Giải pháp để mọi người dân Việt Nam đều có thể biết cách sử dụng AI

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:10, 29/03/2024

Theo đánh giá, đại đa số người Việt Nam chưa biết dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại. Trong khi ngày nay, kỹ năng dùng AI hiện đại giống như kỹ năng đọc, viết của thời đại mới. AI không khiến người lao động bị thất nghiệp, ngược lại, AI sẽ tạo ra những loại hình công việc mới. Tuy vậy, những lao động không biết cách sử dụng AI sẽ bị thay thế bởi những lao động biết cách sử dụng AI.
Chuyển đổi số

Giải pháp để mọi người dân Việt Nam đều có thể biết cách sử dụng AI

Huyền Thương 29/03/2024 10:10

Theo đánh giá, đại đa số người Việt Nam chưa biết dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại. Trong khi ngày nay, kỹ năng dùng AI hiện đại giống như kỹ năng đọc, viết của thời đại mới. AI không khiến người lao động bị thất nghiệp, ngược lại, AI sẽ tạo ra những loại hình công việc mới. Tuy vậy, những lao động không biết cách sử dụng AI sẽ bị thay thế bởi những lao động biết cách sử dụng AI.

Tóm tắt:
- Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI), các nước đang phát triển có tiềm năng bắt kịp các nước phát triển.
- Kỹ năng dùng AI hiện đại giống như kỹ năng đọc, viết của thời đại mới.
- Việt Nam cần bình dân học AI để mọi người đều có thể biết cách sử dụng AI.

Từng có những dự báo lo sợ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế người lao động ở nhiều vai trò khác nhau, và nguy cơ thất nghiệp sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định trí tuệ nhân tạo không thay thế con người trong công việc mà là những người am hiểu và biết cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế những người không biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, để không bị bỏ lại trong thời đại AI, người lao động phải học cách sử dụng AI. Tại Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Ứng dụng AI diện hẹp” tổ chức tại Quảng Ninh vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định AI cho phép chúng ta tập trung vào việc nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng đời sống, vì vậy cần phải đưa AI đến với mọi người, mọi nơi, ở các mức độ phát triển khác nhau, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI.

Thế giới phẳng và thế mạnh của Việt Nam trong kỷ nguyên AI

Theo TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC, những năm gần đây, thế giới đã trở thành thế giới phẳng, tức là trình độ hay mức độ sử dụng các công nghệ, mức độ cập nhật công nghệ của Việt Nam so với thế giới không còn khoảng cách xa nữa. Việt Nam cũng có những cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp phát triển các nền tảng công nghệ mới. Rất nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu làm việc ở Google hay Facebook là người Việt Nam.

Tất nhiên về mặt bằng công nghệ, Việt Nam chưa thể so sánh được với các nước phát triển. Nhưng tôi tin tưởng rằng với sự ủng hộ và chủ trương, chính sách đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước, không chỉ AI mà các công nghệ mới cũng sẽ có cơ hội phát triển ở Việt Nam”, TS. Đặng Minh Tuấn nói. “Có thể nói năm 2023 là năm trí tuệ nhân tạo lên ngôi và rất nhiều tổ chức uy tín, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến AI và đã đưa ra hàng loạt các sản phẩm liên quan”.

TS. Nguyễn Đức Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Công nghệ số, Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), cũng cho rằng AI dựa rất nhiều vào toán học, xác suất thống kê và người Việt Nam nổi tiếng giỏi toán, có bản chất tư duy, đấy là một lợi thế của chúng ta trong thời đại AI.

Là Tổng Giám đốc Công ty công nghệ InfoRe Technology - công ty chuyên xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Công Thành khẳng định “thực tế AI đã xuất hiện trên Internet từ rất lâu”. Theo ông Lê Công Thành, hàng ngày chúng ta đã dùng AI khi lướt Internet, nhưng có thể chúng ta không nhận ra. Bởi vì, khi mọi người tìm kiếm trên Google hay khi dùng Youtube, sẽ có hàng loạt gợi ý nội dung liên quan. Hay mạng xã hội Facebook hiển thị quảng cáo những mặt hàng mà người dùng đã từng xem. Đó là nhờ những thuật toán AI.

Đối với người dùng, đó là một dạng sử dụng “AI bị động”. Nghĩa là chúng ta chỉ tương tác với những kết quả do AI gợi ý. Song một năm trở lại đây, chúng ta bắt đầu được tiếp xúc với những thứ như ChatGPT, vì vậy chúng ta có cơ hội “chủ động sử dụng và điều khiển AI”. Theo ông Thành, tận dụng được sức mạnh của AI sẽ giúp Việt Nam trở nên phát triển đột phá.

ai1.png
Ảnh minh họa

Bình dân học AI: người biết nhiều dạy người biết ít, vừa học vừa đi dạy người khác

Muốn thành công, chúng ta phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời ở đây chính là thời đại trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ và mọi cá nhân đều có thể tiếp cận những công nghệ này. Và thay vì chúng ta dùng AI một cách bị động như 20 năm qua, thì giờ đây chúng ta chủ động sử dụng AI. Yếu tố địa lợi chính là chúng ta có nguồn dữ liệu. Và cuối cùng để có “nhân hòa”, chúng ta sẽ phải học, học cách sử dụng AI”, ông Lê Công Thành nói.

Nhận định “học cách sử dụng AI” là điều rất quan trọng với người dùng Việt Nam, ông Lê Công Thành cho rằng “trong sân chơi AI, Việt Nam không nên quá chạy đua công nghệ với các tập đoàn lớn trên thế giới, hoặc nên chọn những bài toán ngách”. Vấn đề quan trọng hơn là với những công cụ hiện đại và ngày càng phổ rộng, điều đáng quan tâm sẽ là làm thế nào để hàng triệu người, hàng chục triệu người dùng bình dân Việt Nam có thể sử dụng được các công cụ này.

Theo ông Thành, phải đến 99% người Việt Nam chưa biết dùng các công cụ AI hiện đại. Trong khi ngày nay, kỹ năng dùng AI hiện đại giống như kỹ năng đọc, viết của thời đại mới. Vì thế, để mọi người có thể nắm bắt nhanh cách sử dụng AI chủ động, ông Lê Công Thành cùng với đội ngũ của mình đang thực hiện theo triết lý gọi là “bình dân học AI”.

Ý tưởng “bình dân học AI” được bắt nguồn cảm hứng từ chính sách “bình dân học vụ”, vận động cộng đồng đi học rất thành công của Việt Nam từ những năm 1945. Phong trào “bình dân học vụ” đã khuyến khích, cổ động mọi người cùng đi học, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết đánh vần dạy người hoàn toàn mù chữ và dần dần đã thành công trong việc giúp nhiều người dân Việt Nam biết đọc, biết viết.

Hiện tại, để thu hút người dùng trên khắp thế giới, các công cụ AI đều cho phép đăng ký và dùng miễn phí, vì thế ai cũng có thể dùng AI. Và phương pháp “bình dân học AI” được tiến hành bằng cách người biết nhiều hơn dạy người biết ít hơn, thậm chí vừa học vừa đi dạy người khác.

Chia sẻ về phương pháp bình dân học AI, ông Lê Công Thành nói: “Mỗi ngày chúng tôi vận động mỗi người hãy tự luyện tập với những công cụ AI khoảng 15 phút, bằng cách cứ nói chuyện với “nó”, hỏi “nó” bất cứ thứ gì mình còn mông lung để tìm cách giải quyết. Ngoài ra, mỗi một tuần dành ra khoảng 15 phút để chia sẻ lại với những người khác, có thể là bạn bè và đồng nghiệp, gia đình và những người xung quanh mình. Nhờ thế, mỗi người vừa tiến bộ liên tục lại vừa giúp lan tỏa tri thức chủ động sử dụng AI cho những người khác”.

Nghiên cứu của Tập đoàn IBM sau khi khảo sát khoảng 3.000 CEO ở Mỹ đã kết luận trong vòng ba năm, khoảng 40% người lao động toàn cầu buộc phải có kỹ năng điều khiển AI. AI tạo sinh sẽ sản sinh ra những vị trí công việc mới, thay vì đào thải. Tuy vậy, người lao động cần tin tưởng AI và học cách sử dụng AI. Bởi vì, người lao động không phải trở nên dư thừa và bị sa thải bởi công nghệ AI, mà là những lao động có thể làm việc cùng AI sẽ thay thế những lao động không có khả năng hợp tác với AI.

TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng khi ứng dụng khoa công nghệ mới sẽ mang lại những cải tiến về năng suất và như vậy nó cũng sẽ thay đổi phương thức làm việc, phương thức lao động. Do đó, một số ngành nghề sẽ mất đi. Chẳng hạn, trong lịch sử, chúng ta đã từng chứng kiến xe ngựa dần biến mất khi có những phương tiện giao thông mới. “ChatGPT ra đời cũng đã khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, hiện tại ChatGPT hay các ứng dụng AI khác mới chỉ hỗ trợ con người trong công việc chứ chưa thể thay thế. Mặc dù vậy, thời đại ChatGPT này sẽ làm xuất hiện những ngành nghề mới. Ví dụ như trước đây chúng ta không thấy có những nghề như là gắn nhãn dữ liệu”, TS. Đặng Minh Tuấn nói.

Các chuyên gia nhận định rất nhiều người lao động Việt Nam đang nằm trong số “buộc phải có kỹ năng AI”. Nếu trong vòng ba năm nữa, người lao động Việt Nam không học được những kỹ năng điều khiển AI thì nguy cơ bị đào thải rất lớn. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta học được thì cơ hội cũng rất lớn.

Theo ông Thành, một mặt, chúng ta nên cập nhật những công nghệ do các quốc gia phát triển tạo ra, cập nhật liên tục và đáp ứng liên tục. Nhưng mặt khác, giống như những cái xe mới, xe Mercedes hay xe Lexus hay là xe Toyota, chúng ta chỉ cần học lái xe. “Chúng tôi hay ví von AI cũng giống như “mô hình xăng xe và tài xế xe”. Chúng ta không tự phát triển được thì chúng ta học lái xe, học cách sử dụng chiếc xe. Như vậy, các lái xe chính là những người dân Việt Nam đã học kỹ năng điều khiển AI”.

Chúng ta vừa phải tham khảo các quốc gia nước ngoài nhưng đồng thời cũng phải có chiến lược riêng của xã hội Việt Nam. Chiến lược đó dựa trên những thế mạnh của Việt Nam, như tính hiếu học, khả năng học toán tốt và học rất nhanh, sự sẵn có của mạng Internet cũng như smartphone”.

Để chuẩn bị tâm thế tốt trong kỷ nguyên AI, ông Thành cho rằng đối với người lao động, đặc biệt là những nghề nghiệp có thể ứng dụng AI và cần thiết có các kỹ năng AI, việc học cách sử dụng AI cần “cưỡng bức học”, như vậy sẽ chuẩn bị cho họ những kiến thức điều khiển AI.

ai.png
Ảnh minh họa

Các nước đang phát triển có tiềm năng bắt kịp các nước phát triển nhờ AI

Tuy vậy, để phát triển AI, không thể không đề cập đến vấn đề chính sách. Theo TS. Đặng Minh Tuấn, thực tế, công nghệ phát triển rất nhanh và thường có một khoảng cách giữa các văn bản luật và các hành vi mới. “Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng cập nhật để có những khung pháp lý tạo điều kiện cho các công nghệ mới phát triển. Nếu không có khung pháp lý, khi công nghệ mới ra đời, chúng ta không biết áp dụng như thế nào”, TS. Đặng Minh Tuấn nói.

Do đó, điều đầu tiên tôi nghĩ là Chính phủ nên có những chủ trương, chính sách và đặc biệt là xây dựng và cập nhật khung pháp lý, tạo hành lang để các công nghệ mới được triển khai nhanh chóng. Thứ hai, Chính phủ cần có những chủ trương khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho công nghệ phát triển. Rất nhiều trường hợp, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ có một chính sách tốt, thì doanh nghiệp mới thuận lợi phát triển. Tiếp theo là vấn đề đào tạo, nhận thức, những chính sách ươm tạo và sử dụng công nghệ mới. Tôi nghĩ đấy là những điều yếu tố quan trọng nhất đối với chiến lược phát triển dữ liệu số hay AI hay những công nghệ đổi mới sáng tạo”.

Sự kiện Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Ứng dụng AI diện hẹp” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã diễn ra tại thành phố Hạ Long vừa qua. Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến cuộc cách mạng máy tính, cuộc cách mạng Internet, cuộc cách mạng di động và cuộc cách mạng đám mây. Giờ đây, thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nước đang phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả lợi ích của AI sẽ có tiềm năng phát triển đột phá, bắt kịp các nước phát triển. Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cuộc cách mạng AI đòi hỏi các chính phủ phải phát triển cơ sở hạ tầng AI, lực lượng lao động AI và thiết lập khung pháp lý cho AI. Theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và một số quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia. Liên Hợp Quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định sự phát triển của AI là cơ hội nhưng cũng là thách thức, cách quản lý AI sẽ định hình tương lai của chúng ta. “Cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói./.

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Huyền Thương