Edupia: Sử dụng công nghệ để xoá nhoà khoảng cách về điều kiện học tập
Make in Vietnam - Ngày đăng : 16:02, 02/04/2024
Edupia: Sử dụng công nghệ để xoá nhoà khoảng cách về điều kiện học tập
Ra đời với sứ mệnh sử dụng công nghệ để xóa nhòa khoảng cách về điều kiện học tập, sau 4 năm, startup Edtech Edupia đã có 20 triệu người đăng ký cùng với 650.000 tài khoản trả phí. Dù vậy, theo ông Trần Đức Hùng, Founder kiêm CEO Edupia, kết quả này của công ty còn khiêm tốn, khi mà thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng.
Tóm tắt:
- Edupia tập trung vào việc giải quyết hạn chế, khó khăn trong việc học Tiếng Anh của đại đa số học sinh Việt Nam.
- Edupia đã có 20 triệu người đăng ký cùng với 650.000 tài khoản trả phí.
Sứ mệnh cải thiện khả năng tiếng Anh cho hàng triệu trẻ em ngoại tỉnh ở Việt Nam
Tháng 10/2023, Holon IQ - đơn vị nghiên cứu và phân tích dữ liệu toàn cầu về giáo dục đã công bố danh sách Top 50 đơn vị Edtech Đông Nam Á tiềm năng nhất năm 2023. Trong đó, Edupia năm thứ 2 liên tiếp nằm trong danh sách này và đều ở hạng mục “Language Learning”.
Trước đó, tháng 9/2022, Edupia đã công bố hoàn tất vòng gọi vốn series A với 14 triệu USD do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu. Khoản vốn này sẽ được startup dành đầu tư vào công nghệ và sản phẩm, tuyển dụng nhân sự chủ chốt để hướng đến cột mốc 2 triệu người dùng trả phí vào năm 2025.
Edupia là ứng dụng thuộc công ty cổ phần Giáo dục Educa Corporation được ông Trần Đức Hùng thành lập năm 2018 với sứ mệnh “Sử dụng công nghệ để xóa nhòa khoảng cách về điều kiện học tập”. Doanh nghiệp tập trung vào việc giải quyết hạn chế, khó khăn trong việc học Tiếng Anh của đại đa số học sinh Việt Nam. Vòng series A đã đưa tổng vốn Edupia huy động được đến nay lên 16 triệu USD, sau thương vụ Redefine Capital đầu tư 2 triệu USD vào startup này năm 2021.
Trước khi khởi nghiệp với Edupia, ông Trần Đức Hùng, Founder kiêm CEO Edupia là Giám đốc Trung tâm Digital của Viettel Telecom. Trong quãng thời gian này, ông Hùng nhận thấy rằng CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng tất yếu, khi mà công nghệ sẽ không chỉ thay đổi các ngành, dịch vụ truyền thống mà diễn ra trong tất cả các lĩnh vực.
Việc bắt đầu bằng giáo dục cũng bởi lúc đó sự dịch chuyển trong ngành giáo dục và y tế còn chưa cao và đây là cơ hội khi mà thị trường còn rất nhiều “dư địa”. Nếu làm tốt, tạo ra những giá trị tốt hơn, thay đổi được những ngành truyền thống thì Edupia sẽ phát triển tốt.
Việc khởi nghiệp với Edupia, theo ông Hùng, bên cạnh câu chuyện phân tích thị trường, nó còn đến từ câu chuyện của cá nhân. Trong quá trình về quê ở Hà Tĩnh, ông Hùng thấy ra việc dạy tiếng Anh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều nhưng mà ở các tỉnh, thành khác thì vẫn còn khó khăn, nhất là khi trẻ em hiện nay đã được học tiếng Anh từ rất sớm. Đặc biệt, tại đây, những gia đình có điều kiện thường chung nhau thuê xe cho con đi học tại một trung tâm tiếng Anh cách nhà khoảng 30 cây số.
“Điều này khiến tôi cảm thấy rất bất cập vì cho dù bố mẹ ở quê sẵn sàng đầu tư cho con nhưng lại không tìm được chỗ để đưa con đi học. Vì vậy, tôi mong muốn có thể dùng công nghệ thay đổi việc dạy tiếng Anh, giúp cho các em ở ngoại tỉnh có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn”, ông Hùng bày tỏ.
Về những thuận lợi trong quá trình phát triển Edupia, theo ông Hùng, đầu tiên về mặt hạ tầng và thiết bị đầu cuối, khi mà Việt Nam có tỷ lệ băng thông rộng và độ phủ sóng 3G/4G lớn. Đồng thời, sau COVID-19, các gia đình đều đã trang bị cho con em mình máy tính, máy tính bảng nên việc học online cũng dễ dàng hơn.
Chưa kể, một số sản phẩm Edtech đi trước cũng đã giúp thị trường hiểu hơn về việc học trực tuyến.
Yếu tố thuận lợi cuối cùng đến từ nhu cầu thị trường, trong bối cảnh nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho con học hành, kể cả những khu vực ngoại tỉnh thu nhập thấp, để cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn về khó khăn mà Edupia gặp phải đều là những vấn đề chung mà các startup công nghệ gặp phải như nguồn lực tài chính, nhân sự...
Là một “người con” gắn bó với Viettel 13 năm, ông Hùng cho biết, bản thân đã thừa hưởng cũng như học được rất nhiều trong việc vận hành Edupia và đem lại những hiệu quả nhất định.
Đầu tiên là tinh thần không sợ khó khăn và làm hết sức mình. “Bản thân tôi, được mọi người đánh giá là dù có thể ở lĩnh vực chuyên môn sâu nào đó không quá nổi bật nhưng chịu khó làm đến cùng để ra được vấn đề. Điều này đã ảnh hưởng nhất định trong quá trình vận hành Edupia hiện nay”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Tiếp theo, đó là đi sâu trực tiếp vào vấn đề. Nhờ đó, ở Edupia, đội ngũ trong công ty luôn cố gắng tập trung vào những vấn đề trọng yếu và giải quyết nó thật tốt. Để đến khi có vấn đề xảy ra thì xác định được đâu là nguyên nhân gốc và chọn giải pháp xử lý phù hợp.
650.000 khách hàng trả phí mỗi năm với tỷ lệ quay lại từ 50-60%
Hiện nay, Edupia đang có khoảng 20 triệu người đăng ký cùng với 650.000 tài khoản trả phí. Trong đó, lượng khách hàng chủ yếu tập trung chủ yếu ở vùng ven của các thành phố lớn, tỉnh.
Chia sẻ về sự khác biệt của mình, theo đại diện Edupia, nhận thấy có rất nhiều học sinh Việt Nam không nói được tiếng Anh, đơn vị này đã nghiên cứu cho ứng dụng công nghệ luyện nói i-Speak, giúp người học có thể nói chuyện với máy, đánh giá và cho điểm chuẩn xác về cách phát âm. Nhờ vậy, các bạn có thể phát âm tốt, nghe tốt và dần dần có phản xạ tiếng Anh.
Edupia cũng đã triển khai chương trình học tiếng Anh theo mô hình virtual school (trường học ảo) thông qua trí tuệ nhân tạo, khác biệt hoàn toàn so với các ứng dụng trước đây trên thị trường. Nhờ đó, tỷ lệ duy trì việc học sau 12 tháng trên Edupia đạt 50%, cao gấp đôi so với các sản phẩm khác trên thị trưởng.
“Điều này đã cho thấy hiệu quả của Edupia trong việc duy trì học tập cho trẻ em, nhất là khi ở độ tuổi từ mẫu giáo cho đến cấp 1, các con thường rất nhanh chán và khó có thể tự học một cách nghiêm túc mà vẫn còn ham chơi”, ông Hùng nhận định.
Lý giải cho tỷ lệ này, ông Hùng khẳng định, sản phẩm của Edupia không chỉ đơn thuần là một ứng dụng online thuần túy mà còn có các yếu tố của một lớp học offline như có nhóm Zalo để giao bài hàng tuần cho các con, giáo viên theo dõi quá trình học tập để cập nhật cho bố mẹ. Nhờ đó, khi con lười học hoặc 2-3 tuần không vào học thì giáo viên sẽ gửi ý kiến để phụ huynh nắm được. Chưa kể, thông qua AI hỗ trợ, giáo viên có thể nhận xét, đánh giá học sinh một cách tự động.
“Nhờ những yếu tố này, Edupia giúp cho cả các con và phụ huynh đều có cảm giác dù là tự học qua ứng dụng nhưng vẫn giống như một lớp học trực tiếp truyền thống. Nhờ đó, sản phẩm tự học của Edupia đã có 600.000 người dùng/ năm”, đại diện Edupia chia sẻ.
Bên cạnh đó, do là ứng dụng tự học nên trong quá trình thiết kế bài giảng, Edupia đã thiết kế các bài giảng có các tương tác thông qua trò chơi khoảng 2 phút một lần (game notification). Bởi vì, để hạn chế việc trẻ mất tập trung thì ứng dụng phải giúp các con luôn có sự tương tác, phản hồi liên tục, từ đó không tạo ra sự nhàm chán cũng như các cuộc thi hàng tuần để thể hiện sự cố gắng và nhận các phần quà.
Ngoài ra, mỗi tuần, Edupia cũng sẽ có một lớp học trực tuyến (live class) với giáo viên nước ngoài cùng với các bạn khác tham gia để trẻ có môi trường thực hành, trả lời thầy cô.
Không chỉ dừng ở chương trình tự học, Edupia đã xây dựng mô hình tutoring (gia sư online) với giáo viên dạy trực tiếp ở các lớp 1-1 (1 thầy cô – 1 trò) hoặc 1 - 4 (1 thầy cô - 4 trò). Trong đó ứng dụng chú trọng hơn đến lớp học 1-4, vì khi đó trẻ em sẽ có môi trường tương tác để học tập hiệu quả hơn cũng như giảm giá thành sản phẩm và phổ cập đến nhiều người hơn.
“Mô hình gia sư trực tuyến sau 2 năm triển khai có gần 50.000 khách hàng và trở thành một trong số những trung tâm lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm đã được khách hàng đánh giá cao và tỷ lệ mua lại khóa học đạt khoảng 60%”, ông Hùng cho biết thêm.
Tương tự như bất kì Edtech nào khác, nhà sáng lập Edupia khẳng định, vấn đề giáo viên là quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do đó, với Edupia, đơn vị này tuyển chọn giáo viên rất chặt chẽ nhằm đảm bảo các yêu cầu, cũng như có các chương trình để đào tạo.
“Ngoài chuyên môn tốt, giáo viên phải truyền tải được năng lực tích cực đến các em học sinh. Bởi vì, việc tạo động lực học rất quan trọng đối với những ứng dụng học trực tuyến dành cho lứa tuổi từ mẫu giáo đến cấp 1 như Edupia”, ông Hùng khẳng định.
Thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng để khai phá và phát triển
Chia sẻ về sự cạnh tranh của Edupia với những sản phẩm Edtech khác, theo ông Hùng, do chỉ làm một lĩnh vực duy nhất và tập trung toàn bộ cho sản phẩm. Vì vậy, những sản phẩm của Edupia đã đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, công ty cũng có kênh phân phối ứng dụng phù hợp đến tập người dùng mục tiêu của mình.
“Sự tập trung và tính chuyên sâu mà sản phẩm đem tới là những yếu tố rất quan trọng. Khi mà thị trường Edtech đòi hỏi những ứng dụng giáo dục chất lượng, dịch vụ tốt, thay vì những sản phẩm hời hợt, thiếu chiều sâu”, đại diện Edupia nói.
Ngoài ra, trong thời gian tới, thị trường giáo dục Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh với nhu cầu học thêm tăng cao, nhất là các môn tiếng Anh, Toán...
Bên cạnh nền tảng hạ tầng tốt, sau COVID-19, ý thức học online của các em học sinh cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Chưa kể, do tỷ lệ thâm nhập còn thấp nên thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để các đơn vị Edtech như Edupia khai phá và phát triển nên ông Hùng cho biết, đơn vị này chưa định ra thị trường nước ngoài ngay trong ngắn hạn.
Cuối cùng, trong tầm nhìn chiến lược từ năm 2024 - 2028, Edupia đặt mục tiêu trở thành Edtech lớn nhất Đông Nam Á. “Đội ngũ Edupia rất quyết tâm với mục tiêu này vì nếu chúng tôi không làm được thì sẽ có một Edtech khác làm thay mình. Khi đó, Edupia đứng trước nguy cơ cao sẽ không thể tồn tại”, ông Trần Đức Hùng kết luận.
- Tháng 9/2022, Edupia đã gọi vốn thành công vòng Series A được dẫn dắt bởi Jungle Ventures,cùng với sự tham gia của ThinkZone Ventures và quỹ eWTP Capital. Chia sẻ về lý do đầu tư vào Edupia, quỹ ThinkZone cho biết, bên cạnh nhu cầu thị trường gia tăng và còn nhiều tiềm năng để khai phá, thì yếu tố chủ chốt dẫn đến quyết định tham gia vòng gọi vốn này đến từ chính sự khác biệt trong sản phẩm của công ty.
- Đầu tiên, đó là nền tảng công nghệ vững chắc để đáp ứng lượng truy cập lớn cùng trải nghiệm tốt để giữ chân khách hàng với những tính năng như I-speak giúp hơn học sinh tiểu học mạnh dạn nói tiếng Anh chỉ sau 3 tháng.
- Tiếp theo đến từ chất lượng dạy học tốt, tạo nên uy tín của thương hiệu Edupia. Mô hình trung tâm online kết hợp giữa chương trình học trên nền tảng và đội ngũ giảng viên hỗ trợ offline giúp Edupia theo sát tình hình học, nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức của các em hơn, một điều khó thấy ở các app học tiếng Anh khác.
- ThinkZone Ventures cũng đánh giá cao tốc độ phát triển đầy ấn tượng của Edupia qua từng năm.
- Điều ấn tượng cuối cùng của ThinkZone là sự tâm huyết của nhà sáng lập Edupia Trần Đức Hùng trong việc cải thiện khả năng tiếng Anh của trẻ em ngoại tỉnh./.
(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)