BFSI và xu hướng chuyển đổi sang nền tảng công nghệ Việt
Kinh tế số - Ngày đăng : 10:57, 25/04/2024
BFSI và xu hướng chuyển đổi sang nền tảng công nghệ Việt
Ngân hàng có lịch phát triển hàng trăm năm với dịch vụ số đầu tiên là dịch vụ sao kê tài khoản ở những năm thập niên 90, tuy nhiên, từ đó đến nay việc chuyển đổi số (CĐS) ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (BFSI) đã diễn ra nhanh chóng với giao dịch điện tử và hàng loạt ngân hàng số ra đời.
Bức tranh CĐS trong ngành BFSI Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về kết quả CĐS ngành ngân hàng, tháng 1/2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ 2023, một số nghiệp vụ cơ bản trong ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn 100%.
Với nhu cầu ngày càng phức tạp từ người dùng, “Việc CĐS và ứng dụng công nghệ tự động hóa sẽ giúp các ngân hàng tối ưu chi phí, hạn chế rủi ro, cải thiện trải nghiệm khách hàng và cuối cùng là xây dựng năng lực cạnh tranh về dài hạn", ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Khối công nghệ và CĐS, ngân hàng OCB chia sẻ tại sự kiện C-Talk do FPT akaBot tổ chức.
Tương tự, theo ông Trần Lê Quốc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công nghệ - Prudential Việt Nam, việc CĐS giúp DN chú trọng hơn đến yếu tố lấy khách hàng làm trung tâm (customer-centric), đáp ứng được sự xu hướng nhu cầu đặc biệt của khách hàng Việt Nam vào hai vấn đề cốt lõi trong bảo hiểm là tiết kiệm và bảo vệ.
Tuy nhiên, việc triển khai CĐS và tự động hóa ở các DN luôn gặp nhiều thách thức. Theo ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối ngân hàng số Sacombank, khó khăn lớn nhất nằm ở con người và tư duy làm việc số trong DN. Tự động hóa là một quá trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi các DN BFSI phải liên tục thay đổi, nâng cấp và phát triển ứng dụng để đáp ứng xu hướng mới, tạo sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu dịch vụ mới của khách hàng.
Việc thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao cũng như hạn chế về năng lực hỗ trợ của nhà cung cấp giải pháp nước ngoài khiến nhiều tổ chức tài chính lệ thuộc vào một nền tảng duy nhất, dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
Chi phí triển khai và duy trì tăng cũng là thách thức của các DN. Theo một báo cáo của BCG, 79% DN từng cần hỗ trợ từ nhà cung cấp giải pháp công nghệ về việc gia hạn chi trả chi phí giấy phép và vận hành khi chi phí của các hệ thống này tăng dần theo thời gian.
Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi nền tảng công nghệ cũng dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Trong nghiên cứu của Blueprint năm 2023, dựa trên 500 DN được khảo sát, 58% cho biết họ đang xem xét, đang trong quá trình hoặc đã chuyển các sản phẩm tự động hóa bằng robot ảo (RPA) của mình sang nền tảng RPA mới.
Nghiên cứu này cho thấy các DN ngày càng quan tâm trong việc tìm kiếm các nền tảng công nghệ thay thế tốt và hiệu quả hơn về mặt chi phí cho công nghệ truyền thống mà họ đã sử dụng từ đầu.
Làn sóng chuyển đổi sang nền tảng công nghệ Việt Nam
Bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng đi kèm thách thức và khó khăn, trong đó việc quản trị rủi ro về mặt gián đoạn vận hành và tính tuân thủ pháp lý là yếu tố được các diễn giả nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Thế Minh, Giám đốc Chất lượng, FPT Smart Cloud, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân yêu cầu các DN khi lưu trữ thông tin khách hàng trên nền tảng đám mây của các nhà cung cấp nước ngoài sẽ cần xin phép và cần được khách hàng đồng thuận. Do đó, việc cân nhắc các nền tảng công nghệ Việt Nam sẽ giúp DN Việt tối ưu và tiết kiệm thủ tục pháp lý liên quan.
Về tiêu chí lựa chọn đối tác công nghệ hỗ trợ chuyển đổi nền tảng, ông Trần Lê Quốc Sơn chia sẻ về bộ khung 3C mà Prudential đang sử dụng. “Bộ khung 3C bao gồm: Cost (chi phí), Collaboration (khả năng hợp tác, hỗ trợ của nhà cung cấp) và Compliance (đáp ứng được tính pháp lý và quy định).”
Theo đó, bà Chu Hồng Hạnh - Chuyên gia CĐS ngành tài chính ngân hàng và ông Trần Thái Bình đồng công nhận về các tiêu chí trên, đồng thời chia sẻ về hiệu quả chuyển đổi từ sử dụng nền tảng tự động hóa của một giải pháp nước ngoài sang giải pháp akaBot của Việt Nam.
Để hướng tới bài toán vận hành xuất sắc, với kinh nghiệm đã triển khai cho hơn 4.000 khách hàng tại 21 quốc gia, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á - FPT akaBot chia sẻ về khung chuyển đổi nền tảng tự động hóa (RPA Migration): “Điểm mạnh trong chiến lược RPA Migration của akaBot chính là khả năng tiết kiệm tới 50% chi phí giấy phép cho DN. Bên cạnh đó, phương pháp triển khai của chúng tôi hạn chế tối đa gây gián đoạn vận hành, không giới hạn quy trình tích hợp, phá bỏ rào cản kỹ thuật và tăng tốc độ triển khai nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ triển khai nội địa”
“Điều khiến chúng tôi đánh giá cao akaBot là độ linh hoạt và khả năng sẵn sàng điều chỉnh theo yêu cầu của khách hàng, nhất là với khối ngân hàng với nghiệp vụ phức tạp và đòi hỏi quy trình tự động hoá cao", ông Trần Thái Bình, giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng Sacombank trả lời.
C-Talk - Sự kiện cấp cao về chiến lược số giữa các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) do FPT akaBot tổ chức với sự góp mặt của các diễn giả và hơn 30 khách mời là các lãnh đạo, quản lý cấp cao thuộc các tổ chức tài chính, ngân hàng, và bảo hiểm (BFSI).
Với chủ đề “Linh hoạt trong ứng dụng công nghệ - Dẫn lối vận hành xuất sắc”, sự kiện C-Talk BFSI Việt Nam đã tập trung khai thác cơ hội và thách thức của DN khi tiến hành chuyển đổi nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng đám mây (cloud) và tự động hóa bằng robot (RPA) thông qua phiên thảo luận từ lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng, tập đoàn tài chính từ OCB, Sacombank, Prudential và FPT Information System, FPT Smart Cloud. Sự kiện được chủ trì bởi giải pháp tự động hóa akaBot, phối hợp cùng Khối Tài chính - Ngân hàng công ty FPT IS và công ty FPT Smart Cloud.
Được tổ chức lần đầu vào 2023 ở cả Việt Nam và Malaysia, chuỗi sự kiện C-Talk là nơi quy tụ các lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, ngân hàng và CĐS, cùng nhau thảo luận chuyên sâu về câu chuyện số hóa thành công, cũng như phương thức ứng dụng các giải pháp công nghệ và xu hướng CĐS mới nhất. 100% người tham dự sự kiện đều thuộc cấp quản lý, trưởng phòng hoặc giám đốc khối, lãnh đạo cấp cao của DN - những cá nhân có cái nhìn chuyên sâu và bao quát nhất trong việc tối ưu quy trình CĐS, tự động hóa trong DN./.