Sự cố Facebook đã khiến người dùng Việt cẩn trọng hơn
An toàn thông tin - Ngày đăng : 20:45, 06/03/2024
Sự cố Facebook đã khiến người dùng Việt cẩn trọng hơn
Đây là nhận định của ông Trần Quang Hưng, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT tại họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ TT&TT.
Ông Trần Quang Hưng cho biết sự cố Facebook tối ngày 5/3 trên toàn cầu đã buộc người dùng Việt Nam cẩn trọng hơn. Dù là sự cố nhưng có giá trị tích cực cảnh báo người dùng mạng xã hội (MXH) Việt Nam khi nhiều người dùng thấy cần phải xác thực hai bước và đổi mật khẩu.
Lừa đảo luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn
Thông tin thêm về tình hình ATTT, ông Trần Quang Hưng lưu ý về các chiêu thức lừa đảo trên MXH. “Như đã cảnh báo từ trước đến nay, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Trong đó, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn”.
Theo ông Trần Quang Hưng, hiện cách thức lừa đảo của các đối tượng được tiến hành khá bài bản và tinh vi. Có thể kể đến như đối tượng sẽ tìm cách sở hữu các tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ thông qua việc đi thuê lại các tài khoản ngân hàng của sinh viên, người ở quê hoặc đối tượng sử dụng CMND, CCCD của người khác để đăng ký mở tài khoản ngân hàng online từ xa. Nguồn CMND, CCCD có thể thu thập từ giấy tờ bị mất, đánh cắp hoặc mua bán thông tin cá nhân trên mạng.
Tiếp đó, đối tượng sẽ đi tìm người có tên tài khoản ngân hàng trùng với tài khoản trên MXH, thực hiện hành vi hack thẳng tài khoản Facebook, gửi link vào tin nhắn để cài cắm mã độc, gửi email chứa link dẫn đến web cướp tài khoản… Khi nạn nhân chẳng may sập bẫy, đối tượng sẽ nhanh chóng cướp tài khoản Facebook và nhắn tin mượn tiền hoặc tung tiếp các đường dẫn dụ dỗ thêm các nạn nhân khác bằng Facebook của người bị hại.
Cục ATTT khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính nào thông qua MXH. Người dùng nên thực hiện xác minh danh tính chính xác của đối tượng trước khi thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp (không gọi qua các ứng dụng MXH); tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng lạ hay trên bất kỳ một trang web không rõ uy tín; không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.
Dạng lừa đảo trực tuyến "việc nhẹ lương cao"
Đại diện Cục ATTT cũng cảnh báo chiêu thức lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là một trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Cục ATTT liên tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác.
“Đây không phải hình thức lừa đảo mới nhưng nhiều người dân nhẹ dạ cả tin vẫn dễ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Đối tượng lừa đảo luôn đưa ra những lợi ích rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân, đặc biệt là thời điểm những tháng đầu năm”, ông Trần Quang Hưng nhận định.
Theo đó, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cũng cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Bên cạnh đó, người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng,...) cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
Nguy cơ Sora tạo ra bản tin sai lệch
Thông tin về sự ra mắt gần đây của ứng dụng Sora do Open AI phát triển thời gian gần đây, làm dấy lên lo ngại về những chiêu trò lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake, ông Trần Quang Hưng cho biết sự phát triển của AI mang lại cả tính tích cực lẫn tiêu cực trong dòng chảy không ngừng của Internet.
Ở thời điểm hiện tại, Sora là một bước tiến lớn của OpenAI khi cho phép chuyển thể từ văn bản thành hình ảnh với chất lượng đáng kinh ngạc. Dù mô hình Sora hiện tại còn nhiều thiếu sót như nhầm lẫn bên trái và bên phải hoặc không duy trì được hình ảnh liên tục trong suốt thời lượng của video, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua nguy cơ Sora có thể tạo ra thông tin sai lệch.
“Bản thân OpenAI cũng đang tìm ra các giải pháp hạn chế, tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận rằng, không có giải pháp nào triệt để cả”.
Đại diện Cục ATTT nhận định: “Lợi dụng công nghệ deepfake là một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Chính vì vậy, câu nói "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" lại càng đúng trong trường hợp này. Trong lúc chúng ta chờ những công nghệ và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn được các hình thức này thì rất cần các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi tới người dân để có thể nắm bắt kịp thời các thông tin và thủ đoạn”.
“Môi trường mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên MXH. Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên MXH, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó”, đại diện Cục ATTT khuyến cáo.
Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Cục ATTT đề nghị người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo./.