Các Sở TT&TT chủ động hơn nữa về các vấn đề dân sinh trên mạng
Truyền thông - Ngày đăng : 18:42, 11/03/2024
Các Sở TT&TT chủ động hơn nữa về các vấn đề dân sinh trên mạng
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý I năm 2024 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT ngày 11/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT đã nêu hai kiến nghị đối với các Sở TT&TT.
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, trong thời gian qua, các Sở TT&TT đã rất tích cực, chủ động đối với các vấn đề liên quan đến chính trị như bôi nhọ lãnh đạo tỉnh, thông tin sai sự thật về địa phương hay thông tin gây hại cho chế độ. Tuy nhiên, các Sở TT&TT chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề về dân sự và có xu hướng chờ Bộ Công an hay Bộ TT&TT xử lý.
Theo đó, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT đề nghị các Sở TT&TT cần quan tâm đồng đều hơn nữa, cả thông tin liên quan đến chính trị cũng như những vấn đề dân sự trên không gian mạng.
Về góc độ này, ông Lê Quang Tự Do cho rằng Sở TT&TT TP. HCM đã rất kịp thời chủ động trong vấn đề xử lý khi chủ động mời những đối tượng livestream trên mạng xã hội, có phát ngôn không chuẩn mực, như vừa rồi là trường hợp của Nam Em, đến để làm việc và xử phạt bởi nếu để lâu sẽ gây bất ổn trong xã hội.
Theo ông Lê Quang Tự Do, các Sở TT&TT cần chủ động, tích cực để thực hiện. Cục PTTH&TTĐT sẽ sẵn sàng phối hợp bất kỳ lúc nào nhưng Sở TT&TT cần nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động và trách nhiệm của mình.
Việc thứ hai, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết hiện nay một số Sở TT&TT đã thuê hoặc tự xây dựng hệ thống rà quét mạng xã hội (social listening). “Đây là điều rất cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng. Hệ thống này giúp quét mạng xã hội trên diện rộng. Các Sở TT&TT đề xuất với địa phương trang bị hệ thống dễ dàng nắm bắt được tình hình để có những xử lý kịp thời đối với cả vấn đề chính trị và dân sự trên không gian mạng”.
Trung Quốc “phong sát” trên truyền thông
Theo nghiên cứu, tại Trung Quốc, nghệ sĩ, người nổi tiếng là bộ mặt đại chúng, biểu tượng của giá trị văn hóa, phong cách sống đối với xã hội và giới trẻ. Do đó, để chấn chỉnh và làm gương, nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội nghiêm trọng bị phạt tiền, phạt tù và “phong sát” (cấm tiếp xúc công chúng, xuất hiện, biểu diễn, quảng cáo trên truyền thông, mạng Internet).
Nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Trung Quốc sẽ bị “phong sát” nếu có những hành vi như: Vi phạm quy định pháp luật, bê bối về đời tư, đạo đức; Phát hành tác phẩm trái thuần phong mỹ tục, thô tục, phản cảm; Đề cập tới vấn đề chính trị, tôn giáo nhạy cảm; Quảng cáo gian dối, thổi phồng công dụng...
Cơ quan ban hành lệnh “phong sát” là Tổng cục PTTH quốc gia Trung Quốc, Bộ Văn hóa và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cơ quan triển khai là cơ quan truyền thông nhà nước (báo chí, Đài PTTH), cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn, nền tảng video, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội (MXH) trực tuyến, công ty sản xuất và phát hành phim, chương trình truyền hình, công ty quảng cáo,…
Lệnh “phong sát” sẽ được công bố nội bộ hoặc công khai rộng rãi đồng thời nêu tên và chỉ trích công khai trên truyền hình CCTV và Nhân Dân nhật báo. Thời gian "phong sát" có thể là vài năm đến vĩnh viễn (phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến xã hội).
Hàn Quốc “cấm sóng”, “cấm diễn”
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Cục PTTH&TTĐT, xã hội Hàn Quốc có tiêu chuẩn rất khắt khe với nghệ sĩ, việc vi phạm pháp luật và “scandal” là điều cấm kỵ nhằm hạn chế giới trẻ học theo thói xấu. Nghệ sĩ Hàn Quốc bị tẩy chay, “cấm sóng”, “cấm diễn” nếu có hành vi vi phạm quy định pháp luật; bê bối về đời tư, đạo đức; gián tiếp thúc đẩy hành vi sai trái của người khác.
Việc triển khai xử lý vi phạm do đài PTTH, công ty quản lý nghệ sĩ, công ty truyền thông, quảng cáo,... thực hiện và các Đài PTTH lớn (KBS, SBS, MBC…) sẽ lập Hội đồng thẩm định xem xét và đưa ra khuyến cáo về “danh sách đen”. Thời gian “cấm sóng”, “cấm diễn” có thể là vài năm hoặc vĩnh viễn và thực hiện từ sự chủ động của các đài truyền hình và công ty truyền thông dưới sự tác động của Hiệp hội nghề nghiệp.
Theo Cục PTTH&TTĐT, Việt Nam chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu (chủ yếu là phạt vi phạm hành chính với mức phạt hạn chế). Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục vẫn tràn lan mặc dù Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp luật nên vẫn sử dụng phương thức “khuyến nghị” hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.
Cục PTTH&TTĐT kiến nghị, cần vận dụng kết hợp một số kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và đặc thù của Việt Nam để triển khai giải pháp này để xây dựng bộ tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng (dựa trên những hành vi được nêu ra trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật) và thành lập Hội đồng tư vấn để đánh giá, kết luận về các trường hợp vi phạm dựa trên bộ tiêu chí, đề xuất áp dụng chế tài hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn lên cơ quan chức năng (Ban Tuyên giáo, Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT)./.