Thiết lập bệ phóng cho DN Việt nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 21:21, 18/03/2024

Thách thức Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp số

Thiết lập bệ phóng cho DN Việt nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Thách thức Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chiều 18/3/2024, Họp báo công bố Thách thức ĐMST Việt Nam 2024 đã chính thức diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Hà Nội. Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến ĐMST Việt Nam (InnovateVN), do Bộ KH&ĐT chủ trì, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức.

Sự kiện họp báo đã chính thức giới thiệu, phát động triển khai chương trình nhằm kêu gọi sự đồng hành của các cá nhân, tổ chức ở cả trong và ngoài nước.

bt-3.png
Họp báo công bố Thử thách ĐMST Việt Nam 2024

Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI

Họp báo công bố Thử thách ĐMST Việt Nam 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết: “Thách thức ĐMST Việt Nam 2024 bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của AI, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam. Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra”.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, DN để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn; tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa.

Cùng với ngành bán dẫn, AI là một lĩnh vực nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) ần thứ 4. Sự phát triển của AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà thực sự sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và Báo cáo của McKinsey 2023 dự đoán AI sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu hàng năm.

bt-2.png
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại họp báo

Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights. Việt Nam cũng đã có những DN đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng AI như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta, cho biết luôn ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm và tầm nhìn xa của người Việt Nam.

“Thử thách ĐMST Việt Nam thực sự phản ánh sức mạnh của Việt Nam và tất cả các lĩnh vực mà nhân dân Việt Nam có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, khi nghĩ về những gì Việt Nam đang hướng đến, tôi muốn thấy Việt Nam trở thành "con rồng của AI", và cùng với một số quốc gia khác đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, Việt Nam sẽ là một quốc gia đẩy mạnh AI ở khu vực Đông Nam Á”, đại diện Meta nói.

Đặc biệt, ông Rafael Frankel tiết lộ các sản phẩm và dịch vụ AI của Meta sẽ mở rộng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2024. “Chúng tôi đã có kế hoạch ra mắt các sản phẩm AI trên WhatsApp, Messenger và Instagram vào năm 2024 tại khu vực này, và Việt Nam hiện đang nằm trong kế hoạch đó. Vì vậy, chúng tôi rất hồi hộp về việc công cụ này sẽ hỗ trợ rộng rãi các DN nhỏ và vừa (SME) ở Việt Nam tiếp tục sáng tạo và phát triển”, ông Rafael Frankel chia sẻ.

Thiết lập bệ phóng cho DN Việt nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Về Thử thách ĐMST Việt Nam 2024, ông Rafael Frankel cho biết: “Với Thử thách ĐMST Việt Nam 2024, chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI. Sáng kiến ​​này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu”.

bt-4.png
Ông Rafael Frankel: Sáng kiến ​​Thử thách ĐMST Việt Nam 2024 sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu.

Theo Ban Tổ chức, Chương trình năm nay diễn ra với 02 chủ đề trụ cột: Thứ nhất là tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực AI; Thứ hai là tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ AI phục vụ cho xây dựng, phát triển DN, gia tăng năng suất công việc.

Thách thức ĐMST Việt Nam 2024 hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các DN Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về cấu trúc, Chương trình năm 2024 bao gồm 03 nhóm.

Nhóm DN lớn ĐMST: Các DN lớn ĐMST với các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng triển khai ở quy mô lớn.

Nhóm SME ĐMST: Các SME ĐMST đã có các sản phẩm, dịch vụ thực tế về công nghệ bán dẫn và AI, đã triển khai thực tế trên thị trường và đã có doanh thu.

Nhóm DN khởi nghiệp sáng tạo (Startup): Các dự án ĐMST và công ty khởi nghiệp đang có các ý tưởng; đề xuất; mô hình tiếp cận mới hỗ trợ SME tham gia chuỗi giá trị chung ngành bán dẫn và AI. Các trường/viện đào tạo nghiên cứu, đã và đang hoạt động trong ngành vi mạch bán dẫn và AI.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, Chương trình cũng đã đề ra một số tiêu chí quan trọng cho các đơn vị và DN tham gia. Đầu tiên là tính ĐMST, nơi mà sự mới mẻ và khả năng ứng dụng thực tiễn được đánh giá cao để giải quyết các vấn đề hiện tại. Thứ hai là mức độ hoàn thiện, sự làm chủ công nghệ và khả năng triển khai thực tiễn các giải pháp.

Tiêu chí thứ ba là hiệu quả của các giải pháp được đề xuất và thứ tư là tính phù hợp, nghĩa là giải pháp có chi phí hợp lý và khả năng tương thích với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thứ năm là tính bền vững, trong đó sẽ đánh giá ảnh hưởng của giải pháp đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và chuỗi giá trị ngành.

Thứ sáu là tiêu chí về trình bày, thể hiện rõ tính thuyết phục và sự minh bạch trong mô tả các giải pháp. Và cuối cùng, tiêu chí thứ bảy là năng lực, uy tín và kinh nghiệm, cũng như quy mô hoạt động của các đơn vị tham gia.

Ông Huy cho biết các tiêu chí này sẽ là cơ sở để đánh giá và lựa chọn những giải pháp tiềm năng nhất để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

bt-5.png
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, Chương trình đã đề ra một số tiêu chí quan trọng cho các đơn vị và DN tham gia

Theo Giám đốc NIC, thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và AI, khuyến nghị và kết nối DN Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành DN, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của DN Việt trên thị trường thế giới.

Thách thức ĐMST Việt Nam năm 2024 sẽ kéo dài tới tháng 10 năm 2024 với các mốc thời gian quan trọng:

Tháng 3 - tháng 7/2024: Các buổi thông tin trao đổi tư vấn cho các đơn vị quan tâm

15/8/2024: Hạn chót nộp hồ sơ

Tháng 8/2024: Vòng sơ loại xét duyệt hồ sơ

Tháng 9 - tháng 10/2024: Các vòng đánh giá và phỏng vấn trực tiếp

Tháng 10/2024: Lễ vinh danh Giải pháp ĐMST 2024

Các cá nhân, đơn vị có giải pháp xuất sắc được lựa chọn sẽ có cơ hội giới thiệu giải pháp và hợp tác với các tập đoàn; nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế; được kết nối , gia nhập hệ sinh thái của NIC và Meta cùng các gói hỗ trợ, nâng cao năng lực, cơ hội xúc tiến thương mại, và nhiều giải thưởng khác./.

Anh Minh