Nhà báo phát thanh trước yêu cầu chuyển đổi số
Truyền thông - Ngày đăng : 13:47, 30/04/2024
Nhà báo phát thanh trước yêu cầu chuyển đổi số
Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số cần hội đủ những kỹ năng cơ bản.
Phát thanh trong kỷ nguyên số phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất
Kỷ nguyên số mở ra những cơ hội lớn cho báo chí truyền thông nói chung và phát thanh nói riêng. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng là cơ hội rất lớn. Cùng với việc xuất hiện trên nền tảng số, với ưu thế về dữ liệu, về kinh nghiệm, về nội dung thì các Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) dễ dàng và nhanh chóng thu hút được một lượng công chúng mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng công chúng, đòi hỏi phát thanh trong kỷ nguyên số phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất để phục vụ công chúng một cách tốt nhất.
Theo ThS. Phan Văn Tú, Chủ nhiệm bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng phát sóng mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi tư duy làm nghề. Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số, vì thế, cần chú trọng hơn đến các kỹ năng nghiệp vụ đặc thù trước yêu cầu mới.
“Những người làm phát thanh truyền thống thường tập trung vào kỹ năng diễn đạt, kỹ năng kể chuyện bằng âm thanh, ít tư duy hình ảnh. Khi tác phẩm phát thanh được phát hành trên các nền tảng số, những yếu tố đa phương tiện như ảnh tĩnh, đồ họa, tiêu đề (title), lời dẫn (lead), video… hoặc các thủ thuật lan tỏa thông tin trên mạng có vai trò rất quan trọng giúp tác phẩm được mở rộng phạm vi tiếp cận đến công chúng và tăng cường tương tác với người nghe. Nhà báo phát thanh giờ đây không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện”.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, hiện nay hầu hết nội dung của các cơ quan báo chí truyền thông đã được đưa lên môi trường số. Báo in truyền thống cũng “di chuyển” sang phiên bản điện tử, nhằm tiếp cận đa dạng bạn đọc hơn. Công chúng có thể đọc báo qua điện thoại thông minh rất nhanh chóng, thuận tiện.
Sự thay đổi đó, đòi hỏi các Đài PTTH Việt Nam cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển, chấp nhận dấn thân vào những đổi thay to lớn đang diễn ra hằng ngày, hàng giờ trong kỷ nguyên số, để có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp. Đặc biệt, việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ, có kỹ năng sản xuất nội dung để phân phối trên môi trường số rất quan trọng.
“Nếu như trước đây, với một vấn đề, phóng viên chỉ xử lý cho phát thanh, thì bây giờ, nội dung đó cần được xử lý để đăng tải trên các nền tảng khác, như báo điện tử, truyền hình, thậm chí báo in hay để tương tác ở MXH. Điều này đòi hỏi người làm báo phải “nghĩ khác, làm khác”, sáng tạo hơn so với cách làm truyền thống”.
Trong khi đó, TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập VOV chỉ rõ: Để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong kỷ nguyên số và thực hiện thành công chuyển đổi số, cần đề ra chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột chính là: Nội dung số, truyền tải số và tương tác số.
“Việc kỷ nguyên số ra đời cũng chứng kiến sự xuất hiện của thính giả số. Thính giả số không còn thụ động chờ thông tin, họ chủ động tìm kiếm, sàng lọc và thụ hưởng những thông tin từ các phương tiện truyền thông phù hợp. Hướng đối tượng là yêu cầu tất yếu đối với các Đài PTTH trong kỷ nguyên số. Các Đài PTTH cần đặt mình vào vị trí của thính giả và gặp họ trong không gian của họ, tức là trong các chương trình mà khán, thính giả cảm thấy phù hợp và yêu thích. Hiểu rõ thính giả của mình và phục vụ họ, chứ không cố gắng thu hút tất cả mọi người mới là hướng đi đúng đắn cho các Đài PTTH trong kỷ nguyên số”.
Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số cần hội đủ những kỹ năng cơ bản
Theo ThS. Phan Văn Tú, nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số cần có các nhóm kỹ năng cơ bản như: Tư duy đa phương tiện; Kỹ năng cá nhân hóa nội dung thông tin; Phân tích dữ liệu thính giả...
Trong đó, tư duy đa phương tiện hay năng lực đa phương tiện bao gồm khả năng tạo ra, biên tập, và phát hành nội dung qua nhiều hình thức và kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác.
Kỹ năng cá nhân hóa nội dung thông tin trong báo chí phát thanh được thể hiện ở việc khai thác đặc trưng thân mật, riêng tư, tạo ra một mối liên kết cá nhân và sâu sắc với người nghe.
Để khai thác hiệu quả đặc trưng thân mật, riêng tư trong phát thanh, nhà báo cần có năng lực cá nhân hóa nội dung. Cá nhân hóa nội dung phát thanh là quá trình chuyển đổi những nội dung khô khan, khó hiểu thành các câu chuyện độc đáo và gần gũi hơn, phản ánh sự riêng tư và cảm xúc của từng người nghe. Thay vì chỉ cung cấp thông tin một cách trừu tượng, cá nhân hóa này tạo ra một kết nối tinh thần giữa người phát thanh và người nghe thông qua việc chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm và cảm xúc cá nhân của nhà báo, từ nhà báo.
Phân tích dữ liệu thính giả được thể hiện ở việc, nhà báo phát thanh sử dụng dữ liệu và phân tích để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của người nghe, từ đó định hình nội dung cho phù hợp và tăng tính hấp dẫn. Điều này bao gồm việc thu thập, xử lý và phân tích các dữ liệu liên quan đến lịch sử lắng nghe, sở thích, hành vi truy cập và phản hồi từ phía người nghe.
Bằng cách phân tích dữ liệu người nghe, nhà báo phát thanh có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và mong muốn của thính giả, từ đó tối ưu hóa nội dung và chiến lược phát sóng.
Nhà báo phát thanh hiện đại cần có hiểu biết vững chắc về công nghệ số
ThS. Phan Văn Tú cho rằng, nhà báo phát thanh hiện đại cần có hiểu biết vững chắc về công nghệ số, bao gồm cách sử dụng phần mềm biên tập âm thanh, quản lý nội dung số, tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng trực tuyến và MXH; có năng lực tác nghiệp được ở nhiều mô hình studio khác nhau trong nhiều điều kiện trang bị khác nhau: Phòng thu truyền thống (classic studio), phòng thu đa năng (smart studio), phòng thu một người (oneman studio), phòng thu dã chiến (temporary studio)…
Nhà báo phát thanh luôn phải biết cập nhật, nâng cao khả năng khai thác sử dụng thiết bị công nghệ: sử dụng các công cụ sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện; chủ động và tối ưu hóa quá trình sản xuất...
Đặc biệt, người làm báo phát thanh phải tự rèn luyện tăng cường kỹ năng giao tiếp, tương tác, đọc/nói, dẫn, biên tập, dàn dựng sản phẩm. Nâng cao năng lực, bản lĩnh trình bày, tương tác trên sóng trực tiếp hay livestream trên các nền tảng...; thích ứng với các phong cách kể chuyện mới và sáng tạo, sử dụng kỹ thuật âm thanh, nhạc nền, và các yếu tố khác để tạo ra những trải nghiệm nghe phong phú, cuốn hút.
Một kỹ năng nữa của nhà báo phát thanh phải kể đến hiện nay là việc sản xuất vodcast (video podcast). Hiện nay, nhà báo phát thanh có nhiều lợi thế để sản xuất vodcast nhờ các nền tảng miễn phí xuyên biên giới cho phép sản xuất hình ảnh, âm thanh chất lượng cao, sản xuất trực tiếp/trực tuyến và tương tác với khán thính giả.
Và để làm tốt hình thức này, nhà báo phát thanh truyền thống cũng cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng truyền hình trong sản xuất cũng như kỹ năng quảng bá sản phẩm trên MXH.
Tài liệu tham khảo: Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024./.