Toà soạn đổi mới đáp ứng yêu cầu của công chúng số
Truyền thông - Ngày đăng : 13:52, 17/04/2024
Toà soạn đổi mới đáp ứng yêu cầu của công chúng số
Đáp ứng yêu cầu mới của công chúng số là cơ hội để các tòa soạn báo chí đổi mới, nâng tầm, và tái định vị báo chí và định vị báo chí số trong bối cảnh mới.
Tác động của công chúng số đối với báo chí, hình thành báo chí số
Sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới đã làm thay đổi đáng kể vai trò và vị trí của công chúng trong lĩnh vực truyền thông, báo chí với sự xuất hiện của những khái niệm mới như báo chí số, tòa soạn số, công chúng số...
Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: "Công chúng số là “nhóm đối tượng có năng lực sử dụng kỹ thuật và công nghệ, các nền tảng số, chủ động trong tiếp cận và tiếp nhận thông tin, có khả năng cao hơn trong tham gia và tương tác truyền thông với nhiều nhóm đối tượng, ở nhiều mức độ, cấp độ, nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Công chúng số là người tiếp nhận tác phẩm báo chí số, đồng thời có thể chính là nguồn phát - người tạo nội dung báo chí số”.
Báo chí số (digital journalism) là loại hình báo chí sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số.
Xây dựng tòa soạn số, bản chất là thực hiện chuyển đổi số (CĐS) toàn diện các hoạt động của một cơ quan báo chí truyền thông. Quá trình CĐS cơ quan báo chí thường được thực hiện thông qua 3 giai đoạn: giai đoạn số hóa, giai đoạn tin học hóa và giai đoạn CĐS.
Ngày nay, công chúng số ngày càng tiếp cận thông tin nhiều hơn thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Công chúng số có những đặc điểm khác biệt so với công chúng truyền thống về khả năng tiếp cận thông tin rộng rãi, có sự tương tác cao một cách dễ dàng và nhanh chóng thông qua các nền tảng số, có nhu cầu thông tin đa dạng.
Do đó, đặt ra những yêu cầu mới đối với tòa soạn số và quản trị tòa soạn số về việc tăng cường chất lượng nội dung bao gồm tính chính xác, trung thực, khách quan, hấp dẫn, có giá trị gia tăng…, đa dạng hóa nội dung và định dạng tin tức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng số, tăng cường tương tác với công chúng số nhằm hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin và sở thích tiếp nhận của họ, đổi mới mô hình kinh doanh để đáp ứng với những thay đổi trong bối cảnh công chúng số.
Yêu cầu đặt ra với tòa soạn số và quản trị tòa soạn số
TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, công chúng số có những tác động tích cực nhưng các tòa soạn số, quản trị tòa soạn số và nhà báo cũng đứng trước những thách thức lớn mà tòa soạn số ở Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu mới.
Các tòa soạn cũng phải sản xuất và phân phối tin tức chất lượng cao, có tính xác thực, khách quan và phù hợp với nhu cầu của công chúng số. Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu về đầu tư đối với đội ngũ nhà báo có trình độ chuyên môn, áp dụng các quy trình kiểm chứng tin tức nghiêm ngặt và đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động báo chí trong bối cảnh CĐS.
Công chúng số sử dụng các nền tảng số (Internet, mạng xã hội, thiết bị di động…) để tiếp cận tin tức và thông tin. Do đó, yêu cầu đối với tòa soạn số về việc sử dụng các công nghệ số để sản xuất và phân phối tin tức một cách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của công chúng số. Yêu cầu về tự động hóa các quy trình sản xuất tin tức đối với các tòa soạn số. Đó là việc sử dụng các công nghệ tự động hóa để thực hiện các nhiệm vụ thủ công, như thu thập thông tin, biên tập, thiết kế… nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho các phóng viên, biên tập viên, giúp đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của tin tức...
Đặc biệt, trong thời đại số, công chúng số ngày càng có nhu cầu tương tác với báo chí nhiều hơn, muốn được tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối tin tức, muốn được lắng nghe và phản hồi ý kiến của mình. Đồng thời, công chúng số có thể tương tác với báo chí một cách dễ dàng và nhanh chóng thông qua các nền tảng số. Vì vậy, đặt ra yêu cầu với tòa soạn số về tương tác với công chúng số để nắm bắt nhu cầu thông tin và sở thích tiếp cận của họ. Qua đó, có thể giữ chân, thu hút và dẫn dắt công chúng số một cách tối ưu.
Hơn nữa, trong bối cảnh công chúng số, mô hình kinh doanh truyền thống của báo chí đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các tòa soạn số là cần đổi mới mô hình kinh doanh để đáp ứng những thay đổi trong môi trường truyền thông số.
Từ thực tiễn hoạt động báo chí, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn từng chia sẻ: Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung... là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn số, hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng.
Để đáp ứng công chúng số, đòi hỏi các tòa soạn phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ...
Và để bắt kịp với xu hướng của báo chí số, có năng lực thực hiện những nhiệm vụ trên, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo, có giá trị cao đáp ứng công chúng số.
Các tòa soạn đã đẩy mạnh xây dựng tòa soạn số
Để bắt kịp với xu hướng của báo chí số, các tòa soạn đã đẩy mạnh xây dựng tòa soạn số nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng tốt hơn.
Tháng 6/2023, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử. Đây là một trong giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược CĐS, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí của Báo Nhân Dân. Tòa soạn hội tụ hiện đại tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc.
Mới đây, một tòa soạn báo chí đồng bộ, tích hợp việc xuất bản báo giấy, báo điện tử và các nền tảng xã hội với một số tính năng hiện đại phù hợp yêu cầu CĐS báo chí đã được Báo Hải Phòng chính thức khai trương cuối tháng 3 vừa qua.
Tòa soạn điện tử tại tên miền baohaiphong.vn của Báo Hải Phòng đưa vào vận hành tạo ra bước chuyển mới trong hoạt động của Báo Hải Phòng, giúp Báo Hải Phòng từng bước trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, hội tụ "All-in-one" với các ưu điểm nổi bật như hỗ trợ tất cả các hệ điều hành, tiện ích tương thích cho các thiết bị máy tính, smartphone…; Sản xuất tin bài đa phương tiện, từ văn bản, hình ảnh, video, audio, e-megazine,… Giao diện của báo hiện đại, thân thiện, lấy bạn đọc làm trung tâm...
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, VOV đã xây dựng và bước đầu thực hiện CĐS, khi xây dựng Cổng thông tin điện tử tin tức tích hợp cả bốn loại báo chí. Đây là “sàn giao dịch tin tức” của các đơn vị trong Đài, để các nhà báo, các biên tập viên chương trình có thể sử dụng chung tài nguyên, sử dụng chung các sản phẩm của các phóng viên. Từ đó, tiết kiệm được rất nhiều nguồn nhân lực, đồng thời tạo ra các sản phẩm báo chí phong phú hơn và được thể hiện linh hoạt, sáng tạo trên các loại hình báo chí của VOV, giúp các tác phẩm báo chí tiếp cận hiệu quả tới đông đảo khán, thính và độc giả./.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Kỷ yếu Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.
[2]. nhandan.vn, savis.vn