Vụ Pháp chế giữ vai trò "nhạc trưởng" về xây dựng thể chế ngành TT&TT

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:26, 13/03/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng cho công tác pháp chế của Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT và lĩnh vực xây dựng thể chế của Ngành.
Diễn đàn

Vụ Pháp chế giữ vai trò "nhạc trưởng" về xây dựng thể chế ngành TT&TT

Hoàng Linh 13/03/2024 20:26

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng cho công tác pháp chế của Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT và lĩnh vực xây dựng thể chế của Ngành.

bt-lam-viec-voi-vu-phap-che-13032024(1).jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Vụ Pháp chế việc triển khai các định hướng lớn giai đoạn 2021 - 2025 về công tác pháp chế.

Đẩy mạnh xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công tác pháp chế

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ TT&TT với Vụ Pháp chế ngày 13/3, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã báo cáo một số kết quả công tác nổi bật của Vụ trong thời gian qua.

ba-tran-thi-nhi-thuy(1).jpg
Bà Trần Thị Nhị Thuỷ: Năm 2024, Vụ Pháp chế triển khai mạnh mẽ trợ lý AI cho các cán bộ pháp chế thuộc Bộ.

Vụ Pháp chế đã tham mưu, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để xây dựng lộ trình bảo đảo khả thi để xây dựng trình Quốc hội ban hành 08 luật, trong đó, đã trình Quốc hội thông qua 03 luật (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ); Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi), 04 luật (Luật công nghiệp công nghệ số, Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bưu chính, Luật Xuất bản đã và đang được hoàn thiện quá trình lập đề nghị xây dựng luật trong năm 2024).

Về công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản, Vụ Pháp chế đã thực hiện các đợt rà soát lớn phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số (CĐS); điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TT&TT; phục vụ đề xuất hoàn thiện thể chế nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) lĩnh vực thông tin và truyền thông kỳ 2019 - 2023.

Công tác pháp điển, Vụ đã hoàn thành 8 đề mục bưu chính, viễn thông, GDĐT, CNTT, báo chí, xuất bản,tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin mạng trên Cổng Thông tin điện tử pháp điển.

Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Vụ đã xây dựng và triển khai kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm hoặc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, truyền thông chính sách có tác động lớn); Tổ chức phổ biến dự thảo do Bộ xây dựng trong quá trình soạn thảo và văn bản sau khi ban hành; Tham mưu thực hiện các yêu cầu của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (xây dựng báo cáo định kỳ/đột xuất, báo cáo chuyên đề, chịu sự kiểm tra và tham gia kiểm tra liên ngành,…);

Về công tác CĐS trong hoạt động pháp chế, bà Trần Thị Nhị Thuỷ cho biết một trợ lý ảo hỏi - đáp pháp luật về chuyên ngành TT&TT đang được xây dựng, dự kiến hoàn thiện bước đầu trong năm nay. Hiện, nhiệm vụ đang được Vụ Pháp chế và Trung tâm Thông tin phối hợp xây dựng bài toán và dự kiến đưa vào hệ quản lý điều hành của Bộ để các đơn vị xây dựng, thực thi chính sách cùng có tài khoản (account) nhập liệu thường xuyên.

Vụ Pháp chế là "nhạc trưởng" về xây dựng thể chế TT&TT

Phụ trách Vụ Pháp chế, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết Vụ Pháp chế có số lượng cán bộ ít nhưng rất nhiều công việc, khẩn cấp, nhanh…

thu-truong-bui-hoang-phuong.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Công việc xây dựng pháp chế vừa phải mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.

Vụ Pháp chế thời gian qua đã đóng góp lớn để hoàn thành xây dựng ba bộ luật và năm nay bổ sung một loạt luật quan trọng nữa của Ngành. Vụ Pháp chế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để triển khai. "Công việc xây dựng pháp chế vừa phải mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật", Thứ trưởng lưu ý.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Mạnh Hùng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các cán bộ mới và lâu năm của Vụ về sự khác biệt trong công tác xây dựng thể chế TT&TT, xây dựng đội ngũ pháp chế ngành TT&TT đáp ứng với những thay đổi mới của Ngành. Lãnh đạo Vụ Pháp chế mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, tạo cơ hội đào tạo cho các cán bộ để trưởng thành… cũng như giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Vụ.

bo-truong-lam-viec-voi-vu-phap-che-13032024_-(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc xây dựng thể chế là tạo ra sự ổn định mà còn tạo ra sự phát triển.

Về công tác trọng tâm của Vụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Vụ Pháp chế xây dựng các văn bản pháp lý của Bộ theo hướng "sửa ít, chất lượng và nhanh" thì mới xong được khối lượng lớn công việc. “Việc xây dựng thể chế là tạo ra sự ổn định mà còn tạo ra sự phát triển. Vụ cần nắm vững đường lối, chính sách để xây dựng thể chế và đưa thể chế đi vào đời sống, thực tiễn”.

Công việc nhiều nhưng Vụ phải biết điều tiết, giảm tải công việc, kết nối các cán bộ làm công tác pháp chế trong Bộ và trong toàn Ngành. Theo đó, Vụ cần giữ vai trò "nhạc trưởng" về xây dựng thể chế tại Bộ và trong toàn bộ Ngành.

Công việc nhiều thì cần phải tìm các công cụ, ứng dụng công nghệ số. Bộ trưởng lưu ý Vụ cần cùng với Trung tâm thông tin đầy nhanh ứng dụng AI hẹp cho công tác pháp chế. “AI càng hẹp bao nhiêu thì càng thông minh và xuất sắc bấy nhiêu. AI càng hẹp bao nhiêu thì càng dễ làm bấy nhiêu. AI càng hẹp bao nhiêu thì càng mang lại giá trị bấy nhiêu”, Bộ trưởng lưu ý.

Trợ lý AI cho lĩnh vực pháp chế của Bộ phải dựa trên công nghệ cây tri thức (dựa vào câu hỏi chuẩn) và GPT (câu hỏi xung quanh chuẩn thì nhờ GPT). Trợ lý AI hẹp đã được làm cho lĩnh vực toà án rất tốt là một ví dụ. Trợ lý AI cho pháp chế là để phục vụ công tác và cẩn trọng xem xét.

Bộ trưởng cũng lưu ý làm trợ lý AI phải thiết thực, thực tế bởi có triết lý là làm phần mềm càng dễ thì càng xuất sắc. Vụ Pháp chế làm tường minh về trợ lý AI và Trung tâm thông tin thực hiện vận hành. “AI là công cụ, phải hỏi nhiều, dùng nhiều mới tốt lên”.

Bộ trưởng lưu ý năm 2024, Ngành tập trung “Rộng hơn, toàn diện hơn, thiết thực hơn, chất lượng hơn và nhanh hơn”. Cán bộ Vụ Pháp chế lưu ý chữ “rộng hơn”, có nghĩa là dung nạp nhiều nội dung và tạo sự khác biệt trong công tác xây dựng thể chế. "Người làm công tác thể chế ngành TT&TT phải vừa nắm được luật và phải có nền tảng về ngành TT&TT".

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng thể chế giống như xây dựng một ngôi nhà. Một ngôi nhà có nhiều khối (building block). Xây dựng dự thảo các luật, quy định mới cần xây dựng sẵn các "building block" qua chia sẻ với các đơn vị chuyên ngành, để giảm tải công việc. Vụ cũng xem xét thực hiện luân chuyển công tác trong đội ngũ làm pháp chế tại Vụ và tại các đơn vị thuộc Bộ, trong Ngành.

bo-truong-lam-viec-voi-vu-phap-che-13032024_2(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và các đại biểu, cán bộ Vụ Pháp chế tại buổi làm việc.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Khác biệt căn bản của pháp chế ngành TT&TT là hiểu về TT&TT, nền tảng chuyên ngành có khi lớn hơn nền tảng kiến thức pháp chế. Cùng với đó, Vụ cần xây dựng bản sắc riêng của đơn vị”./.

Hoàng Linh