Trách nhiệm tuân thủ Luật SHTT và tôn trọng sự sáng tạo của người khác
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:50, 24/04/2024
Trách nhiệm tuân thủ Luật SHTT và tôn trọng sự sáng tạo của người khác
Nền kinh tế số đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng sáng tạo nội dung và các sản phẩm độc đáo. Tuy nhiên, sự sáng tạo chỉ có thể bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng.
Tích cực ứng dụng công nghệ bảo vệ SHTT và bản quyền tác giả
Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã nhận định: "Kỷ nguyên số mang đến nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ quyền SHTT và quyền tác giả" tại hội thảo VMCC Marcom Talk #8 với chủ đề "Character Licensing & Character Marketing - Tăng cường kết nối, mở rộng doanh thu" do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN cùng Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và các tổ chức, DN liên quan đến lĩnh vực nội dung số, bản quyền số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, truyền thông và tiếp thị ngày 23/4.
Cũng theo ông Trần Xuân Bách, nền tảng Internet và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo điều kiện cho việc sao chép và phân phối trái phép các tác phẩm một cách dễ dàng, khiến cho việc thực thi các quy định bảo vệ SHTT trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Việc giám sát và xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường Internet thực sự là một bài toán nan giải. Hành vi sao chép, sử dụng trái phép các tác phẩm không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho các nhà sáng tạo, tác giả mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền văn hóa, KH&CN. Việc thiếu tôn trọng thành quả lao động trí tuệ sẽ kìm hãm sự sáng tạo, đổi mới, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia.
“Nền kinh tế số đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những ý tưởng sáng tạo nội dung và các sản phẩm độc đáo. Tuy nhiên, sự sáng tạo chỉ có thể bền vững khi quyền SHTT đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng. Đặc biệt, bản quyền và quyền tác giả đóng vai trò quan trọng khuyến khích sự sáng tạo. Quyền SHTT là công cụ để đảm bảo rằng người sáng tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ, hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng”, ông Trần Xuân Bách nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của SHTT và bản quyền tác giả trong môi trường số, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Số (DCC), khẳng định Trung tâm đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp công nghệ hiệu quả để bảo vệ các giá trị sáng tạo.
Theo ông Chung, do tính chất đa dạng của các loại hình nội dung và SHTT, việc áp dụng một giải pháp công nghệ chung cho tất cả các trường hợp là không khả thi. Thay vào đó, Trung tâm sẽ triển khai các giải pháp phù hợp cho từng loại hình cụ thể.
Ông Hoàng Đình Chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế bảo vệ chủ động trong môi trường số phi biên giới. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng các biện pháp bảo vệ hiện tại đôi khi chưa đạt hiệu quả, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giải pháp công nghệ, pháp lý và hỗ trợ từ các chuyên gia.
Cơ hội lớn cho các DN Việt Nam phát triển và kinh doanh các sản phẩm sáng tạo
Tại Hội thảo, bà Lại Thị Mai, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của WOA UNI - công ty thành viên chuyên về mảng cấp quyền thương mại nhân vật của Sconnect, đã trình bày về các khía cạnh tạo ra giá trị và phát triển của một nhân vật (Character - IP).
Bà cũng thảo luận về các tiêu chuẩn IP trong lĩnh vực cấp phép nhân vật trên toàn cầu và cách áp dụng các tiêu chuẩn này ở Việt Nam và đưa ra một cái nhìn tổng quan về ngành này cả ở tầm quốc tế, trong nước, cùng với những dự báo về xu hướng phát triển trong tương lai.
Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, CEO Sconnect, đã nhấn mạnh đến tiềm năng của lĩnh vực sáng tạo nội dung của Việt Nam với những cơ hội khẳng định vị thế quốc tế.
Theo ông Hoàng, sức sáng tạo của người Việt Nam rất dồi dào, hoàn toàn có thể tự sáng tạo các bộ nhân vật hoạt hình độc đáo và thương mại hóa chúng thành công thông qua nhiều hình thức như ứng dụng giáo dục, game, phim ảnh.
“Việt Nam có hơn 2.000 làng nghề, trong đó hơn 150 làng đã được UNESCO công nhận có giá trị nghệ thuật cao”, ông Hoàng nói. “Điều này thể hiện khả năng sáng tạo và kỹ năng thủ công tinh xảo của chúng ta, điều mà không phải quốc gia nào cũng sở hữu”.
Theo ông Hoàng, đây là một cơ hội lớn cho các DN Việt Nam để phát triển và kinh doanh các sản phẩm sáng tạo, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra toàn cầu, đặc biệt với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và các kênh phân phối nội dung online.
Với những lợi thế sẵn có cùng niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng đồng sáng tạo nội dung Việt Nam hoàn toàn có thể biến những tiềm năng thành hiện thực, đưa ngành sáng tạo nội dung Việt Nam vươn tầm quốc tế và góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
“Chúng ta có thể sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình, thương mại hóa theo con đường riêng, bằng các ứng dụng giáo dục, game, phim và hoàn toàn có thể thành công”, ông Tạ Mạnh Hoàng nói.
Đối với vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả, tài sản SHTT, Bí thư Trần Xuân Bách chia sẻ thêm đó không chỉ là trách nhiệm của các nhà lập pháp và Chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng. “Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định về Luật SHTT và tôn trọng sự sáng tạo của người khác”, ông Bách nói.