Nông nghiệp xanh đóng vai trò lớn giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:32, 02/04/2024

Trong hành trình chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, công nghệ được ví như “bàn tay phù thủy”, giúp giải phóng sức lao động, hỗ trợ quản lý, minh bạch sản xuất, ra quyết định thông minh…
Kinh tế số

Nông nghiệp xanh đóng vai trò lớn giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Trong hành trình chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, công nghệ được ví như “bàn tay phù thủy”, giúp giải phóng sức lao động, hỗ trợ quản lý, minh bạch sản xuất, ra quyết định thông minh…

Kinh tế xanh đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi của các quốc gia, nhằm đảm bảo vừa tăng trưởng vừa duy trì sự bền vững về môi trường. Những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường triển khai các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xanh, với mục tiêu quan trọng là đạt được phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Trong xu hướng đó, nông nghiệp Việt Nam cũng đang tiến triển hướng tới một hệ thống nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong hành trình xây dựng nông nghiệp xanh

Tại DxTalks về chủ đề “Net Zero – Hành trình chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp” do FPT Digital thực hiện, TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết nói đến nền kinh tế nông nghiệp xanh là nói đến một mô hình tăng trưởng mới, với mục tiêu cân bằng tỷ lệ carbon trong quá trình sản xuất nông sản.

Thực tế, tiêu chuẩn của một nền kinh tế nông nghiệp xanh vẫn chưa được định nghĩa đồng nhất, nhưng về cơ bản, đó là nền nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của thị trường và cân bằng carbon, tất cả các quy trình sản xuất đều minh bạch.

Ngoài ra, nền kinh tế nông nghiệp xanh cũng phải cân bằng lực lượng lao động, chi phí đầu vào và đầu ra, cũng như sự can thiệp của thị trường và công nghệ trong quá trình sản xuất, bảo quản và thu hoạch. Toàn bộ quy trình được điều chỉnh bởi giá cả do thị trường quyết định.

net-zero.png
DxTalks về chủ đề “Net Zero – Hành trình chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp” do FPT Digital thực hiện.

Trong bất kỳ mô hình tăng trưởng kinh tế nào, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp (DN) đều vô cùng quan trọng. DN là cầu nối giữa Chính phủ, các nhà sản xuất, lao động và cộng đồng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital, mô hình tăng trưởng kinh tế xanh trong nông nghiệp có những điểm đặc thù riêng.

Thứ nhất, các hoạt động trong mô hình kinh tế nông nghiệp xanh thường mới mẻ và thay đổi nhanh chóng. Thứ hai, tính phân mảnh của nông nghiệp thường cao hơn so với các ngành khác. Có hàng triệu hộ nông dân làm nông nghiệp và mỗi hộ lại có những hoạt động riêng biệt.

Vì thế, vai trò của DN là kết nối các hộ nông dân để đạt được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất và giảm thiểu phát thải carbon. Điều này giúp hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp. Đó là một vai trò quan trọng mà các DN hoạt động trong lĩnh vực này đảm nhận.

Ông Nguyễn Tuấn Anh đã đưa ra ví dụ về câu chuyện thành công như Nestlé hỗ trợ cộng đồng người nông dân trồng cà phê. Trong 10 năm qua, Nestlé đã đào tạo hơn 330.000 hộ nông dân tại Việt Nam về việc trồng cà phê và áp dụng công nghệ số để quản lý sản xuất. Kết quả giúp cải thiện hiệu suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, ước tính là đến 30%. Như vậy, sự kết nối giữa người nông dân và DN đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh và đảm bảo bền vững cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

Với các chính sách từ Chính phủ, như chính sách về phát triển nông thôn bền vững hay mở rộng thị trường vốn xanh, DN là những người đầu tiên tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả. Theo đó, DN phải cân nhắc sử dụng nguồn vốn vào mục tiêu nào và những giá trị tương lai nào mà nó tạo ra, bao gồm cả việc giảm phát thải và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững. Vai trò của DN là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xanh và tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường.

Công nghệ - “bàn tay phù thủy” chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh

Các chuyên gia trong DxTalks đã bàn luận nhiều vấn đề khi đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp xanh và đưa nền nông nghiệp về một mô hình sản xuất Zero Carbon, trong đó công nghệ có vai trò quyết định sự thành bại của quá trình thực hiện mục tiêu này như thế nào.

Hiện nay, các nhu cầu của thị trường nông sản trên toàn cầu đã thay đổi đáng kể. “Một số thị trường áp dụng các điều kiện nghiêm ngặt để kiểm soát liệu sản phẩm nông nghiệp có được sản xuất theo mô hình tăng trưởng bền vững hay không, nên khi chúng ta đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, công nghệ thật sự là vấn đề then chốt”, TS. Nguyễn Đức Tùng nói và nhấn mạnh công nghệ còn giải quyết nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như giúp thị trường trở nên minh bạch hơn.

“Công nghệ là nền tảng xuyên suốt, hỗ trợ cho tất cả các thành phần trong sản xuất nông nghiệp. Từ những thao tác của người nông dân, thay đổi về khí hậu, đến quá trình thu hoạch, chế biến, và bảo quản, quản lý quá trình,... tất cả đều cần công nghệ trợ giúp để đạt hiệu quả và chất lượng cao”, TS. Nguyễn Đức Tùng cho biết.

Nếu có một công nghệ phù hợp, việc thúc đẩy nền nông nghiệp từ sản xuất truyền thống sang một nền nông nghiệp xanh và bền vững sẽ được thực hiện một cách tối ưu. Nói một cách ví von thì công nghệ không chỉ là công cụ thời thượng nhất mà còn được coi là “bàn tay phù thủy”, giải quyết mọi khó khăn và hạn chế trên con đường chuyển đổi từ một nền sản xuất truyền thống sang một nền sản xuất nông nghiệp mới, có mục tiêu xanh và bền vững.

Tài chính xanh giúp thúc đẩy hiện thực hóa nông nghiệp xanh

Có thể thấy, các giải pháp về chính sách hỗ trợ và chuyển đổi số sẽ hỗ trợ tích cực giúp nền nông nghiệp Việt Nam đạt được các mục tiêu liên quan đến xanh hóa và giảm phát thải.

Theo một nghiên cứu trong ba năm gần đây, từ năm 2019 đến năm 2022, các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã có sự dịch chuyển đáng kể, nhà đầu tư đang ngày càng đánh giá cao hoạt động xanh hóa và phát triển bền vững như một mục tiêu dài hạn khi quyết định đầu tư vào một DN.

net-zero-2.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital: Bên cạnh những thách thức không tránh khỏi, DN nông nghiệp cũng tiếp cận với nhiều cơ hội khi “làm kinh tế xanh”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn của FPT Digital, bên cạnh những thách thức không tránh khỏi, DN nông nghiệp cũng tiếp cận với nhiều cơ hội khi “làm kinh tế xanh”. Đầu tiên là cơ hội được tạo ra bởi sức hút của thị trường và xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng gia tăng, như nghiên cứu của McKinsey đã chỉ ra người tiêu dùng sẵn lòng chi trả từ 10 đến 20% giá trị cao hơn cho sản phẩm của các DN có chứng nhận xanh. Ngoài ra, các hoạt động thúc đẩy từ thị trường cũng tạo ra cơ hội cho các DN.

Một phần quan trọng mà các DN nên lưu ý khi triển khai các khoản đầu tư xanh là cơ chế tín chỉ carbon. Cơ chế này cho phép các DN giảm phát thải có thể bán tín chỉ carbon của họ và thu tiền về. Ngược lại, những DN có mức phát thải cao sẽ phải mua tín chỉ carbon để cân bằng phát thải của họ.

Trong dài hạn, điều này sẽ tạo sức ép khiến họ cần cải thiện hiệu suất và giảm phát thải để tránh các chi phí này để không bị mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Đây là một giải pháp tín dụng khả thi mà các DN có thể xem xét và phát triển chiến lược và kế hoạch phù hợp để áp dụng.

Thực tế, trong hành trình chuyển đổi hướng tới nông nghiệp xanh của Việt Nam, các công ty sản xuất phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và lợi ích dài hạn. “Mặc dù đầu tư vào các giải pháp xanh có thể là một chi phí ban đầu đáng kể, nhưng các DN cần nhận thấy đây là đầu tư cho tương lai và giá trị bền vững”, đại diện FPT Digital cho biết./.

Anh Minh