“Lên mây” sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và gia tăng trải nghiệm khách hàng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:35, 29/03/2024
“Lên mây” sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và gia tăng trải nghiệm khách hàng
Việc chuyển đổi “lên mây” giúp các doanh nghiệp (DN) tối ưu hóa chi phí vận hành, tăng tính ổn định, dễ dàng tăng giảm quy mô hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) để từ đó đem lại trải nghiệm mượt mà nhất cho khách hàng.
Giải pháp lên mây cho các ứng dụng đang được đặt “tại chỗ”
Chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức mới đây, bà Elaine Liew, Trưởng bộ phận điện toán biên, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Amazon Web Services (AWS) cho biết, hành trình “lên mây” của các DN dù rất thú vị nhưng cũng đầy thách thức. Bởi vì, sự chuyển dịch từ môi trường hạ tầng truyền thống lên đám mây sẽ giúp các tổ chức mở rộng được trải nghiệm khách hàng.
Chưa kể, khi lên môi trường đám mây thì chi phí vận hành cũng sẽ giảm trong khi tính linh hoạt, đổi mới sáng tạo sẽ tăng lên.
Dù vậy, các DN sẽ không thể chuyển đổi từ môi trường truyền thống lên đám mây ngay lập tức mà sẽ phải chuyển dịch các dịch vụ, hạ tầng từng chút một. Việc di chuyển này sẽ diễn ra từng bước theo các phương pháp bao gồm: ReHost (di chuyển ứng dụng) giúp dịch chuyển nhanh để linh hoạt hơn; ReLocate (di dời) giúp chuyển ứng dụng dựa trên VMWare sang VMWare Cloud của AWS; RePlatform (thay thế từng phần) giúp tối ưu hóa nền tảng để giảm thiểu chi phí; ReFactor (tái cấu trúc) để tái thiết kế kiến trúc và phát triển ứng dụng; RePurchase (thay thế ứng dụng) chuyển đổi sang SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ).
Tuy nhiên, theo bà Elaine Liew, không ít các ứng dụng hiện nay vẫn được yêu cầu được đặt “tại chỗ” (on-premise) bởi vì 2 yếu tố. Đầu tiên là bị ràng buộc bởi các yêu cầu về lưu trữ dữ liệu như về chủ quyền hay bảo mật dữ liệu. Yếu tố thứ hai là do ứng dụng gắn với hệ thống cũ nên cần truy cập với độ trễ thấp và nhu cầu xử lý dữ liệu tại chỗ.
Trong tình huống này, bà Elaine Liew cho biết, Amazon đã đưa ra giải pháp AWS Outposts, giúp thiết lập giải pháp đám mây “tại chỗ” trên hạ tầng của các DN, để đáp ứng nhu cầu về độ trễ thấp, xử lý dữ liệu cục bộ và lưu trữ dữ liệu.
Giải pháp này giúp các khách hàng có cùng một trải nghiệm đám mây trên mọi môi trường: Cùng một hạ tầng đáng tin cậy, an toàn, hiệu suất cao; Nhất quán trong việc vận hàng trên đám mây (cloud); Sử dụng cùng các dịch vụ, API của AWS; Dễ dàng tự động hóa, triển khai và kiểm soát bảo mật.
Về kết quả của các tổ chức khi triển khai giải pháp này, bà Elaine Liew đã đưa ra dẫn chứng khi triển khai của Sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (Nasdaq) khi đơn vị này cần di chuyển hệ thống lên môi trường đám mây với đòi hỏi hạ tầng phải siêu co giãn, siêu bền vững và hiệu năng cực cao.
AWS đã triển khai bài toán này với giải pháp Outposts. Nhờ đó, toàn bộ quy trình từ đặt lệnh đến giao dịch diễn ra trong vài chục microgiay với cải thiện 10% độ trễ mạng, tạo ra một hướng di chuyển lên môi trường đám mây cho những khách hàng có nhu cầu tương tự.
3 trụ cột chính quyết định việc “lên mây” của Vuihoc
Cũng tại sự kiện, ông Chung Nguyễn, Giám đốc công nghệ của Vuihoc đã chia sẻ câu chuyện chuyển dịch toàn bộ hệ thống hạ tầng của Vuihoc lên AWS trong gần 3 năm vừa qua. Cụ thể, khi đưa Vuihoc “lên mây” với AWS, đơn vị này quan tâm đến 3 trụ cột chính gồm: tối ưu chi phí, độ tin cậy và việc bảo đảm an toàn, an ninh.
Đầu tiên, đối với chi phí, đội ngũ vận hành Vuihoc luôn phải theo dõi chi phí hàng ngày thông qua công cụ báo cáo chi phí (Cost explorer) và các công cụ khác để tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí.
Tiếp theo là tính tin cậy, trước đây, khi chuyển dịch từ mô hình phần mềm tại chỗ lên mô hình đám mây, việc chuyển dịch hàng trăm GB các thành phần liên quan như (file) học liệu, video, hình ảnh… tự xây dựng lên môi trường Amazon S3 đã khiến đội ngũ Vuihoc “nhẹ nhõm” hơn rất nhiều. Bởi vì, việc đưa lên môi trường Amazon S3 - môi trường có tính tin cậy rất cao và cơ chế bảo mật cao, sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro nếu xảy ra sự cố, do đây đều là những dữ liệu rất quan trọng với Vuihoc.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm rằng dữ liệu sẽ không bao giờ bị mất và hạn chế các truy cập trái phép”, ông Chung nói.
Bên cạnh đó, AWS còn cho phép hệ thống của Vuihoc có trở nên “co giãn” (Resilience) khi có thể mở rộng quy mô (scale-up) vào những thời gian cao điểm và giảm xuống khi thấp điểm. Việc này cũng giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí cũng như tăng mức độ tin cậy cho hệ thống đáp ứng lượng truy cập.
“Thời gian cao điểm, hạ tầng của chúng tôi phải lượng cơ sở hạ tầng lên từ 5 - 6 lần so với thời điểm bình thường”, ông Chung cho biết thêm.
Đội ngũ kỹ thuật của Vuihoc cũng thường xuyên theo dõi (monitor) hệ thống để theo dõi những bất thường xảy ra, đảm bảo hạ tầng tốt nhất có thể, từ đó cung cấp trải nghiệm mượt mà nhất cho người sử dụng.
Cuối cùng, đó là câu chuyện liên quan đến việc đảm bảo an toàn, an ninh. Vuihoc đang sử dụng rất nhiều dịch vụ liên quan của AWS. Về lý do tại sao lại phải sử dụng nhiều giải pháp của AWS như vậy, theo ông Chung, khi số lượng khách tăng lên theo thời gian thì việc cần phải đảm bảo cho hệ thống hoạt động động ổn định và an toàn cao, ngăn chặn các truy cập không an toàn là một nhu cầu hết sức cấp thiết.
Hiện Vuihoc đang có 5 sản phẩm chính gồm: chương trình tự học Vuihoc Duo, chương trình gia sư Vuihoc Tutor, chương trình dành cho THPT Vuihoc PAS và 2 chương trình mới nhất là IELTSPEED, Vuihoc Station - những sản phẩm Vuihoc hết sức chú trọng, xây dựng nhiều tính năng liên quan quan đến AI.
Thời gian tới, Vuihoc sẽ tiếp tục xây dựng thêm các tính năng mới để phục vụ được nhiều học sinh hơn và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng./.