Hà Nội sẽ công khai kết quả chuyển đổi số của các cơ quan, quận, huyện

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:45, 26/02/2024

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (CĐS) của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội. Kết quả đánh giá CĐS sẽ được công bố công khai.
Chuyển đổi số

Hà Nội sẽ công khai kết quả chuyển đổi số của các cơ quan, quận, huyện

Anh Minh 26/02/2024 07:45

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (CĐS) của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội. Kết quả đánh giá CĐS sẽ được công bố công khai.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức đánh giá mức độ CĐS của các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Nội dung đánh giá bao gồm đánh giá chung về CĐS và đánh giá về phát triển kinh tế số.

ha-noi-2.jpeg
Kết quả đánh giá Bộ chỉ số CĐS được công bố, công khai ngay sau khi hoàn thành. (Ảnh: Internet)

Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ việc đánh giá CĐS của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo Bộ chỉ số đánh giá CĐS (sau đây gọi tắt là Bộ chỉ số CĐS) được tổ chức định kỳ hàng năm.

Việc xác định chỉ số cấp Thành phố, cấp huyện để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả CĐS hằng năm của các Sở, ban, ngành và của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2023 về CĐS, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch hằng năm của Thành phố liên quan đến CĐS.

Việc đánh giá phải bảo đảm tính trung thực, công khai, khách quan, nguồn thông tin có độ tin cậy và chính xác; không đánh giá những nội dung, tài liệu không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ CĐS; đồng thời xem xét cơ chế điểm khuyến khích đối với những sáng kiến, phương thức mới trong công tác tổ chức triển khai, đạt hiệu quả tốt.

UBND thành phố cho biết kết quả đánh giá Bộ chỉ số CĐS được công bố, công khai ngay sau khi hoàn thành việc thẩm định, đánh giá, làm cơ sở đánh giá thi đua, khen thưởng trong việc triển khai nhiệm vụ CĐS hằng năm của các đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tự đánh giá và đối chiếu với kết quả đánh giá thông qua việc công khai phương pháp đánh giá, cách tính điểm đối với các nội dung, chỉ số đánh giá.

Bộ chỉ số CĐS cấp Thành phố, cấp huyện gồm 09 chỉ số chính, trong đó, cấp Thành phố gồm 46 chỉ số thành phần; cấp huyện gồm 60 chỉ số thành phần.

chi-so-cds.png
Đánh giá CĐS của Hà Nội gồm 2 bộ chỉ số cấp thành phố và cấp huyện, sẽ được sử dụng để đánh giá cho 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã.

Hà Nội xác định CĐS và xây dựng thành phố thông minh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, xây dựng môi trường đô thị thông minh và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

4 trụ cột chính phát triển kinh tế số của Hà Nội năm 2024

Theo Chỉ số CĐS quốc gia, cấp bộ, tỉnh (DTI) năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong việc CĐS, thể hiện qua việc tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 24/63 tỉnh thành. Trong đó, các lĩnh vực kinh tế số và xã hội số đã có những cải thiện rõ rệt với lần lượt vị trí thứ 18 và 30, tăng 20 và 17 bậc so với năm 2021. Tuy nhiên, lĩnh vực chính quyền số cần được quan tâm hơn nữa với vị trí thứ 40, chỉ tăng 1 bậc so với năm trước.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về CĐS, xây dựng TP. Hà Nội thông minh năm 2024. Trong đó, Hà Nội xác định năm 2024 sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột chính là công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số, với trọng tâm là "Quản trị dựa trên dữ liệu số".

Với mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, cũng như triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước, Hà Nội hướng đến cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và cải thiện chỉ số xếp hạng CĐS cấp tỉnh.

Hàng loạt chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra như 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 20%, năng suất lao động tăng từ 7 - 7,5%,...

Để hiện thực hóa các mục tiêu, 14 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai, với Sở TT&TT Hà Nội đóng vai trò đầu mối tổ chức, điều phối các hoạt động ứng dụng CNTT và đánh giá xếp hạng CĐS các cơ quan nhà nước trên địa bàn./.

Anh Minh