Khi tư nhân hoá gắn với lợi ích nhóm trong báo chí

Tạp chí online - Ngày đăng : 14:30, 21/09/2024

Tư nhân hoá báo chí gắn với lợi ích nhóm là một trong các nguyên nhân gây ra những tổn thất to lớn cho bản thân cơ quan báo chí, cũng như cho năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nền báo chí quốc gia.
Tạp chí online

Khi tư nhân hoá gắn với lợi ích nhóm trong báo chí

TS. Nguyễn Minh Phong 21/09/2024 14:30

Tư nhân hoá báo chí gắn với lợi ích nhóm là một trong các nguyên nhân gây ra những tổn thất to lớn cho bản thân cơ quan báo chí, cũng như cho năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nền báo chí quốc gia.

Tóm tắt:
Ba nhóm biểu hiện nổi bật của tư nhân hóa và lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí:
+ Tách rời quyền sở hữu với quyền hoạt động báo chí thông qua hình thức liên kết báo chí;
+ Báo chí bảo kê cho đơn vị, cá nhân có lợi ích liên kết;
+ Báo chí hù doạ làm tiền doanh nghiệp vì lợi ích nhóm;
Nguyên nhân, hệ luỵ và giải pháp. Giải pháp:
+ Mở rộng khái niệm “tư nhân hóa”;
+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; +Nêu cao vai trò của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí

Việc tư nhân hoá báo chí ngấm ngầm và khó bị kiểm soát khiến báo chí có thể tiếp tục phát triển về lượng và hình thức, song năng lực và chất lượng khó được cải thiện, khó đáp ứng nhu cầu thông tin và sự phát triển lành mạnh của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội vĩ mô và vi mô, hiện tại và tương lai.

Ba nhóm biểu hiện nổi bật của tư nhân hóa và lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí

Tư nhân hóa báo chí gắn với lợi ích nhóm ẩn dưới nhiều biểu hiện ngày càng đa dạng và tinh vi, trong đó có ba nhóm biểu hiện chủ yếu là:

Thứ nhất, mập mờ tách rời quyền sở hữu với quyền hoạt động báo chí thông qua hình thức liên kết báo chí

Theo Luật Báo chí 2016, “Điều 37. Liên kết trong hoạt động báo chí

1. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong các lĩnh vực sau đây:

a) Thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí và nội dung thông tin quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản này;

b) Khai thác hoặc mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài;

d) Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội;

đ) Sản xuất các sản phẩm báo in, báo điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.

3. Các chương trình liên kết trên kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và kênh thời sự - chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này.

4. Việc liên kết các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có bản quyền, kịch bản chương trình nước ngoài phải được Việt hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

5. Trường hợp cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình thì số kênh liên kết không vượt quá ba mươi phần trăm tổng số kênh phát thanh, kênh truyền hình được cấp giấy phép sản xuất.

6. Nội dung các chương trình liên kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”.

Trên thực tế, dù luật pháp Việt Nam chưa cho phép tư nhân sở hữu và quyết định toàn bộ hoạt động báo chí xuất bản (gọi chung là báo chí tư nhân), song việc “tư nhân hóa” báo chí thể hiện khá phổ biến nổi bật ở tình trạng “bán cái” và “phân lô bán nền” kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt” thông qua liên kết báo chí trong xuất bản các ấn phẩm báo chí công.

Theo Mục IV. Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội (MXH) và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí ban hành kèm theo Quyết định 1418/QĐ-BTTTT năm 2022 của Bộ TT&TT, việc tư nhân hóa báo chí biểu hiện qua một loạt động thái cụ thể sau:

Cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục, chương trình, kênh chương trình cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền quản lý, điều hành, quyết định một phần hoặc toàn bộ nội dung chuyên trang, chuyên mục, chương trình, kênh chương trình liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.

Đối với báo, tạp chí điện tử:

- Đơn vị liên kết có dấu hiệu được can thiệp vào hệ thống máy chủ để đăng, sửa, gỡ tin, bài.

- Hoạt động liên kết tạo lợi ích kinh tế, thương hiệu, ảnh hưởng cho phía đối tác liên kết chênh lệch nhiều hơn so với lợi ích, sự ảnh hưởng của cơ quan báo chí.

- Đối tác liên kết sử dụng cơ quan báo chí để “rửa nguồn”, “cấy nguồn” cho những tin, bài tự sản xuất để đăng tải; tin bài đăng lại của cơ quan báo chí nhưng sử dụng hình ảnh đóng dấu nhận diện thương hiệu của đối tác liên kết.

- Cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho nhân sự của đối tác liên kết để tác nghiệp báo chí.

- Nội dung tin, bài đăng tải trên các sản phẩm của cơ quan báo chí theo chủ đề, đề tài phục vụ lĩnh vực, tiêu chí của đối tác liên kết, mất cân đối về tỷ lệ thông tin, không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Đối với phát thanh, truyền hình (PTTH):

- Doanh nghiệp (DN) truyền thông, quảng bá chương trình, kênh chương trình liên kết với đài phát thanh, đài truyền hình ngay trong chương trình, kênh chương trình và trên các phương tiện truyền thông tạo nhận thức cho khán, thính giả đây là sản phẩm báo chí của DN.

- DN đăng tải các chương trình tin tức, truyền hình do DN tự sản xuất trên MXH nước ngoài.

Thứ hai, báo chí “bảo kê” cho đơn vị, cá nhân có lợi ích liên kết

Trong trường hợp này, việc tư nhân hóa báo chí gắn với lợi ích nhóm trong hoạt động báo chí thể hiện đa dạng và không khó nhận biết ở chỗ: Khi gắn hoặc được chia sẻ với lợi ích của đối tượng bảo kê, lãnh đạo tòa soạn trong trách nhiệm và thẩm quyền của mình không chỉ đạo phản ánh, xử lý và không cho đăng những bài báo dưới mọi dạng và nội dung không có lợi cho đối tượng nhận bảo kê.

Hơn nữa, có trường hợp lãnh đạo cơ quan báo chí còn trực tiếp phê bình cán bộ, phóng viên (PV) thuộc quyền mình khi họ có ý định viết bài tố cáo, hay phê phán những hành vi sai trái của “đối tác chiến lược” được mình ngấm ngầm hay ra mặt ủng hộ... Còn các PV thì chỉ nhận viết các bài quảng bá mặt tích cực, ca ngợi một chiều cho đối tượng được bảo kê. Thậm chí, có trường hợp còn viết kiểu tô vẽ, quảng cáo quá mức hoặc sai lệch cho người “đặt hàng” bằng những thông tin “một nửa sự thật” hoặc không chính xác...

Những bài viết khi báo chí buộc phải đăng thì chỉ đạo hoặc gây sức ép trực tiếp hay gián tiếp cố ý công bố thông tin có liều lượng, cắt xén và làm sai lệch những điểm mấu chốt của vấn đề, khiến lỗi to thành nhỏ, lỗi nhỏ thành không có lỗi, “làm sạch” cho đối tượng được bảo kê. Cấp dưới có trách nhiệm xử lý bài theo quy trình thì dùng thông tin méo mó và thẩm quyền mình có để “tạo nhiễu” khiến lãnh đạo và ban biên tập cơ quan báo chí hiểu sai lệch, ngại ngần không muốn đăng bài hoặc tìm cách che lấp cái sai của cá nhân, đơn vị thuộc đối tượng được mình bảo kê.

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí còn sử dụng các hình thức liên kết, hỗ trợ tuyên truyền, quảng cáo để tuyên truyền quá mức cái tốt, giảm thiểu cái sai, xấu, mục đích đánh bóng thương hiệu cho sản phẩm, tên tuổi cá nhân hay tiếng thơm cho đơn vị, ngành nào đó, kiểu “sống chết mặc ai”, miễn “đôi bên cùng có lợi”...

Dù núp dưới bất kỳ hình thức nào, thì hiện tượng “bảo kê” trong báo chí đều có chung bản chất gian dối thông tin và lạm dụng quyền lực, dùng thông tin chất lượng thấp, được xử lý qua lăng kính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ và trách nhiệm xã hội thấp, cố tình đề cao quá mức cái không đáng đề cao và che giấu những sự thật cần đưa ra ánh sáng, làm nhiễu loạn thông tin, dung dưỡng cái xấu, khiến nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội rơi vào “im lặng đáng sợ”... Vì vậy, có thể xếp hạng hiện tượng “bảo kê”, lạm dụng quyền lực trong báo chí cũng ngang như với hiện tượng lạm dụng quyền lực- tham nhũng trong các lĩnh vực khác...

tu-nhan-hoa-bao-chi.png

Thứ ba, báo chí hù dọa làm tiền DN vì lợi ích nhóm

Ngược lại với tình trạng hiện tượng “bảo kê” trong báo chí thể hiện “tế nhị” kín đáo hơn và đa dạng hơn khi báo chí có chia sẻ lợi ích với đơn vị, cá nhân nào đó nhân danh liên kết tuyên truyền, hỗ trợ truyền thông cho các đơn vị, cá nhân này, thì lại có một biểu hiện khác của xu hướng tư nhân hóa báo chí cùng có mục đích biến báo chí công thành công cụ cá nhân, tạo quyền lực để tìm kiếm tư lợi.

Theo đó, cơ quan báo chí và nhà báo chủ ý dùng thông tin nhạy cảm và khai thác sai phạm của DN, cá nhân để gây sức ép, hù dọa, “đánh” và “làm tiền” DN, đơn vị, cơ quan hoặc ai đó một cách trực diện, thô bạo và lộ liễu. Đã có hàng trăm trường hợp đơn vị và cá nhân trong làng báo chí bị kỷ luật về hiện tượng nhũng nhiễu này trong hoạt động báo chí.

Ở biểu hiện khác, không ít cơ quan báo chí và nhà báo đang và sẽ tiếp tục đối diện với sức ép sinh kế và hạn chế về năng lực nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp khiến phát sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động báo chí, như “khoán” bài PR, khoán “hợp đồng truyền thông”; liên kết đường dây tạo “doanh thu” đến từ việc “đăng và gỡ” bài; sách nhiễu, “đánh hội đồng”, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự cá nhân (thường là lãnh đạo), DN, địa phương, bộ, ngành...

Cho đến nay, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra và xác định có hàng chục cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí, chưa bảo đảm điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí và buông lỏng quản lý; đồng thời, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hàng tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn và thẻ nhà báo đối với hàng chục lãnh đạo và PV, nhà báo; chỉ đạo và buộc gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích; tạm dừng, chấn chỉnh hoạt động nhiều chuyên trang và chấm dứt nhiều hoạt động liên kết sản xuất nội dung, tổng hợp, đăng, dẫn lại tin, bài.

Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý, kiến nghị xử lý hàng chục PV, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật và có những phát ngôn lệch chuẩn trên MXH...

Nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp cần có

Tất cả những biểu hiện tư nhân hóa báo chí gắn với lợi ích nhóm nêu trên đã, đang và sẽ tiếp tục hội tụ tác động tiêu cực trực tiếp hay gián tiếp góp phần làm nhiễu loạn thông tin báo chí, giá trị và dư luận xã hội; khiến bộ máy nhà nước bị che mắt, làm sai lệch các quyết định quản lý nhà nước, môi trường đầu tư bị vẩn đục và trật tự, an toàn xã hội bị xâm phạm, dung dưỡng cái xấu, suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông nhà nước; gây tổn hại uy tín, chi phí cơ hội cho DN và xã hội.

Đặc biệt, việc tư nhân hóa báo chí gắn với lợi ích nhóm là một trong các nguyên nhân gây ra những tổn thất to lớn cho bản thân cơ quan báo chí, cũng như cho năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của nền báo chí quốc gia. Việc tư nhân hóa báo chí ngấm ngầm và khó bị kiểm soát này khiến báo chí có thể tiếp tục phát triển về lượng và hình thức, song năng lực và chất lượng khó được cải thiện, khó đáp ứng nhu cầu thông tin và sự phát triển lành mạnh của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội vĩ mô và vi mô, hiện tại và tương lai.

Trong số các nguyên nhân của các hiện tượng đó, phải kể đến nguyên nhân về kẽ hở luật pháp quốc gia liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động báo chí; những bất cập, sự tùy tiện và lạm dụng trong quy định, quy trình xuất bản nội bộ cơ quan báo chí; chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là sai lệch nhận thức chính trị, méo mó đạo đức nghề nghiệp và yếu kém trong bản lĩnh đối diện với các vấn đề cơm áo gạo tiền của cá nhân và đơn vị, đặc biệt là của người đứng đầu...

Báo chí giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, tuyên truyền tác động vào tư tưởng, tình cảm, tạo ra những nhận thức mới, những định hướng giá trị và thái độ sống tích cực, có trách nhiệm và những quyết sách quan trọng cho cuộc sống; trở thành cầu nối và một yếu tố trong việc quản lý các quá trình kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực khác nhau theo yêu cầu phát triển bền vững và tạo lập các giá trị xã hội lành mạnh.

Khi và chỉ khi nhận diện đầy đủ, sâu sắc và có giải pháp nghiêm khắc kiểm soát và giảm thiểu hiệu quả các cách thức và hệ lụy tiêu cực của hiện tượng tư nhân hóa gắn với lợi ích nhóm trong nghề báo, thì báo chí mới thực sự là món ăn sạch, cần và hữu ích cho xã hội....

Đặc biệt, cần mở rộng khái niệm “tư nhân hóa” báo chí gắn với lợi ích nhóm theo hướng bao quát cả các trường hợp người đứng đầu cơ quan báo chí tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự theo kiểu “gia đình trị” và quan hệ bè phái, độc tài; tổ chức hoạt động và đăng bài theo ý muốn, sở thích và lợi ích cá nhân, nhóm, bất chấp tôn chỉ, mục đích và tính chất của cơ quan báo chí cách mạng...

Với tinh thần đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát và bổ sung tiêu chí nhận diện biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ nước ngoài để tác động vào báo chí truyền thông; cương quyết xử lý nghiêm minh cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm.

Đồng thời, cần làm rõ, cụ thể hóa và chặt chẽ hơn các quy định liên quan đến hoạt động liên kết trong Luật Báo chí, cả về hình thức và phạm vi liên kết, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí và bên liên kết, phòng tránh các “biến tướng” và lạm dụng tư nhân hóa gắn với lợi ích nhóm...

Bộ TT&TT tiếp tục triển khai Quyết định số 75/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, “báo hóa” MXH và biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31/7/2022 triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang TTĐT, MXH trong giai đoạn hiện nay; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí; Tập trung vào ngăn chặn tình trạng giao diện chuyên trang của báo, tạp chí điện tử giống y nguyên hoặc có mẫu nhận diện giống, gây nhầm lẫn với trang TTĐT tổng hợp của đối tác liên kết (Logo nhận diện giống nhau; Tên các chuyênmục giống nhau;

Trang TTĐT của đối tác ghi mập mờ, có tên miền giống hoặc gần giống tên miền báo, tạp chí điện tử, chuyên trang điện tử); rà soát và giám sát kỹ hơn các cơ quan báo chí có lượng tin bài sản xuất quá lớn so với lượng nhân sự cơ cấu và chất lượng tin, bài thấp, nghiêng về tin tức thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách; ngăn chặn tình trạng bên đối tác liên kết có quyền truy cập, tác động, đưa tin, bài lên, chỉnh sửa, gỡ xoá tin bài trên hệ thống của cơ quan báo chí và giám sát chặt chẽ việc cơ quan báo chí giao khoán các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, PV, Văn phòng đại diện, đối tác liên kết chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, cũng như đề nghị cấp thẻ nhà báo cho nhân sự của đối tác liên kết.

Cơ quan chủ quản báo chí chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện, PV thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật...

Cơ quan báo chí quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam; nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề và chủ động đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật lCiên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng...

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 75/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch xử lý
tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện
tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân
hóa báo chí”;
2. Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31-7-2022 triển khai các
nhiệm vụ tại kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14-6-2022 của
Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo,
quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin
điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay;
3. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/cuong-quyet-xu-
ly-tinh-trang-bao-hoa-tap-chi-tu-nhan-hoa-bao-chi-620947.
html
4.https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/se-chan-chinh-tinh-
trang-tu-nhan-hoa-bao-chi-bao-hoa-tap-chi-718478;
5. https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/
the-nao-la-tu-nhan-hoa-bao-chi-dau-hieu-nhan-biet-tu-
nhan-hoa-trong-hoat-dong-lien-ket-bao-chi-nam--28891.
html;

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)

TS. Nguyễn Minh Phong