Các startup robot công nghiệp Singapore hướng tới chinh phục thị trường toàn cầu

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:15, 14/05/2024

Từ việc lau sàn tự động đến cánh tay robot trong nhà kho, các công ty khởi nghiệp (startup) về robot của Singapore đang mở rộng quy mô sản xuất và nghiên cứu để thâm nhập vào các thị trường châu Á và hơn thế nữa, hướng đến các doanh nghiệp (DN) đang thiếu hụt lao động.
Khởi nghiệp

Các startup robot công nghiệp Singapore hướng tới chinh phục thị trường toàn cầu

Ngọc Diệp 14/05/2024 06:15

Từ việc lau sàn tự động đến cánh tay robot trong nhà kho, các công ty khởi nghiệp (startup) về robot của Singapore đang mở rộng quy mô sản xuất và nghiên cứu để thâm nhập vào các thị trường châu Á và hơn thế nữa, hướng đến các doanh nghiệp (DN) đang thiếu hụt lao động.

screen-shot-2024-05-13-at-17.41.15.png

Sử dụng robot để nâng cao năng suất và giải quyết bài toán thiếu lao động

Lionsbot, công ty sản xuất robot dọn dẹp, đã thành lập một nhà máy mới tại quận Kranji phía Bắc Singapore vào tháng 4 vừa qua với khoản đầu tư 12 triệu đô la Singapore (8,8 triệu USD), mở rộng dây chuyền sản xuất lên 4.000 sản phẩm mỗi năm, gấp khoảng 5 lần công suất của nhà máy hiện tại. Công ty cho biết nhà máy này là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á về robot dọn dẹp với hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình mở rộng quy mô toàn cầu.

Giám đốc điều hành Dylan Ng cho biết tại sự kiện khai trương vào tháng trước rằng nhà máy mới “sẽ giúp chúng tôi mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình”. Ngoài các thị trường châu Á như Singapore và Nhật Bản, công ty còn phân phối sản phẩm sang thị trường Mỹ và châu Âu, nơi họ đã thành lập các công ty con vào năm ngoái.

Ông Ng nói thêm rằng công ty hy vọng sẽ bán được 2.000 sản phẩm trong năm nay, đạt ít nhất 30 triệu USD tăng gấp đôi doanh thu hàng năm so với năm ngoái.

Được thành lập vào năm 2018, Lionsbot chế tạo robot dọn dẹp tự động cho các văn phòng nhỏ, các trung tâm thương mại và khu công nghiệp lớn như sân bay, nhà kho, bảo tàng và bệnh viện. Công ty cung cấp 4 mẫu robot với mức giá từ 25.000 - 90.000 USD. Một trong những mẫu nhỏ gọn hơn, R3 Scrub, cao 81 cm, dài 60 cm, rộng 45 cm và nặng 60 kg.

Sử dụng cảm biến có độ chính xác cao và các hệ thống AI, robot được lập trình để làm sạch không gian chật hẹp và chỉ cần giám sát từ xa. Người dùng có thể sử dụng các ứng dụng di động để điều khiển đồng thời một đội gồm hàng chục robot trên nhiều tầng và nhận thông tin cập nhật theo thời gian thực về tiến trình của robot.

Các trung tâm khởi nghiệp ở Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore, vốn đã nổi tiếng với các dịch vụ tiêu dùng số như thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên, quốc đảo hiện đang cố gắng thúc đẩy nhiều công ty phần cứng tiên tiến hơn với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu và trường đại học địa phương. Mục tiêu là biến Singapore thành trung tâm của ngành công nghiệp robot, nơi cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Vào tháng 3 vừa qua, chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 60 triệu đô la Singapore vào chương trình robot quốc gia, nhằm khuyến khích áp dụng trên toàn ngành và giúp các công ty tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của họ. Chương trình đã đầu tư hơn 450 triệu đô la Singapore kể từ năm 2016 vào hơn 40 dự án.

Eureka Robotics, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore, chuyên về lĩnh vực phát triển phần mềm và các hệ thống giúp tự động hóa các tác vụ đòi hỏi đồng thời độ chính xác cao và độ nhạy hỗ trợ nhiều ngành nghề gồm quang học, điện tử và ô tô, cũng đang nhắm đến thị trường toàn cầu. Công ty đã lắp đặt các hệ thống và các robot tại các nhà máy ở Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vào tháng 4, công ty đã công bố một dự án chung với công ty liên doanh của nhà sản xuất lốp xe Nhật Bản Bridgestone để phát triển cánh tay robot cho các nhà kho có thể nhặt nhiều đồ vật khác nhau.

Eureka phát triển bộ điều khiển AI để tự động hóa các tác vụ công nghiệp với độ chính xác cao, chẳng hạn như nhặt các vật dễ vỡ như ống kính quang học hoặc linh kiện điện tử nhỏ.

Thế mạnh của công ty nằm ở phần mềm lõi và công nghệ AI có thể kết nối nhiều cánh tay robot khác nhau - ngay cả khi chúng không cùng một các nhà sản xuất - bằng cách sử dụng máy ảnh 3D và cảm biến để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt.

“Chúng tôi cung cấp bộ não và đôi mắt cho cánh tay robot”, CEO Phạm Quang Cường nói với Nikkei Asia. "Chiến lược của chúng tôi là hợp tác với các nhà sản xuất phần cứng và bán chúng dưới dạng hệ thống tích hợp cho các công ty khác".

Tận dụng lợi thế để mở rộng thị trường ra nước ngoài

Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về phần cứng robot và có đội robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 52% trong số 550.000 robot công nghiệp mới được lắp đặt trên toàn cầu, do tận dụng lợi thế quy mô lớn giúp giảm chi phí sản phẩm hơn.

Hai Robotics, một công ty khởi nghiệp chuyên về robot kho hàng có trụ sở tại Thâm Quyến, nằm trong số các công ty Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sang Đông Nam Á, một thị trường thương mại điện tử và kho vận đang bùng nổ.

Năm 2022, công ty đã khai trương trung tâm demo logistics đầu tiên ở Đông Nam Á tại Đại học Bách khoa Singapore, ở Singapore. Với sự ra mắt của trung tâm tại Singapore, Hai Robotics đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp kho thông minh ở Đông Nam Á, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng lâu dài đối với các khách hàng trong khu vực.

Được thành lập vào năm 2016, khách hàng của công ty bao gồm nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely, Tập đoàn LG của Hàn Quốc, nhà sản xuất công nghiệp GE của Mỹ và hãng vận tải Maersk của Đan Mạch.

Tại Đông Nam Á, Hai Robotics cho biết họ đã nhận được khoảng 20 - 30 đơn đặt hàng dự án mới vào năm ngoái từ các công ty địa phương và đa quốc gia đang tìm cách tự động hóa việc xử lý bưu kiện. Tại một sự kiện gần đây, Nathan Zeng, người đứng đầu thị trường khu vực của công ty, nói với Nikkei Asia rằng công ty đang tìm cách tăng gấp đôi số lượng dự án mới trong năm nay.

Do chi phí vận hành cao hơn, các công ty chế tạo robot của Singapore gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc về giá. Vì vậy, các công ty Singapore đang nhắm tới các thị trường phát triển hơn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nơi nhu cầu về tự động hóa đang ngày càng tăng lên do chi phí nhân công đắt đo và thiếu hụt lao động.

Ở những nơi như Mỹ, một số khách hàng rất lo ngại về [vi phạm] dữ liệu, vì vậy điều đó giúp ích cho chúng tôi”, ông Ng nói và cho biết thêm rằng robot sản xuất tại Singapore có lợi thế hơn về độ tin cậy khi nhiều quốc gia ưu tiên bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.

"Chuỗi cung ứng và chi phí thấp của Trung Quốc đã tạo dựng được vị thế lớn. Rất khó để cạnh tranh với họ bằng cách làm giống hệt nhau", CEO Eureka Phạm Quang Cường nói với Nikkei Asia. "Công nghệ AI độc quyền của chúng tôi cho phép chúng tôi tạo nên sự khác biệt".

Những người theo dõi ngành cho rằng việc mở rộng ra nước ngoài là chìa khóa cho các công ty khởi nghiệp Singapore như Lionsbot và Eureka. Kiran Mysore, hiệu trưởng tại Đại học Tokyo Edge Capital Partners (UTEC), cho biết Singapore đóng vai trò là "nơi thử nghiệm tốt" để cải tiến và hoàn thiện sản phẩm của họ, mặc dù việc tiếp cận thị trường vẫn là "thách thức đáng kể" đối với các công ty muốn phát triển.

Mysore nói với Nikkei Asia: “Các công ty khởi nghiệp ở Singapore có thể đạt được sự tăng trưởng bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất Nhật Bản, những công ty đã có sự hiện diện đáng kể ở Đông Nam Á”, “và có khả năng mở rộng sang Nhật Bản, một trong những thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới”./.

Ngọc Diệp