Việt Nam chuyển đổi số - xanh để tăng trưởng

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:09, 19/03/2024

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) FDI và tham dự Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh".
Diễn đàn

Việt Nam chuyển đổi số - xanh để tăng trưởng

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) FDI và tham dự Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh".

Hội nghị và Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức.

Tham dự Hội nghị và Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Năm nay, lần đầu tiên VBF có cơ hội kết hợp Diễn đàn thường niên quan trọng này với Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng DN FDI, đánh dấu một mốc quan trọng với trên 600 thành viên tham dự.

Các cơ quan chính phủ, lãnh đạo DN, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, và các bên liên quan khác đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề quan trọng đang định hình bức tranh kinh tế Việt Nam. Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ ngành đã thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho FDI và phát triển bền vững.

Với trọng tâm toàn cầu về bền vững và trách nhiệm môi trường, Diễn đàn năm nay nêu bật vai trò quan trọng của FDI trong thúc đẩy các sáng kiến tăng trưởng xanh.

a7r02706.jpg
Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh".

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tăng trưởng xanh. Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số - CĐS) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.

Đưa Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh là hai chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của chúng ta.

“Xanh và số là một “cặp song sinh”, muốn xanh thì phải dùng số và muốn dùng số thì phải đủ xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết công nghệ số sẽ là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, do đó CĐS - xanh là chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Các trung tâm dữ liệu (TTDL) xanh và năng lượng xanh là định hướng của Bộ TT&TT, với dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này sẽ được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Người đứng đầu Bộ TT&TT đã thông tin đến các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là các Hiệp hội DN nước ngoài, các DN FDI tại Diễn đàn về việc Việt Nam đã thông qua và ban hành nhiều luật liên quan nhằm hoàn thiện thể chế số, thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số như Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử và sắp tới là Luật Công nghiệp Công nghệ số, cùng một loạt chiến lược quốc gia về Chính phủ số, kinh tế số, hạ tầng số, dữ liệu số, công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc và Việt Nam đang phát triển các TTDL lớn, phát triển các hạ tầng tính toán cho AI nhằm tạo hạ tầng để phát triển kinh tế số (KTS), đạt mục tiêu KTS chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia để thực hiện công nghiệp bán dẫn nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Tiếp tục thu hút FDI về công nghiệp bán dẫn và phát triển các DN bán dẫn nội địa, Việt Nam có một chương trình lớn, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đón chào các DN FDI về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam sẽ là một hub toàn cầu về nhân lực bán dẫn với giải pháp đột phá là sự kết hợp đào tạo giữa các trường đại học và các DN công nghệ, đồng thời với đó là phát triển một hệ sinh thái đầy đủ của ngành công nghiệp bán dẫn.

anh2.jpg
Việt Nam sẽ phát triển KTS dựa trên 4 trụ cột: phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số các ngành, phát triển dữ liệu số và phát triển quản trị số.

Về phát triển KTS, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo phát triển KTS dựa trên 4 trụ cột: phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số các ngành, phát triển dữ liệu số và phát triển quản trị số. Năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số để phát triển KTS. Bộ TT&TT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN FDI tham gia vào chuyển đổi xanh ở Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp công nghệ số, công nghệ bán dẫn, công nghệ điện tử, các TTDL lớn, hạ tầng tính toán…

Các DN tin tưởng và mong muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam

Phát biểu ý kiến khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đại diện Intel Việt Nam cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng lên tầm quan hệ chiến lược toàn diện. Đây là một bước tiến vững chắc và tạo ra cơ hội hợp tác giữa hai bên, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn đã được đặt vào trung tâm của sự hợp tác này.

Intel cũng như một số các công ty khác của Hoa Kỳ là những công ty sẽ có điều kiện đóng góp thêm cho Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho phát triển bền vững hơn cho mối quan hệ hai bên.

Công ty Intel trong quá trình hoạt động tại Việt Nam mong muốn chứng kiến Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh quốc gia trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động khác để phát triển nền kinh tế nói chung. Intel đã tham gia đóng góp ý kiến và làm việc với Bộ TT&TT về chiến lược phát triển bán dẫn quốc gia, cũng như đề án xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn của Bộ KH&ĐT.

Ngoài ra, Intel cũng đưa ra những đề xuất liên quan đến xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Cùng với khả năng đào tạo trong nước, Intel mong muốn có sự hợp tác từ các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia và nguồn lực của Việt Nam ở nước ngoài. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn một cách nhanh chóng hơn.

Intel đã khởi động chương trình đào tạo nhân lực AI tại Việt Nam thông qua sự hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như với TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đại diện Intel cho rằng để thành công, việc này đòi hỏi sự đóng góp từ tất cả các đơn vị cùng tham gia.

Bên cạnh đó, liên quan đến các công nghệ mới, Intel mong muốn thấy sự phát triển của việc xây dựng các TTDL thế hệ mới và hạ tầng 5G, nhằm cung cấp nền tảng phát triển cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại đất nước.

Với mong muốn có sự hợp tác và phát triển bền vững hơn nữa, đại diện các DN có mặt tại Diễn đàn như Intel Việt Nam, Bosch Việt Nam đã có những khuyến nghị về cơ chế chính sách ưu đãi đa dạng cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam. Đặc biệt, Samsung mong muốn Việt Nam thử nghiệm thu hút đầu tư vào công nghệ cao như AI, bán dẫn bằng các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các DN FDI.

Các DN đều bày tỏ sự tin tưởng vào chính phủ Việt Nam cũng như mong muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng, là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, được coi là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu./.

Anh Minh