Không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại - nguồn lực mới cho phát triển truyền thông chính sách ở Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 06:25, 17/10/2024
Không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại - nguồn lực mới cho phát triển truyền thông chính sách ở Việt Nam
Công nghệ mạng đang phát triển như vũ bão từng ngày, từng giờ và đã tích hợp vào đời sống tinh thần, vật chất của xã hội, trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, không tách rời sản xuất xã hội, làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh toàn cầu hiện nay.
Tóm tắt:
- Vai trò của không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại đối với hoạt động truyền thông chính sách quốc gia.
- Không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại ở Việt Nam đang trở thành nguồn lực
mới cho phát triển truyền thông chính sách.
- Một số vấn đề đặt ra đối với việc khai thác nguồn lực không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại trong truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay:
+ Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, bao trùm trên không gian mạng.
+ Sử dụng hoạt động truyền thông chính sách trên không gian mạng như một nguồn lực, một công cụ.
+ Lãng phí trong việc mở rộng theo hướng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng không gian mạng, công
nghệ mạng.
+ Năng lực lãnh đạo và quản lý phải rất cao và đồng bộ.
Công nghệ mạng đang phát triển như vũ bão từng ngày, từng giờ và đã tích hợp vào đời sống tinh thần, vật chất của xã hội, trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, không tách rời sản xuất xã hội, làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh toàn cầu hiện nay.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ mạng và các ứng dụng của Internet đã tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng” với rất nhiều phương tiện và công nghệ truyền thông hiện đại, trở thành nguồn lực mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành truyền thông và thông tin (TT&TT) nói chung và truyền thông chính sách nói riêng.
Vai trò của không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại đối với hoạt động truyền thông chính sách quốc gia
Truyền thông chính sách được xem là một phần trong hoạt động của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa thông tin, thông điệp về chính sách đến người dân, lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng, điều chỉnh chính sách, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Đây là một hoạt động bắt buộc nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mọi cơ quan nhà nước nhằm thực hiện quyền dân chủ nhân dân [1].
Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách, và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Trong thời đại công nghệ mạng và phương tiện truyền thông phát triển bùng nổ như hiện nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính quyền các cấp đã nhận thấy, đây vừa là nguồn lực bất tận, vừa là động lực to lớn cần được khai thác, phát huy để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Hiện nay, công nghệ mạng và các ứng dụng của Internet đang phát triển mạnh mẽ chưa từng có, “không gian mạng” - một không gian chiến lược mới được mở ra, cùng với đó là hàng loạt các phương tiện truyền thông xã hội mới xuất hiện như: các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến (online) và các giao thức liên lạc (email, chatting) và thoại (voice) được tích hợp làm thoả mãn tất cả các nhu cầu thông tin của công chúng, bao gồm cả nghe, nhìn, đọc, nói của công chúng; tạo ra một nền tảng kỹ thuật, công nghệ truyền thông rộng lớn, đa chiều và tích hợp mạnh mẽ cả về nội dung thông tin, hệ thống mạng thông tin lẫn các thiết bị đầu cuối.
Công nghệ mạng truyền thông hiện đại được gọi là một mạng truyền thông tích hợp của 3 mạng khác nhau, bao gồm: (1) mạng viễn thông truyền thống (đại diện là mạng điện thoại); (2) mạng phát thanh và truyền hình (đại diện là mạng truyền hình cáp); (3) mạng truyền thông kỹ thuật số (đại diện là mạng Internet) tạo thành mạng truyền thông băng thông rộng.
Cùng với đó, các hình thức truyền thông, kể cả truyền thông chính sách, cũng hòa nhịp và phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ mạng, ứng dụng Internet và sự bùng nổ của các thiết bị di động. Các thông tin, thông điệp chính sách đã được hiển thị một cách linh hoạt, toàn diện bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau (bao gồm văn bản, đồ họa, video, âm thanh, ánh sáng, điện) trên nhiều kênh thông tin đa chiều (báo chí, sách vở, tin nhắn điện thoại, phát thanh, truyền hình (PTTH), website, blog, mạng xã hội (MXH)...), làm hình thành không gian giao tiếp mới vô cùng rộng lớn và đa dạng giữa chính quyền và người dân; trong đó, hiện nay, nền tảng thông dụng và rộng lớn hơn cả là nền tảng mạng Internet.
Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ mạng, các công cụ, thiết bị, phương tiện TT&TT hiện đại, hoạt động truyền thông chính sách đã và đang được tích hợp và thực hiện trên đa phương tiện, đa cách thức, đa chiều và đa năng.
Không gian mạng với những đột phá về công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại có tác dụng to lớn, góp phần hỗ trợ, nâng cấp, mở rộng lượng thông tin chính sách cần xử lý và lưu trữ; làm tăng tốc độ xử lý, trao đổi, lan tỏa thông tin; làm đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, từ đó nâng cao khả năng và tốc độ truy cập đến các nguồn tài nguyên thông tin chính sách của công chúng. Xét về mặt quản lý nhà nước, không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại giúp nâng cao tính linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung, nâng cao khả năng cơ động của hệ thống bảo đảm cốt yếu cho quốc gia [2].
Trong những năm qua, ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ mạng và phương tiện truyền thông mới trong hoạt động truyền thông chính sách đã góp phần điều tiết, định hướng thông tin dư luận, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của công chúng trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối chính trị cũng như chính sách, pháp luật của quốc gia; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật.
Chính không gian mạng với những thành tựu trong lĩnh vực mạng không dây và hệ thống phương tiện truyền thông hiện đại đã góp phần to lớn trong việc đột phá về tốc độ lan tỏa và mức độ tương tác trong quá trình truyền thông chính sách, thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời, hiệu quả hoạt động thông tin về chính sách; nhanh chóng nhận được các phản hồi chính sách một cách thẳng thắn từ nhiều góc nhìn khác nhau thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, góp phần thực hiện mục tiêu chính trị của các cơquan công quyền.
Không gian mạng và hệ thống phương tiện truyền thông hiện đại cũng cho phép các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền các cấp có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả, phù hợp với nội dung truyền thông cũng như phù hợp với tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, quốc gia; góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội [3].
Chính không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại cũng đã, đang và sẽ tiếp tục làm hình thành các tổ chức, thiết chế truyền thông mới dựa trên hai yếu tố chính:
1- Qua sự hợp nhất các tổ chức truyền thông truyền thống, các tổ chức viễn thông, công nghiệp giải trí với nhau, tạo ra một “đế chế thông tin” mạnh mẽ và có phạm vi ảnh hưởng và đối tượng công chúng khổng lồ. Có thể minh chứng cho sự hợp nhất này như hãng Time Warner sát nhập với hãng American Online, là sự kết hợp các phương tiện truyền thông cũ và mới là báo điện tử và báo giấy.
2- Sự khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của Internet và các ứng dụng của công nghệ mạng. Các hãng truyền thông như: Google, FOX, BBC, CNN, HBO... đều có những trang chính trên Internet.
Sự tồn tại của các hãng này trên Internet không chỉ dừng lại như một phương thức liên lạc đơn thuần mà là một thương thức truyền thông cơ bản của hãng đó. Bill Gates, ông vua của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã nhận định rằng, truyền thông trên nền tảng Internet sẽ trở nên phổ cập, nhiều hãng viễn thông lớn đang gia cố cơ sở hạ tầng cho viễn cảnh đó.
Công chúng sẽ được hưởng tất cả các dịch vụ trên một nền tảng duy nhất. Theo quan điểm của Bill Gates, nền tảng duy nhất có thể được hiểu là: về mặt hình thức tổ chức thì đó là một cơ quan báo chí thống nhất trên cơ sở hợp thành bởi nhiều cơ quan quản lý báo chí trước đó; còn về mặt nội dung thì đó là nền tảng tích hợp công nghệ truyền tải thông tin - Internet và các ứng dụng công nghệ số và các phương thức truyền tải khác nhau [4].
Biểu biện cụ thể về các sản phẩm truyền thông đa phương tiện có thể vẫn tồn tại theo hình thức truyền thống vốn có, tuy nhiên người ta có thể tìm thấy tính đa dạng của nó qua các cách truyền tải đồng thời.
Ví dụ: người ta có thể khai thác thông tin qua Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV), nhưng cũng thông tin đó có thể được khai thác trên Cổng thông tin điện tử Đài Truyền hình Việt Nam (vtv.gov.vn), trên Báo điện tử VTV (vtv. vn), hoặc các phần mềm khác của Đài Truyền hình quốc gia như VTV Go, VTV Giaitri, trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook. com/VTVtoiyeu)..., hoặc cùng một lúc có thể vừa nghe radio, vừa lướt web trên điện thoại di động hoặc xem thông tin truyền hình.
Những tổ chức, thiết chế truyền thông mới này có thể làm cho việc truyền thông chính sách được diễn ra dưới nhiều hình thức trên nhiều kênh và được tích hợp chung trên một nền tảng, rất tiện lợi và phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Công chúng có thể chủ động lựa chọn thời gian và không gian, hình thức truyền thông yêu thích để tiếp nhận thông tin chính sách bất cứ lúc nào mình mong muốn, không phải thụ động như trên các nền tảng truyền thống trước kia. Đây là cơ sở để hoạt động truyền thông chính sách có thể đạt được hiệu quả tốt hơn trước đó.
Không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại ở Việt Nam đang có nhiều đột phá, trở thành nguồn lực mới cho phát triển truyền thông chính sách
Trước hết, Việt Nam có một không gian mạng cực kỳ rộng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển truyền thông chính sách.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến ngày 31/5/2020, Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng Internet cao thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á [5].
Tính đến tháng 01/2023, số lượng và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5,3 triệu (7,3%) so với năm 2022, với 77,93 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 79,1% tổng dân số. Trong số đó, có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% tổng dân số. Tổng cộng có 161,6 triệu kết nối di động đã hoạt động ở Việt Nam vào đầu năm 2023, con số này tương đương với 164,0% tổng dân số [6]. Tính trung bình mỗi một người Việt Nam truy cập Internet trên hơn 02 thiết bị di động khác nhau.
Các số liệu này cho thấy, Việt Nam là một trong 15 nước hàng đầu thế giới tham gia Internet, lực lượng cư dân mạng Việt Nam cực kỳ đông đảo, được thực hiện trên nhiều thiết bị di động khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là tiềm năng về hệ sinh thái truyền thông trên không gian mạng (bao gồm cả chủ thể, đối tượng và hạ tầng kỹ thuật) của truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng là vô cùng to lớn.
Một thông điệp hoặc thông tin về chính sách của các cấp chính quyền đưa ra trên không gian mạng, về mặt lý thuyết, có khả năng tiếp cận được với 79,1% tỷ lệ dân số Việt Nam đang sử dụng Internet - đây là một con số rất ấn tượng ở một quốc gia đang phát triển, tạo nên một lực lượng công chúng vô cùng đông đảo của truyền thông chính sách trên không gian mạng.
Đặc biệt, với những thông tin chính sách được thiết kế trên nhiều dạng thức khác nhau (gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video...) phát trên nhiều nền tảng, phương tiện truyền thông (bao gồm cả phương tiện truyền thống như báo chí, sách vở, phát thanh, truyền hình lẫn phương tiện hiện đại mới như MXH) thì thông tin sẽ được nhắc lại nhiều lần đối với công chúng, làm cho công chúng không thể không quan tâm.
Ngay cả khi cư dân mạng vốn không chú ý đến thông tin chính sách cũng vẫn có xác suất rất cao trong việc tiếp cận với thông tin, thậm chí bị thông tin tác động và dần hình thành thói quen quan tâm, phản hồi trước các loại thông tin chính sách. Và do đó, có thể khẳng định, không gian mạng là một môi trường rất rộng lớn, là nguồn lực rất mạnh mẽ để truyền thông chính sách ở Việt Nam được triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Có thể nhìn thấy điều này rất rõ trong mô hình truyền thông chính sách của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là thông tin chính sách, Quốc hội nước ta đã mở rất nhiều kênh truyền thông đa phương tiện, bao gồm: Cổng thông tin Quốc hội (quochoi.vn), Truyền hình Quốc hội (chạy trên nhiều nền tảng như: trên sóng truyền hình quốc gia - VTV7, trên website quochoitv.vn, tv360.vn, trên Cổng thông tin Quốc hội quochoi.vn, trên MXH Facebook https://www.facebook.com/quochoitv. vn); bên cạnh đó là báo Đại biểu nhân dân với phiên bản báo giấy, báo điện tử, MXH Facebook; ngoài ra còn có tạp chí Nghiên cứu lập pháp cũng có phiên bản giấy và điện tử.
Hệ thống kênh thông tin này đã tạo nên một hệ sinh thái truyền thông chính sách tương đối hoàn bị của Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của nước ta. Từ đó, việc đưa tin về các chính sách, pháp luật, hoạt động của Quốc hội được truyền tải đến các tầng lớp nhân dân một cách nhanh chóng, trên nhiều kênh, tiếp cận được với nhiều đối tượng.
Đồng thời, thông qua tương tác trên các kênh truyền thông đa phương tiện, nhất là mạng Internet, Quốc hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải đáp thắc mắc, điều chỉnh chính sách và có những hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. Người dân có thể trực tiếp bày tỏ chủ kiến, quan điểm, nêu lên những nguyện vọng chính đáng cũng như phản ánh những vấn đề bức xúc trên các kênh truyền thông đa dạng của Quốc hội.
Bên cạnh đó, nhiều dự thảo về cơ chế, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã nhận được các ý kiến phản biện, góp ý, nhiều ý kiến tâm huyết, cái nhìn đa chiều của mọi tầng lớp xã hội được gửi tới Quốc hội, giúp cho việc biên soạn, xây dựng và thực thi chính sách có cái nhìn bao quát, toàn diện về cuộc sống.
Nhận thấy tiềm năng to lớn mà nguồn lực mới không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại đem lại cho hoạt động tuyên truyền chính trị nói chung và truyền thông chính sách nói riêng,
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” [7]; đồng thời, đưa ra rất nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến việc phát triển công nghệ truyền thông hiện đại trên nền tảng Internet nhằm phục vụ mục tiêu truyền thông chính sách, đường lối thông tin chính trị của đất nước như: “Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông” [8]; “Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”9; “tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, MXH trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận” [10].
Thứ hai, Việt Nam đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc sử dụng công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách quốc gia
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của hệ thống Internet, hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới được phát triển như công nghệ di động với các phương thức truyền dữ liệu tốc độ cao, hay các thiết bị đầu cuối được phát triển theo xu hướng di động hoá, cá nhân hóa cao độ tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống không có được.
Điều này tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan công quyền và đặc biệt là bộ phận báo chí, truyền thông chính sách phải tìm ra phương hướng phát triển thích hợp nhằm đưa thông tin chính sách đến với đông đảo công chúng và tăng cường giao lưu, kết nối, tương tác với công chúng thuộc mọi tầng lớp. Phương hướng ấy được thể hiện khá rõ ở sự đa dạng hóa về loại hình và phương tiện ở các cơ quan truyền thông, báo chí.
Hầu hết các cơ quan chính quyền đều có trang website, thậm chí là tài khoản MXH (Facebook, Youtube, TikTok...) song hành với loại hình báo chí truyền thống. Sự tồn tại đồng thời các loại hình sản phẩm báo chí truyền thông khác nhau cho phép các cơ quan chính quyền có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tạo điều kiện cho các thông tin chính sách được lan tỏa nhanh chóng, kịp thời.
Việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ mạng đã gắn liền với việc phát triển và tích hợp tốt các loại hình truyền thông, tạo ra hiệu quả, hiệu ứng tốt, góp phần chú trọng và nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện truyền thông chính sách, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân và của đất nước.
Trên thực tế, nhiều cơ quan trong hệ thống chính quyền các cấp đã sử dụng mạng Internet, MXH làm nơi tuyên truyền thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính công, ghi nhận ý kiến đóng góp và phản biện của nhân dân và đã thu được những kết quả chân thực, khách quan, có ý nghĩa.
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành hiệu quả một hệ thống truyền thông đa phương tiện, trong đó các cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò nòng cốt; các trang thông tin điện tử, các tài khoản MXH, trang cộng đồng, các kênh video trên các MXH lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo (kết hợp cả chính danh và ẩn danh) làm công cụ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực, chủ động phát hành các thông tin tư tưởng, lý luận đúng đắn trên mạng Internet và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Tiêu biểu nhất là fanpage chính thức của Chính phủ trên Facebook ra đời năm 2015 với tên gọi “Thông tin Chính phủ”, đã giúp người dân dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận với các thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số hoạt động của Chính phủ. Trang “Thông tin Chính phủ” trở thành một trong những địa chỉ cung cấp thông tin uy tín nhất, hoạt động hiệu quả nhất trong số những fanpage chính thống của các cơ quan nhà nước. Fanpage còn là kênh thông tin hữu hiệu của người dân, doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài [11].
Hoặc như chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Bộ TT&TT, TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong tháng 8 và tháng 9/2021 theo hình thức livestream trên các nền tảng MXH trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang ở đỉnh cao, đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiễu loạn thông tin về phòng, chống dịch, việc có kênh thông tin chính thống để người dân đối thoại trực tiếp với những người đứng đầu Thành phố đã có ý nghĩa to lớn trong việc hướng dẫn người dân đối phó với dịch bệnh, làm yên lòng nhân dân và góp phần ổn định an ninh tư tưởng, chính trị trên địa bàn thành phố.
Chương trình đã mở ra một kênh mới để chính quyền tương tác với người dân. Việc sử dụng tính năng livestream trên MXH - vốn rất quen thuộc với người dân, góp phần thu nhỏ khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, làm tiền đề nhân rộng tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Lần đầu tiên, người dân nhận thấy ý kiến của họ không chỉ được lắng nghe mà còn được tiếp thu, thực hiện; lan tỏa thông điệp truyền thông chính sách tích cực để người dân vững tâm vượt qua dịch bệnh [12].
Thứ ba, thói quen sử dụng mạng và công nghệ mạng của công chúng Việt Nam là một trong những nhân tố thúc đẩy hiệu quả của truyền thông chính sách.
Thói quen sử dụng mạng Internet với tần suất truy cập thông tin rất cao, thường xuyên, liên tục của người Việt Nam cũng là một yếu tố góp phần đưa không gian mạng thành “mảnh đất màu mỡ” để thực hiện hoạt động truyền thông chính sách. Thời gian sử dụng Internet trung bình hằng ngày của một người Việt Nam là 6 giờ 38 phút, trong đó truy cập từ điện thoại di động là 3 giờ 32 phút, từ các thiết bị khác là 3 giờ 06 phút, có 2 giờ 28 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Facebook Messenger, Tiktok, Instagram, Twitter, Telegram,... riêng mạng xã hội Facebook, có tới 70,4 triệu người sử dụng13; hơn thế nữa, Internet, mạng xã hội có đặc điểm nổi trội so với báo chí truyền thống là đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh chóng của công chúng. Điều này cho thấy, người Việt Nam rất yêu thích sử dụng mạng Internet, công nghệ mạng và đặc biệt là mạng xã hội, sẵn sàng biến nơi đây thành “diễn đàn” để thực hiện các hoạt động giao tiếp xã hội.
Thói quen, sở thích này đã biến không gian mạng trở thành không gian tiếp nhận thông tin chính sách chủ yếu, “không gian dư luận” khổng lồ mà ở đó thông tin, nhất là thông tin chính sách ảnh hưởng tới sinh kế của đại bộ phận công chúng (dưới nhiều dạng khác nhau) là sợi dây vô hình liên kết tất cả các thành viên tham gia.
Những hiệu ứng mà không gian mạng mang lại cho cuộc sống con người là không thể phủ nhận được, cho thấy đây là kênh thông tin quan trọng để kết nối chính quyền với người dân. Không gian mạng đã phát huy được vai trò của mình trong truyền thông chính sách, nhất là những vấn đề, sự kiện lớn, có ý nghĩa trọng đại đến với đồng bào trên mọi miền Tổ quốc.
Thứ tư, không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại ở Việt Nam được đặt trong hệ thống mục tiêu chung là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số quốc gia, tạo ra hệ sinh thái tương đối hoàn thiện để truyền thông chính sách đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai CPĐT về hạ tầng kỹ thuật cơ bản, xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia trong nhiều lĩnh vực...
Các CSDL từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả; thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử; cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến... Bên cạnh đó, nhiều hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống e-Cabinet; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,...), đã được đưa vào sử dụng, giúp công khai, minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo lập niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp [14].
Hệ thống hạ tầng công nghệ và thông tin dữ liệu trực tuyến trên các nền tảng công nghệ mạng và không gian mạng này trợ giúp đắc lực cho việc truyền thông chính sách của chính quyền các cấp; làm cho hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách không ngừng được cải thiện, nâng cao và phát huy mạnh mẽ giá trị trong đời sống xã hội.
Một số vấn đề đặt ra đối với việc khai thác nguồn lực không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại trong truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
Trước hết, xét về mặt nhận thức, hiện nay, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam bắt đầu xem không gian mạng là “vùng lãnh thổ đặc biệt” - vùng lãnh thổ thứ năm của quốc gia bên cạnh đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời [15].
Để bảo đảm được chủ quyền trên không gian mạng, các thông tin chính thống về tư tưởng, chủ trương, đường lối chính trị và chính sách, pháp luật của Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, bao trùm trên không gian mạng của đất nước. Muốn vậy, hoạt động truyền thông chính sách nói riêng và hoạt động thông tin, tuyên truyền tư tưởng chủ đạo của đất nước nói chung cần phải được đẩy mạnh trên nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông khác nhau.
Có như vậy, thông tin chính trị, thông điệp chính sách mới được phổ biến đầy đủ, đúng đắn, tiếp cận được với đông đảo tầng lớp nhân dân, đi vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh nội sinh cho đời sống chính trị của đất nước; tạo nội lực để đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, phản động, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch trên không gian mạng nhằm tìm cách phá hoại chức năng quản lý nhà nước, phá vỡ tổ chức và vô hiệu hóa các hệ thống bảo đảm cốt yếu của quốc gia và âm mưu định hướng lại ý thức xã hội đang diễn ra vô cùng nguy hiểm trên không gian mạng hiện nay.
Thứ hai, việc mở rộng hoạt động truyền thông chính sách trên không gian mạng hiện nay mới chỉ được sử dụng thuần túy ở góc độ công nghệ mà chưa thực sự khai thác và sử dụng nó như một nguồn lực, một công cụ để xử lý, lan tỏa, phổ biến, tương tác thông tin về chính sách, thực hiện mục tiêu chính trị của chính quyền các cấp. Thế mạnh của Internet là có thể tạo ra khả năng tương tác dễ dàng, nhanh chóng giữa nguồn thông tin và người tiếp nhận.
Tuy vậy, các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thực hiện truyền thông chính sách nói chung và công chúng của truyền thông chính sách nói riêng hầu như mới chỉ dừng lại ở góc độ tiếp cận sơ qua và thông tin đi một chiều từ người đưa tin đến người nhận tin, chứ ít có chiều ngược lại.
Các công cụ để góp ý kiến, phản hồi, tương tác một cách an toàn, tin cậy cho các bên tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách hầu như chưa được quan tâm, thiết lập và chưa có phương án triển khai thiết thực, khả thi. Những trang/cổng thông tin điện tử thực hiện hoạt động truyền thông chính sách của nhiều cơ quan công quyền cũng như công cụ tiện ích vô cùng hữu hiệu như email, chatting... mới mang tính hình thức, chưa được sử dụng thích đáng.
Mặt khác, công chúng gần như không tương tác trên kênh thông tin chính thức của cơ quan, đơn vị chính quyền, mà họ thường tương tác mạnh mẽ trên các trang không chính thức của các nhóm không rõ xuất thân hoặc các cá nhân nào đó, do còn tâm lý không muốn “dính dáng” đến cơ quan công quyền, sợ tai bay vạ gió, sợ bị trù úm khi tương tác trên các kênh thông tin - truyền thông chính thống của Nhà nước...
Vì vậy, với nhiều cơ quan, đơn vị, khi tiến hành hoạt động truyền thông chính sách, Internet, trang web riêng, hay hộp thư điện tử... chỉ mang “tính tượng trưng” của truyền thông đa phương tiện thời thượng, chứ chưa được khai thác công năng. Nhiều khi công chúng vô cùng thất vọng khi truy cập vào những trang thông tin truyền thông của nhiều cơ quan công quyền và phát hiện đó là trang thông tin “chết” hoặc đã quá lâu không được cập nhật. Đây là một sự lãng phí tài nguyên vô cùng đáng tiếc.
Thứ ba, việc mở rộng theo hướng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng không gian mạng, công nghệ mạng mà không có chiến lược khai thác sẽ dẫn tới việc lãng phí trong đầu tư, nhất là các khoản đầu tư cho nội dung thông tin liên quan đến hình ảnh và âm thanh phải đầu tư rất lớn về vật chất, kỹ thuật và nhân lực.
Các trang thông tin “chết” phần nhiều là do không có thông tin đưa lên, hoặc do thông tin không hấp dẫn, không “hot”, không gắn với đời sống chính sách, không cập nhật thông tin chính sách, không có người truy cập; hệ lụy của nó là dẫn đến tình trạng sống dở, chết dở; không những không thực hiện được công năng, chức năng, nhiệm vụ truyền thông chính sách mà còn là cái cớ để các đối tượng phản động bôi xấu, làm nhọ hình ảnh cơ quan công quyền của ta.
Thứ tư, không gian mạng, công nghệ mạng và phương tiện truyền thông hiện đại theo hướng đa phương tiện đòi hỏi năng lực lãnh đạo và quản lý phải rất cao và đồng bộ. Từ góc nhìn quản lý nhà nước, có thể thấy rằng, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính quyền các cấp ở nước ta hiện nay đang nỗ lực hết sức trong việc phát triển truyền thông chính sách trên không gian mạng dựa trên công nghệ mạng và theo mô hình truyền thông đa phương tiện, nhưng về tổng thể, vẫn thiếu sự quy hoạch chung; điều này vừa làm lãng phí, vừa làm giảm hiệu quả của truyền thông chính sách do chưa cùng nhau xây dựng được hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để cùng khai thác.
Đồng thời, việc thiếu quy hoạch đồng bộ, tổng thể tạo ra một hệ lụy khác là khi thực hiện truyền thông chính sách, thông tin chính sách mà các cơ quan, đơn vị truyền tải không có bản sắc riêng, na ná nhau, hoặc thông tin không có trọng tâm, trọng điểm, bị mờ nhạt, thiếu tính chính xác, nhất là với các nguồn tin trên trên Internet.
Điều này đặt ra vấn đề cần có một hệ thống cơ quan điều hành, quản lý việc quy hoạch, thực hiện chiến lược truyền thông chính sách theo tầng bậc, lớp lang, được trang bị đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như nguồn lực con người, tài chính cần thiết để thực hiện truyền thông chính sách trên nền tảng mạng Internet và công nghệ mạng, phương tiện truyền thông hiện đại, đa phương tiện. Có như vậy thì các điều kiện này mới thực sự trở nguồn lực hữu ích, đắc lực cho truyền thông chính sách trong thời đại mới.
1. Xem Hà Thị Thu Hương: “Vai trò của truyền thông chínhsách đối với hoạt động của chính phủ ở các nước”, Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, ngày24/02/2021,https://tcnn.vn/news/detail/49882/
Vai-tro-cua-truyen-thong-chinh-sach-doi-voi-hoat-dong-cua-chinh-phu-o-cac-nuoc.html.2. Xem Vũ Trọng Lâm: “Xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội’, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày
04/12/2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/826445/xay-dung-khong-gian-mang-an-toan%2C-lanh-manh%2C-bao-dam-phuc-vu-tot-hoat-dong-
thong-tin%2C-tuyen-truyen-va-dinh-huong-du-luan-xa-hoi.aspx
3. Xem Vũ Phương Nhi: “Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới”,Báo Điện tử Chínhphủ,ngày 22/12/2022,https://baochinhphu.vn/day-manh-truyen-thong-
chinh-sach-tren-cac-phuong-thuc-truyen-thong-moi-102221222164245804.htm4. Xem Nguyễn Bùi Khiêm: “Internet và truyền thông đa phương tiện trong xu hướng phát triển của báo chí Việt Nam”, Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, ngày
27/02/2018, https://bacninhtv.vn/tin-tuc-n3152/internet-va-truyen-thong-da-phuong-tien-trong-xu-huong-phat-trien-cua-bao-chi-viet-nam.html
5. Xem “Digital 2021”: Vietnam, http://datareportal.com/reports/digital-2021-vietnam
6.Xem“Digital 2023”:Vietnam, https://datareportal.com/reports/digital-2023-vietnam7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146.
8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 245.9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 272.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 284.11. Xem Phạm Anh Tuấn: “Sự phát triển của mạng xã hội và khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện
tử, ngày 13/9/2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/su-phat-trien-cua-
mang-xa-hoi-va-kha-nang-ung-dung-cac-loi-the-tien-ich-cua-mang-xa-hoi-trong-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-o-viet-nam12. Xem Phạm Anh Tuấn: “Sự phát triển của mạng xã hội và khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện
tử, ngày 13/9/2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/su-phat-trien-cua-
mang-xa-hoi-va-kha-nang-ung-dung-cac-loi-the-tien-ich-cua-mang-xa-hoi-trong-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-o-viet-nam
13. Xem “Digital 2022:Vietnam”, http://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam.14.Xem Duy Sang: “Xây dựng và phát triển chínhquyền điện tử, hướng đến chính quyền số”, Trang thông tin điện tử Trungtâm Thông tin thống kê khoa học và công nghệ, ngày 20/6/2023, http://
thongke.cesti.gov.vn/an-pham-thong-ke/thong-tin-chuyen-de-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao/1136-xay-dung-va-phat-trien-chinh-quyen-dien-tu-huong-den-chinh-quyen-so.
15. Xem Nguyễn Trọng Nghĩa: “Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và bảo đảm an ninh mạng”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, do Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, Sđd, t.1, tr.10.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)