năm 2030. Gần đây nhất, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng bảo đảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

bk5-2560x1709.jpeg
Sinh viên tại phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Minh, việc bảo đảm cung cấp đủ nhân lực cho ngành bán dẫn là cần thiết, nhưng chất lượng đầu ra của các kỹ sư bán dẫn Việt Nam cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, làm sao phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, bởi công nghiệp bán dẫn là một ngành khá “bảo thủ” yêu cầu nhân lực có kinh nghiệm chứ không đơn thuần chỉ là chuyên môn đào tạo.

Thêm vào đó, để đào tạo nhân lực ngành bàn dẫn sẽ mất tối thiểu 4 năm. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi nguồn kỹ sư có sẵn của các ngành gần như: kỹ thuật máy tính, điện tử, điện và tự động hóa, vật lý kỹ thuật… là phương án khả thi trong trường hợp đòi hỏi phải có một lực lượng nhân lực bán dẫn tham gia thị trường trong thời gian trước mắt.

Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đang có các ưu đãi đặc biệt cho công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có giải pháp, chính sách để khai thác thế mạnh trong nước và tận dụng nguồn lực nước ngoài để xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp.

Cụ thể, cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp bán dẫn thông qua việc xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội như ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính… nhằm thu hút đầu tư, chuyên gia, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.

nganh-ban-dan.png

Ngày xuất bản: 11/2/2024
Tổ chức sản xuất: Thảo Lê
Thực hiện: Văn Toản - Thi Uyên
Video: Trung Hiếu
Hình ảnh: FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội

.