Đề xuất thí điểm thành lập trường đại học số để giải bài toán "hụt nhân lực"

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:12, 14/05/2024

Bộ TT&TT đề nghị Bộ GD&ĐT ủng hộ đề xuất Chính phủ thí điểm thành lập các trường đại học số, qua đó thúc đẩy giáo dục số cũng như giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam.
Chuyển đổi số

Đề xuất thí điểm thành lập trường đại học số để giải bài toán "hụt nhân lực"

Ánh Dương 14/05/2024 08:12

Bộ TT&TT đề nghị Bộ GD&ĐT ủng hộ đề xuất Chính phủ thí điểm thành lập các trường đại học số, qua đó thúc đẩy giáo dục số cũng như giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam.

Chiều ngày 13/5, Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” do Trường Đại học (ĐH) Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội, đồng thời kết nối trực tuyến với 150 điểm cầu.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các bên liên quan trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miền, thúc đẩy học tập suốt đời của cả xã hội và các cá nhân. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn nhận các vấn đề, thực trạng, các yêu cầu từ thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Thúc đẩy CĐS trong giáo dục, tạo cơ hội bình đẳng và học tập suốt đời

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, CĐS trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

b8fbabac627ac3249a6b.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu đó có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Các cấp quản lý có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng CNTT và CĐS GD&ĐT trong tổng thể chương trình CĐS quốc gia.

Cùng với đó, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội, bởi, lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu để đánh giá mức độ thành công của công cuộc CĐS trong GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số và nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Điều này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện CĐS và ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, thường xuyên và các thiết chế văn hóa khác.

Mặc dù, trong thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực trong CĐS nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, cần nhìn nhận một cách thấu đáo, đánh giá đúng hiện trạng để đề xuất các giải pháp đem lại kết quả thiết thực, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cung cấp nhân lực với đầy đủ năng lực, kỹ năng, thái độ đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, trong đó có các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí để được công nhận là ĐH thông minh, ĐH số; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... Những vấn đề này cần được làm sáng tỏ trong thời gian sắp tới.

“Và một lần nữa cần khẳng định lại rằng, để có thể thành công trong công cuộc CĐS trong GD&ĐT, cùng với sự quyết liệt của các cơ quan Trung ương, cần có sự tham gia tích cực của các cơ sở GD&ĐT ở các cấp bậc, của các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương, của cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Sẽ đề xuất thí điểm thành lập các trường đại học số

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm nhấn mạnh: “Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, chúng ta có thể tin tưởng vào việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thông qua giáo dục mở với ứng dụng công nghệ số, qua đó khắc phục được nhiều hạn chế của giáo dục mở trước đây”.

b6321d66d4b075ee2ca1(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, chúng ta có thể tin tưởng vào việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thông qua giáo dục mở với ứng dụng công nghệ số.

Theo đó, Thứ trưởng Phan Tâm đề cập đến các vấn đề cần giải quyết như phát triển giải pháp công nghệ cho các bên liên quan đến giáo dục mở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với giáo dục mở, phát triển tài nguyên giáo dục mở, ứng dụng công nghệ số để nâng cao và đảm bảo chất lượng sư phạm trong giáo dục, lựa chọn mô hình CĐS giáo dục phù hợp, hoàn thiện thể chế để xã hội công nhận và thừa nhận rộng rãi giáo dục mở hơn nữa.

Thứ nhất, về vấn đề phát triển giải pháp công nghệ cho các chủ thể, đối tượng tham gia và các bên có liên quan trong giáo dục mở, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng giải pháp công nghệ là yếu tố giúp định hình trải nghiệm học tập, nâng cao chất lượng giáo dục nhưng công nghệ cũng luôn đi đôi với chi phí. Nếu chi phí cao quá thì vô tình tạo ra rào cản cho việc tham gia học tập của đông đảo người dân. Lựa chọn một giải pháp công nghệ không chỉ đơn thuần là vấn đề công nghệ mà còn là lựa chọn mô hình hoạt động hoàn toàn khác so với mô hình hoạt động truyền thống.

Để tham gia giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT đã nghiên cứu và ban hành phiên bản đầu tiên về bản đồ công nghệ trong giáo dục số. Bản đồ này có thể phục vụ cho các nhà hoạch định chiến lược giáo dục, nhà quản lý giáo dục, và các tổ chức giáo dục để có được một cách nhìn tổng quan hơn về sự phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục.

“Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) công nghệ số đồng hành cùng với hai Bộ, các cơ sở giáo dục để thúc đẩy phát triển các ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; đặc biệt là các nền tảng giáo dục số để đưa công nghệ số vào giáo dục với mức chi phí phù hợp với khả năng tiếp cận của đa số người dân”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Đối với vấn đề nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận với giáo dục mở, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, ngành TT&TT sẽ phải tiếp tục thúc đẩy phổ cập hạ hầng số cũng như kỹ năng số.

Về hạ hầng số, hiện nay, Bộ TT&TT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng đã bắt đầu triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT với quan điểm hạ tầng TT&TT là hạ tầng số cho CĐS quốc gia, mở ra không gian phát triển mới theo các phương thức mới cho kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo và các hoạt động học tập suốt đời, qua đó tạo ra môi trường thuận lợi để xây dựng kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ xóa bỏ vùng lõm sóng di động, đồng thời tiếp tục phổ cập các thiết bị đầu cuối thông minh, hạ tầng Internet tốc độ cao thông qua chương trình viễn thông công ích để đảm bảo trên mọi vùng miền của đất nước, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục số.

Về đào tạo kỹ năng số, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT, cùng các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đề án xác định rõ quan điểm phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình CĐS, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.

“Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành khác để tổ chức thực hiện và thúc đẩy tổ chức thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp trực tiếp liên quan đến việc phổ cập kỹ năng số”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Về phát triển tài nguyên giáo dục mở, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, để thúc đẩy phát triển tài nguyên giáo dục mở việc đầu tiên cần phải làm là số hóa và mở dữ liệu. Bộ TT&TT đề nghị Bộ GD&ĐT cùng phối hợp chặt chẽ hơn trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách về dữ liệu; đặc biệt là dữ liệu liên quan đến giáo dục.

Cụ thể, chúng ta cần những quy định về hình thức sở hữu dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu, chính sách mua bán dữ liệu liên quan đến học liệu số, học liệu mở, đưa dữ liệu trở thành loại tài sản được pháp luật bảo vệ, tạo ra thị trường dữ liệu; Xây dựng các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của các đơn vị vận hành các nền tảng giáo dục số, các quy định, hệ thống giao dịch điện tử trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ và giao dịch các học liệu số. Bên cạnh đó, là các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn các danh mục lưu trữ, kết nối, chia sẻ các dữ liệu mở, trong đó có các học liệu số.

Đối với vấn đề ứng dụng công nghệ số để nâng cao đảm bảo chất lượng sư phạm trong giáo dục, Thứ trưởng Phan Tấm nhấn mạnh, trong bối cảnh nào, với công nghệ nào thì chất lượng sư phạm vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động giáo dục. Do vậy, hoạt động đánh giá, kiểm thử các nền tảng giáo dục số theo các yêu cầu về chất lượng sư phạm cần được quan tâm hơn nữa. Do đó, hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để đánh giá, kiểm thử các nền tảng giáo dục số cũng như các phần mềm số đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng mong muốn được đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức đánh giá, công bố xếp hạng các cơ sở GD&ĐT theo các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt chú trọng đến các chuẩn mực về CĐS trong giáo dục. “Điều này là cần thiết để tạo ra sự minh bạch đối với người học, thúc đẩy các cơ sở giáo dục cạnh tranh, đẩy mạnh hơn nữa CĐS và thu hút các nguồn lực xã hội để nâng tầm chất lượng sư phạm”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Về lựa chọn mô hình CĐS giáo dục sao cho phù hợp, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định mô hình CĐS giáo dục là rất quan trọng. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình khác nhau như CĐS các trường ĐH truyền thống hoặc xây dựng các trường ĐH số hoàn toàn mới.

Với thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, Bộ TT&TT đã xây dựng và đề xuất khung kiến trúc công nghệ cho ĐH số và cũng đã chia sẻ với Bộ GD&ĐT, trong đó có các bộ phận cụ thể gợi ý cho các trường ĐH khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong đơn vị của mình.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các DN, tập đoàn công nghệ số lớn như FPT, Viettel, VTC… tham gia phát triển những giải pháp hỗ trợ cho giáo dục, trong đó có giáo dục số. Các trường ĐH, cơ sở giáo dục có nhu cầu, Bộ TT&TT sẵn sàng chỉ đạo các DN, các đơn vị tham mưu hỗ trợ trong việc lựa chọn các giải pháp công nghệ, các mô hình chuyển đổi phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT mong muốn được sự ủng hộ, phối hợp của Bộ GD&ĐT trong việc đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường ĐH số, qua đó thúc đẩy một cách thực chất giáo dục số và giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam.

Cuối cùng, để xã hội công nhận và thừa nhận rộng rãi hơn giá trị giáo dục mở, đại học số, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng thể chế là quan trọng và thể chế phải đi trước một bước, tạo ra không gian, cũng như nguồn lực để phát triển.

Nếu không có thể chế chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, khuyến khích, như vậy rất khó để hiện thực hóa việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là lĩnh vực, nội dung mà hai Bộ nên phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo ra được bước đột phá về thể chế cho giáo dục mở, qua đó thực sự hiện thực hóa tư tưởng của Hồ Chí Minh về học nữa, học mãi trong kỷ nguyên số đó là mọi người có thể học được mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu của mình, và phù hợp với năng lực của mình”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định./.

Ánh Dương