Để tuyên truyền về xây dựng Đảng đúng và trúng
Truyền thông - Ngày đăng : 11:22, 17/04/2024
Để tuyên truyền về xây dựng Đảng đúng và trúng
Tuyên truyền về Đại hội Đảng lần thứ XIV nói riêng và xây dựng Đảng nói chung cần bắt đầu ngay từ thời điểm này và các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần có kế hoạch cụ thể; đảm bảo đúng các nguyên tắc và trúng các nội dung tuyên truyền.
Những câu chuyện, mảnh ghép, dấu ấn nhỏ để minh họa cho hiệu quả từ những chủ trương lớn của Đảng
Xác định tầm quan trọng của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, là một trong những cơ quan báo chí chủ lực, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chủ động lên kế hoạch tuyên truyền bài bản, dài hơi mọi lĩnh vực từ Trung ương đến cơ sở, của các Bộ, ban, ngành và địa phương việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Có thể nói tính chủ động là một trong những yếu tố quan trọng để VTV thực hiện tuyên truyền triển khai nhiệm vụ chính trị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng suốt từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023 với các tuyến bài đa dạng, phong phú từ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; công tác cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kinh tế, xã hội; an ninh, quốc phòng; văn hoá;…
Thực tế, ngay sau khi Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ bế mạc, VTV đã chủ động mở chuyên mục “Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” trong bản tin Thời sự 19 giờ đặt ra yêu cầu mỗi ngày có 1 phóng sự phát trong bản tin 19 giờ và phản ánh sâu hơn trong các chuyên mục có tính đặc thù như: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Báo chí toàn cảnh, Sự kiện và Bình luận, Vấn đề hôm nay,… Đây là một khối lượng công việc rất lớn, vừa mang tính chính luận, vừa phải được thể hiện sinh động, dễ hiểu, tránh hình thức,…
VTV đã chủ động xây dựng kế hoạch các nội dung phóng sự, huy động đội ngũ phóng viên đông đảo, trong đó Ban Thời sự là nòng cốt và các đơn vị khác như Ban Truyền hình Đối ngoại, các Trung tâm VTV tại khu vực,…
Để các phóng sự tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu được đúng và trúng các vấn đề mà cán bộ đảng viên, nhân dân quan tâm, các phóng viên đã bám sát những vấn đề lớn được nêu trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Đó là các vấn đề về kinh tế - xã hội, văn hoá; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những nội dung này được phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau, từ chủ trương chính sách của Đảng đã được cụ thể hoá thành các chương trình hành động và có kết quả cụ thể như thế nào ở các cơ quan đơn vị, địa phương. Các phóng sự phải đa dạng các lĩnh vực, có tính vùng miền, vừa có câu chuyện cụ thể, vừa khái quát được những bài học, kinh nghiệm, các mô hình hay rút ra từ thực tiễn.
Cách tiếp cận từ thực tiễn cơ sở này của VTV là một cách làm sáng tạo trong phóng sự phản ánh được những câu chuyện sinh động, những ví dụ cụ thể, cho thấy những kết quả thực hiện nghị quyết Đảng như thế nào, có hạn chế, khó khăn không, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, tránh hình thức tuyên truyền chỉ dựa vào báo cáo và những con số thống kê,… Qua đó, tạo những câu chuyện, mảnh ghép, dấu ấn nhỏ để minh họa cho hiệu quả từ những chủ trương lớn của Đảng.
Khi khai thác các đề tài, phóng viên luôn cố gắng liên hệ, lồng ghép để làm sâu sắc hơn nội dung Nghị quyết với các nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong các cuốn sách như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”; “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Cách tiếp cận này giúp cho các phóng sự thể hiện rõ vai trò của lý luận mang tính định hướng và chỉ đạo, đồng thời thực tiễn cũng đã làm sáng tỏ hơn, hiệu quả hơn những vấn đề mà lý luận, nghị quyết đã đề ra.
Một số giải pháp tuyên truyền hướng tới Đại hội XIV của Đảng
Theo nhà báo Lê Quốc Trung, Cố vấn cao cấp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, đề tài về xây dựng Đảng nói chung và đề tài tuyên truyền về Đại hội Đảng XIV nói riêng là hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí. Đến thời điểm này, khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Trung ương đã thành lập 5 tiểu ban, gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Điều lệ Đảng; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Một số cơ quan báo chí đã bắt đầu thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng. Vấn đề đặt ra cho các nhà báo là làm sao tuyên truyền có tính sáng tạo, đổi mới để hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Chia sẻ với cách làm từ một trong các cơ quan báo chí đi đầu trong công tác tuyên truyền về Xây dựng Đảng, nhà báo Phan Phương Quyên, Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân chia sẻ, Đại hội Đảng lần XIV dự kiến tổ chức tháng 1/2026, chính vì vậy, năm 2024 là dư địa để bắt đầu công tác tuyên truyền. Không phải là khi Đại hội diễn ra mới tuyên truyền mà trước khi diễn ra Đại hội cũng là thời điểm rất quan trọng để tuyên truyền. Hoạt động tuyên truyền cần tiến hành từ trước, trong và sau Đại hội Đảng.
Theo Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, tuyên truyền về Đại hội Đảng cần đảm bảo "3 đúng": Đúng thời điểm; đúng nguyên tắc và đúng định hướng. Trong đó, các nhà báo cần chú ý bắt đầu tuyên truyền trước Đại hội từ nay, khi có Chỉ thị về Đại hội Đảng là cao điểm của hoạt động tuyên truyền.
Nội dung tuyên truyền hiệu quả, phải nắm vững được 5 phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua: chiến lược; tuyên truyền, vận động, thuyết phục; công tác tổ chức; kiểm tra, giám sát và việc nêu gương của đảng viên.
Ví dụ cụ thể tại một số địa phương, nhà báo Phan Phương Quyên cũng gợi mở các đề tài, nội dung tuyên truyền về Đại hội Đảng như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Bình Phước; sự quan tâm tới tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở tỉnh Tuyên Quang gắn đào tạo, bồi dưỡng với việc quy hoạch, bổ nhiệm hay mô hình đưa công an xã tại Hà Nam... Mô hình, cách làm ở các địa phương cần được các nhà báo phân tích, đánh giá mặt làm được, mặt chưa làm được đối với với Nghị quyết của tổ chức đảng.
"Công tác kiểm tra, giám sát phải đi trước một bước để phòng ngừa, chấn chỉnh ngay những vi phạm của tổ chức đảng ở cơ sở; hay tuyên truyền về tiến trình 40 năm nhìn lại công cuộc đổi mới của đất nước thông qua sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam là các nhóm nội dung rất đáng chú ý", Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân nhìn nhận./.