Gỡ dần thách thức để chuyển đổi số y tế bớt chậm tiến triển

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:10, 11/05/2024

Lộ trình chuyển đổi số (CĐS) y tế vẫn đang tiến triển một cách chậm chạp. Những thách thức về chính sách, tài chính, nhân lực… đang dần được tháo gỡ.
Chuyển đổi số

Gỡ dần thách thức để chuyển đổi số y tế bớt chậm tiến triển

Ngọc Mai 11/05/2024 07:10

Lộ trình chuyển đổi số (CĐS) y tế vẫn đang tiến triển một cách chậm chạp. Những thách thức về chính sách, tài chính, nhân lực… đang dần được tháo gỡ.

Những thách thức cần tháo gỡ

Chia sẻ tại Diễn đàn “Tương lai của y tế và chăm sóc sức khỏe: Công nghệ thông minh và chuyển đổi số y - dược” vừa diễn ra ngày 9/5 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia thẳng thắn nhận định: Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản về lộ trình CĐS, điển hình như chương trình CĐS ngành Y tế đến năm 2030. Lộ trình thực hiện CĐS đang được thực hiện, tuy nhiên, tiến triển một cách chậm chạp. Rất nhiều chỉ tiêu chưa triển khai được do thiếu nguồn lực. Đây là thách thức mà công tác CĐS y tế cần tháo gỡ thời gian tới.

ong-nguyen-truong-nam-pho-giam-doc-trung-tam-thong-tin-y-te-quoc-gia.jpg
Ông Nguyễn Trường Nam: Rất nhiều chỉ tiêu CĐS y tế chưa triển khai được do thiếu nguồn lực.

Để thúc đẩy nhanh CĐS y tế thì phải có chính sách tốt. Chính sách phải đi trước. Sau khi có chính sách tốt thì câu chuyện tiếp theo sẽ dễ hơn nhiều. CĐS là quá trình lâu dài, ngành Y tế phải mất 5 - 7 năm nữa. Chính sách không ban hành ngay thì còn nhiều vướng mắc”, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và CĐS thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề xuất.

ong-hoang-nguyen-van-pho-vien-truong-vien-sang-tao-va-chuyen-doi-so.jpg
Ông Hoàng Nguyên Vân: Để thúc đẩy nhanh CĐS y tế thì phải có chính sách tốt. Chính sách phải đi trước.

Ông Vân nêu một loạt dẫn chứng. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh không thể chia sẻ, liên thông dữ liệu bởi lúc đầu chỉ triển khai số hóa theo nhu cầu, mong muốn, chưa có hướng dẫn từ Bộ Y tế. Cần phải có thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể hơn về việc chia sẻ, liên thông, bảo mật dữ liệu của ngành Y tế. Dữ liệu y tế phải sạch, an toàn, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, chia sẻ được, trao quyền nhiều hơn cho người bệnh (người dân).

Chúng ta đã có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng chưa có chính sách cụ thể về chia sẻ dữ liệu trong y tế. Bộ Y tế và các bệnh viện lớn đã đứng ra xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL), bây giờ phải có khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu. Nếu không sẽ không triển khai được”, ông Vân quan ngại.

Mặt khác, đối với việc ký số, xác thực, bảo mật, lưu trữ dữ liệu ngành Y tế, hiện giờ ở các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam, mỗi đơn vị làm một kiểu. Cần phải ban hành chuẩn để các bệnh viện triển khai thống nhất đồng bộ thì mới chia sẻ, xác thực được. Không thể mang hồ sơ điện tử in ra giấy đến xin cấp bằng lái xe hoặc đến cơ sở xin việc… Nếu ngành Y tế giải quyết được câu chuyện dữ liệu liên thông, chuẩn hóa, thì sẽ rất tốt cho nhiều ngành khác như bảo hiểm, giáo dục…

“Ở Ấn Độ, trước kia, các kỳ lân xuất hiện nhiều trong ngành ngân hàng, nhưng trong vòng 3 năm nay có sự dịch chuyển sang ngành y tế. Việt Nam đang “chậm chân” do thiếu chính sách
đòn bẩy thúc đẩy startup công nghệ cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực y tế”.

Ông Hoàng Nguyên Vân,
Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và CĐS

Cũng theo ông Hoàng Nguyên Vân, thách thức nguồn nhân lực đang là thách thức số 1 trong ngành Y tế.

Chi phí đầu tư thấp lại đòi hỏi yêu cầu cao khiến ngành Y tế khó tìm được nhân sự tốt làm công nghệ thông tin (CNTT). Người giỏi đang bị hút hết sang một số ngành có mức lương cao như ngân hàng, tài chính... Các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ không đủ kinh phí để trả lương cao như vậy.

Đặc biệt, các bệnh viện cần “kiến trúc sư trưởng” khi triển khai kiến trúc nền tảng y tế số thông minh để tránh “đập đi xây lại” nhiều lần các tiêu chuẩn, rất tốn kém. Nếu không có thì có thể đi thuê “kiến trúc sư trưởng”. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện lớn cũng chưa làm được chuyện này.

Các giám đốc công ty phần mềm đều nói muốn làm cho bệnh viện phải mất rất nhiều thời gian để trao đổi, hiểu quy trình, cứ làm xong lại trục trặc vì phía bệnh viện lại nghĩ ra cái mới. Ngay cả bác sĩ cũng chưa nghĩ hết là CNTT giải quyết cái gì. Công việc phát sinh đòi hỏi phải thay đổi giá dự toán. Trong khi đó, dự án đã đấu thầu thì giá dự toán rất khó thay đổi”, ông Vân chia sẻ.

pgs.ts-doan-ngoc-hai-chu-tich-hoi-dong-truong-dai-hoc-y-te-cong-cong.jpg
PGS. TS. Doãn Ngọc Hải: Giờ không thấy chốt việc phải dành bao nhiêu % doanh thu cho CNTT nữa.

Liên quan câu chuyện đấu thầu, PGS. TS. Doãn Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y tế công cộng kể: “Bây giờ có những công ty vào bệnh viện xong không ra được, cũng không vào được tiếp khi phải chuyển sang đấu thu. Công ty muốn làm tốt thì phải trao đổi thông tin và triển khai trước với bệnh viện. Đến đoạn trả tiền, đấu thầu nếu trúng ngay thì có thể bị coi là thông đồng, có khi bị dính vòng lao lý, còn không trúng thì mất thời gian, công sức của doanh nghiệp (DN)”.

Một vấn đề đáng quan tâm khác được PGS. TS. Doãn Ngọc Hải phản ánh: Trước đã có quy định phải dành tối thiểu 2% tổng doanh thu của bệnh viện cho CNTT. Song được vài bữa, có bệnh viện bảo vẫn không đủ tiền, có bệnh viện kêu 2% thì nhiều quá. 2% doanh thu của Bệnh viện Bạch Mai mấy nghìn tỷ đồng, khác 2% của bệnh viện chỉ có mấy tỷ đồng. Giờ không thấy chốt việc phải dành bao nhiêu % doanh thu cho CNTT nữa.

Bộ Y tế ban hành rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí, nhưng quên mất chuyện khả năng chi trả và lợi ích mang lại. Nếu bệnh viện không có tiền, tại sao không làm cơ chế cho bệnh viện có thể vay tiền để làm việc này, xong trả dần. Ví dụ, vay khoảng 20 năm với lãi suất thấp, cứ mỗi năm trừ đi một tí, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề tiền đầu tư”, ông Hải khuyến nghị.

Bàn thêm về mối lo ngại “trăm hoa đua nở” phần mềm y tế, ông Hải phản biện: “Nếu cho Viettel, VNPT hoặc 1 doanh nghiệp (DN) lớn làm tất cả mọi việc cho ngành Y tế thế còn đâu là thị trường? Quan trọng là bệnh viện người ta sử dụng được tốt hay không, chứ không phải là vấn đề tại sao lại “trăm hoa đua nở”. Nhiều hoa thì đẹp chứ. Vấn đề là cần làm thế nào để người sử dụng biết phần mềm đã được chuẩn hóa, dùng tốt và phù hợp”.

Nỗ lực giải dần những “bài toán khó”

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia Nguyễn Trường Nam, Chính phủ giao Bộ Y tế trong tháng 6 tới phải trình Đề án tổng thể về hạ tầng và ứng dụng CNTT trong y tế, đáp ứng CĐS y tế đến năm 2030.

Bộ Y tế đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.1 và đang tiến tới cập nhật phiên bản 3.0 để trên cơ sở đó hoạch định mô hình kiến trúc chung của ngành Y tế, để các đơn vị trong ngành tuân thủ thống nhất khi triển khai các hạ tầng, hệ thống ứng dụng CNTT.

z5427629804783_fe71810cc91a02a85fa4352fd7f0934a.jpg

4 nhóm giải pháp đang được triển khai nhằm đẩy nhanh tiến trình CĐS y tế.

Một là nhóm giải pháp về thông tin, dữ liệu. Bộ Y tế đã được giao nhiệm vụ phải xây dựng TTDL y tế, trên cơ sở đó quản lý, lưu trữ dữ liệu trong ngành để phục vụ công tác quản lý điều hành cũng như các hoạt động khác trong ngành Y tế.

Dữ liệu y tế gồm đa dạng dữ liệu về trang thiết bị y tế, về sức khỏe bà mẹ trẻ em, môi trường, an toàn thực phẩm…, trong đó, dữ liệu khám chữa bệnh là dữ liệu lớn và trọng yếu. Dữ liệu khám chữa bệnh cần được liên thông chia sẻ và khai thác sử dụng hiệu quả. Bộ Y tế đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công an, qua đó sẽ có sự chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh của người dân.

Hiện có hai đơn vị làm rất tốt là Y Dược TP. HCM và Y Hà Nội, đã chủ động tạo lập hồ sơ điện tử cho người dân tới khám, sau đó, mỗi lần tái khám đều có cập nhật dữ liệu. Thậm chí còn quản lý được dữ liệu của các hộ gia đình tham gia tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, qua đó chăm sóc chủ động cho các hộ gia đình về sức khỏe.

Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an theo Đề án 06 để làm sạch dữ liệu của Bộ Y tế về khám chữa bệnh, từ đó liên thông chia sẻ dữ liệu với các cơ sở Y tế trên toàn quốc. Thông tin liên quan sức khỏe người dân sẽ được Bộ Y tế chia sẻ để xây dựng hệ thống chung dữ liệu quốc gia, giúp người dân có thể dùng định danh cá nhân khai thác các dịch vụ an sinh xã hội nói chung, trong đó có dịch vụ y tế một cách thuận tiện, hiệu quả hơn”, ông Nam thông tin thêm.

Hai là nhóm giải pháp về kết nối. Bộ Y tế phải tạo ra nền tảng để từ đó hình thành các hệ thống dùng chung, dữ liệu dùng chung, danh mục dùng chung, và chuẩn hóa, đảm bảo tính chính xác của các hệ thống đó, chia sẻ để các tổ chức, đơn vị, DN khác cùng kết nối khai thác, sử dụng.

Chính phủ đã giao Bộ Y tế triển khai 4 nền tảng quốc gia lĩnh vực y tế gồm: Quản lý trạm y tế xã, Hồ sơ sức khỏe điện tử, Quản lý tiêm chủng, Hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Đây là các nền tảng tạo môi trường có sẵn các danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành để các DN, cơ sở y tế tham gia kết nối, từ đó dữ liệu được chuẩn hóa, liên thông chia sẻ với nhau. Ngoài ra, còn có một số nền tảng khác để giúp công tác liên thông kết nối chia sẻ dữ liệu của hệ thống trong ngành Y tế được thông suốt.

Dựa trên cơ sở các hệ thống hạ tầng nền tảng Bộ Y tế đã xây dựng, từng địa phương và từng cơ sở khám chữa bệnh cần hoạch định, xây dựng kho dữ liệu số y tế của mình để kết nối thông tin khám chữa bệnh, chia sẻ cho cơ quan quản lý như các sở y tế hoặc cơ quan chính phủ khi cần.

z5427631144933_e27f759edad43dc463316dd97b4a5aed.jpg

“Trước đây, tại các bệnh viện, dữ liệu toàn nằm trên phần mềm, khi cần khai thác thì rất khó khăn, phải mất công truy xuất, tìm kiếm, không đáp ứng công tác quản lý và liên thông dữ liệu. Thời gian tới phải hoạch định lại”, ông Nam lưu ý.

Cũng theo ông Nam, ngành Y tế là ngành đặc thù, dữ liệu y tế có tính chất nhạy cảm, có tính riêng tư rất cao, một số dữ liệu được coi là dữ liệu mật. Khi CĐS có sự liên thông, kết nối dữ liệu cũng đồng thời tiềm ẩn sự rủi ro mất an toàn thông tin (ATTT). Bộ Y tế đã hợp tác với một số đơn vị của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để cùng triển khai hoạt động đảm bảo ATTT khi CĐS y tế.

Ba là nhóm giải pháp về các dịch vụ y tế số. Cần phải có các công cụ, giải pháp giúp gia tăng giá trị trên các hệ thống dịch vụ, nền tảng số để giải quyết được “bài toán” người dân có thể tiếp cận từ xa các dịch vụ y tế mọi lúc mọi nơi.

Nhiều DN đã tham gia triển khai các dịch vụ y tế số. Bộ Y tế đang hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về vai trò của các DN tham gia cung cấp dịch vụ y tế số.

Bốn là nhóm giải pháp về tài chính. Trong bối cảnh đa phần các cơ sở y tế dần bước sang mô hình tự chủ, nguồn tài chính đầu tư rất hạn chế, rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế gần như hoàn toàn phụ thuộc vào công tác khám bảo hiểm, không có các nguồn khác để tái đầu tư.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ dần dần xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, cho phép trong từng hoạt động y tế có cả chi phí CNTT, từ đó giúp các bệnh viện chủ động hơn trong công tác đầu tư ứng dụng CNTT và CĐS./.

Ngọc Mai