Giải pháp truyền thông chính sách trên báo điện tử VietnamPlus
Truyền thông - Ngày đăng : 13:53, 29/02/2024
Giải pháp truyền thông chính sách trên báo điện tử VietnamPlus
VietnamPlus đã chủ động truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành địa phương kịp thời đến người dân; giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của cơ quan Nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ, đảm bảo được tính công khai, minh bạch, chính thống, chính xác và chính yếu của báo chí với chính sách công.
Chủ động truyền thông chính sách kịp thời đến người dân
Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, những năm qua, VietnamPlus đã chủ động truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành địa phương kịp thời đến người dân; giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của cơ quan Nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ, đảm bảo được tính công khai, minh bạch, chính thống, chính xác và chính yếu của báo chí với chính sách công.
Các hoạt động truyền thông chính sách như phổ biến: Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Hiến pháp, các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kết luận, Luật, Pháp lệnh, Quy chế, Quy định, Thông báo, Thông tư, Nghị định, Chương trình, Đề án… của Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, địa phương được báo chú trọng tuyên truyền.
Các chuyên mục phản ánh chính sách như: “Đại hội Đảng lần thứ XIII”, “Bầu cử Quốc hội”, “Bài viết của Tổng Bí thư về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, “Ngoại giao Cây tre”, “Phục hồi và Phát triển Kinh tế - Xã hội 2022 - 2023”, “Cải cách hành chính Nghị quyết 33: Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản”, “Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ”, “Tháo gỡ vướng mắc “luồng xanh””, “Ký kết Hiệp định RCEP”, “Hộ chiếu mẫu mới”, “Mở cửa Du lịch Quốc tế”, “Dự án Quan trọng Quốc gia, Trọng điểm”, “Thông tin phản hồi, phản bác”, “Vai trò - Dấu ấn - Thành quả về đảm bảo Quyền con Người”, “Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc”… luôn được độc giả quan tâm, đón nhận.
Báo quan tâm phản ánh các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc làm, thất nghiệp; Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội... Hay chính sách về phòng chống đại dịch COVID-19, mang lại hiệu quả ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, giúp các tầng lớp nhân dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.
Một trong những nhiệm vụ truyền thông chính sách VietnamPlus chú trọng là vấn đề kinh tế xoay quanh các lĩnh vực như: ngân hàng, tiền tệ; chứng khoán; bất động sản; tiêu dùng; thuế… Ví dụ như, ngân hàng với chính sách hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay, chuyển đổi số, lãi suất ngân hàng, thông tin cảnh báo; thị trường chứng khoán với thông tin cảnh báo, thông tin thị trường, thông tin xử phạt, giải pháp phát triển; hay chính sách phát triển thị trường bất động sản; các chính sách giá cả, hàng hóa, cảnh báo tiêu dùng; các chính sách về thuế; xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, bảo hiểm…
Không chỉ truyền thông các văn bản đã ban hành, VietnamPlus còn chú trọng truyền thông các dự thảo chính sách trước khi ban hành, phát huy dân chủ rộng rãi, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, qua đó tạo dựng niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sau khi được ban hành.
Báo cũng chú trọng cung cấp cho cơ quan soạn thảo những góc nhìn khách quan để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, là báo điện tử đối ngoại quốc gia - VietnamPlus đã truyền thông chính sách ra nước ngoài bằng 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Trung Quốc trong việc thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam đã được xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông qua việc chủ động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật giúp các nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam có thêm kênh thông tin hữu hiệu để tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, hợp tác có hiệu quả, giúp Việt Nam phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho biết, VietnamPlus đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong công tác truyền thông chính sách, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo đã thực hiện đúng nguyên tắc truyền thông chính sách, phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.
VietnamPlus cũng đầu tư lan tỏa thông tin chính sách trên mạng xã hội (MXH), phát triển kênh chính thức trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như Zalo, TikTok, Facebook, YouTube, Podcast... Việc đưa các thông tin chính sách chính thống của VietnamPlus lên MXH đã góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi các tin xấu, độc, tin giả không có kiểm chứng trên MXH, góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
“VietnamPlus đã chủ động phối hợp, phỏng vấn nhiều lãnh đạo bộ, ngành địa phương hay tổ chức các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật, chương trình, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh.
Báo chí đóng vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân
Theo Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn, trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí nói chung và VietnamPlus nói riêng đóng vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào còn sở hở, vướng mắc cần bổ sung, hoàn thiện, để triển khai thuận lợi.
“Đó còn là tính phản biện, góp ý ngược lại đối với một số chính sách xa rời cuộc sống, rồi nhiều chính sách hay, đúng nhưng khi đưa vào thực tiễn thì hiệu quả không cao. Báo chí luôn là kênh phát hiện những bất cập, bất hợp lý trong các văn bản pháp luật, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo của hệ thống pháp luật để kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện”.
Do đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành. Các cơ quan báo chí cần nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong công tác truyền thông chính sách pháp luật.
Đặc biệt, báo chí cần cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và dễ hiểu về nội dung cần truyền thông, nhất là những chính sách gắn với quyền lợi người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội.
Truyền thông chính sách cũng cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cố tình bóp méo, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc chủ trương, chính sách, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với Nhân dân, gây mất đoàn kết trong xã hội…
“Báo chí phát hiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Điều này minh chứng cho mối quan hệ tương tác giữa cơ quan ban hành chính sách và người dân. Báo chí phải là cầu nối tin cậy để nguyện vọng của nhân dân được đăng tải, được lắng nghe, chính quyền hiểu người dân, người dân chia sẻ với chính quyền; từ đó chính sách sẽ giải quyết đúng, trúng những vấn đề của cuộc sống”, Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn chia sẻ./.