Khung pháp lý nào để quản lý báo chí truyền thông thời đại AI?

Tạp chí online - Ngày đăng : 15:20, 10/09/2024

ChatGPT khi ra đời cuối năm 2023 đã khiến cả thế giới sững sờ trước năng lực siêu phàm và vô hạn của trí tuệ nhân tạo (AI), và cho đến nay nó vẫn tiếp tục được nghiên cứu và nâng cấp.
Tạp chí online

Khung pháp lý nào để quản lý báo chí truyền thông thời đại AI?

TS. Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền 10/09/2024 15:20

ChatGPT khi ra đời cuối năm 2023 đã khiến cả thế giới sững sờ trước năng lực siêu phàm và vô hạn của trí tuệ nhân tạo (AI), và cho đến nay nó vẫn tiếp tục được nghiên cứu và nâng cấp.

Tóm tắt:
- Khung pháp lý về quản lý trong thời đại AI đối với lĩnh vực báo chí truyền thông đang là mối quan tâm và thách
thức của cả thế giới, rất nhiều nước đã đề xuất khung pháp lý, dự thảo, chính sách và đạo luật AI...
- Từ thực tiễn trên thế giới đặt ra những tham chiếu cần thiết cho công tác quản lý AI nói chung trong mọi lĩnh
vực của đời sống và trong lĩnh vực báo chí truyền thông nói riêng tại Việt Nam;
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm điều chỉnh những bất cập tại các mô hình hoạt động của báo
chí truyền thông hiện nay có sự tham gia của AI.

Tháng 2/2024, Open AI tiếp tục “trình làng” Sora - mô hình AI có khả năng tạo video từ văn bản, cho chất lượng cao và và giống thật không khác gì sản phẩm của những ê-kip sản xuất video lành nghề nhất. Không chỉ những AI xuất chúng kể trên, liên quan đến lĩnh vực báo chí truyền thông, có rất nhiều AI khác đã và đang tham gia vào một hoặc nhiều góc độ trong lĩnh vực này, góp những thành tích không nhỏ vào thành công của lĩnh vực, nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức hiển nhiên đối với công tác quản lý, đặc biệt ở khía cạnh pháp lý.

Những thách thức pháp lý trong thời đại AI

Công nghệ phát triển, AI được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm, ứng dụng trong hoạt động của báo chí truyền thông ngày càng nhiều, từ việc tự động hóa quá trình sản xuất nội dung, phân phối thông tin, đến việc sử dụng thuật toán để cá nhân hóa thông tin. Không quá khi nhận định rằng AI đang thay đổi cách thức mà thông tin được tạo ra, truyền tải và tiếp nhận.

bao-chi-va-ai.jpg

Trong khu vực và trên thế giới, câu hỏi đặt ra về việc quản lý nhà nước trong thời đại AI cũng đã được các chính phủ lưu tâm và đang nỗ lực tìm câu trả lời. Tháng 4/2021, lần đầu tiên Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đối với trí thông minh nhân tạo.

Theo đó, các nội dung trong đề xuất bao gồm: đảm bảo rằng khi AI được đưa vào thị trường EU sẽ tuân thủ pháp luật hiện hành của toàn khối; tạo điều kiện để phát triển một thị trường chung cho các ứng dụng AI hợp pháp, an toàn, đáng tin cậy; đảm bảo về mặt pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và đổi mới AI v.v... Sau khi qua nhiều vòng thảo luận, đàm phán, ngày 13/3/2024 Liên minh châu Âu đã phê duyệt đạo luật cơ bản đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo. Đây là sự kiện được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử, là bước đi tiên phong, tạo điều kiện để bảo vệ quyền công dân và đón đầu những cơ hội đổi mới.

Nếu như đạo luật AI của EU nói trên phân loại AI theo ba cấp độ: không thể chấp nhận được, rủi ro cao, và hạn chế, thì dự thảo luật AI của Brazil cũng nhận thức vấn đề quyền của người dùng khi tương tác với AI và cung cấp hướng dẫn nhận biết để phân loại các loại AI khác nhau dựa trên các rủi ro mà nó có thể gây ra cho người dùng.

Theo đó, AI rủi ro cao có thể bao gồm: AI được sử dụng trong các ứng dụng liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, nhận dạng sinh trắc học và chấm điểm tín dụng... Đồng thời, các nhà phát triển các sản phẩm AI có rủi ro cao sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý mức độ cao hơn.

Cũng giống Brazil trong việc gắn trách nhiệm của các nhà phát triển trí thông minh nhân tạo vào các rủi ro mà AI có thể gây ra, nhưng quy định dự thảo về AI tạo sinh của Trung Quốc cụ thể hơn ở chỗ yêu cầu các nhà phát triển phải “chịu trách nhiệm” đối với đầu ra được tạo ra bởi AI của họ, trong đó có quy định nếu dữ liệu đào tạo của họ vi phạm tài sản trí tuệ của người khác thì họ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý. [1]

Có cách tiếp cận thận trọng hơn, Israel đưa ra dự thảo chính sách quy định về AI trên cơ sở đạo đức và trách nhiệm của các tổ chức trong phát triển AI [2]. Thay vì đề xuất ban hành một luật thống nhất chung, dự thảo khuyến khích các cơ quan quản lý cụ thể theo ngành xem xét can thiệp khi thích hợp, với mong muốn thể hiện cách tiếp cận “mềm” của chính phủ đối với AI. Cách tiếp cận này có phần giống với Nhật Bản, khi chính phủ nước này chưa đưa ra quy định cụ thể về AI mà chờ xem AI sẽ phát triển như thế nào để tránh gây ra những thay đổi đột ngột.

Vì vậy, các nhà phát triển AI ở Nhật Bản hiện đang phải dựa vào những luật lân cận, như luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu, để làm hướng dẫn. Năm 2018, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Bản quyền, cho phép sử dụng nội dung có bản quyền để phân tích dữ liệu. Như vậy, dữ liệu đào tạo AI cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Bản quyền sửa đổi này, giúp các công ty phát triển AI sử dụng dữ liệu của các công ty khác để đào tạo thuật toán AI của mình.

bao-chi-va-ai-2.png

Và tham chiếu cần thiết cho công tác quản lý nhà nước đối với AI ở Việt Nam

Những quy định, dự thảo, thực tiễn trên đây về quản lý nhà nước đối với AI trên thế giới đặt ra những tham chiếu cần thiết cho công tác quản lý AI nói chung trong mọi lĩnh vực của đời sống và trong lĩnh vực báo chí truyền thông nói riêng tại Việt Nam.

Ở nước ta, báo chí và truyền thông do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, quản lý. Việc đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý tuyệt đối của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý quản lý báo chí truyền thông đang tồn tại những “khoảng trống” cần được nhận thức và “lấp đầy” nhanh chóng để bắt nhịp với tốc độ phát triển cũng như phạm vi và mức độ ảnh hưởng ngày một khó hình dung của AI.

Luật Báo chí 2016 đã được nhìn nhận cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, liên quan đến AI, cần bổ sung quy định về việc sử dụng AI trong sản xuất nội dung báo chí một cách chi tiết.

- Lằn ranh giữa sự sáng tạo và sự thật là đến đâu?

- Mức độ AI được phép tham gia vào nội dung của một sản phẩm báo chí là như thế nào?

- Nhà báo sử dụng AI như thế nào thì không vi phạm quy định?

- Vấn đề bản quyền trong sáng tạo tác phẩm bằng AI?

- Những hành vi như thế nào khi sử dụng AI thì được coi là vi phạm đạo đức nhà báo?

- Việc ứng dụng AI vào tòa soạn sẽ được hạch toán theo quy định nào? v.v.

Đây là vài trong số những câu hỏi căn bản vẫn chưa có câu trả lời cho đến nay liên quan đến vấn đề này và phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Ví dụ đối với vấn đề bản quyền các tác phẩm. Trong khi Mỹ và Úc không công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra, và đề cao tác quyền của con người, thì Anh, Ấn Độ, Hong Kong, New Zealand... lại trao quyền tác giả của các sản phẩm do AI tạo ra cho lập trình viên sáng tạo ra AI đó. [3]

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (sửa đổi năm 2022) của Việt Nam không có quy định nào về trí thông minh nhân tạo. Như vậy, một tác phẩm báo chí truyền thông do AI tham gia một phần vào quá trình sản xuất nội dung hoặc tham gia toàn phần có sự điều khiển, chịu trách nhiệm của nhà báo... sẽ thuộc về bản quyền của ai? Khi có khiếu kiện về bản quyền liên quan đến một nội dung do AI tạo ra và đã được cơ quan báo chí sử dụng đăng tải thì cần giải quyết như thế nào? Đây rõ ràng là một khoảng trống cần được nhận thức kịp thời hơn nữa.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bất cập của Luật Báo chí 2016, trong đó có bất cập liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật này, cho thấy sự thiếu bao quát của Luật đối với các mô hình hoạt động của báo chí truyền thông hiện nay mà sự tham gia của AI cũng nằm trong đó.

“Bởi thực tế, việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện; báo chí công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới; hội tụ về nhân lực, hạ tầng, công nghệ, nguồn dữ liệu, sản xuất nội dung để phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhiều loại hình báo chí, các nền tảng công nghệ, các phương thức truyền thông mới là xu thế phát triển của báo chí hiện đại nhưng đến nay Luật Báo chí vẫn chưa bao quát trọn vẹn”. [4]

Sự thiếu bao quát cũng là tình trạng diễn ra đối với một số luật khác liên quan đến quản lý báo chí truyền thông như Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng v.v. cũng như các nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Ví như những hạn chế đối với công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng được nhìn nhận 2 năm trước đây dường như vẫn là những vấn đề của hiện tại: “Hành lang pháp lý, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện; Quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức [...]; Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả, triệt để, kịp thời; Phần lớn các nền tảng dịch vụ OTT, mạng xã hội, ứng dụng dịch vụ công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện tại Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý...”. [5]

Vì vậy, nhận thức cần thiết hiện nay đối với các nhà quản lý báo chí truyền thông, trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần tiếp cận ở một số điểm mấu chốt dưới đây:

Một là coi trí thông minh nhân tạo như một yếu tố chắc chắn tồn tại và có ảnh hưởng tới hoạt động báo chí truyền thông trong hiện tại và tương lai.

Hai là cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, đặc biệt ở khía cạnh nhận thức về sự tham gia của AI vào lĩnh vực này (ví dụ như EU xếp loại rủi ro cao đối với các sản phẩm AI như: “đồ chơi kích hoạt bằng giọng nói khuyến khích hành vi nguy hiểm ở trẻ em” và cấm những sản phẩm loại này theo Đạo luật AI).

Ba là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, phối hợp với các công ty công nghệ, các công ty tư vấn về pháp lý để nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện để có chiến lược tận dụng tối ưu những lợi ích và giảm thiểu tối đa những rủi ro xuất phát từ AI. (Ví dụ hiện nay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, trong Chiến lược quốc gia về trí thông minh nhân tạo, khuyến khích sự phát triển AI ở UAE bằng cách thu hút các nhân tài AI và tích hợp công nghệ vào các lĩnh vực chính như năng lượng, du lịch và chăm sóc sức khoẻ).

Bốn là cần xác định việc quản lý nhà nước về báo chí truyền thông trong bối cảnh thời đại của AI là “đường dài”, cần kiên trì và liên tục đổi mới cho phù hợp với tốc độ phát triển của AI.

Năm là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về những mặt trái đã, đang và có thể xảy đến doAI tạo ra, để toàn xã hội cùng chung tay vào việc phòng ngừa rủi ro.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu: Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết cũng yêu cầu: sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vì vậy, một khung pháp lý về AI nói chung ra đời sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực báo chí truyền thông nói riêng. Qua đó, giúp các nhà quản lý hình dung rõ ràng hơn về các vấn đề phải đối mặt, cũng như khuyến khích sáng tạo, phát triển về AI để tối đa hóa lợi ích cũng như phòng ngừa, kiểm soát rủi ro. Như lời của đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) khi phát biểu trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV ngày 23/5/2023:

“Một hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện là điều kiện tiên quyết để Việt Nam không bị chậm chân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời chủ động hơn trong tận dụng lợi thế và phòng, chống rủi ro, quan trọng hơn là để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm cho những sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao, có nguy cơ gây thiệt hại về nhiều mặt trong tương lai".

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)

TS. Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền