Hải Dương chuyển đổi số: Kiến tạo mô hình công dân số
Truyền thông - Ngày đăng : 16:29, 26/03/2024
Hải Dương chuyển đổi số: Kiến tạo mô hình công dân số
Với những nỗ lực chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, tích cực và đồng bộ, trong 3 năm triển khai Nghị quyết về CĐS, tỉnh Hải Dương 02 năm đạt xếp hạng thứ 14 và 01 năm đạt xếp hạng thứ 13 trong 63 tỉnh thành trên cả nước về mức độ CĐS.
Hải Dương đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ phục vụ CĐS
Ngày 26/3, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, đã tổ chức Chương trình Ngày CĐS tỉnh Hải Dương với chủ đề “CĐS: Kiến tạo mô hình công dân số”.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và sức lan tỏa mạnh mẽ đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó CĐS là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của CĐS, Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về CĐS.
Ngày 26/3/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 685/QĐ-UBND, lấy ngày ban hành Nghị quyết - ngày 26/3 hàng năm - là Ngày CĐS tỉnh Hải Dương. Đây là năm thứ 3, tỉnh Hải Dương tổ chức Chương trình ngày CĐS của tỉnh.
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Hải Dương, cho biết Hải Dương đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ phục vụ CĐS, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ để tạo ra các mô hình, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.
“Đây cũng là các giải pháp ưu việt mang đến hiệu quả thiết thực cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, vận hành, cung cấp dịch vụ, hướng đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn liền với các thế mạnh và tiềm lực của địa phương”, ông Trần Đức Thắng nói.
Trải qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền và địa phương ở Hải Dương đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện CĐS trên tất cả các mặt công tác. Về chính quyền số, tỉnh đã tập trung phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các ứng dụng nền tảng phục vụ cho CĐS.
Về kinh tế số, Hải Dương tập trung thúc đẩy CĐS, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp; Triển khai các hoạt động CĐS trong xúc tiến đầu tư và phát triển thương mại điện tử, cung cấp các giải pháp về tài chính điện tử, CĐS cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Đối với công tác xã hội số, Tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh Hải Dương đã được tăng cường hoạt động. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức triển khai nhiều hình thức nhằm phát triển kỹ năng số, công dân số và văn hóa số.
Thông tin tại ngày CĐS tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, cho biết với những nỗ lực triển khai CĐS toàn diện, tích cực và đồng bộ, trong 3 năm triển khai Nghị quyết về CĐS, tỉnh Hải Dương 02 năm đạt xếp hạng thứ 14 và 01 năm đạt xếp hạng thứ 13 trong 63 tỉnh thành trên cả nước về mức độ CĐS”.
Cơ cấu nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh, CĐS”
Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở TT&TT Hải Dương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã luôn quan tâm đẩy mạnh triển khai các hoạt động về CĐS. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định cơ cấu nền kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh, CĐS”, coi thúc đẩy CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ cốt lõi nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Năm 2024 sẽ là năm của Big Data và AI, ngành thông tin và truyền thông sẽ tích cực tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS”, ông Nguyễn Cao Thắng nói. Theo Giám đốc Sở TT&TT Hải Dương, hoàn thiện hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin cho CĐS gồm: hạ tầng Trung tâm dữ liệu của tỉnh, hạ tầng trong các cơ quan, đơn vị; hạ tầng phục vụ người dân.
Ngoài ra, Hải Dương cũng tập trung xây dựng và làm giàu kho dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của tỉnh, xây dựng, cổng dữ liệu mở; triển khai đưa vào sử dụng một số ứng dụng dùng chung như: App Họp không giấy tờ trong toàn tỉnh; App Smart - Hai Duong phục vụ người dân; Cổng thông tin điện tử 3 cấp đồng bộ từ tỉnh xuống xã.
Một số hoạt động nổi bật trong năm 2024 sẽ là ứng dụng AI, Big Data triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân; Phối hợp với Google triển khai thí điểm công cụ AI, Cloud để hỗ trợ người dùng tìm kiếm và trả kết quả trên Cổng thông tin đối ngoại. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, mô hình công dân số, tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06, bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tập trung triển khai các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến, cung cấp các tiện ích và trải nghiệm mới cho người dân và doanh nghiệp...
Năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ định hướng là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, công nghệ thông tin; Số hoá các ngành kinh tế; Quản trị số; dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định sẽ tập trung xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Điều này góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng hướng đến của CĐS đó chính là nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc. Cũng tại Chương trình Ngày CĐS tỉnh Hải Dương, ứng dụng dành cho người dân Smart - HaiDuong và Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp được ra mắt, đưa vào hoạt động.
Theo Bí thư tỉnh ủy Trần Đức Thắng, đây chính là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội bền vững.