Tích hợp công nghệ proptech và contech trong ứng phó với các rủi ro thiên tai

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 20:10, 14/04/2024

Việc kết hợp giữa công nghệ bất động sản (proptech) và công nghệ xây dựng (contech) đã nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn để cải thiện khả năng chống chịu của hạ tầng trước các rủi ro thiên tai.
Chuyển động ICT

Tích hợp công nghệ proptech và contech trong ứng phó với các rủi ro thiên tai

Tâm An {Ngày xuất bản}

Việc kết hợp giữa công nghệ bất động sản (proptech) và công nghệ xây dựng (contech) đã nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn để cải thiện khả năng chống chịu của hạ tầng trước các rủi ro thiên tai.

Trước sự gia tăng đáng kể của các rủi ro của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các nguy cơ tiềm ẩn từ các thảm họa thiên nhiên, nhu cầu cấp bách về việc chống lại BĐKH chưa bao giờ quan trọng đến thế. Báo cáo gần đây từ Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động đối phó với các mối đe dọa liên quan đến khí hậu.

Bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến và phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu, chúng ta có cơ hội gia tăng sự chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thảm họa.

Từ việc dự báo đến hệ thống giám sát theo thời gian thực, tích hợp công nghệ protech và contech cho phép chúng ta dự đoán và giảm thiểu tác động của thiên tai, bảo vệ cộng đồng và tài sản quan trọng.

Thông qua hợp tác và đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể khai thác tiềm năng của các công nghệ này để xây dựng các cộng đồng được trang bị tốt hơn để vượt qua các nguy cơ trong tương lai.

418-202404141728231.jpg

Ứng phó và chuẩn bị trước cho những rủi ro thiên tai

Để ứng phó với những thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra trong tương lai, việc tích hợp công nghệ proptech và contech là rất quan trọng để củng cố cơ sở hạ tầng trước những nguy cơ tiềm ẩn.

Trước hết, contech có thể cải thiện khả năng phục hồi của môi trường xây dựng bằng cách áp dụng các phương pháp xây dựng sáng tạo cùng với vật liệu tiên tiến. Các phương pháp này, áp dụng nguyên tắc thiết kế có khả năng phục hồi, giúp đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp của BĐKH. Việc tích hợp các cảm biến thông minh trong thiết kế giúp giám sát tình trạng kết cấu theo thời gian thực và thích ứng linh hoạt với các tác nhân gây áp lực lên môi trường.

Ví dụ, các vật liệu như bê tông tự phục hồi và hợp kim ghi nhớ hình dạng được tích hợp vào thiết kế để đảm bảo các công trình không chỉ đơn giản là có khả năng chống chịu tốt hơn, mà còn duy trì được chức năng trong các điều kiện bất lợi như động đất, bão lũ. Việc tích hợp này không chỉ nâng cao độ bền và khả năng thích ứng của cơ sở hạ tầng mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể chi phí sửa chữa và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Trong khi đó, công nghệ proptech có thể cung cấp một khung kỹ thuật số để giám sát liên tục và ra quyết định thông minh, nâng cao sự an toàn và khả năng ứng phó của các khu vực đô thị. Chẳng hạn như, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn và sàng lọc thông tin lịch sử của các kiểu thời tiết, dữ liệu địa chất và phân tích cấu trúc, từ đó giúp dự đoán không chỉ khả năng xảy ra thảm họa mà còn dự đoán được mức độ nghiêm trọng của chúng.

Theo bà Angelica Krystle Donati, một doanh nhân bất động sản và là người sáng lập công ty phát triển quốc tế Donati Immobileiare Group, nhà đầu tư cũng là nhà lãnh đạo tư tưởng proptech, những khả năng này cho phép thực hiện một cách tiếp cận chủ động để giảm thiểu thảm họa, chuyển từ mô hình quản lý khẩn cấp mang tính phản ứng sang ứng phó có sự chuẩn bị mang tính chiến lược. Các mô phỏng được hỗ trợ bởi AI có thể mô hình hóa vô số kịch bản, cung cấp thông tin hướng dẫn chi tiết cho việc củng cố cơ sở hạ tầng, thiết kế kế hoạch sơ tán và phân bổ nguồn lực hiệu quả trước khi thảm họa xảy ra.

Cuối cùng, proptech, thông qua việc sử dụng Internet of Things (IoT), có thể mang đến một chiều hướng mới cho việc phòng chống thiên tai, kết nối mạng lưới cảm biến và thiết bị giám sát liên tục để theo dõi tình trạng của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, công nghệ IoT có thể phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo sớm, các yếu tố thay đổi môi trường hoặc các yếu tố rủi ro khác trước thảm họa thiên nhiên. Mạng lưới kết nối này đảm bảo luồng dữ liệu liên tục, cho phép đưa ra các quyết định và can thiệp kịp thời.

Trong thảm họa

Trong khi thảm họa diễn ra, khả năng thời gian thực của proptech và contech trở nên cực kỳ quan trọng. Các giải pháp proptech, được trang bị các thiết bị IoT và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, có khả năng cung cấp thông tin chi tiết tức thời quan trọng để quản lý ứng phó khẩn cấp một cách hiệu quả. Chúng cho phép kết nối liên lạc liên tục, giám sát thời gian thực về tính toàn vẹn của cấu trúc và cập nhật tức thời về nhu cầu và tuyến đường sơ tán.

Ứng phó và phục hồi sau thảm họa

Việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp proptech và contech có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho việc ứng phó và phục hồi sau thảm họa. Sự linh hoạt của các công nghệ như máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh cung cấp đánh giá nhanh chóng và chính xác về thiệt hại, hướng dẫn phân bổ nguồn lực và thông tin về chiến lược phục hồi, từ đó giảm thiểu thời gian cho các phản ứng khẩn cấp và nỗ lực phục hồi. Dữ liệu thu thập được cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động, từ đó có những hướng dẫn cứu trợ ngay lập tức và kế hoạch phục hồi dài hạn.

Những thách thức và hướng đi tương lai

Mặc dù có những lợi ích rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ proptech và contech không phải là không có thách thức. Một trong những điểm mấu chốt trong số này là vấn đề về khả năng tiếp cận và khả năng chi trả.

Chi phí cao có thể làm trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi, đặc biệt là ở các cộng đồng có nguồn lực hạn chế hoặc dễ bị tổn thương, điều này có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách số và có khả năng làm gia tăng khoảng cách về khả năng phục hồi sau thảm họa.

Ngoài ra, việc triển khai thành công các công nghệ này thường đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn mà không phải tất cả các khu vực đều có sẵn, đặc biệt là những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các thảm họa. Khoảng cách kỹ năng này có thể cản trở việc triển khai và duy trì hiệu quả các giải pháp proptech và contech phức tạp, hạn chế lợi ích tiềm năng của chúng và có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào các chuyên gia bên ngoài, điều này có thể không bền vững về lâu dài.

Trong khi chúng ta đối mặt với các thách thức của BĐKH và tần suất gia tăng của các thiên tai, việc tích hợp proptech và contech cung cấp một giải pháp tiềm năng mới. Đây là một bước tiến lớn trong việc tăng cường khả năng chống chịu và xây dựng một tương lai bền vững hơn. Tuy nhiên, để thực hiện tiềm năng này, chúng ta phải giải quyết các thách thức về công bằng và tiếp cận, đảm bảo rằng mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự tiến bộ trong công nghệ này.

Do đó, theo bà Angelica Krystle Donati, để giải quyết những thách thức này đòi hỏi cách tiếp cận hợp tác, kết hợp giữa các chính phủ, nhà cung cấp công nghệ, nhà phát triển bất động sản và cộng đồng địa phương. Bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư, chúng ta có thể mở rộng quy mô triển khai các công nghệ tiên tiến và đảm bảo rằng mọi thành phần trong xã hội đều có thể tiếp cận được những lợi ích của proptech và contech./.

Tâm An