AI định hình thói quen nghe nhạc của Gen Z như thế nào?
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:18, 30/03/2024
AI định hình thói quen nghe nhạc của Gen Z như thế nào?
Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình sở thích âm nhạc đa dạng của các bạn trẻ Gen Z thông qua các đề xuất và danh sách phát được cá nhân hóa.
Gen Z - thế hệ lớn lên trong thế giới trực tuyến, thích khám phá công nghệ, hiểu biết về sự toàn cầu hóa và khao khát khẳng định bản sắc riêng. So với thế hệ trước, âm nhạc của các bạn trẻ Gen Z hiện nay đa dạng, phong phú và tự do hơn.
Trong bối cảnh đó, thuật toán AI đóng vai trò then chốt trong việc hình thành thói quen nghe nhạc của Gen Z. Các thuật toán này phân tích dữ liệu và sở thích của người dùng, quản lý danh sách phát phù hợp giúp Gen Z tiếp cận với nhiều thể loại âm nhạc và nghệ sĩ đa dạng. Điều này đang thay đổi cách các bạn trẻ Gen Z khám phá, tương tác và kết nối thông qua âm nhạc.
Đã qua rồi cái thời mà các DJ trên các đài phát thanh và các công ty thu âm thống trị nền âm nhạc. Các thuật toán AI đã dân chủ hóa việc sản xuất cũng như tiêu thụ âm nhạc, cho phép người nghe Gen Z thoát khỏi những ràng buộc của các trải nghiệm âm nhạc truyền thống. Các nền tảng phát trực tuyến như Spotify tận dụng AI để phân tích hành vi, sở thích và phản ứng sinh lý của người dùng, từ đó liên tục tinh chỉnh các đề xuất phát của mình nhằm đáp ứng thị hiếu cá nhân của người nghe nhạc.
Nghiên cứu cho thấy sở thích âm nhạc của Gen Z rất đa dạng và phong phú từ thể loại, tiết tấu, âm hưởng,... Điều này trái ngược hoàn toàn với các thế hệ trước do khả năng tiếp cận các sản phẩm âm nhạc đa dạng bị hạn chế. Với Gen Z, âm nhạc phản ánh tâm hồn và cảm xúc. Mà cảm xúc thì mỗi lúc mỗi khác nên xu hướng âm nhạc Gen Z hướng đến luôn là đa thể loại. Khi buồn nghe nhạc trữ tình, khi vui nghe nhạc sôi động, khi cần lên tinh thần thì nghe nhạc remix…
Thay đổi vĩnh viễn thói quen nghe nhạc
Trong nhiều thế kỷ trước, cách duy nhất để trải nghiệm âm nhạc là xem trực tiếp - tại các buổi biểu diễn nhỏ, riêng tư, trong các buổi họp mặt cộng đồng hoặc trong các phòng hòa nhạc lớn.
Sự ra đời của máy radio và máy ghi âm đã thay đổi cách mọi người tương tác với âm nhạc. Được giới thiệu vào năm 1979, máy nghe nhạc cầm tay Sony Walkman đánh dấu một bước ngoặt lớn khác trong cách mọi người nghe nhạc. Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi và khẳng định không ai quan tâm đến máy nghe nhạc.
Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, Sony đã bán được 50 triệu Walkman. Cái tên “Walkman” còn được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford, dùng để mô tả đài cassette. Sức hấp dẫn của thiết bị nằm ở chất lượng âm thanh di động tuyệt hảo. Trước đây, nếu muốn nghe nhạc, người dùng phải kết nối với một dàn âm thanh tại gia. Với Walkman, chúng ta có thể ra ngoài với chiếc tai nghe và chìm trong âm nhạc, thậm chí còn hơn thế nữa với sự ra đời của iPod và sau này là điện thoại thông minh.
Ngành công nghiệp âm nhạc tiếp tục chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các dịch vụ phát trực tuyến. Những nền tảng này đang thay đổi cách mọi người tương tác với âm nhạc bằng cách cung cấp quyền truy cập dễ dàng, theo yêu cầu vào danh mục bài hát khổng lồ. Và nếu bạn chọn giữ mở ở chế độ riêng tư thì không ai có thể nghe được ngoài bạn. Đặc biệt đối với thanh thiếu niên, đây là một vấn đề lớn bởi nó giải quyết vấn đề thiếu không gian cá nhân ở trường hoặc ở nhà.
Nhiều bạn trẻ Gen Z nghe nhạc suốt cả ngày, cho dù đó là khi làm bài tập về nhà, luyện tập thể thao, ăn uống hay thậm chí khi ngủ, như một một yếu tố điều chỉnh tâm trạng. Các bài hát có thể giải toả những cảm xúc khó chịu hay khơi gợi những cảm xúc tích cực, đồng thời cũng khuyến khích sự suy ngẫm trong những trải nghiệm khó khăn.
AI tác động tới thói quen nghe nhạc của Gen Z như thế nào?
Danh sách phát do AI tạo ra đã mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới khám phá âm nhạc cho Gen Z. Bằng cách giới thiệu cho người nghe những thể loại và nghệ sĩ mà họ có thể chưa từng gặp, thuật toán AI đang mở rộng tầm nhìn âm nhạc của các bạn trẻ Gen Z. Từ nhạc pop Ấn Độ đến nhạc rock Nhật Bản và Afro-juju, thế hệ này đang được tiếp cận với vô số truyền thống văn hóa và cách thể hiện âm nhạc khác nhau.
Không chỉ là một lựa chọn giải trí trong đời sống, âm nhạc còn được xem là một yếu tố có tác động lớn đến quá trình hình thành và phát triển của con người ở mọi giai đoạn độ tuổi. Đặc biệt, trong những năm tháng đầu đời, âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển và giáo dục cho trẻ em.
Nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn từ 3 - 10 tuổi - thời điểm trẻ bắt đầu đến tuổi đi học mẫu giáo và tiểu học, trẻ có rất nhiều sự tò mò và mong muốn khám phá, học hỏi những điều mới lạ trong cuộc sống xung quanh. Đây cũng là thời điểm mà âm nhạc góp phần rất lớn trong sự phát triển của trẻ cả về trí tuệ, năng lực ngôn ngữ cũng như khả năng biểu lộ cảm xúc.
Tuy nhiên, sự gia tăng của danh sách phát được cá nhân hóa do AI tạo ra đã đặt ra câu hỏi về tác động tiềm ẩn đối với quá trình phát triển này. Một mặt, AI giúp đáp ứng sở thích cá nhân của người nghe, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự thể hiện và khám phá bản thân. Mặt khác, nó cũng cản trở sự gắn kết xã hội và kết nối cộng đồng thông qua âm nhạc.
Mặc dù các thuật toán AI mang lại sự thuận tiện và đề xuất phát phù hợp, nhưng điều cần thiết đối với người nghe Gen Z là duy trì quyền chủ động và tận dụng cơ hội trong những khám phá âm nhạc của họ. Tích cực tìm kiếm âm nhạc mới, chia sẻ danh sách phát với bạn bè và gia đình cũng như tham gia vào trải nghiệm nghe chung sẽ giúp cân bằng lại với khả năng bị cô lập do thói quen nghe nhạc bằng AI.
Khi công nghệ AI tiếp tục phát triển, ảnh hưởng của nó đối với việc tiêu thụ âm nhạc và hành vi của người nghe, đặc biệt là Gen Z, sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Và những tác động của sự thay đổi này vẫn đang diễn ra./.