Bao giờ Việt Nam có thể có kỳ lân Edtech?
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:49, 19/03/2024
Bao giờ Việt Nam có thể có kỳ lân Edtech?
Với tiềm năng của thị trường Edtech (công nghệ trong giáo dục) cùng mức độ đầu tư cao cho giáo dục ở Việt Nam, đại diện Edupia kỳ vọng sẽ có một startup Edtech trở thành kỳ lân trong 4 - 5 năm tới.
Bức tranh tươi sáng của Edtech Việt trong năm 2023
Theo Sách trắng Edtech Việt Nam năm 2023 (do Edtech Agency công bố vào tháng 8/2023), ngành Edtech được chia làm 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu (2000 - 2005) bắt đầu xuất hiện các nghiên cứu và ứng dụng EdTech trong trường học. Phải sang đến giai đoạn tiếp theo (2005 - 2010) thì những sản phẩm Edtech và E-learning đời đầu gồm Hocmai, Topica… mới bắt đầu xuất hiện.
Sau đó, hai giai đoạn tiếp theo từ 2010 - 2020, thị trường Edtech Việt trở nên sôi động với sự tham gia của các tập đoán lớn thuộc khối nhà nước, tư nhân (VTC Online, VNPT, Viettel… ) cho đến các startup như Monkey Junior, Edupia, KidsOnline, Vuihoc…. Trong giai đoạn này, tính đến năm 2019, Việt Nam đã có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực Edtech.
Giai đoạn cuối cùng, từ 2020 đến nay, giáo dục trực tuyến ngày càng phổ biến khi mà năm 2021 có đến 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến do giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, Edtech ngày càng nhận được nhiều vốn đầu tư hơn với nhiều thương vụ đầu tư và sáp nhập với số vốn lớn hơn 1 triệu USD.
Năm 2022, các công ty khởi nghiệp Edtech Việt Nam đã nhận được 8 khoản đầu tư với tổng số tiền là 46,8 triệu USD, tiêu biểu là thương vụ nhận đầu tư 14 triệu USD của Edupia. Còn trong năm 2023, số lượng thương vụ đầu tư “khủng” trong lĩnh vực này lại đang có xu hướng gia tăng. Có thể kể đến như Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest cho biết đã huy động thành công 120 triệu USD vào tháng 5/2023, MindX nhận 15 triệu USD vào tháng 4/2023, Teky gọi vốn thành công 5 triệu USD, Vuihoc với 6 triệu USD đầu tư…
Những nguyên nhân khiến Edtech đang ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm bao gồm: Việt Nam có 71% dân số sử dụng Internet; Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày càng tăng cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường Edtech sôi động nhất ở Đông Nam Á, với ước tính gần 15% ngân sách nhà nước và 38% ngân sách hộ gia đình dành cho giáo dục.
Ngoài ra, theo đại diện của một quỹ đầu tư, Edtech vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn và tiềm năng với các nhà đầu tư vì tại Việt Nam vẫn chưa có/tiệm cận kỳ lân công nghệ.
Edtech vẫn tăng trưởng tốt vì giải quyết được nhu cầu của người dùng
Dù vậy, tương lai u ám của kỳ lân EdTech Byju's (Ấn Độ) sau nhiều năm phát triển nóng do những sai lầm trong việc quản trị kinh doanh cùng với mức độ đầu tư vào các công ty Edtech trên toàn cầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến nhiều ý kiến lo lắng về thị trường trong tương lai, nhất là trong giai đoạn bình thường mới.
Chưa kể, một số Edtech cũng đang có dấu hiệu chững lại và ít được nhắc đến hơn so với quãng thời gian trước đó.
Ông Trần Đức Hùng - CEO và nhà sáng lập EDUPIA cho biết, xu hướng Edtech trên thế giới cũng như tại Việt Nam thời gian qua đều tiếp tục tăng trưởng theo từng năm. Dù thời điểm sau dịch COVID-19 thì mức độ phát triển có trùng xuống nhưng vẫn khá tốt vì giải quyết được nhu cầu của người dùng hiện nay.
Chia sẻ về những yếu tố ảnh hưởng với Edtech trong thời gian qua, theo ông Hùng, đầu tiên, do mô hình Edtech bị phụ thuộc khá nhiều vào quảng cáo trên các kênh tìm kiếm, mạng xã hội trong khi chi phí ngày càng tăng mà iệu quả lại càng giảm đi.
Tiếp theo, do thị trường Edtech liên tục thay đổi từ việc tổ chức bán hàng cho đến cho đến sản phẩm. Vì vậy, các nền tảng phải thường xuyên cập nhật để tốt hơn, nếu không sẽ bị những ứng dụng tốt hơn thay thế và dành lấy thị trường.
Bên cạnh đó, nền kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến sức mua của người dân, nên edtech cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Cuối cùng, đó là hiệu ứng “hậu COVID-19”, khi mà trong giai đoạn dịch, câu chuyện học tập và họp trực tuyến được nhắc đến rất nhiều nhưng sau đó, khi mọi người trở lại cuộc sống bình thường mới, dẫn đến những ứng dụng online có xu hướng phát triển chậm lại trong ngắn hạn.
Dù vậy, COVID-19 cũng có những tác động tích cực, tiêu biểu như các nền tảng thiết bị như máy tính, iPad, smartphone đã được đầu tư học trong dịch. Điều này sẽ tác động dài hạn cho việc học online.
Đối với Edupia, theo ông Hùng, để khắc phục những khó khăn này, đơn vị này đã triển khai mô hình bán hàng đa kênh để không phụ thuộc vào bất kì kênh khi tiếp cận khách hàng.
Còn đối với câu chuyện sản phẩm Edtech, yếu tố quan trọng nhất để có thể thuyết phục khách hàng, nhất là trẻ em, là tính hiệu quả và có tạo được hứng thú cho trẻ khi học hay không. “Bất kỳ sản phẩm nào nếu giải quyết được 2 câu chuyện ấy thì sẽ tồn tại và phát triển được”, ông Hùng khẳng định.
Để làm được điều này, đối với một sản phẩm tự học như Edupia, đơn vị này đã tổ chức sản phẩm với các yếu tố tương tác để tạo ra sự yêu thích cho trẻ em trong khi học cũng như có các nội dung phù hợp với độ tuổi.
“Nhờ đó, trong dịch COVID-19, do quy mô nhỏ hơn và nhu cầu người dùng lớn, nên Edupia tăng trưởng 100%. Hiện nay con số này trung bình của công ty ở mức gần 60%”, ông Hùng cho biết thêm.
Cơ hội trở thành kỳ lân Edtech mở rộng cho cả “người chơi” mới?
Khi được hỏi về lý do tại sao Edtech ở Việt Nam vẫn “vắng bóng” kỳ lân, ông Hùng cho rằng, câu chuyện này phụ thuộc vào tổng dung lượng thị trường tiềm năng ở hiện tại và tương lai, hay các startup hiện nay đang chiếm khoảng bao nhiêu thị phần.
Từ đó, ông Hùng cho rằng, cũng giống như các nước lân cận, dù thị trường Việt Nam có thể rất tiềm năng nhưng các startup edtech không thể ngay lập tức chiếm lĩnh được vì còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân về việc học trực tuyến, hiệu quả mang lại cho cộng đồng cũng như năng lực của các đơn vị trong lĩnh vực này.
“Vì vậy, dù thị trường thực tế có thể khai phá hiện nay vẫn chưa đủ lớn, khi chỉ chiếm khoảng chưa đến 5%, kể cả trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên, mảng Edtech sẽ rất lớn trong tương lai của 3 - 4 năm hoặc 5 năm tới”, ông Hùng nhận định.
Rào cản lớn nhất chủ yếu vẫn đến từ thói quen người dùng, họ cần có thời gian để thay đổi quan điểm về học trực tuyến, tin tưởng hơn vào các sản phẩm Edtech. Khi đó, thị trường mới có sự cộng hưởng và tăng dần thị phần.
Theo ông Hùng, lĩnh vực Edtech hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thị trường viễn thông Việt Nam trước đây, thời điểm mà Viettel trước khi ra đời. Khi đó, dù tỷ lệ người dùng còn rất thấp nhưng ai cũng nói lĩnh vực này tiềm năng. Để rồi, điều đó chỉ thành sự thực với sự xuất hiện của Viettel và cuộc cách mạng về giá, độ phủ…
Tương tự thị trường Edtech, để có kỳ lân công nghệ, các doanh nghiệp tham gia thị trường cần có sự quyết tâm, mạnh mẽ để tạo ra những sản phẩm cách mạng đáp ứng và làm thay đổi nhu cầu thị trường.
“Cơ hội trở thành kỳ lân Edtech mở ra cho tất cả doanh nghiệp, kể cả những người chơi cũ và mới”, ông Hùng kết luận./.