Ấn Độ muốn gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu điện thoại thông minh với Việt Nam
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:20, 14/02/2024
Ấn Độ muốn gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu điện thoại thông minh với Việt Nam
Ấn Độ đang quan ngại nguy cơ thua Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc cạnh tranh trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại thông minh (smartphone) lớn của toàn cầu.
Sản xuất điện thoại thông minh là một phần quan trọng trong nỗ lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, bằng cách thu hút các công ty lớn như Apple, Foxconn và Samsung đến Ấn Độ - thị trường di động lớn thứ hai thế giới, với sản lượng tăng 16% so với năm trước, đạt 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, thành công này chủ yếu đến từ các ưu đãi tài chính được cung cấp cho các công ty để tăng sản xuất. Nhưng các nhà lập pháp và các nhóm lợi ích của Apple và các công ty khác cho rằng mức thuế cao ở Ấn Độ là một yếu tố ngăn cản các công ty đầu tư vào nước này, trong khi các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan và Mexico đã vượt mặt Ấn Độ trong xuất khẩu điện thoại bằng cách đưa ra mức thuế ưu đãi hơn đối với linh kiện.
Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar đã bày tỏ lo ngại của mình về việc Ấn Độ có thể mất đi những cơ hội do mức thuế không cạnh tranh của nước này, trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 3/1.
"Ấn Độ có chi phí sản xuất cao do thuế cao nhất so với các điểm đến sản xuất quan trọng", ông Chandrasekhar chia sẻ.
Ông Chandrasekhar nhấn mạnh, việc tái cơ cấu địa chính trị đang buộc các chuỗi cung ứng phải dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc… Nếu không có sự điều chỉnh nhanh chóng từ phía Ấn Độ, các chuỗi cung ứng có thể chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico và Thái Lan.
Điện thoại "Made in India" sử dụng nhiều linh kiện sản xuất nội địa, tuy nhiên, đối với các công ty nhập khẩu nhiều linh kiện cao cấp từ Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ phải sẽ phải đối mặt với mức thuế tương đối cao mà chính phủ nước này đặt ra để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương, từ đó làm tăng chi phí sản xuất chung.
Đại sứ Mỹ Eric Garcetti gần đây cũng cho biết, đầu tư nước ngoài không đổ vào Ấn Độ với tốc độ đáng lẽ phải có, mà thay vào đó đang chuyển hướng đến các quốc gia như Việt Nam, do vấn đề thuế quan.
Ông Eric Garcetti cũng nhấn mạnh rằng, việc đánh thuế linh kiện đầu vào không phải là biện pháp bảo vệ thị trường, mà là đang hạn chế thị trường.
Trong tài liệu của mình, Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ cũng đã chỉ ra mức thuế ưu đãi hơn của Trung Quốc và Việt Nam đã giúp thúc đẩy xuất khẩu như thế nào. Ông cho biết, xuất khẩu chỉ chiếm 25% sản lượng điện thoại thông minh của Ấn Độ vào năm ngoái, so với 63% của Trung Quốc trong tổng giá trị 270 tỷ USD và 95% trong tổng giá trị 40 tỷ USD của Việt Nam.
Theo Reuters, Ấn Độ đặt mục tiêu đạt 25% sản lượng điện tử toàn cầu vào năm 2029, nhưng các tài liệu chính thức cho thấy thị phần của nước này hiện mới chỉ đạt 4%, mặc dù Apple, Foxconn và Xiaomi đều đã tăng sản xuất gần đây.
Tháng trước, Bộ trưởng Chandrasekhar cũng đã gửi các tài liệu của mình cho Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman để vận động giảm mức thuế trong ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Ấn Độ chỉ giảm thuế đối với một số linh kiện, bao gồm vỏ pin, từ 15% xuống 10%, nhưng không đồng ý với nhiều yêu cầu cắt giảm thuế khác.
Ấn Độ vẫn áp thuế 20% đối với các bộ phận như bộ sạc, một số bảng mạch và điện thoại được lắp ráp hoàn chỉnh. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT Ấn Độ mong muốn các khoản thuế đó sẽ giảm xuống 15% trong năm nay.
Tuần trước, Xiaomi cũng đã yêu cầu giảm thuế đối với nhiều linh kiện được sử dụng trong máy ảnh và cáp USB, với lý do sẽ giúp "đồng bộ với các nền kinh tế sản xuất cạnh tranh như Trung Quốc và Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT nhấn mạnh mục tiêu của Ấn Độ là đưa sản xuất điện thoại di động lên hơn 100 tỷ USD mỗi năm - với 50% trong số đó được xuất khẩu, điều này sẽ phải cần một chiến lược mới.
"Thuế đang trở thành một rào cản. Chúng ta cần điều chỉnh chính sách thuế quan để phù hợp với tham vọng mới của mình. Xuất khẩu, chứ không phải thị trường nội địa”, Bộ trưởng Bộ Điện tử và CNTT chia sẻ trong một bài phát biểu của mình./.