Xây dựng môi trường văn hóa báo chí không chỉ bằng hình thức, khẩu hiệu

Truyền thông - Ngày đăng : 07:40, 17/03/2024

xây dựng môi trường văn hóa báo chí
Truyền thông

Xây dựng môi trường văn hóa báo chí không chỉ bằng hình thức, khẩu hiệu

Trường Thanh 17/03/2024 07:40

Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng môi trường văn hóa báo chí.

Gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng

Tại tọa đàm “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” diễn ra chiều ngày 15/3, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa, tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện tại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.

nd-loi.jpg
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ.

Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích về mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp...

Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với cái thách thức, những hệ lụy mặt trái của sự phát triển, trong đó, nổi lên hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời, tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với công chúng, bạn đọc của mình, tìm đến các thị hiếu tầm thường, sản xuất, nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập. Tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí dọa nạt, đóng tiền, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ.

Để được có một nền báo chí Việt Nam thật sự hiện đại, nhân văn, các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển, phát huy giá trị văn hóa của sứ mệnh con người Việt Nam, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng môi trường văn hóa báo chí.

Nhà báo trước hết phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết

Với tham luận “Trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí”, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh đến các yếu tố văn hóa trong báo chí, đặc biệt là văn hóa của người làm báo, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người làm báo trong một cơ quan báo chí là rất quan trọng.

“Phải có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc. Một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa”.

dx-hung.jpg
Ông Đào Xuân Hưng nhấn mạnh đến các yếu tố văn hóa trong báo chí, đặc biệt là văn hóa của người làm báo.

Cũng theo Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, trách nhiệm của nhà báo trước hết phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, đầy tính nhân văn. Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.

Thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm, tự chuyển biến tự chuyển hóa… để ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn.

“Trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát, trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn”, ông Đào Xuân Hưng cho hay.

Mỗi cơ quan báo chí cần có cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa báo chí

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận định có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề là báo chí hiện nay đã thay đổi theo những thay đổi của xã hội, thời cuộc. Bản thân sản phẩm báo chí đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc nhằm phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc.

nt-thanh.jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: mỗi cơ quan báo chí cần có một cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên, nếu chỉ kêu gọi chung chung thì sẽ rất khó, trong khi nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang thiếu cơ chế và các nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa, trong đó cần chú trọng đến những vấn đề thiết thực liên quan đến công tác xuất bản của tòa soạn, quy trình, hỗ trợ đời sống cho các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần có một cách thức, chiến lược để xây dựng văn hóa khác nhau.

Điều quan trọng là xây dựng được giá trị cốt lõi văn hóa trong cơ quan báo chí, mỗi cơ quan báo chí cần giữ gìn giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí đó, xây dựng môi trường văn hóa mới tạo ra được cảm hứng trong đơn vị đó. Không chỉ là cách ứng xử mà còn liên quan đến cảm hứng sáng tạo của phóng viên ở cơ quan báo chí đó. Xây dựng môi trường văn hóa báo chí, đó không chỉ hình thức, khẩu hiệu kêu gọi mà cần gắn với đạo đức của người làm báo với sự tồn vong của cơ quan báo chí đó”./.

Trường Thanh