Đổi mới đào tạo xuất bản số - kinh nghiệm từ Trung Quốc
Truyền thông - Ngày đăng : 08:47, 26/03/2024
Đổi mới đào tạo xuất bản số - kinh nghiệm từ Trung Quốc
Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuậtvà công nghệ số đã tạo ra những thay đổi lớn trong ngành xuất bản, việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ biên tập xuất bản trong môi trường xuất bản truyền thống đã không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tóm tắt:
- Sự khác biệt trong việc đào tạo chuyên ngành xuất bản truyền thống và xuất bản số ở Trung Quốc.
- Những vấn đề còn tồn tại và những yêu cầu mới trong việc rèn luyện kỹ năng biên tập xuất bản trong môi
trường xuất bản số ở Trung Quốc hiện nay.
- Một số kinh nghiệm đổi mới phương thức đào tạo chuyên ngành Xuất bản số cho Việt Nam.
Vậy làm thế nào để tiến hành cải cách và xây dựng hệ thống đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nghề nghiệp và sự phát triển của khoa học kỹ thuật là vấn đề được giới biên tập xuất bản và giới giáo dục Trung Quốc quan tâm. Dựa trên chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản số của một số trường đại học của Trung Quốc, bài viết tập trung phân tích những sự khác biệt trong việc đào tạo chuyên ngành Xuất bản truyền thống và xuất bản số, từ đó chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và yêu cầu mới trong việc rèn luyện kỹ năng biên tập xuất bản trong môi trường xuất bản số ở Trung Quốc hiện nay; đồng thời cũng nêu ra một số kinh nghiệm mà các trường đại học ở Trung Quốc đã thực hiện nhằm đổi mới chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản số đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Sự khác biệt trong mô hình đào tạo
Về phân loại chuyên ngành đào tạo
Ở Trung Quốc, chuyên ngành biên tập xuất bản ở mỗi trường lại được đặt trong khoa, bộ môn khác nhau, do vậy, cũng đào tạo chuyên ngành Xuất bản nhưng mỗi trường, viện lại có rất nhiều điểm khác biệt. Đại bộ phận chuyên ngành biên tập xuất bản đều thuộc khoa/viện báo chí xuất bản, có một số thuộc viện văn hóa, một số lại được bố trí tại học viện quản lý thông tin, một số thuộc học viện quản lý công, thậm chí có trường đặt tại học viện nghệ thuật, do vậy hệ thống chương trình và phương thức giảng dạy giữa các trường cũng có nhiều điểm khác biệt.
Chuyên ngành xuất bản số ở phương diện này ít có sự cải thiện đáng kể cho dù học giả và các chuyên gia nhiều lần xây dựng danh mục ngành học bậc 1 biên tập xuất bản1, nhưng việc phân chia chuyên ngành đều gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Một số trường đại học mở chuyên ngành Xuất bản số lại đặt chuyên ngành trực thuộc các khoa (ngành học) khác nhau như: Học viện Báo chí xuất bản thuộc Học viện in Bắc Kinh thành lập chuyên ngành Xuất bản số năm 2010, Đại học Vũ Hán năm 2012 thành lập chuyên ngành Xuất bản số trực thuộc Học viện Quản lý thông tin, chuyên ngành In ấn xuất bản số của Đại học Lý công Thượng Hải được thành lập năm 2007 thuộc Học viện Nghệ thuật thiết kế, Đại học Khoa học kỹ thuật Thiên Tân mở chuyên ngành Xuất bản số năm 2004 thuộc Học viện Bao bì và in ấn công trình, Đại học Tương Đàm năm 2013 đổi tên chuyên ngành Biên tập xuất bản thành chuyên ngành Xuất bản số trực thuộc Học viện Quản lý công, Đại học Trung Nam năm 2013 thành lập chuyên ngành Xuất bản số thuộc Học viện Văn học.
Điều đó cho thấy các trường có chuyên ngành xuất bản truyền thống như Vũ Hán, Tương Đàm, Trung Nam vẫn còn những vấn đề không rõ ràng trong phân loại ngành học. Còn trường Đại học Lý công Thượng Hải và Khoa học Kỹ thuật Thiên Tân dựa vào ưu thế khoa học kỹ thuật của mình đã xây dựng chuyên ngành Xuất bản số chủ yếu hướng về in kỹ thuật số, cho nên chuyên ngành Xuất bản số của trường được xây dựng và đặt trong khoa in ấn tương quan.
Chương trình giảng dạy
Chuyên ngành Xuất bản số quy về khoa ngành nào thì sẽ quyết định sự khác biệt trong chương trình đào tạo. Dù trong môi trường xuất bản truyền thống hay môi trường xuất bản số, hệ thống giáo trình được thiết kế theo mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo của các khoa ngành khác nhau, sự khác biệt phụ thuộc vào việc chuyên ngành Xuất bản số được đặt trong khoa ngành nào.
Giáo sư Phan Văn Niên trong bài “Phân tích hệ thống giáo trình giáo dục đại học ngành biên tập xuất bản Trung Quốc”, từ môn học chuyên ngành bắt buộc và môn học chuyên ngành tự chọn đã phân tích tình hình xây dựng giáo trình đại học chuyên ngành biên tập xuất bản của 10 trường đại học tiêu biểu của Trung Quốc đã chỉ ra rằng: thứ nhất, số lượng giáo trình các môn mang tính ứng dụng và tính kỹ thuật không đủ, đối với các môn như kinh doanh, nghiệp vụ tài chính, quản lý, điều tra thị trường và phân tích dự báo… thì tính ứng dụng của giáo trình cũng không được coi trọng. Thứ hai, số lượng giáo trình chuyên ngành không đủ, một số ít cuốn giáo trình đại cương như “Lịch sử biên tập Trung Quốc”, “Khái luận biên tập học”... được coi là “trụ cột” của toàn hệ thống giáo trình. Thứ ba, số lượng giáo trình nhằm đào tạo và nâng cao năng lực thực tiễn của sinh viên còn thiếu nhiều.
So với xuất bản truyền thống, có sự khác biệt lớn trong hệ thống giáo trình xuất bản số. Trong 6 trường đại học đào tạo chuyên ngành xuất bản số, có một số trường đã bổ sung thêm một số môn chuyên ngành có tính ứng dụng cao. Như chuyên ngành Xuất bản số của Đại học Vũ Hán ngoài những môn học mang tính nền tảng, còn có thêm các môn như: quản lý và kinh doanh, kinh tế học xuất bản, kinh doanh sách chuyên ngành, biên tập mạng, thiết kế và xây dựng trang web, kinh doanh mạng, v.v..
Học viện In Bắc Kinh được coi là một trong những trường có danh tiếng trong đào tạo chuyên ngành biên tập xuất bản, hệ thống giáo trình của trường luôn coi trọng việc kết hợp giữa lý luận, thực tiễn và tính ứng dụng. Chương trình học của trường bao gồm kiến thức về truyền thông kỹ thuật điện tử, lý luận và thực tế nghiệp vụ của biên tập báo điện tử, kế hoạch và sản xuất xuất bản phẩm số, kỹ thuật xuất bản số, thiết kế và quản lý web, kinh doanh xuất bản số.
Bên cạnh đó có một vài trường đại học khối khoa học tự nhiên dựa vào nền tảng khoa học kỹ thuật của mình nên chuyên ngành Xuất bản số được xây dựng mang màu sắc học thuật riêng, hệ thống chương trình đào tạo riêng biệt.
Chương trình chuyên ngành Xuất bản số của Đại học Lý công Thượng Hải bao gồm: kỹ thuật truyền thông, vật lý chất điện môi, in màu, nguyên lý công nghệ in, tiếp thị in, v.v.. Chuyên ngành Xuất bản số của Đại học Khoa học kỹ thuật Thiên Tân bao gồm các môn: in màu, mạng máy tính, quản lý kho số liệu, kỹ thuật xuất bản số, hệ thống màu, v.v..
Từ chuyên ngành Xuất bản số của một số trường đại học, không khó để thấy rằng một số trường đại học đã có những thay đổi lớn trong quá trình tìm tòi xây dựng hệ thống giáo trình cho sinh viên chuyên ngành Xuất bản số. Ví dụ như Đại học Lý công Thượng Hải, Đại học Khoa học kỹ thuật Thiên Tân, Đại học Vũ Hán, chương trình giảng dạy và hướng đào tạo được kết hợp chặt chẽ với nhu cầu thị trường, đào tạo ra những người có năng lực phù hợp thời đại công nghệ số.
Tất nhiên, một số trường đại học vẫn còn trong giai đoạn tìm tòi hướng đi, chẳng hạn như Đại học Tương Đàm và Đại học Trung Nam. Các khóa học chính của Đại học Tương Đàm về xuất bản số bao gồm: khái luận biên tập, khái luận truyền thông, ngôn ngữ văn bản ứng dụng, khái luận văn hóa sản nghiệp, khái luận thương mại điện tử. Chương trình đào tạo của trường không khác nhiều so với chuyên ngành biên tập xuất bản truyền thống, nhưng việc tìm tòi chuyển hướng đào tạo theo hướng xuất bản số của trường là điều đáng ghi nhận.
Hướng phát triển nghề nghiệp
Trong môi trường xuất bản truyền thống, hướng nghề nghiệp chủ yếu của sinh viên chuyên ngành biên tập xuất bản sau khi tốt nghiệp là trở thành chuyên gia, tạp chí, phóng viên báo chí, biên tập viên, biên vụ, kế hoạch, phát hành trong các nhà xuất bản và tòa soạn báo.
Ngoài những công việc đó ra thì những năm gần đây sự phát triển các công ty xuất bản tư nhân và công ty mạng cũng có tác động phần nào đến định hướng nghề nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Xuất bản số. Đào tạo ra những cử nhân xuất bản số không những nắm vững lý thuyết, mạnh về kỹ thuật số và kỹ năng quản lý kinh doanh, mà còn phải mở rộng việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là một trong những yêu cầu đối với các trường đại học hiện nay.
Các trường đại học đào tạo chuyên ngành Xuất bản số của Trung Quốc đã xây dựng được chương trình đào tạo nhằm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của mình. Chuyên ngành Xuất bản điện tử của trường Đại học Lý công Thượng Hải và Đại học Khoa học kỹ thuật Thiên Tân thiên về in kỹ thuật số, nghề nghiệp chủ yếu hướng vào công ty xí nghiệp in, công ty xí nghiệp in kỹ thuật số, bộ phận vận chuyển của trung tâm xử lý số liệu, công ty tuyên truyền văn hóa, đơn vị xuất bản theo yêu cầu2…
Hướng nghề nghiệp cho sinh viên của Học viện In Bắc Kinh chủ yếu hướng đến các đơn vị sản xuất văn hóa như: xuất bản số, báo chí truyền thông, sản xuất đa phương tiện và các ngành liên quan từ việc sáng tạo nội dung số, xây dựng và biên tập thông tin truyền thông đa phương tiện, quản lý kinh doanh xuất bản truyền thông. Còn những trường có truyền thống lâu đời trong việc đào tạo chuyên ngành biên tập xuất bản như Đại học Tương Đàm thì lại chú trọng đầu ra vào các đơn vị như: xuất bản sách tạp chí, báo chí tuyên truyền, đơn vị giáo dục văn hóa và các đơn vị sự nghiệp như biên tập, xuất bản, nghiệp vụ phát hành, công tác quản lý và những chuyên gia, biên tập cao cấp có thể tham gia vào việc tổ chức và phân phối, quản lý thông tin trên Internet, phù hợp với các yêu cầu của môi trường công nghệ cao.
Sự khác biệt về yêu cầu đào tạo
Trong môi trường xuất bản truyền thống, yêu cầu về đào tạo biên tập xuất bản chỉ là đáp ứng yêu cầu của hoạt động biên tập, in, phát hành, tuy rằng đã bổ sung thêm chuyên ngành Xuất bản số, nhưng với cách làm hiện nay là phân tách khái niệm xuất bản số, tức là mở thêm những môn học về xuất bản điện tử, xuất bản trên điện thoại...
Sự tách biệt này không có lợi cho sự sáng tạo và tư duy của sinh viên khi học về xuất bản số và trau dồi kỹ năng xuất bản tổng hợp. Việc giảng dạy xuất bản số vẫn chưa hình thành một hệ thống tập trung vào xuất bản số và thiết lập hệ thống các khóa học có liên quan ở mọi cấp, mới chỉ dừng lại ở việc dựa trên nền tảng chuyên ngành biên tập xuất bản hiện có, tuy các trường đại học hiện cũng có những bước đi cụ thể nhằm cải cách chương trình đào tạo nhưng cũng chỉ trong giai đoạn thăm dò.
Yêu cầu đào tạo của chuyên ngành Xuất bản số đòi hỏi người học phải có năng lực cao về khoa học, công nghệ kỹ thuật số và “năng lực tổng hợp liên ngành”. Đào tạo chuyên ngành Xuất bản số của Đại học Vũ Hán phần nào đáp ứng được yêu cầu trên khi đào tạo những học viên sau khi ra trường có kiến thức nền và kiến thức tổng hợp; nắm bắt một cách có hệ thống các lý thuyết cơ bản về xuất bản, nguyên tắc công nghệ thông tin và phương pháp xử lý thông tin; hiểu và nắm vững kỹ thuật sản xuất nội dung và kỹ thuật quản lý số, các kỹ năng liên quan đến phát hành số; năng lực viết và biểu đạt tốt, làm chủ một ngoại ngữ; có thể kết nối lý thuyết với thực hành và áp dụng lý thuyết học được để giải quyết các vấn đề thực tế.
Một số kinh nghiệm đổi mới phương thức đào tạo chuyên ngành Xuất bản số cho Việt Nam
Hiện nay toàn Trung Quốc có hơn 80 trường đại học mở lớp chuyên ngành biên tập xuất bản trình độ cử nhân, có gần 20 trường mở chuyên ngành cử nhân xuất bản số, có hơn 100 viện và trường đại học cung cấp các khóa học liên quan đến chuyên ngành Xuất bản số, hình thành nên một số lượng nhất định về quy mô đào tạo chuyên ngành Xuất bản số.
Việc thành lập chuyên ngành Xuất bản số của các trường đại học đánh dấu một giai đoạn mới trong giáo dục chuyên nghiệp về xuất bản số ở Trung Quốc. Việc thành lập chuyên ngành Xuất bản số là kết quả tất yếu của sự phát triển khoa học công nghệ và sự phát triển của thị trường sách, có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống đào tạo chuyên ngành Xuất bản. Nhưng dù đào tạo chuyên ngành Xuất bản truyền thống hay xuất bản số thì về phương diện đào tạo vẫn còn một số vấn đề nhất định.
Trong thời đại kỹ thuật số, cho dù là xuất bản truyền thống hay xuất bản số, thì yêu cầu của việc đào tạo là đào tạo ra những người có năng lực biên tập xuất bản phù hợp với thực tế và đặc tính của thời đại số. Qua sự so sánh trên, có thể thấy việc đào tạo đội ngũ biên tập xuất bản có đủ năng lực, phẩm chất còn những vấn đề tồn tại như: việc quy ngành học vẫn còn phức tạp, hệ thống giáo trình hoàn chỉnh chưa được thiết lập và năng lực của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đứng trước những vấn đề trên, việc đào tạo chuyên ngành Xuất bản số ở Trung Quốc đã tập trung hoàn thiện một số vấn đề sau đây:
Một là, dựa theo yêu cầu đào tạo thực tế, xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản số có tính chuyên biệt. Cho dù trong môi trường xuất bản truyền thống hay xuất bản số, chuyên ngành Xuất bản của Trung Quốc vẫn chưa quy về một ngành nhất định. Đây vẫn luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, trong một thời gian ngắn không thể có sự thống nhất ngay, nên các trường cần nhận rõ nhằm sử dụng hợp lý các nền tảng học thuật riêng biệt của mỗi trường, dựa vào đó đào tạo ra những người làm công tác biên tập xuất bản có đủ năng lực chuyên môn trong môi trường cạnh tranh cao như hoạt động xuất bản số.
Đại học Lý công Thượng Hải và Đại học Khoa học và Công nghệ Thiên Tân dựa trên những lợi thế khoa học và kỹ thuật trong công nghệ in kỹ thuật số đã đào tạo những “tài năng” trong lĩnh vực in kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin. Mô hình đào tạo này là một ví dụ tham khảo hữu ích cho các trường cao đẳng và đại học Trung Quốc có nhu cầu mở chuyên ngành Xuất bản số.
Hai là, thiết lập và cải tiến hệ thống giáo trình khoa học và hợp lý. So với môi trường xuất bản truyền thống, sự khác biệt trong việc trau dồi kỹ năng biên tập và xuất bản trong môi trường xuất bản số không chỉ phản ánh trong cấu trúc tri thức mà thể hiện trong phương pháp tư duy.
Do đó, các trường đại học bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống đào tạo khoa học hợp lý, cũng phải tập trung vào việc cân bằng giữa kiến thức khoa học và kết cấu tri thức, chú ý đến tính đổi mới và phương pháp tư duy.
Ngoài ra, chuyên ngành biên tập xuất bản là một nghề mang tính thực tế và kỹ thuật cao, cũng nên chú ý đến vai trò quan trọng của thực hành và thực tập trong chương trình đào tạo và tăng tỷ lệ các khóa học thực hành.
Ba là, tăng cường năng lực của giảng viên dựa trên điều kiện thực tế. Đội ngũ giảng viên chất lượng cao là một đảm bảo quan trọng để xây dựng thành công mô hình đào tạo cử nhân xuất bản số, thực hiện các cải cách giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học.
Chuyên ngành Xuất bản số còn mới so với các chuyên ngành khác nên đội ngũ giảng viên có những hạn chế nhất định, số lượng giáo viên có trình độ cao không nhiều. Ở một số trường đại học nếu căn cứ theo quy định thì không có đủ số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu, như ở một vài trường đại học nếu giảng viên không đạt trình độ tiến sĩ hoặc cao hơn sẽ không được chấp nhận giảng dạy, như vậy nhiều người có kỹ năng và kinh nghiệm về xuất bản số sẽ không được giảng dạy.
Do vậy các trường đại học cần chủ động đào tạo giáo viên giảng dạy chuyên ngành Xuất bản truyền thống làm chủ các kỹ năng và tư duy xuất bản số càng sớm càng tốt. Việc mời các giáo sư giảng dạy bán thời gian từ các trường đại học trên thế giới cũng là một cách tiếp cận trực tiếp tri thức cũng như nhu cầu của thị trường xuất bản số thế giới.
-----
1 . Theo “Mục lục ngành học đào tạo nhân tài và công nhận học vị” của Trung Quốc, ngành học bậc 1 (一级学科) nằm trong ngành học(学科门类) . Theo bản sửa đổi năm 2011, hệ thống giáo dục Trung Quốc có 13 ngành học (triết học, kinh tế, luật, giáo dục, văn học, lịch sử, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, y học, quản lý, quân sự, nghệ thuật) và 110 ngành học bậc 1.
2. Đơn vị xuất bản theo yêu cầu là một đơn vị xuất bản sách hoạt động chỉ dựa trên yêu cầu người mua. Đơn vị xuất bản ký hợp đồng với tác giả và trả phí một lần. Sau đó dựa trên tình hình bán sách thực tế tác giả sẽ được trả 20% trên tổng số tiền bản quyền mà đơn vị thu được. Hình thức bán sách là người đọc chọn cuốn sách muốn mua thông qua trang web, sau khi thanh toán, nhà sách sẽ in và chuyển đến người đọc.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đan, Trương Chí Lâm: “Nghiên cứu đào tạo nhân tài biên tập xuất bản tại Học viện In Bắc Kinh”, Khoa học kỹ thuật và xuất bản, 2010 (8).
2. Tôn Thọ Sơn: “Kiên trì đổi mới, dũng cảm thực hiện nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xuất bản số lên một tầm cao mới, http:// news.xinhuanet.com/book/2013-07/09/c_124981697.htm.
3. Thi Dũng Cần: “Phát huy những ưu thế nổi trội đặc sắc nhằm đào tạo nhân tài biên tập xuất bản số có năng lực”, Biên tập Trung Quốc, 2010(6): 74.
4. Đảng Xuân Trực: “Chân thật và cụ thể - linh hồn của tinh thần biên tập”, Biên tập, 2005 (2): 42.
5. Mã Trì Tiết: “Nghiên cứu mô hình đổi mới và xây dựng nguồn nhân lực cho truyền thông”, Giới báo chí, 2008 (1): 144.
6. Bộ Giáo dục, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên cho hệ thống các trường đại học báo chí truyền thông và triển khai chương trình giáo dục đào tạo các tài năng báo chí truyền thông ”, ngày 9/6/2013.
(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)