TMĐT là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầy biến động
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:06, 20/02/2024
TMĐT là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầy biến động
Năm 2023, doanh thu 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) đạt mức tăng trưởng 53,4%, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây. Nguyên nhân đến từ sự chuyển dịch thói quen mua sắm của người dùng cùng sự phát triển của những hình thức mua sắm mới.
TMĐT đạt mức tăng trưởng cao nhất trong số 3 năm trở lại
Với mức tăng ước đạt 9,6%, tổng bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2023 đã vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8% - 9%). Trong đó, TMĐT tiếp tục là gam màu sáng khi đã tác động tích cực đến nền kinh tế số; đặc biệt phát huy vai trò đối với phân phối và tiêu dùng nội địa. Theo số liệu của Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới.
Mặc dù vậy, Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2023 được Metric thực hiện từ ngày 1/1 – 31/12/2023 cho biết, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trực tuyến (online) đã trải qua năm 2023 không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh sự phát triển của TMĐT được các chuyên gia đánh giá là nhanh nhưng vẫn còn nhiều rào cản.
Đầu tiên là mức độ cạnh tranh trên các sàn TMĐT vô cùng gay gắt khi cùng 1 loại sản phẩm có tới hàng trăm DN đăng bán. Thứ hai, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế TMĐT nói chung. Thực tế, tâm lý lên sàn TMĐT chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng vẫn còn hằn sâu trong tâm lý của người tiêu dùng.
“Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh, thành cũng khiến nhiều DN địa phương chưa tiếp cận được nền tảng TMĐT một cách bài bản, chuẩn xác”, báo cáo của Metric khẳng định.
Dù vậy, năm 2023, thị phần doanh thu 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo chiếm 46,5% tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C, với tốc độ tăng trưởng ở mức 53,4%. Trong đó, doanh thu đặc biệt tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 9. Những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
“Đây cũng là tháng đạt doanh thu cao nhất trong năm với 21,1 nghìn tỷ đồng trên cả 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay. Điều đó cũng cho thấy, người tiêu dùng hiện không còn thói quen đợi đến cuối năm mới tập trung mua sắm mà giờ đây nhu cầu mua sắm trải đều trong năm. Khoảng thời gian tháng 8 trở đi là thời điểm người tiêu dùng bắt đầu mua sắm mạnh nhất”, báo cáo Metric cho biết thêm.
So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 - 2023. Qua đó, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới.
Chưa kể đến, một nguyên nhân khác đến từ sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh. Điều này đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng TMĐT chuyên nghiệp.
Thói quen mua sắm online ngày càng rõ rệt hơn
Đánh giá về bức tranh TMĐT Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc Chiến lược Metric cho biết, dù là một năm đầy biến động của nền kinh tế nhưng TMĐT vẫn là điểm sáng trong bức tranh đó.
Sự tăng trưởng thực tế đã bắt đầu từ giai đoạn đại dịch COVID-19, khi mà hành vi của người tiêu dùng chuyển dịch dần qua mua sắm trên các kênh trực tuyến. Nhờ đó, thói quen mua hàng online ngày càng được định hình rõ rệt hơn.
Tiếp theo, cùng với sự xuất hiện của mô hình Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) với đại diện tiêu biểu ở Việt Nam là Tiktok Shop đã thu hút thêm nhiều người tiêu dùng mới. Đồng thời, các sàn TMĐT ngày một hoàn thiện và tối ưu trải nghiệm mua sắm tốt hơn, giúp hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng và thuận tiện hơn, đóng góp vào tần suất và giá trị mua hàng ngày một tăng.
Khi được hỏi về cơ hội của TikTok Shop trong bối cảnh sàn TMĐT này đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian ngắn gần đây, ông Hữu cho rằng, mỗi đơn vị sẽ có những chiến lược riêng để phát triển. Nếu như TikTok Shop đang có thế mạnh khi gần như là nền tảng Shoppertainment hiếm hoi ở Việt Nam kết hợp với bán hàng qua livestream thì Shopee lại theo đuổi mô hình bán hàng trực tuyến truyền thống (khách hàng truy cập sàn là chắc chắn có nhu cầu mua sắm) đang có hệ sinh thái tương đối hoàn thiện, từ TMĐT, giao đồ ăn, logistics tới thanh toán.
“Vì vậy, tôi tin rằng mỗi đơn vị sẽ có sự tăng trưởng tốt nhất ở mô hình mà mỗi bên theo đuổi nếu có những chính sách cho khách hàng và nhà bán hợp lý”, ông Hữu chia sẻ thêm.
Hàng ngàn nhà bán hàng TMĐT rời và tham gia mới cuộc chơi trong năm 2023
Báo cáo Metric cũng cho thấy, trên 5 sàn TMĐT có 637.273 cửa hàng (shop) có phát sinh đơn hàng với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công (tăng 52,3% so với năm 2022) trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến.
Dù vậy, trong năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động.
Về mức giá, người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn bán lẻ trực tuyến với các sản phẩm ở phân khúc giá thấp - trung bình từ 10.000 đồng - 350.000 đồng. Doanh thu và lượng sản phẩm bán ở các phân khúc giá này đều chiếm thị phần cao nhất thị trường trong năm 2023.
Mặc dù vậy, theo ông Hữu, vẫn sẽ luôn có cơ hội cho những shop mới, thậm chí nó còn thường xuất hiện rõ nét nhất trong những hoàn cảnh đầy thách thức. Nhưng để các nhà bán hàng có thể “hoá rồng” trong năm 2024, ông Hữu cho rằng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng.
Bởi vì, chỉ cần theo dõi thị trường các sàn TMĐT sát sao sẽ dễ dàng nhận thấy, những đơn vị có doanh thu hàng đầu hiện nay đều là những nhà bán hàng chuyên nghiệp, hoặc có thương hiệu và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đồng nghĩa với việc, thị phần để những “người chơi mới” chen chân vào những ngành hàng đang phổ biến hiện nay gần như là rất khó khăn, thể hiện qua con số khoảng 105.000 nhà bán đã rời khỏi Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Vì vậy, từ bài học kinh nghiệm của những đơn vị đã triển khai thành công trong năm 2023, ông Hữu cho rằng, các sản phẩm của nhà bán hàng mới phải có điểm khác biệt hoặc cần có nhiều tính năng cải tiến hơn đa số đối thủ trên thị trường. Đồng thời, luôn cập nhật những biến động nhỏ nhất của thị trường để chuẩn bị tốt mọi kịch bản có thể xảy ra và phát triển đa kênh để tiếp cận với nhiều khách hàng mục tiêu nhất,.../.