Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:10, 26/04/2024
Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
TMĐT tiếp tục tăng trưởng nhanh
Năm 2023 nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tống thế của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%.
Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Như vậy, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.
Theo Nielsen IQ, những yếu tố thúc đẩy chính của mua sắm trực tuyến đối với người dùng là khả năng mua sắm tiện lợi của các sàn TMĐT (hàng hóa nhiều mẫu mã đa dạng, nắm bắt được số lượng hàng hóa có sẵn, phương thức thanh toán thuận tiện,…). Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm các khuyến mãi, ưu đãi của nhãn hàng và trải nghiệm mua sắm trọn vẹn cũng thúc đẩy hành vi mua sắm trên các sàn TMĐT.
Mua hàng qua các phiên livestream trên các sàn TMĐT là xu hướng mới
Theo bà Lê Minh Trang - quản lý cấp cao Bộ phận nghiên cứu Bán lẻ NIQ, các sàn TMĐT nên tận dụng các “điểm chạm” mới để nâng cao và cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Theo báo cáo của NIQ, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024 và 13 giờ/tuần là khoảng thời gian trung bình một người dành ra để xem các buổi livestream bán hàng. Đây là những con số rất ấn tượng về điểm chạm mới của các thương hiệu đến với khách hàng tiềm năng.
Lý giải về xu hướng đang tăng trưởng mạnh mẽ này, bà Lê Minh Trang chỉ ra những thế mạnh của phương thức livestream bán hàng. Đầu tiên phải kể đến thế mạnh lớn nhất của livestream, đó là người mua hàng có thể dễ dàng tương tác với người bán để biết thêm thông tin (chất liệu, tính năng...). Cũng trong các buổi livestream, người mua hàng sẽ có thể quan sát chi tiết và kỹ càng hơn về các sản phẩm mình đang quan tâm.
Ngoài ra, một yếu tố khá phổ biến của các buổi livestream hiện nay chính là yếu tố giải trí, 78% khách hàng cho biết họ thấy vui và thư giãn khi xem các buổi livestream bán hàng trên nền tảng như TikTok Shop, Shopee,...
Vậy, doanh nghiệp nên lưu ý điều gì trước khi triển khai hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng TMĐT?
Theo NIQ, một trong những yếu tố giúp việc livestream bán hàng diễn ra hiệu quả, đó là việc xây dựng kết nối chân thực với người mua hàng bằng cách tận dụng sức mạnh của những người có ảnh hưởng (Influencer, KOL/KOC,...). Khoảng 50% số người được hỏi cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi những KOL/KOC.
Những người có tầm ảnh hưởng này cần có những đặc điểm như: Có kiến thức về các ngành hàng, sản phẩm; thể hiện được giá trị cốt lõi mang đến cho người tiêu dùng (độ tin cậy, uy tín của KOL/KOC); nội dung truyền tải thông điệp phù hợp và sáng tạo; cách thức giao tiếp và thể hiện cá tính riêng phải thân thiện với người tiêu dùng./.