Tháo gỡ rào cản để nông nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi xanh

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:05, 01/03/2024

Nông nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là giảm phát thải và tăng hiệu năng sử dụng tài nguyên. Theo chuyên gia của FPT Digital, cần có chiến lược toàn diện khi thực hiện chuyển đổi kép “Số và Xanh” trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số

Tháo gỡ rào cản để nông nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi xanh

Anh Minh 01/03/2024 15:05

Nông nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là giảm phát thải và tăng hiệu năng sử dụng tài nguyên. Theo chuyên gia của FPT Digital, cần có chiến lược toàn diện khi thực hiện chuyển đổi kép “Số và Xanh” trong nông nghiệp.

Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức

Chuyển đổi xanh (CĐX) trong nông nghiệp đề cập đến sự chuyển đổi từ các phương thức canh tác truyền thống vốn phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và năng lượng đầu vào sang một cách tiếp cận bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Theo nghiên cứu về thực phẩm và nông nghiệp của Mckinsey, gần 1/3 (27%) lượng khí thải nhà kính (GHG) trên thế giới xuất phát từ ngành nông nghiệp. Các hoạt động nông nghiệp thường gây ô nhiễm và suy thoái đất.

Quá trình CĐX trong nông nghiệp được cho là sẽ giúp giải quyết những vấn đề này bằng cách áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số (CĐS) FPT Digital, lĩnh vực nông nghiệp đang trên đà CĐX mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã ban hành định hướng về CĐX và phát triển bền vững như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn 2050.

chuyen-doi-xanh.png
Chương trình DxTalks về “Chuyển đổi kép trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp” của FPT Digital

CĐS đóng vai trò công cụ hỗ trợ quan trọng cho hoạt động CĐX. CĐS giúp giám sát và theo dõi hành trình phát thải carbon, góp phần thúc đẩy CĐX hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Lợi ích này không chỉ giới hạn ở DN mà còn mang lại lợi thế cho toàn xã hội. Tuy nhiên, CĐX trong nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc khối dịch vụ Tập đoàn Hồ Gươm, cho rằng để hành động CĐX trong nông nghiệp, việc đầu tiên các DN cần làm là nhận thức được xu hướng CĐX. “Đây là dòng chảy chính trong ngành nông nghiệp hiện nay”, ông Ninh nói. “Khi đã nhận thức rõ xu hướng, DN mới có thể bắt đầu hành động theo hướng phù hợp”.

Và theo ông Ninh, để thúc đẩy việc này, cần có sự hỗ trợ của truyền thông và Nhà nước trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân và DN về xu hướng CĐX. Nhờ vậy, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện chuyển đổi càng sớm càng tốt.

Tập đoàn Hồ Gươm hiện đang đầu tư trên 5 lĩnh vực gồm may mặc, bất động sản, giáo dục đại học, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Duy Ninh đang phụ trách lĩnh vực nông nghiệp thông minh của Tập đoàn Hồ Gươm.

“Để phát triển bền vững và trở thành "bếp ăn của thế giới", Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là xu hướng thân thiện với môi trường và khí thải bằng không”, ông Ninh nhận định. “Việc làm quen với các tiêu chuẩn của từng thị trường là điều cần thiết. Khi đã hiểu rõ yêu cầu của thị trường, chúng ta sẽ tuân thủ một cách tự nhiên, không gượng ép”.

Một số sai lầm phổ biến khi thực hiện CĐX trong nông nghiệp

Thực tế, CĐS và CĐX, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đã mang lại nhiều giá trị đột phá cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều DN khi tiếp cận với các giải pháp chuyển đổi thường vội vàng áp dụng mà không có chiến lược phù hợp.

“Đây là một sai lầm phổ biến”, ông Phạm Thành Đại Lĩnh nói. “Việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi cần được thực hiện một cách bài bản, dựa trên chiến lược cụ thể để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng DN”.

Theo chuyên gia của FPT Digital, để thành công trong chuyển đổi kép, DN cần có đội ngũ nhân sự am hiểu về văn hóa, con người và công nghệ thông tin cũng như hoạt động nghiệp vụ của DN. “Để bứt phá, DN cần đầu tư vào phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ, nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn cho họ”, ông Lĩnh nói.

Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nhân sự công nghệ trong DN nên dao động từ 1,5% đến 2%. Đối với các DN thường xuyên giao dịch và trao đổi thông tin như trong ngành ngân hàng, tỷ lệ này có thể cao hơn, lên đến 5%-10%.

Đối với hoạt động CĐS và CĐX trong lĩnh vực nông nghiệp, DN cần có cái nhìn tổng quan, đánh giá nguồn lực nội bộ để xác định khả năng thực hiện, đồng thời tham khảo tỷ lệ nhân sự công nghệ theo thông lệ quốc tế, cũng như xem xét xu hướng tổng quan của Nông nghiệp Việt Nam và thế giới.

Để thu hẹp khoảng cách giữa hiện tại và tương lai, cần ứng dụng công nghệ, thay đổi quy trình, bổ sung nguồn lực và thực hiện nhiều thay đổi khác. Tuy nhiên, cần có tầm nhìn rộng hơn, thay vì chỉ tập trung giải quyết vấn đề của từng phòng ban hay đơn vị riêng lẻ.

img_1709352000015_1709385570896.jpg

Ngoài ra, nghiên cứu của FPT Digital cho thấy rào cản khi tiếp cận hoạt động CĐX và phát triển bền vững trong nông nghiệp là các hợp tác xã, hộ nông dân và đơn vị nuôi trồng tại Việt Nam đang hoạt động với quy mô hẹp và nguồn vốn hạn chế. Mối liên kết hợp tác giữa các đơn vị còn khá rời rạc. Do đó, việc tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới, đột phá, giúp giảm thải carbon gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc trao đổi và chia sẻ thông tin về CĐX với các đơn vị tín dụng và hỗ trợ tài chính cũng là một rào cản lớn.

CĐX, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là “những từ khóa quan trọng” đối với hoạt động nông nghiệp thông minh và là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Phạm Thành Đại Lĩnh, đây là một thực tế. Bởi vậy, FPT Digital đã xây dựng nhiều mô hình hợp tác giữa các hợp tác xã và các hộ dân, sử dụng dữ liệu để minh chứng cho các đơn vị bảo hiểm và ngân hàng, từ đó hỗ trợ họ trong việc ứng dụng công nghệ. Hiện nay, FPT Digital đang tiếp tục phát triển mô hình này và áp dụng cho hoạt động CĐX.

Ba thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Các nước này đều quan tâm rất lớn đến hoạt động CĐX và phát triển bền vững. Họ có thể áp dụng thuế nặng đối với sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Do đó, CĐX, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là “những từ khóa quan trọng” đối với hoạt động nông nghiệp thông minh và là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam./.

Anh Minh