Từ 0 đến 20%: Mỹ đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu vào năm 2030
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 17:00, 28/02/2024
Từ 0 đến 20%: Mỹ đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu vào năm 2030
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo mới đây tuyên bố Mỹ sẽ sản xuất 20% chip tiên tiến của thế giới vào năm 2030. Đây được cho là một mục tiêu đầy tham vọng vì nước này hiện không sản xuất hoặc đóng gói các chip tiên tiến.
Thời gian qua, thiếu hụt nguồn cung chip đã tạo ra khó khăn lớn cho hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều thị trường - như Mỹ, châu Âu - nhận ra cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng châu Á. Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư gia tăng vào mảng chất bán dẫn, đi cùng là các biện pháp khuyến khích, thu hút đầu tư của các nhà cầm quyền.
Sau rất nhiều năm vắng bóng, Mỹ đang quay trở lại cuộc đua sản xuất chip bằng các chính sách thu hút hấp dẫn giữa bối cảnh thiếu hụt nguồn cung bán dẫn trên toàn cầu...
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo tự tin rằng nước này có thể cung cấp toàn bộ chuỗi cung ứng silicon để sản xuất chip xử lý tiên tiến.
“Các khoản đầu tư của chúng tôi vào sản xuất chip logic hàng đầu sẽ đưa đất nước đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này”, bà Gina Raimondo cho biết
“Đó là một vấn đề lớn”, bà Raimondo nhấn mạnh. “Tại sao đó lại là vấn đề lớn? Bởi vì hiện nay chúng ta đang ở con số 0”.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Raimondo đưa ra 1 năm sau khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu tiếp nhận đơn xin tài trợ của các công ty chip theo Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022. Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 52,7 tỷ USD nhằm đưa ngành sản xuất chip quay trở về Mỹ sẽ giúp xoay chuyển cục diện.
Mặc dù Mỹ hiện dẫn đầu về thiết kế chip và phát triển các mô hình ngôn ngữ AI lớn, nhưng nước này không tự sản xuất hoặc đóng gói các chip tiên tiến cần thiết để AI vận hành, kể cả những con chip cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng.
"Việc đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn cần tới hàng chục nghìn chip bán dẫn hàng đầu. Và sự thật là AI sẽ là công nghệ định hình thời đại của chúng ta. Bạn không thể dẫn đầu về AI nếu bạn không dẫn đầu trong việc tạo ra những con chip tiên tiến nhất. Và vì vậy, việc thực thi Đạo luật CHIPS và Khoa học của chúng ta trở nên quan trọng hơn nhiều”, bà Raimondo nhấn mạnh.
Với các khoản đầu tư lớn, Bộ trưởng Raimondo bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ thành công trong việc phát triển công nghệ chip nhớ tiên tiến nhất, đây bộ phận quan trọng cho các hệ thống AI tại nước này.
Tại sao Mỹ "tụt hậu" trong lĩnh vực sản xuất chip
Mỹ phải đối mặt với khoảng cách đáng kể trong sản xuất chip vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều công ty bán dẫn đã thuê ngoài hoạt động sản xuất ở nước ngoài để cắt giảm chi phí, dẫn đến năng lực sản xuất chip trong nước sụt giảm. Thứ hai, khi công nghệ bán dẫn tiến bộ, độ phức tạp và chi phí xây dựng các cơ sở chế tạo tiên tiến tăng lên, khiến việc đầu tư vào các nhà máy mới không được khuyến khích.
Ngoài ra, các đối thủ toàn cầu như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đã mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn của họ một cách nhanh chóng, khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hơn nữa, sự hỗ trợ về mặt chính sách lẫn tài chính từ chính phủ rõ ràng là điều nhiều cường quốc chip châu Á có mà Mỹ không có, cho đến khi Đạo luật CHIPS và Khoa học ra đời. Bên cạnh đó, những rào cản pháp lý và các quy định về môi trường khiến việc xây dựng và vận hành các nhà máy bán dẫn ở Mỹ trở nên khó khăn và tốn kém.
Tất cả đã ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bị tụt lại phía sau và không có con chip tiên tiến nào của thế giới được sản xuất tại Mỹ.
Và rồi một ngày, việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang thực sự cấp thiết để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, Mỹ đã nhận ra sai lầm của mình.
“Chúng tôi cần sản xuất những con chip này ở Mỹ. Chúng ta cần phát triển tài năng hơn nữa ở Mỹ. Chúng tôi cần nhiều nghiên cứu và phát triển hơn ở Mỹ cũng như sản xuất nhiều hơn ở quy mô", Raimondo nói trong bài phát biểu của mình.
Ưu tiên các dự án vận hành vào năm 2030
Bà Raimondo tuyên bố rằng trước tiên, Mỹ sẽ ưu tiên các dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 khi đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Hiện tại, các công ty bán dẫn tiên tiến đã yêu cầu gấp đôi số tiền tài trợ liên bang hiện dành cho các dự án như vậy.
Trong tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch rót tài trợ 1,5 tỉ USD cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries để thúc đẩy sản xuất chip trong nước theo Đạo luật CHIPS. Trước đó, Chính phủ Mỹ cũng đã đầu tư vào BAE Systems Electronic Systems và Microchip Technology. Công ty TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics dự kiến sẽ nhận được tài trợ trong thời gian tới, khi họ xây những nhà máy mới ở Mỹ.
Bộ trưởng Raimondo cũng nhấn mạnh Mỹ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất chip thế hệ cũ, mà hiện nay thị trường Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới vẫn rất cần.
Tuy nhiên, phần đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 28 tỷ USD trong số 39 tỷ USD của đạo luật CHIPS 2022, sẽ dành cho sản xuất những con chip tiên tiến.
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố một gói tài trợ mới cho các công ty chip trong tuần này, trước bài phát biểu thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden vào ngày 7/3./.