Đấu giá băng tần 700MHz sớm nhất trong năm 2024
Diễn đàn - Ngày đăng : 11:11, 14/05/2024
Đấu giá băng tần 700MHz sớm nhất trong năm 2024
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) - Bộ TT&TT thông tin đến báo chí về việc đấu giá khối băng tần C3 cho 5G và băng tần 700MHz để đẩy nhanh phủ sóng 4G tại các vùng sâu, biên giới hải đảo.
Sớm đấu giá khối băng tần C3 và 700MHz
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2024 của Bộ TT&TT (tổ chức ngày 13/5), Cục trưởng Lê Văn Tuấn cho biết hiện, Cục Tần số VTĐ đang nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng tần số 700 MHz để tham mưu, trình Bộ TT&TT về chủ trương đấu giá, cấp phép sử dụng băng tần 700MHz cho doanh nghiệp (DN) triển khai 4G/5G trong thời gian tới, dự kiến sớm nhất là trong năm 2024.
Về lý thuyết, để hiệu quả, 4G, 5G cần cả 2 loại băng tần: Băng tần dùng nâng cao tốc độ truy nhập (băng tần cao) và băng tần nâng cao chất lượng vùng phủ sóng (băng tần thấp). Hiện nay, các nhà mạng chủ yếu sử dụng các băng tần 1800MHz, 2100MHz cho 4G, đây là các băng tần thiên về nâng cao tốc độ truy nhập.
Nhà mạng có thể sử dụng băng tần thấp được cấp như băng tần 900MHz để sử dụng cho 4G. Thực tế, do chiến lược đầu tư hạ tầng của mỗi DN khác nhau, nên có DN sử dụng một phần băng tần này cho 4G, có DN dùng hoàn toàn cho công nghệ khác.
Vừa qua, Bộ TT&TT thực hiện đấu giá các khối băng tần thuộc nhóm băng tần trung (mid-band), nhưng vẫn cần băng tần thấp để sau này triển khai 5G Standalone (SA). Việc có thêm băng tần thấp như băng tần 700MHz giúp một số DN vừa cải thiện chất lượng phủ sóng, đặc biệt là phủ sóng trong nhà, vừa giúp tăng thêm tốc độ truy nhập của 4G.
Ông Lê Văn Tuấn cũng thông tin về kế hoạch tổ chức đấu giá lại khối băng tần C3 (3800 - 3900MHz) cho 5G, trước đó hồi tháng 3/2024 đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số VTĐ đối với khối băng tần B1 (2500 - 2600MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800MHz).
Bộ TT&TT đang triển khai các thủ tục theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức đấu giá lại khối C3. Hiện, Bộ TT&TT đã ra quyết định xác định mức thu cơ sở đối với khối băng tần C3. Sau khi phê duyệt mức thu cơ sở, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các bước theo quy định để đấu giá.
Giá trị của băng tần 700MHz
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), băng tần 700 (698 - 806)MHz khi sử dụng cho di động đáp ứng vùng phủ sóng rộng lớn hơn băng tần cao hiện nay nên sẽ rất có lợi khi phủ sóng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tại Việt Nam, băng tần 700MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Tuy vậy, hệ thống này đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (ban hành tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Từ 0h ngày 28/12/2020, Việt Nam đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trên cả nước và băng tần 700MHz đã được giải phóng để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT.
Ngày 25/12/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần 694 - 806MHz cho hệ thống thông tin di động của Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2020. Theo đó, băng tần 694 -806 MHz được quy hoạch cho triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo. Băng tần 700 MHz được quy hoạch 3 khối song công phân chia theo tần số, mỗi khối có độ rộng 10MHz.
Theo Cục Tần số VTĐ, việc quy hoạch băng tần 700MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của DN viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: DN có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi./.