"Tôi dịch cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả trái tim mình"

Truyền thông - Ngày đăng : 16:20, 06/05/2024

Anh Saleem Hammad - người dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập cho biết: “Xuất phát từ tình cảm sâu sắc, sự kính trọng cũng như lòng biết ơn, sau 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam thân thương, tôi đã thực hiện thành công việc dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập bằng cả trái tim mình.”
Truyền thông

"Tôi dịch cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả trái tim mình"

Hoàng Lan {Ngày xuất bản}

Anh Saleem Hammad - người dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập cho biết: “Xuất phát từ tình cảm sâu sắc, sự kính trọng cũng như lòng biết ơn, sau 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam thân thương, tôi đã thực hiện thành công việc dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập bằng cả trái tim mình.”

1.jpg
Dịch giả cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân" phiên bản song ngữ Việt - Ảrập Saleem Hammad. (Ảnh: Hoàng Lan)

Nhân dịp Nhà xuất bản Quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt Bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” với 5 phiên bản song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ảrập, Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với anh Saleem Hammad - dịch giả cuốn sách phiên bản tiếng Ả-rập.

Phóng viên: Xin anh cho biết, anh nhận dịch cuốn sách này theo lời mời của ai? Lý do gì khiến anh đồng ý nhận lời dịch cuốn sách?

Saleem Hammad: Tôi nhận dịch cuốn sách theo lời mời của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. Ngay khi nghe tên cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tôi đã nhận lời ngay mà không cần suy nghĩ và cũng không cần hỏi đến thù lao. Bởi vì, tình cảm và sự trân trọng, kính mến của tôi dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng sâu sắc cho nên được dịch sách về Đại tướng là niềm vinh dự lớn lao đối với tôi. Tôi không coi đó là một công việc mà coi đó là niềm tự hào. Theo tôi được biết thì trước tôi mới chỉ có ngài Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam đã dịch một cuốn sách mang tên “Điện Biên Phủ - 5 điều kỳ diệu chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh” sang tiếng Ả-rập. Vì thế, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi trở thành người thứ hai được dịch một cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Ả-rập. Được dịch, được viết về những danh nhân đã đi vào huyền thoại lịch sử của nhân loại như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vinh dự lớn mà không phải ai cũng có được nên tôi không có lý do gì để từ chối niềm vinh dự này.

Phóng viên: Anh hoàn thành bản dịch này trong bao lâu? Đây là một cuốn sách mang tính lịch sử, vậy trong quá trình dịch cuốn sách, anh có gặp trở ngại gì về ngôn ngữ không?

Saleem Hammad: Là một người sống ở Việt Nam hơn chục năm và có vốn tiếng Việt khá “siêu” như tôi thì việc chuyển ngữ cuốn sách này sang tiếng Ả-rập thực sự không hề khó. Nhưng điều áp lực đối với tôi là thời gian quá gấp gáp, tôi chỉ có vỏn vẹn 15 ngày để hoàn thành việc dịch cuốn sách và khoảng thời gian đó lại rơi vào tháng Ramadan - tháng nhịn ăn của những người theo đạo Hồi. Thế nên tôi đã dịch cuốn sách trong điều kiện vừa đói vừa áp lực về thời gian. Tôi phải làm việc hết công suất từ sáng đến đêm, có những ngày tôi phải dịch thông đêm đến 4-5 giờ sáng. Sau khi dịch xong thì cả tôi và vợ cùng hiệu đính lại bản dịch. Đến khâu chuyển bản dịch sang phiên bản điện tử, do bộ phận kỹ thuật bên Nhà xuất bản không biết tiếng Ả-rập nên tôi cũng phải trực tiếp đến đó hỗ trợ họ bốn ngày liên tục đến 3-4 giờ sáng mới được về. Nói khó thì không phải khó nhưng công sức mà tôi bỏ ra trong một thời gian ngắn như vậy là rất lớn.

Một trở ngại nho nhỏ nữa đối với tôi đó là trong sách có một số từ Hán - Việt tôi không biết nên tôi phải đi tìm hiểu xem ý nghĩa của từ đó như thế nào rồi mới có thể chuyển ngữ được sang tiếng Ả-rập. Ngoài ra, tôi cũng phải đọc thêm nhiều tài liệu để tìm hiểu rõ ràng, chi tiết những sự kiện lịch sử được tóm tắt trong sách về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ đó mới có thể tìm được những từ ngữ phù hợp để dịch sang tiếng Ả-rập. Điều may mắn cho tôi là vợ tôi luôn bên cạnh động viên, ủng hộ và hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tôi hoàn thành việc dịch cuốn sách.

2.jpg
Dịch giả Saleem Hammad (bên phải) trao tặng cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” phiên bản tiếng Ả - rập cho Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phóng viên: Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim nhân dân và bạn bè quốc tế. Vậy, trong quá trình dịch, phần nào của cuốn sách gây ấn tượng sâu sắc nhất với anh? Vì sao?

Saleem Hammad: Mỗi một phần trong cuốn sách đều để lại cho tôi những ấn tượng và cảm nhận khác nhau. Ví dụ như ở phần 1, tôi đã rất bất ngờ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một thầy giáo lịch sử mới hơn 30 tuổi để thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ông được lên thẳng Đại tướng và không cần kinh qua các cấp bậc trong Quân đội. Điều này khiến tôi cảm thấy tò mò vì không hiểu tại sao Bác Hồ lại làm như vậy. Nhưng khi dịch đến phần thứ 2 của cuốn sách có đề cập đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam thì tôi mới hiểu vì sao trong hàng trăm người tài, Bác Hồ đã lựa chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã rất xúc động khi vừa xem ảnh, vừa dịch và vừa tưởng tượng về tinh thần nỗ lực chiến đấu phi thường của Quân đội Việt Nam trong điều kiện vô cùng gian khổ khi sức người có hạn, cơ sở vật chất cực kỳ nghèo nàn. Vậy mà các chiến sĩ của Quân đội Việt Nam vẫn dũng cảm kiên cường chiến đấu và giành được chiến thắng hiển hách. Điều này đã chứng minh cho nhưng chiến lược tài giỏi và vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng chính vì thế mà khi dịch đến phần thứ 3, tôi đã không ngạc nhiên khi bạn bè quốc tế thể hiện sự ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều đến như vậy. Thậm chí tôi thấy những gì họ viết còn chưa đủ. Với vai trò là người dịch sách nên tôi chỉ có thể dịch đúng những nội dung trong sách. Còn nếu được tự viết ra những lời của chính mình, tôi sẽ dùng tiếng Ả-rập để mô tả, chia sẻ, ca ngợi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp gấp 10 lần so với những gì mà các bạn quốc tế đã từng nói.

Phóng viên: Xin anh cho biết cảm nhận của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi dịch xong cuốn sách.

Saleem Hammad: Trong quá trình dịch cuốn sách sang tiếng Ả-rập, tôi đã khóc ba lần vì những cảm xúc xúc động, thương cảm và vui mừng cứ lần lượt kéo đến và hoà trộn vào nhau. Tôi vẫn nhớ như in năm 2013 khi tôi được dự quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nước mắt tôi cũng tuôn rơi cùng với nước mắt của hàng triệu triệu người Việt Nam vì tiếc thương cho sự ra đi của Đại tướng. Khi đó tôi chưa hiểu nhiều về những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi chỉ được biết một chút ít qua những tài liệu sách báo tôi được đọc khi học tiếng Việt. Nhưng đến ngày hôm nay, khi tôi ngồi đây và được tự mình nghiền ngẫm tìm hiểu từng mốc lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, được xem từng bức ảnh và tưởng tượng lại từng khung cảnh lịch sử khi đó thì tôi thêm khâm phục, ngưỡng mộ và trân trọng Đại tướng hơn gấp nhiều lần. Tôi khâm phục sự mưu trí, sự thông minh và những quyết sách sáng suốt của Đại tướng đã đưa Quân đội nhân dân Việt Nam giành được chiến thắng lẫy lừng. Lần này tôi đã khóc nhưng không phải vì khóc thương Đại tướng mà tôi khóc vì nghĩ đến cảnh đất nước tôi còn đang trong giai đoạn chiến tranh, xót thương những người dân quê tôi cũng đang gồng mình lên chiến đấu và mong đợi một ngày đất nước giành được hoà bình, dân tộc Palestine được độc lập, người dân không còn phải sống trong cảnh tăm tối lầm than. Tôi cũng khóc vì mừng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi nhắm mắt xuôi tay đã được chứng kiến một đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình và phát triển, để thấy những nỗ lực, cống hiến và hy sinh của mình là xứng đáng.

3.jpg
Dịch giả Saleem Hammad chia sẻ về nội dung cuốn sách cùng phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Lan)

Phóng viên: Như anh chia sẻ, người dân Palestine luôn mang trong mình lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tinh thần chiến đấu quật cường của người dân Việt Nam. Sự ngưỡng mộ ấy được thể hiện như thế nào, thưa anh?

Saleem Hammad: Người Palestine chúng tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ bây giờ mà từ rất lâu đời, thậm chí đã có một người Palestine đặt tên con của mình là Giáp. Dân tộc Palestine luôn coi đại tướng Võ Nguyên Giáp là người “Anh” và sự chiến thắng của Đại tướng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ” và những chiến dịch khác không chỉ là nguồn cảm hứng cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh mà còn mang lại niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn. Palestine luôn nhìn vào Việt Nam là một nguồn cảm hứng, động lực để tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine giành độc lập, tự do.

Trong các bản tin thời sự của Palestine, cái tên Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn 10 lần mỗi ngày. Chúng tôi ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam và coi chiến thắng của Việt Nam là hình mẫu lý tưởng để học tập và noi theo. Nếu như các bạn trẻ Việt Nam ngày nay luôn “sính ngoại” thì người dân Palestine chúng tôi lại luôn “sính Việt”. Vì chúng tôi cho rằng, việc Việt Nam chiến thắng được các cường quốc lớn như Mỹ, Pháp trong các cuộc chiến tranh đã chứng minh sức mạnh của Việt Nam vượt xa các nước đó. Thế nên chúng tôi thực sự rất yêu quý và khâm phục đất nước Việt Nam.

Phóng viên: Là một người sinh sống nhiều năm ở Việt Nam và tương đối am hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, anh đánh giá thế nào về chiến thắng Điện Biên Phủ?

Saleem Hammad: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng dũng cảm và sự hy sinh không tiếc thân mình của những người lính trong quân đội Việt Nam. Tôi vô cùng ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh quật cường của người dân Việt Nam. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình vì đất nước, sẵn sàng hy sinh để giành được độc lập, tự do. Chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là chiếc chìa khoá mở ra lối đi cho những đất nước đang bị áp bức, chèn ép, mang lại cho họ niềm tin, niềm hy vọng lớn lao về việc có thể chiến thắng những đối thủ mạnh hơn mình, gieo vào lòng họ ước mơ về một tương lai hoà bình không xa. Vì thế, bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ Việt Nam và đặc biệt đánh giá cao những gì mà Việt Nam đã làm được, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chiến công của Việt Nam.

Tôi cho rằng, bất kỳ một người nước ngoài nào khi đọc cuốn sách này cũng sẽ có những cảm nhận khác với tôi. Bởi vì, tôi là người vẫn đang sống trong giai đoạn đất nước chưa được độc lập, đang phải trải qua chiến tranh đạn lạc nên tôi hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hoà bình. Cá nhân tôi và người dân Palestine đánh giá rất cao chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ và coi đây là một mô hình mẫu để học tập, áp dụng trong cuộc chiến đấu của đất nước chúng tôi.

Phóng viên: Theo anh, cuốn sách này khi được phát hành sang tiếng Ả-rập sẽ được bạn đọc các nước nói tiếng Ả-rập đón nhận như thế nào?

Saleem Hammad: Tôi đã tặng những cuốn sách này cho Đại sứ các nước Ả-rập tại Việt Nam. Họ đánh giá rất cao nội dung cuốn sách và nói sẽ gửi về Thư viện quốc gia để làm nguồn tài liệu quý giá, giúp cộng đồng người Ả-rập hiểu hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một vị tướng huyền thoại của Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tôi tin rằng, rất nhiều người dân Palestine nói chung và người dân Ả rập nói riêng sẽ đón nhận cuốn sách như một món quà đặc biệt và một nguồn tư liệu quý báu.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn anh!

Dịch giả Saleem Hammad (sinh năm 1993) là người Palestine, đã có hơn 12 năm học tập, làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Với khả năng sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, anh hiện đang là cán bộ Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam. Anh từng được trang Arabianbusiness.com bình chọn là một trong 100 người Ả rập có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017. Anh cũng giành chiến thắng trước hơn 1.000 thí sinh để trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của Hà Nội năm 2019 và giành giải nhất cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội tổ chức năm 2020. Anh từng chia sẻ: “Tiếng Việt đã thay đổi cuộc sống của tôi một cách kỳ diệu”.

Hoàng Lan