Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:31, 26/04/2024

Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
Chuyển đổi số

Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.

Những “điểm nghẽn” của ngành nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành có tác động kinh tế xã hội lớn. Đây là ngành chiếm hơn 27% lực lượng lao động cả nước và đóng góp 12% vào GDP, hơn nữa là đảm bảo sinh kế cho trên 60% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Thế nhưng, có thể nói rằng những nhận định về hạn chế, thách thức trong sản xuất kinh doanh và quản lý ngành nông nghiệp hiện nay của nước ta vẫn còn đó và chưa được giải quyết triệt để.

Nhận định về những hạn chế, thách thức trong quản lý nông nghiệp hiện nay ở nước ta, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng còn có nhiều điểm nghẽn.

ong-huynh-quang-liem.png
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT: CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.

Cụ thể, tại Việt Nam, hầu hết các hộ sản xuất nông nghiệp có mô hình sản xuất nhỏ lẻ, đầu vào thì giá chưa tối ưu, đầu ra thì sản lượng nhỏ nên dễ bị ép giá. Đa số hợp tác xã (HTX) chưa có khả năng điều hành, hướng dẫn canh tác dẫn đến chất lượng nông sản chưa đồng đều, chưa đạt yêu cầu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thì gặp phải vấn đề về chất lượng nông sản từ các nông hộ, HTX liên kết không đảm bảo, hầu hết phát triển chuỗi cung ứng theo đường tiểu ngạch và không cam kết bao tiêu cho các nông hộ.

Mối quan hệ này là nguyên nhân chính dẫn đến được mùa mất giá và phát triển nông nghiệp không bền vững.

Mặt khác, cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ cho ngành nông nghiệp hiện còn phân tán, không có khả năng liên thông và hệ thống quản lý được xây dựng trên nhiều nền tảng khác nhau, thời gian khác nhau; thiếu dữ liệu thực từ cơ sở, sai số và độ trễ thu thập dữ liệu rất lớn gây khó khăn trong việc thống kê, dự báo, điều phối; thiếu cả công cụ để quản lý chuyên môn theo ngành hẹp của lĩnh vực.

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có định hướng và chỉ đạo hành động cụ thể theo kế hoạch CĐS ngành NN&PTNT giai đoạn 2022 - 2025 (Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022), bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng như hoàn thành cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử, kiến trúc dữ liệu; triển khai CSDL ngành chăn nuôi, khai trương hệ thống cấp mã số vùng trồng (hiện đã cấp 2932 mã số vùng trồng…).

Nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành và thực hiện Đề án CĐS nông nghiệp tại địa phương, đã có 30 tỉnh đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành nông nghiệp, nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng đã mời các DN đại diện các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội trực tiếp đến để hướng dẫn, chia sẻ, kết nối các tiện ích giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và đồng hành cùng bà con nông dân, đưa thị trường về đến tận vườn cây, thửa ruộng của bà con.

Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện giải quyết các vấn đề khó của nông nghiệp Việt Nam

Nhận thức được những cơ hội, thách thức của ngành nông nghiệp trong CĐS, VNPT đang đặt nông nghiệp là một lĩnh vực ưu tiên để đầu tư, nghiên cứu phát triển.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, thông qua làm việc với Bộ NN&PTNT, Hội nông dân, các Sở NN&PTNT, HTX, VNPT nhận thấy quan điểm cần phải tiếp cận giải quyết một cách toàn diện những vấn đề của mỗi bên tham gia trong lĩnh vực này, cụ thể là tập trung vào 4/6 nhóm liên quan chính: nhóm sản xuất (nông dân, nông hộ, HTX…), nhóm kinh doanh (doanh nghiệp, ngân hàng, chợ thương mại điện tử…), nhóm nghiên cứu (nhà khoa học, viện/trường…) và nhóm cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, cơ quan, địa phương, liên minh HTX…).

Hiện tại, VNPT đang dần hoàn thiện hệ sinh thái, số hoá đầy đủ toàn trình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, từ quản lý đầu vào, quản lý vùng sản xuất, chương trình liên kết nông dân, nông dân số, HTX số, hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống sản xuất minh bạch, đảm bảo chất lượng, thương mại điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối cung - cầu nông sản.

word_image_1639958800709_20211221112939.png

Trong hệ sinh thái nông nghiệp số do VNPT thiết kế, người nông dân, hộ sản xuất khi tham gia vào sẽ được cung cấp thông tin phục vụ sản xuất (thời tiết, khí hậu, tư vấn kỹ thuật canh tác, xử lý, kiểm soát dịch bệnh, cập nhật công nghệ…); kết nối sản lượng, mua sắm nguyên liệu, công cụ, cùng đàm phán; liên kết đa dạng hóa sản phẩm; tận dụng kênh phân phối. Đối với HTX, tạo điều kiện liên kết nông dân với nông dân, HTX với HTX; đảm bảo cam kết quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng; có sẵn nền tảng để mở rộng mô hình kinh doanh.

Đối với DN, nền tảng của VNPT kết nối cung cầu giữa các bên trên môi trường số: kết nối với nông hộ thông qua hệ thống thông tin và hỗ trợ trên hệ sinh thái. DN thương lái dễ dàng ký hợp đồng điện tử với nông hộ số đã được xác thực và sản xuất theo tiêu chuẩn để bán sản phẩm cho họ. Nhà xuất khẩu hoặc nhà chế biến ký hợp đồng điện tử với HTX hoặc với DN thương lái. DN sử dụng nền tảng VNPT để điều hành sản xuất, tổ chức mua và bán lại cho các nhà xuất khẩu hoặc nhà chế biến một cách minh bạch.

Còn đối với nhà khoa học, chuyên gia, có thể tổ chức hợp tác tư vấn quy trình sản xuất, phòng và xử lý sâu bênh, dịch hại; tham gia vào ban kiểm sát nội bộ của tổ chức quản lý vùng trồng; nhận đặt hàng nghiên cứu của DN và đăng tải giải pháp, chuyển giao công nghệ.

Đối với công tác quản lý nhà nước, hệ sinh thái nông nghiệp số của VNPT cho phép theo dõi, thống kê tình hình diễn biến đất và mặt nước nuôi trồng, tiến độ sản xuất, quản lý các hoạt động về vật tư nông nghiệp; quản lý mã số vùng nuôi, vùng trồng, quản lý dịch bệnh; có dữ liệu và công cụ để dự báo, quy hoạch, xây dựng chính sách, tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất hiệu quả.

Có thể nói CĐS nông nghiệp là một bài toán khó. VNPT cũng như các bộ, các cơ quan và rất nhiều DN vẫn đang hoài bão và quyết tâm về CĐS của ngành nông nghiệp nước nhà. Bằng việc đầu tư phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số, VNPT kỳ vọng có thể xây dựng nên nền tảng nông nghiệp số quốc gia, giải quyết các vấn đề khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam. Đó sẽ là nền tảng liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững, giải được những khó khăn mang tính chất hệ thống và kết nối, nông sản đáp ứng được đa dạng thị trường quốc tế, mang khoa học vào nông nghiệp làm gia tăng giá trị nông sản, từ đó các DN dễ dàng hội nhập quốc tế, giảm thiểu rủi ro, người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, để có thể triển khai, tiếp tục phát triển hạ tầng, ứng dụng cho nông nghiệp số, VNPT rất mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo, dẫn dắt, định hướng, tạo hành lang pháp lý để triển khai của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, sự hưởng ứng các địa phương trên cả nước, từ đó tạo ra bước nhảy về CĐS nông nghiệp nước nhà.

Hệ sinh thái số nông nghiệp là một mảng CĐS quan trọng mà tập đoàn VNPT đã theo đuổi trong nhiều năm qua, với mong muốn là mang đến một hạ tầng, một hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, người nông dân, HTX và DN”, Tổng Giám đốc VNPT khẳng định./.

Ngọc Diệp