Công nghệ đang định hình lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:41, 08/04/2024
Công nghệ đang định hình lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Từ cánh tay robot đến hàm in 3D, những tiến bộ công nghệ ngày nay đang định hình lại lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK).
Ngày Sức khỏe thế giới, được tổ chức vào ngày 7/4 hằng năm, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày này ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO và được tổ chức này xem như một cơ hội để thu hút cộng đồng quan tâm đến sức khỏe toàn cầu.
Hiện nay, lĩnh vực CSSK đang được thúc đẩy bởi sự phát triển của các công nghệ y tế hay MedTech, với giá trị được dự đoán sẽ đạt mức đáng kinh ngạc 610,2 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2024, theo Statista Market Insights.
MedTech đề cập đến các công nghệ và thiết bị được hệ thống CSSK sử dụng để chẩn đoán, điều trị và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Khi công nghệ ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nó đã thay đổi không chỉ việc cung cấp dịch vụ CSSK mà còn cả nhận thức và quản lý sức khỏe trên toàn thế giới.
Dưới đây là những công nghệ đang định hình và thay đổi lĩnh vực CSSK:
Phẫu thuật robot
Robotics và tự động hóa đang cách mạng hóa các khía cạnh khác nhau của việc cung cấp dịch vụ CSSK. Sử dụng công nghệ như Robot Da Vinci, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện các thủ thuật phức tạp thông qua các vết mổ nhỏ, dẫn đến sẹo tối thiểu và phẫu thuật ít xâm lấn hơn. Không chỉ hỗ trợ tốt các ca phẫu thuật mở truyền thống, robot Da Vinci còn cho phép các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật nội soi hiện đại một cách dễ dàng, nhanh chóng với độ chính xác cao.
Năm ngoái, Phòng khám Cleveland Abu Dhabi, thành viên của mạng lưới M42, đã hợp tác với các đồng nghiệp từ Phòng khám Cleveland ở Mỹ để thực hiện ca ghép thận có sự hỗ trợ của robot, đánh dấu một thành tựu đáng chú ý của ngành CSSK tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Giống như nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, sự bùng nổ của AI không chỉ thay đổi hoạt động CSSK, công nghệ này còn đang định hình lại cơ cấu điều trị bệnh nhân và nghiên cứu y học.
Với các công cụ chẩn đoán dựa trên AI, việc phát hiện bệnh tật ngày càng chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Các thuật toán học máy cũng giúp các chuyên gia CSSK đưa ra quyết định sáng suốt và cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân thông qua việc phân tích các tập dữ liệu khổng lồ.
Ví dụ, trong ung thư, AI có thể phân tích cấu trúc di truyền, xem xét đột biến gen của bệnh nhân để đề xuất phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giảm thiểu tác dụng phụ và nâng cao tỷ lệ sống sót.
IBM đã cho thấy tốc độ và hiệu quả vượt trội của hệ thống AI của mình khi phát hiện được bệnh bạch cầu cấp dòng tủy từ các mẫu máu trong vòng chưa đầy 4 giờ. Trong khi trước đó, con người phải mất 10 ngày mới có được chẩn đoán tương tự.
Trung tâm tiểu đường GluCare ở Dubai đã trở thành trung tâm đầu tiên ở Trung Đông sử dụng công nghệ siêu âm do AI hỗ trợ, giúp cải thiện độ chính xác chẩn đoán các nốt vôi hóa tuyến giáp bằng siêu âm chỉ trong một lần khám.
Không giống như phương pháp truyền thống chỉ dựa vào đánh giá của bác sĩ, tiếp cận này giúp giảm khoảng 50% nhu cầu làm các thủ tục và xét nghiệm không cần thiết.
TS. Shanila Laiju, Giám đốc điều hành hệ thống các trung tâm y tế Medcare, cho biết AI không chỉ nâng cao năng lực cho các bác sĩ để có thể chăm sóc đồng thời một lượng lớn bệnh nhân hơn mà còn hỗ trợ dự đoán các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, giúp chuẩn bị nguồn lực và các phương pháp xử lý cần thiết.
Các nền tảng y tế từ xa Telemedicine và telehealth
Những đổi mới về y tế từ xa đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK, cho phép tư vấn từ xa với các nhà cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, y tế cơ sở và trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Công nghệ này đang hỗ trợ hàng chục nghìn bệnh nhân bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế được hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Proximie, được thành lập bởi bác sĩ phẫu thuật Nadine Hachach-Haram, là một công ty khởi nghiệp công nghệ y tế đã phát triển một nền tảng thực tế tăng cường giúp các bác sĩ phẫu thuật phối hợp từ xa. Thông qua phần mềm, các bác sĩ phẫu thuật trao đổi với nhau trong quá trình phẫu thuật trong khi video về ca phẫu thuật được phát trực tiếp - với một số góc quay khác nhau, đồng thời các bác sĩ có thể “vẽ” các đường nét hướng dẫn trên màn hình chung được chia sẻ.
Khi đại dịch COVID-19 lan đến Vương quốc Anh, Proximie đã được sử dụng trong 1.200 ca phẫu thuật ở hơn 30 quốc gia - trong đó có ca phẫu thuật xâm lấn tối thiểu do hai bác sĩ Fernado và Porter thực hiện. Đến nay, Proximie đã hỗ trợ hơn 13.000 ca phẫu thuật và trao cơ hội học hỏi, rèn luyện tay nghề cho các bác sĩ ở hơn 100 quốc gia.
Theo TS. Laiju, các trung tâm y tế của Medcare đã thực hiện khoảng 54 cuộc tư vấn từ xa mỗi ngày.
In 3D
Hiểu một cách đơn giản, công nghệ in 3D là quá trình tạo ra các mô hình vật lý (mẫu thực) từ mô hình số hóa (file thiết kế 3D trên máy tính) một cách tự động thông qua các máy in 3D. In 3D đã trở thành xu hướng công nghệ quan trọng trên thế giới và là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong y tế, công nghệ in 3D đã được ứng dụng để sản xuất các mô sinh học, mô hình giải phẫu bộ phận cơ thể con người (xương, răng, tai giả…). Công nghệ này cũng được sử dụng để hỗ trợ các thử nghiệm về phương pháp và công nghệ y tế mới, tăng cường nghiên cứu y khoa, giảng dạy và đào tạo đội ngũ y, bác sỹ.
Việc áp dụng công nghệ in 3D vào các cơ sở CSSK sẽ tạo ra sự thay đổi mô hình, mở đường cho các giải pháp y tế được cá nhân hóa, nâng cao hiệu quả và cải thiện kết quả của bệnh nhân.
Ví dụ, ngành nha khoa hiện đang áp dụng công nghệ in 3D để chế tạo bộ phận cấy ghép, bọc răng, hàm duy trì, răng giả và mô hình giải phẫu. Phạm vi ứng dụng của in 3D còn mở rộng đến việc tạo ra máy trợ thính, mô hình phẫu thuật và hỗ trợ lập kế hoạch trước phẫu thuật.
Trung tâm CSSK của Cơ quan Y tế Dubai và Bệnh viện Rashid đã hợp tác với công ty khởi nghiệp CSSK in 3D Sinterex vào năm 2019 để "giải cứu" hàm của một cô gái 17 tuổi bị khối u ác tính. Với sự trợ giúp của việc lập kế hoạch số và in 3D, họ đã tạo ra một giải pháp dành riêng cho bệnh nhân bao gồm hướng dẫn phẫu thuật và cấy ghép titan, chứng minh tầm quan trọng của in 3D đối với các thủ tục y tế phức tạp.
Cổng thông tin của chính phủ UAE dự đoán giá trị của các sản phẩm y tế in 3D, bao gồm răng, xương, nội tạng, thiết bị và máy trợ thính ở Dubai sẽ đạt 462,9 triệu USD vào năm 2025.
Cũng trong năm 2020, các bác sĩ phẫu thuật ở Abu Dhabi đã cứu sống một cậu bé mắc chứng bất thường về tim bẩm sinh phức tạp bằng cách sử dụng mô hình 3D của cơ quan bị suy yếu của cậu bé.
Nhóm tim mạch nhi tại Thành phố Y tế Sheikh Khalifa đã tạo ra một mô hình in 3D để lên kế hoạch cho một ca phẫu thuật kéo dài và phức tạp trên cậu bé Adam Sadlah (6 tuổi), để điều chỉnh nhiều dị tật lớn.
Có thể thấy, sự đổi mới công nghệ sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động CSSK, diễn ra trong tất cả các khâu từ CSSK ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế. Điều này thúc đẩy những tiến bộ hướng tới một tương lai mà CSSK không chỉ hiệu quả và dễ tiếp cận hơn mà còn phù hợp và được cá nhân hóa nhằm bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho người dân trên toàn cầu./.