Giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Diễn đàn - Ngày đăng : 06:15, 20/05/2024
Giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có, đã, đang và sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành này cũng đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực.
Với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản, mà cần nhiều nỗ lực triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Việt Nam có dân số trẻ, có quy mô dân số lớn, có lợi thế phát triển nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Công cụ hỗ trợ thiết kế các sản phẩm bán dẫn ngày càng phổ biến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), DN nhỏ và vừa tham gia thị trường công nghiệp bán dẫn. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng để cung cấp dịch vụ sản xuất cho công nghiệp bán dẫn, xây dựng thương hiệu Việt Nam về bán dẫn.
Giải bài toán thiếu nhân lực bán dẫn trong nước, tham gia thị trường toàn cầu
Bộ TT&TT đang xây dựng “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó, Bộ TT&TT xác định nhân tài là nền tảng của công nghiệp bán dẫn, lấy nhân lực là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quyết định để tự chủ, trở thành trung tâm nhân sự bán dẫn toàn cầu ở tất cả các công đoạn.
Chia sẻ tại tọa đàm của hội thảo “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” được Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học (ĐH) Phenikaa phối hợp với Synopsys và Arizona State University tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) nhấn mạnh, điểm chính của chiến lược này là tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo và năng suất, bao gồm thiết lập một hệ sinh thái với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các trường ĐH, cùng với các dây chuyền thí điểm và nhiều dự án mẫu, để có thể vừa đóng góp vào thiết kế vi mạch, các dịch vụ thiết kế vi mạch cũng như hoạt động đóng gói và thử nghiệm.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” hiện đang trình Chính phủ phê duyệt.
Theo dự thảo Đề án được ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT mới đây cho biết Bộ TT&TT có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Để triển khai thực hiện, Bộ TT&TT dự kiến phối hợp với Bộ KH&ĐT triển khai các nội dung thuộc Đề án đảm bảo bám sát mục tiêu của chiến lược liên quan về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết của các DN công nghệ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Cũng chia sẻ tại Hội thảo “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, PGS. TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phenikaa nhận định, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.
Từ thực tế đó, các trường ĐH cũng không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và Trường ĐH Phenikaa cũng vậy. Trường ĐH Phenikaa là một trong những trường ĐH tiên phong mở các ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt, Tập đoàn Phenikaa đã thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn với mục tiêu lâu dài góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ĐMST để hợp tác hiệu quả với DN bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu.
Trường ĐH Phenikaa cũng bắt đầu đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo ĐH chính quy từ năm 2024 - 2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả với sự hợp tác với các đối tác chiến lược.
Nhấn mạnh về cam kết đào tạo nhân lực chất lượng cao của Phenikaa, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn nhấn mạnh: “Thành lập công ty bán dẫn Phenikaa và Trung tâm đào tạo chính là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh đầy đủ về tổ hợp kinh doanh của Tập đoàn Phenika trong ngành bán dẫn, bao gồm đào tạo, cung cấp dịch vụ và thiết kế SoC (System on Chip). Và điều đó tạo ra động lực, trách nhiệm và cam kết cho những hành động tốt hơn, hiệu quả hơn và nhanh hơn của Phenikaa”.
Với sự đầu tư nghiêm túc và bài bản cho đào tạo chuyên ngành vi mạch, mục tiêu của Tập đoàn Phenikaa và Trường ĐH Phenikaa không chỉ là tham gia giải bài toán thiếu nhân lực bán dẫn trong nước mà hướng tới chuẩn mực quốc tế, để các học viên sẵn sàng tham gia thị trường toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề thu hút nhân tài cho ngành, từ kinh nghiệm làm việc và giảng dạy lâu năm trong ngành, GS. TS. Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện CNTT (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết để thu hút được nhân tài, đầu tiên là phải tạo môi trường tốt cho nhân tài - nhân tài cần môi trường. Thứ hai, tạo ra các ưu đãi, mô hình khuyến khích tốt bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu tùy thuộc vào công ty, tổ chức. Cuối cùng, các giáo sư, giảng viên nên tham gia tích cực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch để động viên sinh viên tham gia và tuyển thêm nhân tài cho lĩnh vực này.
GS. TS. Trần Xuân Tú đề xuất: “Chúng ta cũng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và khối DN. 10 năm trước, khi chúng tôi tiến hành giảng dạy thiết kế vi mạch, rất ít người hiểu và ủng hộ. Tuy nhiên, ngày nay được sự hỗ trợ của Chính phủ cùng với hành động của các công ty, mọi người biết về thiết kế vi mạch đều muốn làm điều gì đó để phát triển thiết kế vi mạch và bán dẫn hoàn toàn tại Việt Nam”.
Cũng chia sẻ về kinh nghiệm thu hút nhân tài chất lượng cao, GS. Tang, Hiệu trưởng ĐH Chang Gung, người có kinh nghiệm và thời gian gắn bó tương đối dài với ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan và Hoa Kỳ nhận định, muốn thu hút nhân tài điều quan trọng nhất cần có là những ưu đãi mạnh mẽ và ưu đãi tốt nhất là cổ phiếu.
Thông thường, tại Đài Loan, công ty thiết kế vi mạch sẽ chia cho nhân viên 20% tổng lợi nhuận để khuyến khích thu hút nhân viên. Công ty sẽ không trao tiền mặt mà sẽ đưa ra cổ phiếu dựa trên giá trị từng nhân viên mang lại. Ông Tang cho rằng đó chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút những nhân tài chất lượng cao tham gia vào lĩnh vực bán dẫn và ngành bán dẫn nói chung ở Đài Loan.
Hoa Kỳ đồng hành cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Konstantin Dubrovsky, Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng và đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt trong ngành bán dẫn và các ngành công nghiệp then chốt khác trên toàn cầu.
Theo ông Konstantin Dubrovsky, đó là một trong những lý do sau khi nâng cấp mối quan hệ lên đối tác toàn diện, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và phát triển hệ sinh thái công nghệ bán dẫn - một trong những thỏa thuận quan trọng nhất mà hai quốc gia đã ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Biden.
Ông Konstantin Dubrovsky nhấn mạnh đầu tư vào giáo dục là vô cùng quan trọng. Hoa Kỳ đã phát triển nhiều chương trình học bổng nhằm thúc đẩy giáo dục STEM, mở rộng các chương trình di động và triển khai các chương trình nghiên cứu dành cho nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật.
Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng sẽ hỗ trợ mở rộng quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và các tổ chức giáo dục ĐH ở Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn.
Cụ thể, Hoa Kỳ đã phân bổ hơn 4 triệu USD cho các chương trình mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, USAID nhằm cải thiện và nâng cao nguồn nhân lực. Khoản tài trợ này bao gồm tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD cho Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI), để bắt đầu triển khai các chương trình giáo dục mục tiêu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời triển khai 5 học bổng mới cho các chương trình Tiến sĩ hiện tại, hỗ trợ nghiên cứu thêm 10 tháng tại các tổ chức của Hoa Kỳ.
Tháng 2/2024, Vụ Kinh tế và Thương mại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao thỏa thuận hợp tác trị giá gần 14 triệu USD cho ĐH Bang Arizona (ASU) trong khuôn khổ Quỹ ITSI được thành lập bởi Đạo luật CHIPS (CHIPS Act of 2022), để thúc đẩy hệ sinh thái phát triển nguồn nhân lực ở các đối tác quan trọng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của quỹ là đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, tăng cường an ninh và thúc đẩy đổi mới.
Chia sẻ quan điểm về đào tạo nhân lực bán dẫn, ông Konstantin Dubrovsky nhận định rằng: “Vai trò của chính phủ và các trường ĐH thôi là chưa đủ. Cam kết của các DN Hoa Kỳ như Synopsys, đã thể hiện những đóng góp của khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và lực lượng lao động của Việt Nam”.
Ông Konstantin Dubrovsky cũng nhận định nền tảng để phát triển lĩnh vực này chính là khung pháp lý vững chắc. Chỉ có sinh viên giỏi, các DN quan tâm thôi là chưa đủ. Cần phải tạo ra hệ sinh thái để thu hút các loại hình đầu tư như các ưu đãi đầu tư bảo vệ sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý kiểm soát thương mại, cơ sở hạ tầng CNTT đáng tin cậy, an toàn…
Đồng tình quan điểm này, PGS. TS. Hồ Xuân Năng cũng cho rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan Nhà nước - các viện, trường ĐH và các DH trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.
Theo ông Konstantin Dubrovsky, phía Hoa Kỳ đang xúc tiến triển khai xây dựng Mạng lưới Đối tác Thúc đẩy Công nghệ hàng đầu và Điện tử (DELTA) và hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&ĐT cùng các bên liên quan khác để triển khai dự án, tận dụng các khoản đầu tư hiện có và xây dựng thêm nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đầu tư điện tử cao cấp. Tất nhiên điều này không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam để xây dựng hệ sinh thái này trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch của Trường ĐH Phenikaa
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Phenikaa công bố tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: “Thiết kế vi mạch bán dẫn”, “Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói”.
Sinh viên theo học các chương trình này sẽ được trang bị kiến thức cơ sở cốt lõi và chuyên sâu về thiết kế mạch tương tự, mạch số và mạch hỗn hợp; thực hành đóng gói và kiểm chuẩn chip tại các phòng thí nghiệm của Trường; được giới thiệu thực tập tại các tập đoàn đóng gói và kiểm chuẩn chip hàng đầu tại Việt Nam. Các học phần về thiết kế chip bán dẫn được xây dựng trên cơ sở hệ thống bài giảng của Synopsys, sử dụng hệ thống siêu máy tính và phần mềm thiết kế chip hiện đại của Synopsys. Các học phần về đóng gói và kiểm chuẩn chip bán dẫn được thiết kế
trên cơ sở tham khảo và đối sánh với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới như chương trình của Arizona State University, Purdue University (Hoa Kỳ), Chip Integration Technology Center (Hà Lan)…/.