Kinh nghiệm cải cách và phát triển của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 08:18, 21/03/2024

Sau hơn 40 năm không ngừng cải cách sâu rộng, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn và, hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thị trường và phát triển trở thành các doanh nghiệp nhà nước mới hiện đại thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Thế giới

Kinh nghiệm cải cách và phát triển của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

TS. Nguyễn Văn Yên, Thành viên HĐTV, Trưởng Ban Tài chính - Chiến lược, Tập đoàn VNPT 21/03/2024 08:18

Sau hơn 40 năm không ngừng cải cách sâu rộng, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn và, hội nhập sâu sắc với nền kinh tế thị trường và phát triển trở thành các doanh nghiệp nhà nước mới hiện đại thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

411-202312271747021.jpg
Đoàn cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thăm và học tạp kinh nghiệm tại Trung Quốc.

Những doanh nghiệp này đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội, sự tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như cải thiện an sinh xã hội người dân của Trung Quốc. Kinh nghiệm trong cải cách và phát triển của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có giá trị tham khảo tốt đối với các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã xây dựng nền tảng vững chắc cho sự cải cách doanh nghiệp nhà nước được tiến hành ổn định, lâu dài

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo không chỉ mang đặc điểm chung của công cuộc hiện đại hóa các nước mà còn mang đặc sắc Trung Quốc căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước.

Năm đặc điểm cơ bản của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là “Hiện đại hóa với dân số khổng lồ”, “Hiện đại hóa khiến cho toàn thể nhân dân cùng giàu lên”, “Hiện đại hóa được hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần”, “Hiện đại hóa để con người chung sống hài hòa với thiên nhiên”, và “Hiện đại hóa đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Trên con đường tiến lên phía trước, Trung Quốc triển khai năm nguyên tắc quan trọng của công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là “Kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”, “Kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, “Kiên trì tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm”, “Kiên trì đi sâu cải cách mở cửa”, và “Kiên trì phát huy tinh thần đấu tranh”.

Theo phương pháp luận khoa học thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, thì thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là một công trình có hệ thống đòi hỏi phải trù tính xem xét tổng thể, lập kế hoạch có hệ thống và thúc đẩy tổng thể, xử lý đúng đắn sáu nhóm quan hệ quan trọng: “Giữa thiết kế thượng tầng và tìm tòi thực tiễn”, “Giữa chiến lược và sách lược”, “Giữa tính chính trực và sáng tạo”, “Giữa hiệu quả và công bằng”, “Giữa sức sống và trật tự”, “Giữa tự lực tự cường và mở cửa đối ngoại”.

Thế giới quan, giá trị quan, quan điểm lịch sử, quan điểm văn minh, quan điểm dân chủ, quan điểm sinh thái,… và những thực tiễn vĩ đại của nó trong quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là sự sáng tạo đổi mới quan trọng trong lý thuyết và thực tiễn hiện đại hóa thế giới. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là kinh nghiệm học hỏi cho rất nhiều nước đang phát triển tiến tới hiện đại hóa một cách độc lập và mang lại cho họ một sự lựa chọn mới.

Ba thay đổi, sáu phương diện trong công cuộc cải cách và phát triển Doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc

Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thực hiện “ba thay đổi lớn”:

Thứ nhất là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống doanh nghiệp hiện đại đặc sắc Trung Quốc.

Thứ hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống quản lý, giám sát tài sản Nhà nước và xác lập tư cách chủ thể thị trường độc lập của doanh nghiệp.

Cuối cùng là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ chế điều hành doanh nghiệp, khơi dậy sức sống và động lực nội tại của doanh nghiệp.

Kết quả là doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi bật trong thời đại mới. Đó là, “một tăng cường căn bản”, “hai giải quyết mang tính lịch sử”, và “ba tái định hình mang tính hệ thống” với kết quả cụ thể như sau:

“Một tăng cường căn bản” chính là sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng được tăng cường căn bản để tập trung thúc đẩy hiệu quả mối liên kết giữa trách nhiệm xây dựng Đảng với trách nhiệm kinh doanh doanh nghiệp, xúc tiến lồng ghép sâu sắc công tác xây dựng Đảng với sản xuất kinh doanh.

“Hai giải quyết mang tính lịch sử” là hai vấn đề cải cách cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước và vấn đề trút bỏ chức năng xã hội/công ích của doanh nghiệp đã được giải quyết mang tính lịch sử. Theo đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu toàn bộ 14.700 doanh nghiệp nhà nước trung ương và 150.400 doanh nghiệp nhà nước địa phương, khẳng định vị thế của doanh nghiệp nhà nước là chủ thể thị trường độc lập; Và trên cả nước đã hoàn tất cuộc cải cách với sự tham gia của 15 triệu gia đình công nhân và 20,27 triệu người về hưu, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đã trút bỏ hoàn toàn gánh nặng lịch sử và có thể tham gia cạnh tranh thị trường một cách công bằng.

“Ba tái định hình mang tính hệ thống” bao gồm:

Một là, định hình lại cơ cấu quản lý doanh nghiệp hiện đại của doanh nghiệp nhà nước một cách có hệ thống để thống nhất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao quản lý doanh nghiệp; để tổ chức Đảng, ban quản trị, ban giám đốc của doanh nghiệp đều thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình theo luật định, minh bạch và phối hợp hiệu quả.

Hai là, định hình lại cơ cấu bố trí vốn nhà nước có hệ thống để thúc đẩy thực hiện thành công một loạt tái cơ cấu chiến lược lớn, hội nhập ngành nghề theo nguyên tắc thị trường hóa. Trong ba năm qua, 04 nhóm gồm 07 doanh nghiệp nhà nước Trung ương và 116 nhóm gồm 347 doanh nghiệp nhà nước địa phương đã thực hiện tái cơ cấu chiến lược. Các công việc như “dọn dẹp”, thoái vốn khỏi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả cơ bản đã hoàn thành.

Ba là, định hình lại hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước một cách có hệ thống để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà đầu tư doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm quản lý, giám sát tài sản nhà nước và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, còn để tăng cường lợi thế của hoạt động giám sát chuyên nghiệp, có hệ thống và đúng pháp luật. Ngoài ra, còn để đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan giám sát tài sản Nhà nước ở ba cấp Trung ương, tỉnh, thành phố.

Việc không ngừng đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chất lượng cao có những bước đi vững chắc. Kết quả là, trong mười năm kỷ nguyên mới thì tổng tài sản của nhà nước tăng gấp ba lần, đạt 289 nghìn tỷ nhân dân tệ với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm là 5,9%, tốc độ tăng trưởng tổng lợi nhuận bình quân hàng năm là 7,3% và tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân hàng năm là 10%.

Trong chặng đường mới, trên hành trình mới, Trung Quốc phấn đấu đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Trung Quốc hoạch định một loạt kế hoạch hành động mới nhằm đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước phù hợp với những thay đổi của tình hình, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi và tăng cường các chức năng cốt lõi. Theo đó, Trung Quốc đang triển khai một loạt hành động mới hướng tới phục vụ chiến lược quốc gia, kiên trì và cố gắng giúp cho các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn, phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ chiến lược của nền kinh tế nhà nước. Trọng tâm là tiếp tục tăng cường cải cách sâu rộng xoay quanh sáu phương diện:

Thứ nhất, cải cách sâu sắc hơn xoay quanh việc tăng cường vai trò dẫn dắt ngành nghề và đẩy mạnh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại. Đó là, phải tập trung tạo dựng cục diện phát triển mới, kiên trì phát triển song song các ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược và các ngành nghề truyền thống, trù tính tốt hơn vòng tuần hoàn trong nước và quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đạt được mục tiêu phát triển chất lượng cao.

Thứ hai, cải cách sâu rộng xoay quanh việc đẩy nhanh sáng tạo khoa học công nghệ của doanh nghiệp và nỗ lực đóng vai trò quan trọng trong việc tự lực tự cường về công nghệ. Nhằm góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh về khoa học công nghệ, nên đặt sáng tạo khoa học công nghệ ở vị trí quan trọng, làm nổi bật vị trí chủ thể sáng tạo doanh nghiệp, rèn luyện sức mạnh khoa học công nghệ chiến lược quốc gia, tạo ra nhiều sáng tạo khoa học công nghệ có giá trị hơn “vũ khí quan trọng quốc gia”.

Thứ ba, cải cách sâu rộng xoay quanh việc nâng cao hiệu quả phân bổ vốn Nhà nước và nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu chiến lược và tích hợp chuyên môn. “Lấy doanh nghiệp làm chủ thể và thị trường hóa là phương tiện” để nêu bật hoạt động kinh doanh chính, tập trung vào công nghiệp, chú trọng hơn phát triển mạnh và chuyên môn hóa, thúc đẩy tập trung và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tiến lên và rút lui có trật tự, nâng cao chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy dòng vốn nhà nước lưu thông hợp lý và phân bổ tối ưu vốn.

Thứ tư, cải cách sâu rộng xoay quanh việc kiện toàn cơ chế kinh doanh theo định hướng thị trường và nỗ lực hoàn thiện quản lý doanh nghiệp hiện đại của các doanh nghiệp nhà nước đặc sắc Trung Quốc. Thực hiện bằng các giải pháp nhằm tăng cường xây dựng hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong quản lý doanh nghiệp, thực thi chế độ trách nhiệm kinh doanh mô hình mới theo hệ thống doanh nghiệp hiện đại đặc sắc Trung Quốc, thiết lập cơ chế phân phối thu nhập chuẩn hóa và hiệu quả.

Thứ năm, cải cách sâu rộng xoay quanh việc hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước và cố gắng đạt được sự thống nhất giữa việc nới lỏng và quản lý tốt. Tăng cường quản lý và giám sát nhà đầu tư tài sản nhà nước, kết nối tốt hơn việc quản lý và giám sát tài sản nhà nước và quản lý doanh nghiệp đồng thời hoàn thiện hệ thống quản lý và giám sát tài sản Nhà nước tập trung vào quản lý vốn.

Thứ sáu, cải cách sâu rộng xoay quanh việc tạo môi trường thị trường cạnh tranh bình đẳng và nỗ lực thúc đẩy sự phát triển chung của các doanh nghiệp thuộc mỗi loại hình sở hữu. Đó là, thúc đẩy sâu sắc sự tách biệt giữa chính phủ và doanh nghiệp, tách biệt giữa chính phủ và vốn, kiện toàn hệ thống quản lý và giám sát tài sản nhà nước tập trung vào quản lý vốn, khuyến khích hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp sở hữu khác, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện việc bổ sung cho nhau về mặt lợi thế và cùng có lợi, cùng thắng ở mức độ sâu hơn và trình độ cao hơn.

Phục vụ quá trình hiện đại hóa và mở cửa đối ngoại của Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước kiên quyết đẩy mạnh cải cách, đi theo con đường rộng mở, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy vững chắc hành động đi sâu và nâng cấp cải cách doanh nghiệp nhà nước để đạt kết quả cao nhất, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc, cũng góp phần to lớn vào sự tăng trưởng và phồn vinh kinh tế thế giới.

Thực tế, một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã không ngừng cải cách, phát triển nhảy vọt, trở thành những Tập đoàn xuyên quốc gia, dẫn đầu thế giới về quy mô, tăng trưởng và cả công nghệ trong nhiều lĩnh vực như tàu cao tốc, máy móc, pin Lithium, pin mặt trời, vật liệu xây dựng,… Để đạt được những kết quả đột phá trên, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tập trung cải cách mạnh mẽ, toàn diện, cụ thể: xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp; phát triển mạnh mẽ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, lấy đổi mới công nghệ, sáng tạo làm động lực cho sự phát triển và tăng trưởng ổn định lâu dài; không ngừng nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường hợp tác chiến lược và tái cơ cấu, sáp nhập để tạo dựng, củng cố vị thế vững chắc; kiên trì thực hiện quốc tế hóa để vươn ra toàn cầu.

Hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc tập trung vào quản lý vốn

Nằm trong tổng thể quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc, Trung Quốc đã xây dựng mô hình quản lý tài sản nhà nước tập trung thông qua việc thiết lập hệ thống ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước ở cả cấp trung ương và các địa phương. Nhiệm vụ chính của ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước vừa là thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư theo ủy quyền vừa quản lý, giám sát tài sản nhà nước của doanh nghiệp; đặc biệt là để thúc đẩy sâu sắc sự tách biệt giữa chính phủ và doanh nghiệp, sự tách biệt giữa chính phủ và tài sản. Nhìn từ góc độ mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp, xác định rõ chính phủ sẽ không còn điều hành trực tiếp doanh nghiệp, không còn quản lý doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính và xác lập tư cách chủ thể thị trường của doanh nghiệp. Trong khi đó, sự tách biệt giữa chính phủ và tài sản có nghĩa là từ góc độ phân chia chức năng trong chính phủ, chức năng quản lý xã hội/công ích của chính phủ và trách nhiệm của các nhà đầu tư tài sản Nhà nước được thực hiện bởi các cơ quan, ban ngành khác nhau.

Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc có ba trách nhiệm:

Một là trách nhiệm của nhà đầu tư doanh nghiệp trung ương. Theo Luật Công ty, Luật Tài sản Nhà nước và các quy định khác, 98 tập đoàn doanh nghiệp trung ương được Quốc vụ viện Trung Quốc ủy quyền thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư, được hưởng quyền thu lợi nhuận từ tài sản, tham gia vào việc ra quyết định quan trọng và lựa chọn người quản lý. Theo đó, hội đồng quản trị/hội đồng thành viên của các doanh nghiệp được trao quyền và có 50% thành viên là từ bên ngoài (thành viên độc lập). Tổng Giám đốc phải cạnh tranh để bổ nhiệm với nhiệm kỳ 03 năm, trường hợp không hoàn thành kế hoạch đề ra hàng năm thì xem xét từ chức.

Hai là trách nhiệm giám sát tài sản nhà nước. Ở cấp quốc gia, giám sát và quản lý tài sản nhà nước của các doanh nghiệp từ các khía cạnh thiết lập, đôn đốc và thực hiện cũng như hướng dẫn và giám sát chính sách và hệ thống.

Ba là phụ trách công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp trung ương. Thực hiện quy định về công tác Ban cán sự Đảng Cộng sản Trung Quốc và quy định về công tác tổ chức cơ sở của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp trung ương được thúc đẩy thực hiện đầy đủ trách nhiệm xây dựng Đảng.

Kết quả là, nhờ tập trung vào một đầu mối, có đủ nguồn lực, lý luận, thực tiễn từ trong và ngoài nước, từ Trung Quốc và học hỏi phương tây nên các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, công nghệ được phân bổ, hoạch định chiến lược bài bản. Mô hình này phát huy hết sức mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp Trung ương phát triển sản xuất dựa trên mô hình quản trị tiên tiến, áp dụng chuyển đổi số và các công nghệ, kỹ thuật mới nhất, dẫn đầu lĩnh vực, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ra nước ngoài thành công. Tính đến cuối năm 2022, hiệu quả quy mô tổng thể của các doanh nghiệp trung ương đã đạt kết quả: tổng tài sản đạt gần 81 nghìn tỷ nhân dân tệ, doanh thu cả năm đạt 39,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tổng lợi nhuận đạt 2,6 nghìn tỷ nhân dân tệ và nộp thuế đạt 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Nhằm hoàn thiện hệ thống giám sát, quản lý tài sản nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong thời gian qua, Trung Quốc tập trung triển khai năm giải pháp lớn sau đây:

Thứ nhất là, thúc đẩy doanh nghiệp trung ương nâng cao chất lượng phát triển. Với các giải pháp cụ thể như: hoàn thiện hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp trung ương; tăng cường quy hoạch tổng thể về tối ưu hóa bố cục và điều chỉnh cơ cấu; đẩy mạnh tái cơ cấu chiến lược và tích hợp chuyên môn; tạo nguồn công nghệ gốc và kích thích sức sống sáng tạo.

Thứ hai là, tăng cường giám sát tài sản nhà nước, bằng cách: thực hiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống khép kín giám sát của nhà đầu tư đối với hoạt động giám sát kinh doanh, giám sát toàn diện và truy cứu trách nhiệm; tăng cường giám sát và tương tác nội bộ và bên ngoài; Kiện toàn cơ chế giám sát và phòng ngừa rủi ro;.…

Thứ ba là, tiếp tục tối ưu hóa phương pháp giám sát. Phương pháp giám sát được đưa ra và điều chỉnh linh hoạt theo quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời kiên trì sự giám sát theo pháp luật. Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy giám sát kỹ thuật số.

Thứ tư là, tăng cường hướng dẫn, giám sát công tác quản lý giám sát tài sản nhà nước ở địa phương. Quốc vụ viện và chính quyền nhân dân địa phương, thay mặt nhà nước thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư nhà nước đối với doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp địa phương, và được hưởng các quyền, lợi ích của nhà đầu tư nhà nước. Do vậy, nhiều giải pháp đã được triển khai như: xác định rõ cơ cấu tổ chức; tổ chức hội thảo, các khóa đào tạo; hướng dẫn, giám sát kế hoạch công tác sở hữu nhà nước ở địa phương; thúc đẩy sự phối hợp thống nhất về chế độ giám sát, quản lý; hoàn thiện hệ thống đầu mối liên lạc hướng dẫn và giám sát từ trung ương đến địa phương; tăng cường trao đổi thông tin trong hệ thống.

Thứ năm là, hướng dẫn công tác xây dựng pháp luật và quản lý theo quy định pháp luật của doanh nghiệp trung ương. Trong thời gian qua, theo ý tưởng tổng thể về “xây dựng cơ chế, phát huy chức năng, hoàn thiện nâng cao”, Trung Quốc đã liên tục ban hành các quy định quản lý doanh nghiệp trung ương theo quy định pháp luật.

Như vậy, Trung Quốc đã thực hiện tốt quản lý tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý, giám sát tài sản nhà nước và hệ thống pháp luật về giám sát, quản lý tài sản nhà nước. Trong thời kỳ mới, Trung Quốc tiếp tục đặt ra nhiệm vụ điều chỉnh và đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát tài sản Nhà nước và hệ thống pháp luật về quản lý, giám sát tài sản Nhà nước để thích ứng với yêu cầu hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát tài sản Nhà nước tập trung vào quản lý vốn và tăng cường quản lý, giám sát tài sản Nhà nước./.

---------------------------------

Nguồn tham khảo:

-Chặng đường mới hiện đại hóa kiểu Trung Quốc thể hiện hình thái văn minh nhân loại mới – Giáo sư Phùng Tuấn – Nguyên Ủy viên Hội đồng Viện nghiên cứu lịch sử Đảng và văn hiến Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc;

-Quá trình cải cách và phát triển và những suy ngẫm của Doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc – Chu Xảo Lăng – Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc.

-Tổng quan về chế độ thể chế quản lý, giám sát tài sản Nhà nước của Trung Quốc – Cục chính sách và quy định của Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước của Quốc Vụ Viện Trung Quốc.

-Chuyển tiếp chiến lược và quốc tế hóa – Châu Dục Tiến – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vật liệu Xây dựng Trung Quốc (CNBM).

TS. Nguyễn Văn Yên, Thành viên HĐTV, Trưởng Ban Tài chính - Chiến lược, Tập đoàn VNPT