An toàn, an ninh mạng đi vào chiều sâu, phần hạ tầng
Diễn đàn - Ngày đăng : 19:54, 09/03/2024
An toàn, an ninh mạng đi vào chiều sâu, phần hạ tầng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) đẩy mạnh bảo vệ an toàn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên không gian mạng tại buổi gặp mặt thường niên 2024 diễn ra sáng 9/3/2024.
Buổi gặp mặt có sự tham dự của hơn 100 tổ chức, DN hội viên và đối tác của VNISA. Sự kiện là thông lệ để cùng đánh giá, nhìn nhận những kết quả đã làm được và chưa làm được trong năm 2023 và thảo luận, đề ra các giải pháp khả thi để triển khai hoạt động trong năm 2024. Từ đó, đề xuất các giải pháp để phát huy, cộng hưởng kế hoạch của các đơn vị của VNISA.
Nhiều hoạt động thiết thực
Theo ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA, năm 2023, VNISA đã tham gia tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các báo cáo tổng kết và dự thảo nội dung các đề án của Chính phủ trong lĩnh vực ATTT, dự thảo Luật giao dịch điện tử (GDĐT) (do Bộ TT&TT chủ trì) và các văn bản quản lý nhà nước khác; Tham gia ý kiến chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai các giải pháp xác thực điện tử cho tổ chức, DN và cá nhân.
“Việc tham gia xây dựng chính sách của nhà nước trong lĩnh vực ATTT được VNISA thực hiện qua nhiều hình thức như góp ý bằng văn bản, tham gia ý kiến tại các diễn đàn, tham gia các hội thảo...”, ông Vũ Quốc Thành cho hay.
VNISA đã tổ chức đánh giá sự phù hợp theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2020/ VNISA - Tiêu chuẩn dịch vụ kiểm tra đánh giá ATTT mạng (do VNISA ban hành) cho dịch vụ của các DN hội viên; Ký thỏa thuận hợp tác cùng Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội và Cục C06 - Bộ Công an về đào tạo nâng cao nhận thức về ATTT phục vụ Đề án 06 của Bộ Công an; Tổ chức 02 khóa đào tạo về ATTT cho chuyên gia của đơn vị hội viên với chủ đề “Phòng chống, xử lý mã độc” và “Kỹ năng kiểm tra, đánh giá ATTT”. Mỗi khóa đào tạo cho hơn 30 học viên thuộc các tổ chức, DN hội viên, đối tác tại Hà Nội.
VNISA đã phối hợp với ĐH RMIT tổ chức đoàn 15 chuyên gia của hội viên VNISA tham gia khóa đào tạo ATTT tại Úc vào tháng 10/2023; Tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật của một số đơn vị hội viên tham gia các khóa đào tạo về ATTT do Cục ATTT (Bộ TT&TT) phối hợp Cơ quan An ninh mạng của Hoa Kỳ (CISA) và Cơ quan An ninh mạng của Hàn Quốc (KISA); VNISA phối hợp ĐH RMIT tổ chức.
Cũng trong năm 2023, VNISA đã khảo sát về ATTT gần 200 cơ quan, tổ chức, DN tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng. Qua đó, sát phản ánh các tổ chức, DN ngày càng chú trọng công tác đảm bảo ATTT, đang chuyển dịch một phần hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây và bắt đầu quan tâm đến các công nghệ trên nền tảng AI.
Về phát triển hội viên, tính đến tháng 02/2024, tổng số hội viên của VNISA là 168 hội viên tập thể và 06 hội viên cá nhân. Trong đó, Hà Nội có 88 hội viên tập thể; phía Nam có 80 hội viên tập thể. Cơ cấu hội viên bao gồm các cơ quan chuyên trách về ATTT của Nhà nước, các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT, các đơn vị có ứng dụng giải pháp ATTT ở mức cao, các cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng dạy về ATTT.
VNISA đã thành lập một tổ chức chuyên môn mới là “Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng” với 11 thành viên ban đầu, nhằm kết nối các đơn vị hội viên hoạt động trong lĩnh vực này với các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác; thúc đẩy phát triển thị trường, sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng; Hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của các tổ chức chuyên môn trực thuộc VNISA như CLB Chữ ký số (CKS) và GDĐT Việt Nam (VCDC), CLB Kiểm tra, đánh giá và kiểm định ATTT Việt Nam (VSAC).
VNISA tổ chức các hoạt động thường niên như chủ trì tổ chức cuộc thi online “Học sinh với ATTT 2023” lần thứ 2 với sự tham dự của 740.250 thí sinh của 5417 trường THCS của 63 tỉnh thành tham dự; Hội thảo - Triển lãm Ngày ATTT Việt Nam 2023 với khoảng 1.000 lượt khách dự tại hội trường và 500 khách theo dõi trực tuyến; Cuộc thi Ssnh viên với ATTT ASEAN 2023 lần thứ 16 với sự tham gia của 233 đội thi từ 10 nước ASEAN.
Đội thi ĐH Bách khoa Hà Nội của cuộc thi đã được đề cử đại diện Việt Nam tham dự Cyber Seagame 2023 tại Thái Lan và đạt giải Nhì. Các đội đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi An ninh mạng ACS 2023 tại Indonesia đã đạt 02 giải Nhất (đội thi của ĐH CNTT TP HCM và đội thi của ĐH Bách khoa Hà Nội) và 01 giải Nhì (đội thi của ĐH Duy Tân)…
Nhấn mạnh thêm về hoạt động của VNISA trong năm 2023, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn của đất nước và của DN nhưng hoạt động của Hiệp hội đã đạt được những kết quả hết sức lạc quan, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ như đào tạo phát triển nguồn nhân lực ATTT, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTT cho cộng đồng, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT, mở rộng hợp tác quốc tế, đóng góp xây dựng chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực ATTT và tăng cường sự gắn kết các hội viên của Hiệp hội và các đối tác.
“Chúng ta đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần vào bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và thúc đẩy phong trào học tập sinh viên trong lĩnh vực ATTT”, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định.
Đổi mới không ngừng đáp ứng thực tiễn
Năm 2024, chương trình CĐS quốc gia được đẩy mạnh cùng với triển khai chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia năm 2025, tầm nhìn 2030, với những điểm nhấn là bảo vệ người dân trên không gian mạng để thúc đẩy, tạo lập khai thác dữ liệu số an toàn phục vụ chính phủ số, công dân số.
Theo Chủ tịch VNISA, tất cả những điều đó đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm của ngành ATTT chúng ta. Trong bối cảnh đó, một công việc duy trì hoạt động thường niên đã phát huy tích cực trong những năm qua, Hiệp hội phải có sự sáng tạo đổi mới không ngừng để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.
Tại buổi gặp mặt nhiều tổ chức, DN, cá nhân hội viên VNISA đã có nhiều đóng góp ý kiến, mong muốn VNISA tiếp tục là cánh tay nối dài, kết nối các bộ, ban, ngành trong các hoạt động về ATTT mạng.
Ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm VCDC đề xuất xây dựng 1 ứng dụng (app) CKS cá nhân phổ cập dùng chung cho thị trường rộng lớn (như đặt hàng thanh toán, nhu cầu trao đổi thông tin và các dịch vụ tiện ích).
Có DN cũng mong muốn được tham gia vào công tác tư vấn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin (HTTT) theo cấp độ với tổ chức, cơ quan nhà nước hay đề xuất cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cần được chia sẻ để khai thác lợi ích tối đa. Tổ chức World Vision International tại Việt Nam mong muốn trong năm nay, VNISA tổ chức nhiều hơn hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn lắng nghe tiếng nói của các em nhỏ, phụ huynh để các DN, tổ chức có các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phù hợp. Cùng với đó, hội viên cũng mong muốn VNISA cần quan tâm đến xu hướng công nghệ “quantum safe”, “quantum security”.
Với các ý kiến cho cơ quan nhà nước về bảo vệ HTTT theo cấp độ, dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục ATTT và ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đã ghi nhận và có những trao đổi trực tiếp một số nội dung với các hội viên.
Tập trung bảo vệ người dân, xã hội, lực lượng dân sự trên không gian mạng
Trước các ý kiến trao đổi tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ vui mừng Hiệp hội ngày càng phát triển, số hội viên qua các năm đã tăng lên, có thêm nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng. Qua đó, VNISA giúp cho không gian mạng của Việt Nam an toàn hơn.
Thứ trưởng cho biết lĩnh vực ATTT được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lực lượng Quân đội, Công an quan tâm. Trong bối cảnh như vậy, Hiệp hội chắc chắn vẫn là lá cờ đầu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh trọng tâm hoạt động trong thời gian tới mà không ai có thể làm thay, thay thế được và rất cần Hiệp hội là hoạt động hướng tới người dân, xã hội, bảo vệ lực lượng dân sự trên không gian mạng.
“VNISA cần hướng tới người dân, xã hội, khu vực, DN tư nhân để đảm bảo hoạt động an toàn trên không gian mạng và tạo niềm tin trên không gian mạng”.
Thứ trưởng cũng mong muốn VNISA đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc bảo vệ an toàn hạ tầng số, trong đó là hạ tầng mạng viễn thông khi bản chất các mạng 5G, 6G có yêu cầu, tiêu chuẩn đảm bảo ATTT mạng sẽ rất khác so với lại mạng 4G. Cùng với đó là bảo đảm ATTT các thiết bị bảo IoT kết nối vào mạng và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực trên toàn bộ không gian mạng.
“Đây sẽ là xu hướng chủ đạo của an toàn, an ninh mạng trong giai đoạn tới khi mà an toàn an ninh mạng sẽ đi nhiều vào chiều sâu, đi nhiều vào phần hạ tầng, các vấn đề liên quan tới y tế..., thay vì những hoạt động mang tính bề nổi’.
Đồng thời, Thứ trưởng chia sẻ hầu hết các chiến lược về an ninh mạng (cyber security) mới của các quốc gia cũng như các chiến lược số của các nước cập nhật gần đây bao giờ cũng có từ khoá “quantum safe”, “quantum security”, tức là nhấn mạnh khả năng chúng ta cần phải chuẩn bị công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng trước sự phát triển của sức mạnh tính toán có thể tăng đột phá trong thời gian tới, đặc biệt là sự tính toán của lượng tử có thể phát vỡ rất nhiều giới hạn truyền thống.
Thứ trưởng mong muốn VNISA tiên phong nghiên cứu vấn đề, xu hướng công nghệ mới để định hướng, dẫn dắt cộng đồng DN Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt được những xu hướng phát triển của công nghệ đang thay đổi như hiện nay.
Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển thì ngành công nghiệp ATTT cũng là một trong những ngành tiên phong phát triển, phát huy thế mạnh của người Việt Nam, đặc biệt là phát huy thế mạnh bản địa khi khách hàng hậu thuẫn và sát cánh cùng chúng ta”./.