Công nghệ số giúp ngân hàng tiến xa
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:25, 09/05/2024
Công nghệ số giúp ngân hàng tiến xa
Trong Sự kiện “Chuyển đổi số (CĐS) ngành Ngân hàng 2024” với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, các công nghệ, ứng dụng số mới, hiện đại đã được các NH giới thiệu.
Điểm chung và ưu điểm dễ nhận thấy của các sản phẩm số mang đến cho người dùng, khách hàng, chính là những giá trị về sự trải nghiệm số chất lượng, tiện lợi, tốc độ, không điểm trễ.
Công nghệ số giúp ngân hàng tiến xa
Và đó cũng chính là những giá trị lợi ích số được tạo ra trong quá trình CĐS ngành Ngân hàng, và điều này là thế mạnh phát triển, tiến xa của các ngân hàng hiện đại, một giá trị mà ngân hàng truyền thống không có và khó tạo dựng.
Và khi nói về công nghệ hiện nay đang được một số ngân hàng áp dụng, điển hình phải kể đến các công nghệ số nổi bật được sử dụng hiệu quả như: trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hoá trải nghiệm người dùng; ứng dụng chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng; sử dụng hình ảnh sinh trắc học để xác định chủ tài khoản an toàn; dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng; dịch vụ cho vay tín chấp trên nền tảng số thông qua điểm tín dụng; trợ lý ảo và chatbot…
Với những điều nêu trên, thực sự đây là những tín hiệu đáng mừng, đồng thời, là căn cứ, cơ sở, tạo sự tin tưởng để thực hiện, phát triển các NH số trong tương lai, phù hợp với xu thế ngân hàng số của thế giới.
Cần triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Như thêm một góc nhìn khác khi nói về những kết quả đạt được, cũng như nêu ra quan điểm, góc nhìn quản lý, cũng tại sự kiện này, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, đến nay ngành Ngân hàng đã có những bước tiến số mạnh mẽ.
Ngành đã chuẩn hoá các quy trình quản lý, điều hành dựa trên các phần mềm, nền tảng số, đặc biệt, Ngành đã cung cấp các dịch vụ, thủ tục hành chính đủ yêu cầu được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công (DVC) toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia (100%); hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (đạt trên 90% - trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…
Hơn nữa, để thúc đẩy thói quen, Ngành thúc đẩy sử dụng các dịch vụ thanh toán, tiêu dùng số cho mọi người dân. Tính đến cuối năm 2023, số người người trưởng thành có tài khoản thanh toán số khoảng 182 triệu tài khoản (87,08%), vượt kế hoạch đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các giao dịch trên kênh số (60%); có nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng số hoá mọi quy trình cho vay nhỏ, lẻ (100%)…
Đặc biệt, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, đến nay, kết quả các giao dịch thanh toán, kinh doanh, thương mại qua các kênh ngân hàng di động/Internet (mobile banking/Internet banking), mã QR tiếp tục tăng trưởng ấn tượng: mobile banking tăng 99,6% số lượng, đạt 59,7% giá trị; Internet banking tăng 76,66% số lượng, đạt 28,38% giá trị; mã QR tăng 233,9% số lượng, đạt 200,54% giá trị.
Cùng với đó, đến nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí cho khách hàng thông qua các công nghệ số như: Nhiều ngân hàng đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự xử lý các giao diện và tăng tính tương tác với ngân hàng (57%); một số tổ chức tín dụng đã và đang triển khai hệ thống kho dữ liệu (data warehouse) (70%), hồ dữ liệu (data lake) (40%)…
Và để có được những kết quả tích cực trên, theo Vụ Trưởng Phạm Anh Tuấn, thời gian qua ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Chuyển đổi nhận thức; ban hành cơ chế; đẩy mạnh phát triển hạ tầng…
Cụ thể, đối với việc chuyển đổi nhận thức, ngành Ngân hàng tập trung vào việc ban hành các chiến lược CĐS; thực hiện đẩy mạnh các quy trình, nghiệp vụ ngân hàng thông qua công cụ, phương thức điện tử…
Việc ban hành cơ chế luôn đổi mới theo hướng mở, sáng tạo, nhất là ưu tiên các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát lĩnh vực Ngân hàng; bổ sung chặt chẽ các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử; văn bản quy phạm pháp luật mở tài khoản tiết kiệm, thẻ ngân hàng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, cho vay...
“Phát triển hạ tầng phục vụ CĐS luôn thường xuyên được nâng cấp, hoàn thiện, hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, không có điểm nghẽn, trễ…”, Vụ Trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ở quan điểm nói về hướng đi phát triển trong tương lai, Vụ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, trong hành trình phát triển ngân hàng số cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhất là các vấn đề về an toàn bảo mật, tăng cường an ninh, phòng, chống các rủi ro tấn công an ninh mạng…
Và để khắc phục những khó khăn, đảm bảo cho sự phát triển ngân hàng số bền vững, theo Vụ trưởng Phạm Anh Tuấn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong thời gian tới cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho CĐS và áp dụng chính sách đặc thù thu hút nhân lực cho CĐS; chú trọng hợp tác với các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, nhất là về lĩnh vực CĐS.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng cần tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy CĐS ngành Ngân hàng; bám sát thực hiện đúng các nội dung, yêu cầu của Đề án 06; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới khách hàng, người dân, doanh nghiệp.
“Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ NH trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả…", Vụ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh./.