Kinh nghiệm và định hướng phát triển hạ tầng số theo hướng “xanh hóa” của Singapore

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:52, 05/03/2024

Những kinh nghiệm phát triển hạ tầng số, từ ưu tiên chiến lược đến định hướng xanh hóa và giải pháp thực thi của Singapore đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo các đơn vị trong Bộ chia sẻ, thảo luận.
Diễn đàn

Kinh nghiệm và định hướng phát triển hạ tầng số theo hướng “xanh hóa” của Singapore

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Những kinh nghiệm phát triển hạ tầng số, từ ưu tiên chiến lược đến định hướng xanh hóa và giải pháp thực thi của Singapore đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo các đơn vị trong Bộ chia sẻ, thảo luận.

Trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2024, nhiều ý kiến mới và phương pháp tiên tiến từ các quốc gia trên thế giới đã được chia sẻ và thảo luận.

bt-2.jpg
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2024

Học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore

Trình bày tham luận về những kinh nghiệm và định hướng phát triển hạ tầng số của Singapore, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc đã đề cập đến một quan điểm chiến lược của Singapore trong việc phát triển hạ tầng số, đó là “đầu tư phải đi trước nhu cầu” (invest ahead of demand).

"Đây là quan điểm mà tôi nghĩ rất đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh năm nay, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, chúng ta sẽ bắt đầu triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn đang băn khoăn với câu chuyện phải đầu tư lớn vào hạ tầng trước khi có nguồn doanh thu mới và ứng dụng mới. Vì vậy, quan điểm này rất đáng tham khảo”, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho biết.

Theo thông tin được Cục trưởng chia sẻ, Singapore có 5 ưu tiên chiến lược đáng chú ý. Thứ nhất là nâng dung lượng cập bờ cáp quang biển gấp đôi trong 10 năm tới. Hiện giờ Singapore đã là “cái hub của thế giới” về cáp quang nhưng họ vẫn đặt mục tiêu tăng dung lượng cáp quang trong 10 năm tới và mục tiêu đó đòi hỏi phải đầu tư tối thiểu khoảng 10 tỷ đô la Singapore.

Thứ hai là xây dựng kết nối nội địa 10Gbps liền mạch (seamless end-to-end) trong 5 năm tới với tốc độ cao, độ trễ thấp trong nhà, văn phòng và khi đang di chuyển. Singapore sẽ tăng băng thông siêu rộng gấp 10 lần mạng băng thông rộng toàn quốc (NBN); phân bổ phổ tần để mở khóa các mạng Wi-Fi nhanh hơn; và phân bổ phổ tần cho các mạng 5G SA hỗ trợ việc ứng dụng của doanh nghiệp.

Thứ ba là đảm bảo khả năng kiên cường và an toàn cấp đẳng cấp thế giới.

Thứ tư là tiên phong phát triển các trung tâm dữ liệu xanh, phát triển bền vững và với yêu cầu phát triển xanh này, Singapore sẽ phải đầu tư thêm khoảng 10 - 12 tỉ đô la Singapore.

Vấn đề này cũng được đề cập đến trong định hướng xanh hóa hạ tầng cứng của Singapore. Theo đó, trung tâm dữ liệu (DC) là nguồn phát thải khí nhà kính gián tiếp lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ số của Singapore, chiếm 82% lượng khí thải của ngành. Vì thế, giải pháp phát triển trung tâm dữ liệu xanh của Singapore gồm quản lý việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới; phát triển các tiêu chuẩn DC và tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn và chứng nhận về hiệu quả năng lượng ở cấp thiết bị CNTT.

Singapore cũng thúc đẩy đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ áp dụng rộng rãi làm mát bằng chất lỏng; tiên phong trong lộ trình tăng trưởng trung tâm dữ liệu xanh phát thải ròng bằng không.

thứ năm là thúc đẩy ứng dụng Singapore Digital Utility (DU) Stack, để mở rộng lợi ích của các giao dịch số liền mạch. Singapore DU Stack là hạ tầng mềm cho người dân và doanh nghiệp để thực hiện các chức năng cốt lõi cho các giao dịch số - bắt đầu bằng danh tính số, thanh toán số, hóa đơn số, sau đó mở rộng đến việc xác minh tài liệu và trao đổi dữ liệu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điểm quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore nằm ở khái niệm "Stack". Đó là việc thực hiện chuyển đổi số thông qua một cách tiếp cận phân tầng, nhằm biến những công việc khó khăn thành những công việc dễ dàng hơn, đồng thời phân chia rõ ràng nhiệm vụ cho Chính phủ và các doanh nghiệp.

20240304-m02.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Điểm quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore nằm ở khái niệm "Stack".

Chính phủ sẽ đảm nhận các công việc nền tảng như ban hành các quy định pháp lý gồm nghị định, thông tư để tạo ra các nền tảng cho sự đổi mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số ở các tầng lớp trên. Cách tiếp cận phân tầng của Singapore sẽ là một bổ sung quý giá cho việc thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam.

Thách thức tiết kiệm năng lượng, xanh hóa hạ tầng và khái niệm "narrow AI" của Việt Nam

Nói về các định hướng tiên phong của Singapore, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho biết Singapore đang thúc đẩy tầm nhìn Singapore an toàn lượng tử (Quantum-safe) trong vòng 10 năm tới. Nghĩa là trong tầm 10 năm tới, Singapore sẽ có sẵn những công cụ và hạ tầng để đảm bảo cho an toàn.

Chia sẻ ý kiến của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng theo hướng tiến triển, việc bảo mật thông tin dựa vào các công nghệ hiện đại không đủ đảm bảo. Có thể, ngay cả với những biện pháp bảo vệ thông tin tiên tiến nhất, vẫn có thể bị xâm nhập, bị tấn công. Vì thế, việc áp dụng công nghệ Quantum trong bảo mật thông tin gần như là không thể tránh khỏi.

An ninh thông tin được coi là yếu tố quan trọng nhất, và ở đây, sự bảo mật thường được định nghĩa thông qua việc mã hóa dữ liệu. Nếu thông tin không được mã hóa hoặc nếu mã hóa có thể bị giải mã, thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp cận với một trường phái mới, một xu hướng mới, đó là mã hóa thông tin bằng công nghệ Quantum.

Ngoài ra, Singapore đang đặt nền móng cho một xã hội số tự vận hành khắp nơi nhằm khắc phục vấn đề khan hiếm nhân lực. Định hướng này đề cập đến một tầm nhìn hoặc mô hình, trong đó sự tự động và quyền tự quyết định được tích hợp rộng rãi vào mọi khía cạnh của xã hội, công nghệ và cuộc sống hàng ngày. Theo đó, Singapore sẽ dùng những thiết bị tự hành và những cơ chế tự vận hành để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đời sống, đưa máy móc thông minh vào vận hành nhiều hơn để thay con người, kể cả những lao động chân tay và một số lao động trí óc.

Định hướng tiên phong thứ ba của Singapore là xanh hóa phần mềm, bởi vì họ nhận thức rằng việc chỉ tập trung vào việc xanh hóa phần cứng không đủ để đối phó với việc gia tăng lượng khí thải trong tương lai. Do đó, Singapore đề xuất phần mềm cũng cần phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và bền vững.

z5219125490466_6542ac7905e20cd5131d6117c281ff03.jpg
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc

Thực tế, phần mềm, đặc biệt là phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), tiêu tốn một lượng năng lượng lớn. Theo báo cáo từ Singapore, việc đào tạo một mô hình AI có thể tiêu tốn năng lượng tương đương với 120 hộ gia đình sử dụng năng lượng trong một năm. Và nếu sử dụng mô hình AI, lượng năng lượng tiêu tốn có thể gấp đôi, tương đương với khoảng 180 hộ gia đình sử dụng năng lượng trong một năm. Vì vậy, việc thiết kế phần mềm đơn giản và tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “lập trình hiệu quả để sử dụng ít CPU. Đấy chính là greening”. Theo Bộ trưởng, để lập trình một cách hiệu quả và tiết kiệm CPU, chúng ta cần thực hiện các biện pháp xanh hóa, bao gồm hạn chế sử dụng các con chip đa năng, tránh tạo ra những ứng dụng quá lớn và tải dữ liệu quá nhiều. Đặc biệt, đối với các quốc gia như Việt Nam, khi giải quyết các vấn đề nhỏ, cần hạn chế tạo ra các ứng dụng phức tạp.

Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia đã tiên phong sử dụng narrow AI trong các “lĩnh vực ngách” như tạo ra công cụ AI cho riêng các công chức, hay tạo ra công cụ AI cho 16.000 thẩm phán, chứ không làm AI cho hàng tỷ người, vừa giảm lượng năng lượng tiêu thụ vừa đơn giản hóa quá trình triển khai.

“Lập trình một cách có trách nhiệm, lập trình một cách thông minh, lập trình may đo cho phù hợp với từng chức năng, hóa ra là cách tiết kiệm điện nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Anh Minh