Giải bài toán cũ và mới để tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số ở Đà Nẵng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:26, 24/02/2024
Giải bài toán cũ và mới để tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số ở Đà Nẵng
Để thực hiện ngày một hiệu quả công tác, nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS), hướng đi tập trung, chủ lực cần ưu tiên, quan tâm chính là việc đầu tư vào các yếu tố then chốt như: Hạ tầng viễn thông, dữ liệu, sử dụng nền tảng số…
Và điều quan trọng không kém khi thực hiện nhiệm vụ này ở các địa phương, tỉnh, thành phố, đơn vị là cần có sự thống nhất giữa nhà quản lý, nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn công nghệ, giải pháp số… là quan điểm tổng quan của ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đối với công tác, nhiệm vụ quan trọng này.
CĐS là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” nội tại
Giám đốc Nguyễn Quang Thanh cho biết khi thực hiện nhiệm vụ CĐS, Đà Nẵng xác định, trên con đường CĐS, cần thực hiện nhanh các mục tiêu cao cả, trong đó có mục tiêu tạo nên một chính quyền điện tử (CQĐT) phục vụ mọi người dân, doanh nghiệp (DN) ngày một chất lượng, hiện đại,
Do đó, ngay từ những năm 2000, TP. Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai CQĐT. Và ở quá trình này, Đà Nẵng đã triển khai theo hướng tiếp cận tổng thể mô hình khung kiến trúc, đồng bộ trên 4 trụ cột: chính sách, hạ tầng số, ứng dụng số và nguồn nhân lực số. Và tất cả nhằm phục vụ hoạt động quản lý của bộ máy hành chính Thành phố và cung cấp dịch vụ hành chính công cho các tổ chức, công dân.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng là địa phương sớm ban hành Kiến trúc tổng thể CQĐT (năm 2010) và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin CQĐT thành phố.
Cũng theo TS. Nguyễn Quang Thanh, Đà Nẵng không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng một nền CQĐT sớm hiệu quả, mà còn hướng đến xây dựng thành phố thông minh (TPTM) hoạt động, quản lý dựa trên hạ tầng, dữ liệu, dịch vụ, với nguyên tắc “một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của dữ liệu là nền tảng chính.
Cụ thể hơn khi nói về kết quả của những hoạt động triển khai nêu trên, TS. Nguyễn Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng đã nâng cấp, mở rộng hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu đảm bảo năng lực lưu trữ, tính toán để triển khai TPTM, CĐS
Đến nay, Đà Nẵng đã có 100% hộ gia đình kết nối cáp quang băng rộng; 100% khu vực dân cư phủ sóng 3G, 4G và bắt đầu triển khai dịch vụ mạng 5G (cuối năm 2021). Hạ tầng IoT bước đầu hình thành và phát triển với hơn 270 trạm Interrnet vạn vật băng thông hẹp (NB-IoT).
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền và trên 560 CSDL chuyên ngành được tiếp tục tạo lập và hoàn thiện; hình thành kho dữ liệu dùng chung và mở dữ liệu của cơ quan nhà nước; bước đầu hình thành hệ thống CSDL GIS thành phố với các lớp dữ liệu địa chính, quy hoạch xây dựng, giao thông, thoát nước. Đà Nẵng sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ số, dần hình thành và phát triển xã hội số, tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân…
Và từ những kết quả tích cực thu được nêu trên, theo TS. Nguyễn Quang Thanh, tất cả nhờ có CĐS, và CĐS chính là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” nội tại của Thành phố, từ đó giúp mở ra cơ hội, không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững.
Giải quyết các bài toán cũ và mới để đẩy nhanh CĐS
Không chỉ nhấn mạnh đến những thuận lợi, TS. Nguyễn Quang Thanh cũng cho biết Đà Nẵng khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, đó là: Thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng vẫn chưa cao nên việc lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện...; còn thiếu chính sách nhất quán trong việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước của các bộ, ngành (chưa hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ số); thiếu cơ chế "sandbox"; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thực hiện…
Để khắc phục những hạn chế, ngày một nâng cao hiệu quả cho công tác này, ông Nguyễn Quang Thanh nêu quan điểm: Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân, DN trong khai thác, sử dụng một số ứng dụng, dịch vụ số của thành phố.
Đặc biệt, các cấp lãnh đạo cần sát sao trong việc chỉ đạo thực hiện; có tầm nhìn rộng và cam kết trách nhiệm thông qua chính sách ban hành vì khi chính sách được ban hành kịp thời sẽ bảo đảm sự quyết tâm và thành công; đảm bảo có sự liên kết và đồng thuận tạo sự phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành và người dân để tạo ra thói quen, sự tin tưởng, tiện lợi hơn khi sử dụng dịch vụ TPTM…
Hơn nữa, ông Nguyễn Quang Thanh còn cho rằng, việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ CĐS chính là chúng ta phải thay đổi, tái cấu trúc quy trình, áp dụng công nghệ số và dữ liệu số để giải quyết các “bài toán” lâu nay không giải được hoặc “bài toán mới”.
Do đó, ông Nguyễn Quang Thanh đề xuất Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các CSDL quốc gia (như dân cư, đất đai) và chia sẻ cho các địa phương khai thác, sử dụng, nhất là các dữ liệu do địa phương thu thập, tạo lập trên hệ thống của quốc gia, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ số cho người dân, DN.
Trong khi đó, Bộ TT&TT đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế "sandbox" để các địa phương thuận lợi trong triển khai; đáp ứng yêu cầu CĐS, quản lý TPTM.
Cùng với đó, Bộ TT&TT nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu, các chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu.
“Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai thí điểm gói thầu hỗn hợp (vừa thiết kế, vừa thi công) đối với dự án công nghệ số; nâng định mức tư vấn lập hồ sơ thiết kế để đảm bảo chất lượng hồ sơ, hiệu quả triển khai ứng dụng”, Giám đốc Sở TT&TT đề xuất./.