Kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

Truyền thông - Ngày đăng : 19:42, 22/04/2024

Các Đài phát thanh, truyền hình (PTTH), các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền được cảnh báo về kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.
Truyền thông

Kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Các Đài phát thanh, truyền hình (PTTH), các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền được cảnh báo về kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT hiện nay, các đơn vị, DN Việt Nam triển khai ngày càng nhiều hoạt động mua bản quyền chương trình thể thao nước ngoài, đặc biệt là các giải thể thao bóng đá quốc tế lớn để phát sóng trên các kênh truyền hình trả tiền, hệ thống dịch vụ PTTH trả tiền trên Internet nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của các khán giả yêu thích thể thao.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong tín hiệu phát sóng chương trình tường thuật trực tiếp có xuất hiện các hình ảnh quảng cáo về các trang thông tin điện tử (website) cung cấp dịch vụ cá cược, cá độ trực tuyến trong suốt trận đấu và tiếp cận trực tiếp đến khán giả Việt Nam. Các quảng cáo này xuất hiện trên các biển quảng cáo (màn hình LED điện tử) có ứng dụng công nghệ quảng cáo ảo (virtual advertising) được lắp đặt xung quanh sân thi đấu; trên biển quảng cáo cứng trên khán đài; trên áo thi đấu của cầu thủ, huấn luyện viên, cổ động viên.

Những dịch vụ, hoạt động cá độ, cá cược, cờ bạc trực tuyến có thể phù hợp với pháp luật của nước sở tại, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, đây là những dịch vụ, hoạt động bị cấm. Vì vậy, trong mọi trường hợp, việc quảng cáo, quảng bá cho những dịch vụ, hoạt động này trên các kênh truyền hình, dịch vụ truyền hình trả tiền là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam.

antdvn-quang-cao-co-bac-7824.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: anninhthudo.vn)

Để nội dung trên hệ thống PTTH cả nước được kiểm soát chặt chẽ, không để lọt và xuất hiện các thông tin, hình ảnh quảng cáo, quảng bá dịch vụ, hoạt động cá độ, cá cược, cờ bạc trực tuyến vi phạm pháp luật của Việt Nam như nêu trên, đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc”, ngày 19/4/2024, Cục PTTH&TTĐT đã có văn bản yêu cầu các Đài PTTH, các đơn vị hoạt động truyền hình, các DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thực hiện ngay một số biện pháp để quản lý tình huống này, cụ thể:

Rà soát lại các thỏa thuận bản quyền để kịp thời kiểm soát, xử lý, điều chỉnh, bổ sung các điều khoản bảo đảm ngăn chặn từ gốc những vi phạm.

Đồng thời, rà soát quy trình kiểm soát, xử lý tín hiệu truyền hình trực tiếp nhận từ nước ngoài, tăng cường giải pháp kỹ thuật với sự hỗ trợ của công nghệ để kiểm soát chặt chẽ nội dung nguồn tín hiệu, có giải pháp kịp thời ứng phó trong trường hợp phát sinh các vấn đề phải xử lý tại chỗ để ngăn chặn nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam; Bố trí nhân sự trực sóng đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ để bảo đảm giám sát chặt chẽ nội dung phát sóng theo quy định.

Rà soát toàn bộ các chương trình (bao gồm cả các đoạn nổi bật - highlight) để loại bỏ, không tổng hợp các thông tin thể thao liên quan đến trận đấu có nội dung, hình ảnh quảng cáo trái phép có liên quan đến dịch vụ, hoạt động cá độ, cờ bạc trực tuyến.

Vừa qua, có 2 đơn vị của Việt Nam là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Công ty CP viễn thông FPT (FPT Telecom) đã bị Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt vi phạm hành chính lần lượt 50 và 85 triệu đồng vì để xuất hiện các hình ảnh quảng cáo về các website cung cấp dịch vụ cá cược, cá độ trái phép tại Việt Nam như OKVIP, FUN88, BK8, JUN88…trong chương trình tường thuật trực tiếp trận đấu bóng đá giữa hai đội tuyển Indonesia với Việt Nam thuộc vòng loại thứ 2 khu vực châu Á giải FIFA World Cup 2026 (diễn ra tại sân vận động Gelora Bung Karno của Indonesia) lúc 20h30 ngày 21/3/2024.

Trước đó, thông tin về kết quả trong hơn một năm triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là bộ giải pháp "White List", nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo và "Black List", nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật yêu cầu không quảng cáo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT cho biết: Các DN quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Black List, chủ động xây dựng và Black List do Bộ TT&TT khuyến cáo.

Các DN, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng cũng đã đồng hành ủng hộ Bộ TT&TT trong việc không hợp tác quảng cáo với những KOL, người nổi tiếng có hành vi vi phạm; hợp tác với Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho thương hiệu, cho các nhà quảng cáo và phải tăng cường các bộ lọc, biện pháp kỹ thuật để DN yên tâm khi quảng cáo trên nền tảng. Nhờ vậy, trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022. Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt 10 DN và nhắc nhở 15 DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi sai phạm./.

Trường Thanh