Việt Nam quyết liệt chống rửa tiền và xây dựng khung quản lý tài sản ảo
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:48, 13/05/2024
Việt Nam quyết liệt chống rửa tiền và xây dựng khung quản lý tài sản ảo
Thực hiện công tác về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Việt Nam đã nêu rõ 17 hành động, trong đó có việc xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các nhà cung ứng dịch vụ tài sản ảo...
Đánh giá rủi ro về rửa tiền liên quan đến tài sản ảo
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT chiều ngày 13/5/2024, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đã có những trao đổi về giao dịch tiền mã hoá.
Theo bà Thơ, cụm từ “tiền mã hóa” mà hiện nay chúng ta đang sử dụng, thực tế chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tiền mã hóa hay tiền ảo, tài sản ảo.
Tuy vậy, một số tài liệu nghiên cứu cũng như trong một số quy định của Chính phủ, cụm từ “tài sản ảo” đã được sử dụng và cụm từ này hiện được phổ biến rất rộng rãi, bao hàm nhiều vấn đề liên quan.
Về tài sản ảo, lãnh đạo Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN Việt Nam cho biết ở Việt Nam, đứng từ góc độ rủi ro rửa tiền, thời gian qua, NHNN cũng đã phối hợp với rất nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, việc đánh giá rủi ro về tài sản ảo đã được nhấn mạnh và theo thông tin mới nhất, kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trong đó có cấu phần về tài sản ảo, đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Những thông tin cụ thể hơn chắc chắn sẽ được chuyển tải trong thời gian sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ cũng cho biết, trên cơ sở hoạt động về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khuôn khổ cam kết của Chính phủ Việt Nam với Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF), Việt Nam phải thực hiện các hành động liên quan đến tài sản ảo.
Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đã nêu ra 17 hành động, trong đó hành động số 6 nêu rõ Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các nhà cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời cần chứng minh việc thực thi các quy định, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ quy định với thời gian thực hiện là tháng 5/2025.
Ngoài ra, Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra những hành động cụ thể Việt Nam sẽ phải làm.
Cụ thể, xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo, nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó thông qua việc nâng cao hiểu biết của các cơ quan quản lý, giám sát, hiểu rõ rủi ro trong lĩnh vực này thông qua phương pháp đào tạo, phổ biến, nâng cao hiểu biết, nghĩa vụ của các tổ chức cung ứng tài sản ảo về về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Quyết định số 194/QĐ-TTg cũng nêu rõ có các biện pháp xử lý đối với việc không tuân thủ các hành động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
“Việc này rõ ràng có phạm vi rất rộng và hiện nay mặc dù đơn vị đầu mối được đưa ra là Bộ Tài chính nhưng hầu hết các bộ, ngành trong đó có NHNN cũng như Bộ TT&TT, căn cứ chức năng, nhiệm được giao, chắc chắn sẽ phải thực hiện một loạt những hành động để ứng phó với rủi ro, cũng như phải có cơ sở để xác định quy định pháp lý liên quan”, bà Nguyễn Thị Minh Thơ cho biết.
Làm sạch thông tin, dữ liệu để chống lừa đảo trực tuyến
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến và tại sao các đối tượng lừa đảo trực tuyến lại hoạt động một cách công khai và ngang nhiên như vậy, đại diện NHNN Việt Nam cho biết công tác chỉ đạo làm sạch thông tin, phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan để đảm bảo dữ liệu, thông tin thực sự sạch đang được chú trọng.
“Các đơn vị của NHNN cũng như rất nhiều đơn vị đang cùng tham gia làm sạch thông tin, dữ liệu, đồng thời đảm bảo công tác cảnh báo, xử lý được thực hiện nhanh nhất. Sự phối hợp chặt chẽ được tiến hành giữa NHNN, Bộ Công an, Bộ TT&TT cũng như các đơn vị trong NHNN như bộ phận thanh toán, công nghệ thông tin và Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, phòng chống rửa tiền”, bà Minh Thơ nói.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, đào tạo về các phương thức, thủ đoạn, các tổ chức tín dụng liên tục đưa ra cảnh báo cho khách hàng, cập nhật những thủ đoạn mới, đưa ra nhiều kịch bản nhất và trên thực tế đã có rất nhiều thông tin báo cáo được chuyển giao cho các cơ quan chức năng điều tra và xử lý./.