Bắc Ninh là một trong mười địa phương có chỉ số PAPI cao nhất cả nước liên tiếp trong nhiều năm

Truyền thông - Ngày đăng : 14:03, 04/04/2024

Bắc Ninh đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 trong cả nước về Chỉ số PAPI 2023. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh nhấn mạnh vào việc xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao chất lượng dịch vụ công dân, hứa hẹn môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Truyền thông

Bắc Ninh là một trong mười địa phương có chỉ số PAPI cao nhất cả nước liên tiếp trong nhiều năm

Đỗ Thêu 04/04/2024 14:03

Bắc Ninh đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 trong cả nước về Chỉ số PAPI 2023. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh nhấn mạnh vào việc xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao chất lượng dịch vụ công dân, hứa hẹn môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

bac-ninh-2.jpg
Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh.

Tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 3 cả nước với 45,7047 điểm trong Chỉ số PAPI 2023

Mới đây, Chỉ số PAPI 2023 đã được chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố. Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Năm 2023, 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 15 năm qua, có tới 197.779 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009.

Đây là bộ chỉ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân tại Việt Nam. Một trọng tâm quan trọng của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua. Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân.

Theo Báo cáo PAPI 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 46,0415 điểm, tiếp đến là tỉnh Thái Nguyên với 45,7875 điểm. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng với với 38,9711 điểm; 02 tỉnh Bình Dương và Quảng Ninh không có dữ liệu.

Bắc Ninh cũng là một trong mười địa phương có chỉ số PAPI cao nhất cả nước liên tiếp trong nhiều năm. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 03 cả nước với 45,7047 điểm và đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Hồng, với hai chỉ số xếp thứ 2 cả nước, gồm chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,5467 điểm và chỉ số quản trị điện tử với 3,729 điểm. Theo bảng xếp hạng, Bắc Ninh đứng thứ 3 về chỉ số cung ứng dịch vụ công với 8,2568 điểm; Xếp thứ 4 về công khai, minh bạch với 5,8234 điểm; Xếp thứ 5 về chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở với 5,5334 điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh xếp thứ 11 về chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công với 7,1588 điểm; Xếp thứ 23 về thủ tục hành chính công với 7,2747 điểm; Xếp thứ 35 về quản trị môi trường với 3,3818 điểm.

7 nhóm nhiệm vụ chính trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bắc Ninh

Bắc Ninh - Trung tâm công nghiệp và công nghệ của Việt Nam, đang dần khẳng định vị thế của mình không chỉ qua sự phát triển kinh tế mạnh mẽ mà còn qua việc tiên phong trong cải cách hành chính công và xây dựng chính quyền điện tử. Những kết quả trên không chỉ đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Ninh mà còn là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công dân và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhìn lại quá trình phát triển, việc cải cách hành chính công tại Bắc Ninh không chỉ đơn thuần là việc thay đổi các thủ tục, quy trình hành chính mà còn là quá trình tạo ra sự đổi mới, sự linh hoạt và sự minh bạch trong cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ công dân. Điều này đã giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các doanh nghiệp, cũng như tăng cường sự hài lòng của người dân đối với chính quyền địa phương.

Cùng với việc cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Bắc Ninh cũng được các cấp chính quyền, lãnh đạo chú trọng. Chính quyền điện tử đang được xây dựng tại Bắc Ninh với mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn. Các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong các thủ tục hành chính, từ đăng ký kinh doanh đến giải quyết các thủ tục về thuế và lao động.

Ngoài ra, chính quyền điện tử cũng sẽ tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý hành chính, giúp người dân dễ dàng theo dõi và kiểm tra các quy trình, quy định của cơ quan hành chính. Điều này góp phần vào việc tăng cường sự tin cậy và sự hài lòng của người dân đối với chính quyền địa phương.

Việc xây dựng chính quyền điện tử cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế và công nghệ tại Bắc Ninh. Thành phố này hiện đang thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp, và chính quyền điện tử sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của họ.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã công bố Kế hoạch Cải cách Hành chính năm 2024, trong đó đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính để tập trung thực hiện. Các nhóm nhiệm vụ này bao gồm: Chỉ đạo và điều hành; Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, và chế độ công vụ; tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử và Chính quyền số.

bac-ninh-1.jpg
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã công bố Kế hoạch Cải cách Hành chính năm 2024, trong đó đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính để tập trung thực hiện.

Nhằm đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các Sở, ban, ngành trên địa bàn xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; Phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức. Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nội dung, chương trình, kế hoạch và kết quả công tác cải cách hành chính với các hình thức đa dạng, phù hợp đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nội dung cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo luôn được chú trọng, nhằm góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số CCHC của tỉnh năm 2024; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Đỗ Thêu