Doanh nghiệp Việt được rộng cửa chào đón tại các cường quốc công nghệ

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:58, 27/03/2024

Nhiều thị trường lớn đang rộng cửa chào đón doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam sang đầu tư kinh doanh. Hiểu về thị trường sẽ là tiền đề quan trọng để DN có bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới.
Make in Vietnam

Doanh nghiệp Việt được rộng cửa chào đón tại các cường quốc công nghệ

Ngọc Mai {Ngày xuất bản}

Nhiều thị trường lớn đang rộng cửa chào đón doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam sang đầu tư kinh doanh. Hiểu về thị trường sẽ là tiền đề quan trọng để DN có bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới.

Lời mời gọi hấp dẫn từ 7 thị trường lớn

Những lời mời gọi hấp dẫn liên tiếp được đại diện các cơ quan thương mại và đầu tư từ 7 thị trường lớn (gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu - EU, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản) gửi tới DN Việt tại Hội nghị Hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của DN công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 26/3/2024 ở Hà Nội.

toan-canh-hoi-nghi.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

“Với tổng dung lượng thị trường công nghệ trị giá hơn 1.000 tỷ USD, Vương quốc Anh (UK) rộng cửa chào đón DN công nghệ Việt”, ông Will Lawrenson, Phó Tổng Lãnh sự, Trưởng phòng Đầu tư - Thương mại, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam gợi mở vấn đề.

ong-will.jpg
Ông Will Lawrenson: Vương quốc Anh có cơ chế ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thuyết phục DN công nghệ Việt chọn Vương quốc Anh làm điểm đến, ông Will Lawrenson mô tả bức tranh thị trường với nhiều điểm sáng: “Chúng tôi xếp thứ ba toàn cầu về đầu tư vốn mạo hiểm; đứng thứ 4 thế giới về Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2023. Hệ sinh thái công nghệ của chúng tôi lớn nhất châu Âu với nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ kỳ lân trị giá hàng tỷ đô la, hơn cả Đức, Pháp và Thụy Điển cộng lại. Thị trường AI (trí tuệ nhân tạo) lớn thứ ba trên thế giới, hiện có giá trị hơn 21 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2035”.

Đặc biệt, Vương quốc Anh có cơ chế ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài: Thuế suất DN 25%, thấp nhất trong số các quốc gia thuộc khối G7. Ưu đãi thuế tới 230% cho công ty R&D (nghiên cứu và phát triển). Hỗ trợ giảm thêm 10% thuế suất DN cho phát minh được lấy bằng sáng chế tại Vương quốc Anh.

Là một nền kinh tế cởi mở với DN nước ngoài, hơn một nửa tổng chi tiêu cho hoạt động R&D ở Vương quốc Anh được thực hiện bởi các công ty có vốn nước ngoài.

Chúng tôi đã công bố một loạt sáng kiến toàn diện nhằm duy trì vị trí dẫn đầu về khoa học, đổi mới và tiến bộ công nghệ. Theo đó, khoảng 750 triệu euro được đầu tư cho hoạt động R&D vào năm 2023 - 2024. Năm ngoái, chúng tôi cũng đã quyết định đầu tư vào R&D khoảng 20 tỷ euro mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2025”, Phó Tổng lãnh sự Will Lawrenson dẫn thêm số liệu để thu hút sự quan tâm của DN Việt.

Bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch, Tiểu ban Kỹ thuật số, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), thuyết phục theo hướng khác: “Thị trường số châu Âu tiềm tàng nhiều cơ hội cho DN công nghệ số Việt Nam khai thác”.

ba-eunjung.jpg
Bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch, Tiểu ban Kỹ thuật số, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam.

Bà Eunjung Han cho biết, Chương trình Châu Âu kỹ thuật số (2021-2027) cung cấp nguồn tài trợ hỗ trợ các dự án trong 5 lĩnh vực: Siêu máy tính, AI, an ninh mạng, kỹ năng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ số trong kinh tế - xã hội.

DN Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sang châu Âu có thể tiếp cận một số chương trình hỗ trợ, ưu đãi của EU. Chẳng hạn Horizon Europe - một trong những chương trình tài trợ nghiên cứu và đổi mới lớn nhất thế giới với ngân sách hơn 95 tỷ euro. Các công ty đầu tư vào AI, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng số có thể nhận nguồn tài trợ của Horizon Europe để đẩy nhanh các dự án và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Phó Chủ tịch EuroCham gợi ý một số lĩnh vực DN Việt Nam nên quan tâm: Thương mại điện tử; Quảng cáo số; Fintech (công nghệ tài chính)… và đặc biệt là AI trong bối cảnh đầu năm 2024, Nghị viện Châu Âu (EP) vừa thông qua Đạo luật AI - bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới để quản lý AI.

ong-takeo.jpg
Ông Takeo Nakajima: Thị trường Nhật Bản cần các DN Việt tham gia hỗ trợ hợp tác.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) thiết tha nhắn nhủ: “Thị trường Nhật Bản cần các DN Việt tham gia hỗ trợ hợp tác”.

Nhật Bản đứng đầu châu Á về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài; năng lực R&D và ĐMST đứng đầu thế giới; Tokyo là thành phố an toàn nhất thế giới… là những “điểm cộng” được Trưởng Đại diện JETRO mang ra thuyết phục.

Trên thực tế, nhiều DN Việt đã tăng cường giao dịch kinh doanh, đầu tư tại Nhật Bản, đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động chuyển đổi số (CĐS) phức tạp. Có thể kể tới: FPT Software; Luvina, VietIS, Tinh Vân, NTQ Solutions, Kaopiz, CMC, HBLab, AHT Tech, Techvify, Bunbu, BCC IT Innovation, Rabiloo, Solashi, Goline, B&K, SYP… Trong đó, FPT là DN thành công nhất.

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) trầm trọng. Thị trường Nhật Bản cần các DN Việt tham gia hỗ trợ hợp tác, cùng tạo ra giá trị và thu lại lợi ích. Chúng tôi rất muốn DN công nghệ số Việt Nam phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản”, Trưởng Đại diện JETRO bày tỏ.

ba-deepti.jpg
Bà Deepti Mittimani: Có 3 lĩnh vực DN công nghệ số Việt có thể ưu tiên đầu tư, kinh doanh tại thị trường Ấn Độ.

Bà Deepti Mittimani, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh quốc tế, Hiệp hội Thương mại Việt Nam - Ấn Độ (InCham) cũng mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác của DN hai nước Việt Nam - Ấn Độ. Có 3 lĩnh vực DN công nghệ số Việt có thể ưu tiên đầu tư, kinh doanh tại thị trường Ấn Độ.

Một là CNTT với các ngành tiềm năng gồm: Cơ sở hạ tầng truyền thông số, dịch vụ 5G, thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử, trung tâm dữ liệu. Ước tính nền kinh tế số của Ấn Độ sẽ có trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2025.

Hai là fintech với các mảng: Công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, phần mềm dựa trên đám mây cho fintech. Dự tính lĩnh vực fintech của Ấn Độ sẽ đạt giá trị 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Và ba là công nghệ giáo dục (edtech), dự kiến đạt 225 tỷ USD vào năm 2025.

Nhằm thu hút hơn nữa sự quan tâm của các DN Việt, Phó Chủ tịch InCham thông tin thêm: Quỹ khởi nghiệp Ấn Độ trị giá 133 triệu USD được ra mắt năm 2021, cải cách 32 quy định liên quan đến các DN khởi nghiệp, cung cấp hơn 220 khoản ưu đãi thuế. Chính phủ Ấn Độ cũng đã công bố các khoản ưu đãi trị giá 26,27 tỷ USD cho 14 ngành, tập trung vào sản xuất nội địa và xuất khẩu.

ong-chris.jpg
Ông Chris Morley: DN Việt Nam có thể khai thác 5 cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tại Úc.

Ông Chris Morley, Uỷ viên Cơ quan Thương mại và đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) đề xuất, DN Việt Nam có thể khai thác 5 cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tại Úc.

Một là fintech. Với 800 DN fintech, Úc định hướng sẽ tăng trưởng giá trị của lĩnh vực này từ 10 tỷ lên hàng trăm tỷ đô la Úc.

Hai là 5G. Dự kiến 95% dân số Úc sẽ sử dụng 5G vào năm 2025. 5G sẽ được ứng dụng trong các lĩnh vực khai thác mỏ, chăm sóc sức khỏe, giao thông… Nhờ 5G, Úc có thể tăng trưởng năng suất hàng trăm triệu USD.

Ba là an ninh mạng. Úc là thị trường FDI lớn thứ 2 thế giới về an ninh mạng, hiện có 7.000 lao động trong lĩnh vực này, hơn 1.200 sinh viên tốt nghiệp ngành an ninh mạng mỗi năm.

Bốn là công nghiệp trò chơi điện tử. Chính phủ Úc có cơ chế khuyến khích về thuế để thúc đẩy ngành công nghiệp này (hỗ trợ giảm 30% thuế, có thể nâng tỷ lệ này lên 40 - 45% để thu hút thêm nhiều DN tham gia lĩnh vực trò chơi điện tử).

Năm là công nghệ lượng tử, dự kiến giá trị ngành đạt 6 tỷ đô la Úc, tạo hơn 19.400 việc làm vào năm 2045.

ong-stephan.jpg
Ông Stephen L. Green: Các DN công nghệ số Việt Nam thuộc mọi quy mô tham gia hợp tác kinh doanh với DN Mỹ.

Ông Stephen L. Green, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khuyến khích các DN công nghệ số Việt Nam thuộc mọi quy mô tham gia hợp tác kinh doanh với DN Mỹ.

Hiện đã có nhiều DN Việt đầu tư hàng trăm triệu USD tại xứ sở cờ hoa. Chúng tôi mong chờ có thêm nhiều DN Việt đầu tư và hoạt động thành công tại Mỹ”, ông Stephen L. Green giãi bày.

Cũng theo Tham tán thương mại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các DN và startup Việt có kế hoạch mở rộng thị trường sang Mỹ nên tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Select USA 2024 (từ 23 - 26/6/2024).

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có chương trình giao lưu giữa các đoàn nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á (lần đầu tiên tổ chức), và các sự kiện "spin off" như chương trình xúc tiến đầu tư ở các địa phương để thu hút DN đến trải nghiệm môi trường đầu tư và lắng nghe DN địa phương.

ong-kim.jpg
Ông Kim MinSeuk: Việt Nam và Hàn Quốc có thể giành chiến thắng trước các ông lớn công nghệ toàn cầu ở cả hai nước.

Ông Kim MinSeuk, Giám đốc Văn phòng quốc tế trực thuộc Bộ Khoa học - CNTT Hàn Quốc (KICC) nhận định, bằng sự hợp tác, Việt Nam và Hàn Quốc có thể giành chiến thắng trước các ông lớn công nghệ toàn cầu ở cả hai nước.

Thị trường CNTT - truyền thông Hàn Quốc đạt 59,3 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép là 9,61% sẽ đạt trị giá 93,88 tỷ USD vào năm 2027.

Ông Kim MinSeuk quan ngại, vào năm 2027, xứ sở kim chi sẽ thiếu hụt trầm trọng lực lượng nhà phát triển (12,8 triệu người trong lĩnh vực AI, 18,8 triệu người trong lĩnh vực điện toán đám mây).

“Rất nhiều dự án AI đang được thực hiện ở Hàn Quốc bởi cả khu vực công và tư nhân. Hàn Quốc sẽ là nơi thử nghiệm tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp AI có tài năng ở Châu Á (trong đó có Việt Nam)”, Giám đốc Văn phòng quốc tế thuộc KICC nhận định.

Sứ mệnh vinh quang nhưng cũng nhiều thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, DN công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Viet Nam đi ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, DN số toàn cầu.

tt-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

Phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư ra nước ngoài là sứ mệnh rất vinh quang, nhưng cũng gắn với nhiều thách thức, rủi ro. Hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình, sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta có các bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới. Các DN công nghệ số Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác ở các nước. Bộ TT&TT, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng DN trong tiến trình này”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông - Bộ TT&TT cung cấp thêm thông tin: Tới nay, hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam đã tiến ra thị trường nước ngoài, hoạt động trong nhiều mảng khác nhau (phần mềm cho hệ thống, phần mềm cho ứng dụng, hoạt động tư vấn, cung cấp nguồn nhân lực, xử lý số liệu…), bao phủ nhiều ngành khác nhau (y tế, giáo dục, nông nghiệp, ngân hàng, bán buôn, bán lẻ…).

ong-nguyen-thanh-tuyen.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, tới nay, hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam đã tiến ra thị trường nước ngoài.

Mức lương của Việt Nam rất cạnh tranh so với thế giới. Hiện mức lương cho các nghiệp vụ BPO (thuê ngoài/gia công quy trình kinh doanh), IT outsourcing (thuê ngoài/gia công dịch vụ công nghệ thông tin như phát triển phần mềm, quản trị web, quản trị hệ thống…), IT Implementation (triển khai CNTT như chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán, đảm bảo chất lượng…) và cho các dịch vụ khác (tích hợp hệ thống, cài đặt và duy trì phần mềm, đào tạo…) chỉ bằng khoảng 1/10 mặt bằng lương chung của thế giới.

DN Việt Nam muốn đi ra nước ngoài thì không thể đi riêng lẻ được, mà phải có đoàn, có đội giống như đi đánh cá. Phải xây dựng đội ngũ mạnh mẽ để thực hiện các dự án CNTT lớn. Cần xây dựng hệ sinh thái mạnh bao gồm các DN trong nước và các DN đang hoạt động ở nước ngoài để cùng “bắt cá lớn”, khi đó không chỉ DN Việt Nam có lợi mà các đối tác nước ngoài cũng có lợi”, ông Nguyễn Thanh Tuyên khuyến nghị.

ong-chien.jpg
Ông Hoàng Minh Chiến: Bộ Công Thương tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài.

Liên quan tới câu chuyện đồng hành cùng DN, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN công nghệ số Việt Nam hiện diện trên thị trường quốc tế. Dự kiến trong năm 2024 - 2025 sẽ tiếp tục có những hoạt động tương tự, chẳng hạn như tổ chức hội chợ quốc tế tại Việt Nam cho các sản phẩm xuất nhập khẩu; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại…

ong-chung.jpg
Ông Vũ Văn Chung: Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực TT&TT.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tới nay, Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực TT&TT, tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD (chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài), sang 33 quốc gia. Phần lớn dự án đầu tư tập trung vào Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

anh-avatar.jpg
Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực TT&TT.

Các dự án viễn thông có quy mô lớn thường tập trung vào các nước châu Phi, các nước kinh tế đang phát triển. Viettel là một trong những nhà đầu tư rất thành công trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như CĐS cho các nước đang phát triển, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của những nước này.

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã nhận hồ sơ đề nghị tăng vốn của FPT ở 4 thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Singapore. Cùng với đó, FPT và nhiều DN lớn cũng đang có hồ sơ thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra quốc tế tại một số thị trường khác nữa.

ong-linh.jpg
Ông Đặng Khánh Linh: DN công nghệ số Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế.

Ra nước ngoài là chủ trương đúng. Tại sao chỉ cạnh tranh thị trường trong nước trong khi miếng bánh cơ hội thị trường nước ngoài rất nhiều”, ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao nêu quan điểm.

Cách đây 15 năm, khi bước vào ngành ngoại giao, tôi không nghĩ có ngày tất cả cơ quan đại diện, DN lớn của 7 cường quốc về CNTT lại có mặt để giới thiệu cho chúng ta các cơ hội đầu tư kinh doanh như hôm nay. 7 nước/khối nước đều có mối quan hệ ngoại giao từ cấp đối tác chiến lược trở lên với Việt Nam. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn. DN công nghệ số Việt Nam có rất nhiều cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế”, ông Đặng Khánh Linh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao cũng thẳng thắn nhìn nhận, thị phần của DN công nghệ số Việt Nam trên thị trường ngoại còn thấp. Tại Hàn Quốc đã có nhiều DN Việt như CMC, FPT…, song thị phần của DN công nghệ số Việt vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt dưới 1%.

---

Ảnh: Thảo Anh, Lê Anh Dũng

Ngọc Mai